Mỗi lần nhắc đến chò nâu và người họ hàng gần gũi của nó — cây sao — tôi lại dừng lại để ngẫm nghĩ. Những thân cây đồ sộ, trơ trụi vươn cành cao lên trời trước khi bung tán lá rộng lớn vốn có nguồn gốc từ vùng cao nguyên. Vào thế kỷ 19, người Pháp đã đưa chúng về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nơi chúng được chăm bón, rồi từ đó nhân rộng ra khắp các khu vực thuộc địa, bao gồm cả Trà Vinh. Ngày nay, những cây sao không chỉ mang lại bóng mát, vẻ đẹp mà còn khơi gợi những suy tư về di sản, về vai trò của thiên nhiên trong sự áp bức lẫn tự quyết của loài người.
Thoạt nhìn, hàng cây sao bao quanh ao Bà Om khiến người ta liên tưởng đến tường thành của một lâu đài kiên cố. Nhưng thực tế, những hàng cây uy nghi này chỉ đơn thuần được trồng để làm đẹp cảnh quan, theo thẩm mỹ mà người Pháp đã hình dung.
Thế nhưng, ao nước nhân tạo này đã có từ rất lâu trước khi những cây sao xuất hiện hay người Pháp đặt chân tới đây. Theo truyền thuyết Khmer, Ao Bà Om là thành quả của một nhóm phụ nữ trong cuộc thi với đàn ông để quyết định tục lệ cưới xin. Câu chuyện này, vốn ca ngợi sự chăm chỉ của phái nữ, kể rằng các chị em đã hoàn thành công việc nhờ nỗ lực bền bỉ, trong khi các anh chỉ biết chè chén say sưa hoài phí tháng ngày.
Dù vẫn còn nhiều người Khmer sinh sống trong khu vực, vùng đất này hiện thuộc lãnh thổ Việt Nam. Dĩ nhiên, những cây sao ở đây chẳng hề hay biết điều đó, cũng như chúng không nhận thức được rằng miền Tây không phải là nơi “thiết kế” dành riêng cho mình. Những bộ rễ ngoằn ngoèo, trồi lên khỏi mặt đất — thứ khiến chúng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội — thực chất chứng tỏ rằng chúng không tiến hóa để phù hợp với môi trường này. Ở nơi quê hương nguyên bản, kiểu rễ này sẽ khiến cây dễ bị quật ngã bởi những cơn bão lớn.
Thế nhưng, cây sao vẫn phát triển mạnh mẽ tại Trà Vinh, đóng góp giá trị to lớn cho thành phố, đồng thời trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Tầm quan trọng của chúng được thể hiện qua việc chính quyền đang trồng thêm cây mới để thay thế những cây già cỗi dần chết. Những cây non mảnh khảnh, được chống đỡ bằng dây và cọc gỗ tạm bợ, giờ đây giờ đây đang lớn lên bên cạnh những thân cây sao cổ thụ.
Tuần trước, khi ghé thăm nơi này, tôi bắt gặp một nhóm người Khmer đang tổ chức dã ngoại dưới bóng những cây sao cổ thụ, một khung cảnh mà có lẽ con cháu họ cũng sẽ được tận hưởng, nhờ vào những cây sao mới đang lớn dần. Quốc tịch của những người đã gieo trồng hàng cây sao ấy lẽ ra không nên ảnh hưởng đến cảm giác an yên mà bóng mát của chúng mang lại. Tôi tự hỏi liệu người Việt dưới thời Pháp thuộc có từng thư thái tận hưởng bóng cây sao như vậy hay không. Có lẽ, chỉ khi đã chiến thắng những kẻ áp bức mình, ta mới có thể cảm nhận nghệ thuật của họ mà không còn vướng bận tội lỗi hay giận dữ. Dẫu vậy, nghệ thuật mà thiên nhiên kiến tạo luôn vượt xa những gì con người có thể tạo ra.
[Ảnh bìa: Báo Lao Động]