Trước những hệ quả “tất lẽ dĩ ngẫu” của tình trạng biến đổi khí hậu, đâu là giải pháp khả thi nhất để bảo vệ môi trường sống của chúng ta?
Câu trả lời phổ biến nhất là đắp đê biển hoặc những công trình ngăn nước biển tương tự. Sử dụng pin mặt trời cũng là một phương án. Ngoài ra còn có một số giải pháp “viễn tưởng” hơn, như xây dựng thành phố nổi trên biển, hay di tản toàn bộ loài người khỏi Trái Đất giống như phim Interstellar.
Tất cả các cách trên đều có hiệu quả nhất định trong việc bảo vệ các cộng đồng dân cư ven biển và giảm khí thải CO2. Tuy nhiên, chúng ta đã có sẵn một giải pháp phi thường mà rất đỗi gần gũi đến từ tự nhiên, đó là các loài thực vật ngập mặn.
Thực vật ngập mặn nảy mầm từ lớp bùn nguyên sinh trên Trái Đất cách đây 75 triệu năm. Ngày nay, các loài thực vật này phân bố trên khắp thế giới, hầu hết là ở các vùng địa lý nằm giữa hai vĩ tuyến 30 độ Bắc và 30 độ Nam, và đặc biệt tập trung nhiều nhất ở khu vực trong vòng 5 độ tính từ đường xích đạo.
Có thể bạn chưa biết:
Thực vật ngập mặn nảy mầm từ lớp bùn nguyên sinh trên Trái Đất từ 75 triệu năm trước.
Hiện nay, giới chuyên môn đã thống kê được 110 loài thực vật ngập mặn, trong đó có 54 loài được xếp loại “thực vật ngập mặn chính thức” (true mangrove) vì chỉ sinh trưởng trong rừng ngập mặn. Đến đây người viết cũng xin làm rõ các cách gọi trong bài: cụm từ "rừng ngập mặn" được dùng để nói về quần thể sinh vật ngập mặn — bao gồm cả các loài thực vật không phải là “thực vật ngập mặn.” Điển hình cho quần thể này là Rừng Cần Giờ tại Sài Gòn.
Trong khi đó, “thực vật ngập mặn” là tên gọi chung cho các loài cây ngập mặn như cây đước (Rhizophora apiculata). Đây là loài cây ngập mặt phổ biến nhất ở Việt Nam, với bộ rễ đặc trưng có thể nhìn thấy được khi thủy triều xuống. Hệ thống rễ chống toả ra từ rễ cọc khiến ta dễ liên tưởng đến một chiếc ô.
Thực vật ngập mặn ở Việt Nam
Khu vực Đông Nam Á là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng nhất thế giới. Việt Nam, với đường bờ biển nhiệt đới trải dài, là một trong những quốc gia chủ chốt của môi trường sống này. Nước ta có những cánh rừng ngập mặn rộng lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau và Trà Vinh. Ngoài ra, Cần Giờ ở Sài Gòn thường được ví von là “lá phổi xanh” của thành phố vì có khu rừng ngập mặn bạt ngàn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hệ sinh thái này còn xuất hiện ở gần Hồ Tràm, Quy Nhơn và Huế, cũng như ở Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, thực vật ngập mặn đang bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vì ngày càng có nhiều nhà phát triển du lịch và bất động sản nhắm đến khu vực ven biển nơi các loài cây này sinh sống. Ví dụ cụ thể có thể kể đến một số dự án quy hoạch ở Cần Giờ và Cát Bà.
Thực vật ngập mặn đang bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Quan sát bằng Google Maps, ta sẽ thấy diện tích rừng ngập mặn bên dưới Cầu Thị Nại ở Quy Nhơn đang dần nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Trước đó vào thời chiến, bom đạn đế quốc cũng đã hủy hoại nhiều khoảng rừng ngập mặn ở miền Nam, khiến Cần Giờ trở thành vùng đất cằn cỗi, phải mất nhiều thập kỷ mới có thể phần nào phục hồi lại được.
May thay, vẫn có nhiều tổ chức đang nỗ lực mở rộng rừng ngập mặn ở Cà Mau và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc. Không những thế, cộng đồng cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của những cánh rừng trong việc bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nước biển dâng cao, bão và hiện tượng nước dâng do bão, đồng thời giúp giảm lượng carbon trong khí quyển.
Theo thông tin từ Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, lớp đất dưới bộ rễ của các loài cây ngập mặn giúp “hấp thụ một lượng lớn các-bon […] ngăn không cho chúng xâm nhập vào khí quyển.”
Lớp đất dưới bộ rễ của các loài cây ngập mặn giúp hấp thụ một lượng lớn các-bon, ngăn không cho chúng xâm nhập vào khí quyển.
Nhờ độ phủ bề mặt cao, rừng ngặp mặn còn có thể làm giảm tác động của nước lũ lên đất liền khi biển động vì bão. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những khu vực có rừng ngập mặn bao quanh ở Indonesia ít chịu thiệt hại do thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 hơn so với những nơi bờ biển không có lớp phòng hộ tự nhiên này.
Các bờ biển của Việt Nam gần như không phải đối mặt với nguy cơ sóng thần, nhưng theo dự báo của các nhà khoa học, các cơn bão nhiệt đới ở Biển Đông trong tương lai sẽ trở nên mạnh hơn, kéo theo các đợt sóng và nước dâng do bão nguy hiểm hơn. Đây là hiểm họa khổng lồ cho các khu dân cư ven biển.
Thực vật ngập mặn đem lại nhiều lợi ích là thế, nhưng giải pháp thuần tự nhiên này không thể ngăn chặn tất cả những hiểm họa có thể xảy ra. Đây cũng không là giải pháp toàn diện hay thích hợp để áp dụng vào mọi vùng ven biển. Dù vậy, trong thời đại con người mải miết tìm kiếm câu trả lời từ công nghệ hiện đại, chúng ta thường bỏ qua những món quà đã được mẹ thiên nhiên ban tặng từ lâu.
Nhờ độ phủ bề mặt cao, rừng ngặp mặn có thể làm giảm tác động của nước lũ lên đất liền khi biển động vì bão.
Không chỉ là lá chắn bảo vệ cư dân vùng biển, rừng ngập mặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Loại rừng này là nhà ở của nhiều loài sinh vật cả trên cạn và dưới nước. Nếu như chúng ta san bằng lá chắn ấy, các loài vật sẽ không còn nơi nào để đi, vì ngay cả những khu rừng sâu trong đất liền cũng đang dần dần biến mất dưới danh nghĩa “văn minh tiến bộ.”
Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta cần phải suy ngẫm lại về cách phát triển các khu vực ven biển. Ai cũng thích được ngồi ngắm bình minh và hoàng hôn trên bờ biển, nhưng ta không thể vì thế mà đốn hạ tất cả để xây chỗ ngồi cho du khách. Trồng rừng ngập mặn, họ chỉ được tiếp đón bằng khung cảnh bùn lầy. Nhưng nếu không có hàng rào bảo vệ ấy, không chỉ riêng du khách mà tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối to!
Nếu không có hàng rào bảo vệ ấy, không chỉ riêng du khách mà tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối to!