Vào năm 1992, thế giới đã cùng chàng Aladdin của Disney du hành khắp năm châu trên chiếc thảm bay thần kỳ, trải nghiệm máy chơi game Super NES xịn sò, và ứng dụng công nghệ dấu vân tay tân tiến. Vậy mà, có một phát hiện trong tự nhiên cũng kỳ thú không kém xảy ra trong năm ấy nhưng không mấy ai biết tới.
Dù là một trong những loài động vật quý hiếm và có giá trị khoa học lớn nhất của Việt Nam, từng có thời điểm, số người biết tới loài động vật này ít hơn cả số lượng bạn bè xã hội trung bình của một người ngoài 30 tuổi. Chắc hẳn đa phần chúng ta đều nghĩ rằng các nhà khoa học đã thống kê được tất cả các loài động vật cỡ lớn sống trên cạn. Thực tế là sự hiện diện của sao la (tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis) chỉ mớí được ghi nhận cách đây không quá lâu và đã trở thành một trong những phát hiện kinh ngạc nhất trong vòng 50 năm qua.
Sao la trưởng thành, không phân biệt con đực hay con cái, trọng lượng có thể lên tới 100kg và cao 84cm, cùng cặp sừng đẹp mắt dài đến 50cm. Rõ ràng đây là một loài động vật không hề nhỏ bé hay kém ấn tượng, vậy thì tại sao không một nhà khoa học nào trên thế giới biết đến chúng mãi đến gần 3 thập kỷ trước?
Tại sao lại không một nhà khoa học nào trên thế giới biết đến chúng mãi đến gần 3 thập kỷ trước?
Năm 1992, một đoàn khảo sát do Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) thành lập đã đi đến một khu vực thuộc dãy Trường Sơn để thực hiện nghiên cứu. Tại đây, họ phát hiện một hộp sọ rất kỳ lạ treo trên tường nhà của người thợ săn sống ở một bản làng xa xôi hẻo lánh. Ngay lập tức, vị chuyên gia trưởng đoàn đã nhận ra đây là hộp sọ của một loài chưa được biết đến. Người dân trong làng vốn không có nhiều hiểu biết về động vật học, vì thế dù họ đã gặp loài vật này vài lần và thậm chí săn bắt chúng nhưng lại không thể cung cấp bất kỳ thông tin gì có giá trị khoa học đáng kể, lại càng không thể giúp các nhà khoa học tìm ra chúng.
Phải mất bốn năm sau đó, nhà động vật học William Robichaud mới được tận mắt nhìn thấy một con sao la; con vật được một nhóm người Lào sống trong một ngôi làng sát biên giới Việt Nam bắt về nuôi. Mặc dù nó đã chết không lâu sau đó, nhưng ông đã kịp có thời gian vài ngày để nghiên cứu và từ đó bổ sung một lượng kiến thức quan trọng về sao la, và nhờ vậy chúng ta biết rằng loài động vật này tuy có ngoại hình giống linh dương nhưng thực sự lại có quan hệ họ hàng với loài trâu và bò nhà.
Sau đó, người ta bắt đầu bắt sao la về nuôi, nhưng loài vật này không thể sống lâu trong điều kiện nuôi nhốt. Trong suốt một thập kỷ qua, những bằng chứng hiếm hoi về sự tồn tại của sao la mà chúng ta có được là lời kể của người dân vùng núi biên giới Việt-Lào, dấu vết chúng để lại khi đi kiếm ăn, và một vài bức ảnh chụp được từ bẫy ảnh trong rừng. Loài động vật này được xếp vào Loài rất nguy cấp và được cho là chỉ còn vài trăm cá thể trong tự nhiên.
Sao la được xếp vào Loài rất nguy cấp và được cho là chỉ còn vài trăm cá thể trong tự nhiên.
Ban đầu, các nhà khoa học đã định gọi loài vật này là bò Vũ Quang, tuy nhiên họ đã quyết định lấy tên sao la theo cách gọi của người dân tộc Thái ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh và các bản làng của người Lào ngay bên kia biên giới. Cái tên sao la dường như cũng rất phù hợp với loài vật bí ẩn này: bộ móng guốc của chúng nhẹ nhàng lướt nhanh qua những con đường rừng, chẳng để lại dấu vết gì ngoài một tiếng vang mơ hồ, như thể chỉ để báo tin về sự xuất hiện của chúng chứ không ngỏ ý về một cuộc gặp nào. Thế nhưng, nghĩa gốc của tên gọi này lại không nên thơ như thế, từ "sao la" trong ngôn ngữ địa phương dùng để gọi hai chiếc cột nhọn nâng ống quấn chỉ trong chiếc xa quay sợi mà dân làng thường dùng, có hình dáng rất giống với cặp sừng của loài vật này.
Khi được tiếp cận một con sao la, nhà khoa học William đã rất ngạc nhiên vì nó rất điềm tĩnh và sẵn sàng đến ăn trực tiếp từ tay ông. Một điều thú vị khác nữa là khi nhìn từ một bên thì hai chiếc sừng trên đầu sao la trông như hợp lại thành một, từ đó mà loài vật này có biệt danh là “Kỳ lân Châu Á” (Asian Unicorn).
Khi nhìn từ một bên thì hai chiếc sừng trên đầu sao la trông như hợp lại thành một, từ đó mà loài vật này có biệt danh là “Kỳ lân Châu Á.”
Người Việt dùng từ "kỳ lân" để gọi các sinh vật một sừng trong thần thoại châu Âu (unicorn) và linh vật trong tín ngưỡng dân gian các nước Đông Á (qilin), dù cho hình dạng của hai loài vật này không giống nhau cho lắm và có lẽ chúng cũng đều không có liên hệ gì với sao la. Nhưng biết đâu câu chuyện về loài sao la hiền lành với chiếc sừng tuyệt đẹp đã đi theo những con đường giao thương trong lịch sử để du hành từ châu Á đến châu Âu và truyền cảm hứng cho người phương Tây tưởng tượng ra loài kỳ lân của họ? Rất tiếc là không phải thế, kỳ lân trong thần thoại phương Tây được lấy ý tưởng từ những loài vật có một sừng như tê giác và kỳ lân biển (narwhal) ở vùng biển Bắc cực.
Dù vậy, gọi sao la là “kỳ lân Châu Á” cũng không sai, vì sự tồn tại của chúng cũng giống như một câu chuyện thần thoại vậy — vô cùng quý hiếm, rất khó tìm thấy, và được đặc biệt quan tâm trong công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Ngày nay, sao la nhận được rất nhiều sự chú ý mà hiếm loài nào khác có được: sách báo viết về sao la, ngày quốc tế sao la, các nhóm bảo tồn sao la, sao la còn là linh vật chính thức của SEA Games 31 và ngay cả Google cũng cung cấp mô hình sao la 3D bằng công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường) trên công cụ tìm kiếm. Điều này chứng tỏ loài bò rừng của Việt Nam xứng đáng được gọi là kỳ lân. Thật không may, sự chú ý đó vẫn chưa đủ để giúp loài “kỳ lân” này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nạn săn bắt trộm vẫn luôn là mối đe dọa lớn nhất, ngay cả khi chúng không phải là đối tượng bị săn mà chỉ vô tình mắc vào bẫy dành cho những loài khác có giá trị kinh tế hơn để làm thuốc trong y học cổ truyền. Bên cạnh đó, những tác động của nạn phá rừng cũng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu không chỉ cho sao la mà còn cho toàn bộ quần thể động vật trong tự nhiên.
Nạn săn bắt trộm vẫn luôn là mối đe dọa lớn nhất, ngay cả khi chúng không phải là đối tượng bị săn.
Dù giờ đây đã có nhiều người biết đến sao la nhưng lượng thông tin về loài vẫn rất ít ỏi, vì số lượng cá thể không nhiều lại sống ở những vùng rừng núi xa xôi. Chúng ta biết về những chuyện không thật sự bổ ích đang diễn ra xung quanh mình còn nhiều hơn là về loài sinh vật đã cùng con người bước đi trên trái đất từ Kỷ băng hà.
Chỉ mong rằng sao la sẽ không biến mất trước khi lượng thông tin ấy được bổ sung thêm. Nếu điều ấy xảy ra, đó sẽ là một mất mát rất lớn và đầy ám ảnh, là lời cảnh báo về sự suy giảm đa dạng sinh học với nhiều hệ lụy nguy hiểm khó lường trước được.
Collage: Hannah Hoàng, Phan Nhi, Phương Phan, Jessie Trần.
Minh họa: Phan Nhi và Patty Yang.