Từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XXI, hát bội bước vào thời kì hoàng kim trong lòng biết bao khán giả, trong đó có cả thực dân Pháp. Không chỉ đưa vở Tuồng “Vua Đời Đường” tới Đấu xảo Quốc Tế - một triễn lãm tinh hoa văn hóa tổ chức tại Paris, hình ảnh sinh hoạt hát bội cũng được người phương Tây họa lại qua những bức áp phích, đồ lưu niệm và in thạch bản.
Ra đời vào cuối thế kỉ XII như một thú vui cho giới quý tộc trong cung đình, hát bội (tuồng) dần len lỏi vào cuộc sống người dân, chen chân trên những chiếc ghe khắp miền sông nước. Hát bội trở thành giá trị tinh thần, văn hóa ăn sâu vào nếp sống của người dân Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Các tuồng hát bội thường có nội dung giàu chất nhân văn như răn dạy, giáo dục lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế, ca ngợi cái tốt đẹp, phê phán thói hư, tật xấu và cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn.
Cũng vì vậy mà suốt một thời lẫy lừng, hát bội luôn được mời hầu thần linh mỗi lễ cúng kỳ yên ở Nam Bộ, trở thành âm thanh báo hiệu những ngày hội vui vẻ của cả làng. Một tuồng hát bội thường rất dài, phải chia thành nhiều đêm hát có lớp lang, điển hình như tuồng San Hậu phải diễn 3 đêm mới hết chuyện. Vì thế mà nhiều người xong việc là ra đình chơi hội, bỏ bê cơm nước, nguồn cơn cho câu hát truyền tụng trong dân gian: “Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”.
Trong quá trình khai thác thuộc địa Việt Nam, người Pháp đã đào sâu nghiên cứu và ấn tượng trước nghệ thuật hát bội - nền văn hóa mang theo giá trị tinh thần, văn hóa của người Việt.
Nói về vở “Vua Đời Đường”, đây là vở tuồng do ông Nguyễn Đông Trụ làm giám đốc và đạo diễn. Vở tuồng này nói về cuộc mưu sát vua Lý Tiên Vương thực hiện bởi người anh rể muốn cướp ngai vàng cùng sự giúp đỡ của 4 vị quan trong triều đình, khi vua được mời đến dự tiệc. Sau khi may mắn thoát được, vị vua đã vượt qua nhiều hiểm nguy nhờ sự cứu giúp của một người con nuôi. Sau đó, vua khôi phục được ngai vàng. Vở tuồng này đã gây nên nhiều bàn cãi trong giới học thuật ngoại quốc vì sự mới lạ, thậm chí là khó hiểu do khác biệt y phục, âm nhạc, cách thể hiện âm nhạc. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng nhiều khán giả, bao gồm cả nhạc sĩ, nhà phê bình, ký giả đã bị hớp hồn trước âm sắc đặc biệt của “Vua Đời Đường”. Thậm chí, nhạc sĩ người Pháp Debussy còn ví vở tuồng này với tác phẩm opera “Ring des Nibelugen ”của Wagner và làm cảm hứng để sáng tác bản nhạc “Pour les Quatres”.
Cũng trong loạt triễn lãm Đấu xảo Quốc tế năm 1889, các sinh hoạt trong hát bội từ trên sân khấu đến sau hậu trường đã được họa lại dưới nét bút của người Tây qua những bức áp phích, đồ lưu niệm, in thạch bản. Từ đó, một thời kỳ hoàng kim của tuồng được hé lộ qua góc nhìn đầy mới mẻ.