Sài·gòn·eer

Back Di Sản » Chuyện về Nguyễn Thị Định, nữ tướng khăn rằn của Quân đội cách mạng Việt Nam

Chuyện về Nguyễn Thị Định, nữ tướng khăn rằn của Quân đội cách mạng Việt Nam

Nằm khuất mình trong con hẻm nhỏ ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ngôi nhà của cố Thiếu tướng Nguyễn Thị Định vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật về vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đi qua con hẻm hẹp với vài quầy sinh tố lề đường, chúng tôi bước vào một khoảng sân rộng có nhiều cây xanh bao quanh ngôi nhà ba tầng của bà Nguyễn Thị Định (bà Ba Định). Ngôi nhà được Nhà nước trao tặng cho thiếu tướng sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, hiện vẫn còn người cháu gái của bà sinh sống.

Bước lên từng bậc trên chiếc cầu thang xoắn, chúng tôi ghé thăm một gian phòng yên lặng ở tầng trên, nơi bà trút hơi thở cuối cùng sau một cơn đau tim vào năm 1992. Giờ đây, gian phòng ấy được dùng làm nơi lập bàn thờ cố nữ tướng, và lưu giữ những kỷ vật của bà — tấm huân chương, đôi kính râm, xấp vải bạt được lấy từ lính Mỹ, máy radio bà thường dùng để nghe đài BBC khi ẩn nấp trong rừng, và cả những bức hình của bà cùng gia đình.

Ngày hôm ấy, chúng tôi được đón tiếp và trò chuyện với người cháu gái là bà Nguyễn Thị Mẫn. Không chỉ là người thân, bà Mẫn còn là phụ tá cho nữ tướng trong suốt thập kỷ cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ (1965-1975). Bà vừa giới thiệu về các kỷ vật trong phòng, vừa hồi tưởng về người cô quá cố của mình.

“Cô là một người phụ nữ xuất chúng. Cái giỏi nhất của cô Ba là động viên tinh thần cho anh em chiến sĩ trong lúc gian khổ, giúp họ giữ được niềm tin về thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ,” bà Mẫn nói.

Sinh ra là một cô bé ốm yếu với căn bệnh hen suyễn, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã chiến đấu anh dũng cho nền cách mạng Việt Nam và trở thành nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không dừng lại đó, bà cũng là người đã dẫn dắt phong trào du kích chống lại chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1960, cuộc nổi dậy được xem là “khởi đầu thực sự của Cuộc chiến tranh chống Mỹ.” Nhưng hơn hết, chính số phận của người phụ nữ trong bối cảnh lúc bấy giờ đã là động lực lớn lao khiến bà không ngừng đấu tranh.

“Phụ nữ sống dưới chế độ đế quốc, phong kiến, chúng tôi không có một cái quyền gì cả,” bà Ba Định chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với đoàn làm phim người Mỹ vào năm 1981, sáu năm sau khi chiến tranh kết thúc. “Chỉ là một cái máy đẻ, làm một cái món đồ chơi để cho những kẻ đế quốc, những kẻ ăn trên ngồi trước trù dập, chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ. Cho nên vì vậy mà tôi tham gia cách mạng.”

Không chỉ là nữ thiếu tướng đầu tiên của Việt Nam, Nguyễn Thị Định còn ủng hộ mạnh mẽ việc bảo tồn lịch sử phụ nữ Việt Nam trong thời bình. Di sản bà để lại không chỉ là tên phố, tên trường học hay công viên mà còn là các học bổng mang tên bà dành cho các bé gái, cùng nhiều hoạt động từ thiện khác. Tuy nhiên, chỉ sau vài thập kỉ hậu chiến tranh, tiểu sử thời chiến của nữ anh hùng này dường như đã trở thành một ký ức xa lạ với người trẻ.

Nguyễn Thị Định và cháu gái Nguyễn Thị Mẫn trong ảnh chụp năm 1968. Nguồn ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được Nguyễn Thị Định thành lập năm 1987, cho biết: “Khát khao của bà là giúp giải phóng Việt Nam, và bà đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp ấy. Bà cũng luôn dốc sức giúp phụ nữ Việt Nam vươn lên và cải thiện cuộc sống của mình.”

Nhờ những nỗ lực của người cô ruột, bà Mẫn cũng đã có thể đóng góp cho công cuộc giành độc lập cho nước nhà. Một ngày nọ vào năm 1965, bà Ba Định gọi điện cho bà Mẫn và đề nghị cháu gái làm trợ lý cho mình trong các hoạt động kháng chiến.

“Cô Ba gọi tôi lên và nói tôi phụ giúp cho cô,” bà Mẫn nhớ lại. “Lúc đó cô Ba đang là Phó Tư lệnh [Quân Giải phóng miền Nam] và cần một người phụ cho cổ.”

Thiếu phương tiện di chuyển, bà Mẫn đã phải đi bộ cả quãng đường 150km từ Bến Tre, băng qua cả địa phận của địch để gặp cô mình ở Tây Ninh.

“Tôi đã rất mừng vì có thể sát cánh bên cô Ba. Tôi không thấy sợ gì,” bà Mẫn cho biết.

Suối giai đoạn này, hai người cô cháu dành phần lớn thời gian để làm việc trong rừng và bí mật di chuyển giữa các căn cứ.

“Chắc vì vậy nên tới giờ tôi còn khoẻ lắm,” bà Mẫn cười và nói.

Nhà thờ bà Nguyễn Thị Định. Ảnh: Govi Snell.

Nguyễn Thị Định được sinh ra ở một làng quê nghèo tại tỉnh Bến Tre, vùng đất nằm trên ba cù lao và được phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ. Không chỉ được biết đến là tỉnh có nhiều dừa, lúa gạo và kênh rạch chằng chịt, Bến Tre còn được coi là cái nôi của cách mạng miền Nam, là nơi khởi phát của nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ. Bà Ba Định giữ vai trò là người dẫn dắt các chiến sĩ trong cả hai thời kỳ ấy.

Trong cuốn hồi ký Không còn đường nào khác xuất bản năm 1976, Nguyễn Thị Định kể rằng bà tham gia cách mạng cũng là đấu tranh cho chính mình. Vốn gầy gò ốm yếu và mắc chứng hen suyễn khi còn bé, bà buộc phải học ở nhà dưới sự kèm cặp của người anh cả là ông Ba Chẩn.

Khi ông Ba Chẩn bị bắt vì có liên quan đến Đảng Cộng sản Đông Dương, đó là lúc nhận thức về cách mạng bắt đầu nhen nhóm trong lòng Nguyễn Thị Định. Vì là người nhỏ tuổi nhất trong gia đình và ít bị lính quản giáo chú ý, bà được giao nhiệm vụ hàng ngày chèo thuyền đến nhà tù nơi ông Ba Chẩn bị giam giữ để mang thức ăn cho anh trai. Chính tại đó, lần đầu tiên bà đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng các tù nhân bị tra tấn dã man, làm dấy lên quyết tâm tham gia vào công cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc Pháp.

Khi lớn lên, bà bày tỏ mong muốn được trực tiếp tham gia vào lực lượng giải phóng, nhưng gia đình lại muốn bà sớm kết hôn. Sau khi từ chối nhiều mối đến dạm ngõ, Nguyễn Thị Định nhận ra cách duy nhất để thực hiện mục tiêu của mình là kết hôn với một người có cùng chí hướng cách mạng. Bà đã chọn kết hôn với một người bạn của anh mình, ông Nguyễn Văn Bích.

“Thật ra thì với tôi cái tuổi 19 vẫn chưa phải là tuổi lấy chồng, nhưng vì tôi muốn đi làm cách mạng mà tôi phải lấy chồng,” bà chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với đoàn làm phim của Mỹ.

Chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nguồn ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đáng tiếc thay, đôi vợ chồng son chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau. Ba ngày sau khi Nguyễn Thị Định sinh người con trai đầu lòng, địch đã đột kích và bắt chồng bà đi. Không lâu sau đó, Nguyễn Thị Định cũng bị đưa đến trại giam Bà Rá nơi bà trải qua ba năm đầu của tuổi 20. Khi được thả ra, bà bắt đầu hoạt động cách mạng sôi nổi và có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Năm 1945, bà lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp trên quê hương Bến Tre; và đến năm 1946, bà tham gia phái đoàn Nam Trung Bộ ra Hà Nội để mang quân nhu vào chi viện cho công cuộc kháng chiến ở miền Nam. Để ngụy trang cho chiếc thuyền chở vũ khí trên đường trở vào Nam, Nguyễn Thị Định đã phủ lưới đánh cá lên thuyền và xếp các thùng mắm dọc trên boong.

 Tháng 1/1960, bà Ba Định tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bến Tre với lực lượng đấu tranh là phụ nữ miền Nam — hay được sử sách gọi với cái tên “Đội quân tóc dài.” Một số chiến sĩ du kích được bà dẫn dắt đã lấy lại ruộng đất từ tay địa chủ và chia lại cho nông dân. Theo nhận định của một số nhà sử học, cuộc nổi dậy này chính là khởi đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cũng vào tháng 12 năm đó, bà Ba Định trở thành ủy viên sáng lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm năm sau, bà được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến năm 1974, bà được phong hàm Thiếu tướng và trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong hàm này.

Nguyễn Thị Định cùng các chiến sĩ. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, sứ mệnh của Nguyễn Thị Định trở thành đấu tranh cho quyền phụ nữ và bảo tồn những đóng góp của họ trong chiến tranh.

“Ngay cả sau khi độc lập [năm 1975], cô Ba vẫn dành phần lớn thời gian để làm việc,” bà Mẫn cho biết. "Cổ là kiểu người lúc nào cũng chỉ có công việc mà thôi."

Một trong những dự án mà Nguyễn Thị Định dành nhiều tâm huyết nhất là xây dựng Bảo tàng Lịch sử Phụ nữ. Chị Tuyết, Phó Giám đốc của Bảo tàng, chia sẻ về những nỗ lực của bà Ba Định trong việc kêu gọi sự ủng hộ cho dự án:

“Trong cuộc họp lần thứ 17 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1986 [tổ chức này thành lập năm 1930]. Nguyễn Thị Định đã kêu gọi tất cả phụ nữ trên cả nước ủng hộ dự án xây dựng bảo tàng này,” chị kể lại.

Hưởng ứng lời kêu gọi của bà, chị em phụ nữ khắp các địa phương, cơ sở, các cấp, các ngành đã dành dụm từ đồ ăn đến tiền lương và tiền thưởng để gửi tặng Bảo tàng.

Phong trào cộng sản từ lâu đã lấy sự bình đẳng làm triết lý trọng tâm. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1960 đã nghiêm cấm hành vị đánh vợ, tảo hôn hay cưỡng ép kết hôn. Sự ủng hộ bình đẳng giới được thể hiện rõ nét qua những lần chính quyền kêu gọi toàn quốc kháng chiến, như khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Ba đảm đang” vào năm 1965 để động viên phụ nữ góp sức chiến đấu và xây dựng Xã hội Chủ Nghĩa. Nguyễn Thị Định chính là một trong những nữ anh hùng đi đầu trong công cuộc này.

Ngày nay, Bảo tàng lưu giữ khoảng 40.000 hiện vật phản ánh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cả thời chiến và thời bình. Nếu không có một bảo tàng như thế, có lẽ chúng ta đã mất đi những câu chuyện quý giá được kể quá các vật dụng hằng ngày, như chiếc áo lót được dùng để giấu tài liệu mật, ấm trà, giấy chứng minh nhân thân giả, vòng tay, chiếc đèn, súng ngắn và dao găm.

“Cô Ba muốn đóng góp sức mình để nâng cao vị thế của phụ nữ, đặc biệt là giúp họ được tiếp cận giáo dục, được giải phóng,” bà Mẫn nhớ lại.

Ngày nay, những nỗ lực của bà Ba Định vẫn được tiếp nối với học bổng Nguyễn Thị Định do tổ chức Kinderhilfe - Hy vọng Việt Nam của CHLB Đức tài trợ. Mỗi năm, học bổng này trao hơn 200 triệu đồng cho 200 nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương Bến Tre của nữ anh hùng.

Ông Christoph Kunz, Phó Chủ tịch Kinderhilfe cho biết: “Đối tác của chúng tôi là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre. Họ là một tổ chức xã hội địa phương, giúp chúng tôi lên danh sách các nữ sinh đang cần giúp đỡ, và giám sát việc sử dụng quỹ đúng mục đích. Hội đã dành riêng chương trình này để vinh danh Nguyễn Thị Định vì những cống hiến của bà."

Nguyễn Thị Định tại lễ khánh thành bảo tàng. Nguồn ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Dù bà có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước và giải phóng phụ nữ, những ký ức về Nguyễn Thị Định đang dần mai một qua mỗi thế hệ.

Có thể thấy rõ điều này trong chia sẻ của những người phụ nữ được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định - giải thưởng do Hội Liên hiệp Phụ nữ đề xuất nằm tôn vinh những người phụ nữ có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của thành phố. Một số tổ chức, dự án từng nhận được giải thưởng này có Câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh, dự án “nhà trẻ công ty” tại một công ty sản xuất nệm, và các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người có HIV.

“Tôi thật sự không biết về bà Nguyễn Thị Định trước khi nghe nói đến giải thưởng này,” Lê Thị Thái Uyên cho biết. Cô nhận được đề cử cho giải thưởng nhờ chương trình từ thiện Góp Một Bàn Tay với mục đích hỗ trợ những người phụ nữ và trẻ em có HIV.

“Nhưng khi biết về bà, tôi cảm thấy thực sự vui mừng và tự hào,” cô chia sẻ

Nguyễn Háo Thanh Thảo, 32 tuổi, cũng thừa nhận rằng cô không hề biết đến bà Ba Định trước khi làm phiên dịch viên cho quá trình thực hiện bài viết này. Cô nghĩ rằng nhiều người bạn đồng trang lứa của cô cũng có câu trả lời tương tự.

“Đáng lẽ chúng tôi phải được học về cuộc đời của bà ở trường,” chị Thảo nói. "Thật đáng buồn!"

Lê Thị Thái Uyên. Ảnh: Govi Snell.

Trái ngược với những người phụ nữ ngoài 30 tuổi ở trên, cô bác sĩ với 40 năm kinh nghiệm Ngô Thị Ánh Đông biết rõ về Nguyễn Thị Định khi được trao tặng giải thưởng mang tên bà vào năm 2019.

“Tôi luôn ngưỡng mộ bà ấy,” Ánh Đông nhớ lại. Cô từng tham dự tang lễ của nữ tướng vào năm 1992. “Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam đã mời tôi đến dự lễ tang bà Nguyễn Thị Định tại Dinh Độc Lập.”

Dù người nhận giải có biết về vị nữ tướng đầu tiên của Việt Nam hay không, họ cũng đều nhận được sự hỗ trợ có ý nghĩa của giải thưởng Nguyễn Thị Định để tiếp tục phát triển dự án của mình.

Bác sĩ Ánh Đông đã đấu tranh chống lại sự kỳ thị đối với người có HIV ở Sài Gòn từ năm 2000 bằng cách khuyến khích các thành viên nữ trong gia đình bệnh nhân hỗ trợ họ. Thái Uyên cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện công tác phòng chống và hỗ trợ bệnh nhân HIV ở Việt Nam với hướng hoạt động tương tự. Tổ chức của chị khuyến khích việc xét nghiệm trong các cộng đồng có nguy cơ cao, hỗ trợ tài chính cho việc điều trị y tế và các thủ tục giấy tờ để người bệnh nhận được trợ cấp từ chính phủ.

“Có người khi qua đời không có người nhà hay ai mua quan tài cho, vì vậy chúng tôi cũng thu xếp cả việc đó nữa,” Thái Uyên chia sẻ. Sự công nhận của Hội Liên hiệp Phụ Nữ đã giúp Thái Uyên triển khai chương trình của mình tốt hơn nhờ có sự hậu thuẫn từ chính quyền địa phương.

“Khi tôi gặp bất cứ khó khăn gì, tôi có thể trình bày với Hội Liên hiệp Phụ Nữ và được họ giúp đỡ,” cô cho biết.

Tuy nhiều người trẻ hiện nay chưa biết đến sự nghiệp hoạt động cách mạng và hoạt động xã hội lẫy lừng của Nguyễn Thị Định, nhưng những di sản của bà vẫn sẽ sống mãi và tiếp tục mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ và nữ sinh qua những giải thưởng, học bổng và hoạt động công ích giàu ý nghĩa.

Chị Tuyết, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhắc lại câu nói quen thuộc về phẩm chất anh dũng và tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.”

Bài báo được đăng tải lần đầu trên Southeast Asia Globe và được chuyển ngữ và đăng lại trên Saigoneer thông qua sự hợp tác giữa Saigoneer và Southeast Asia Globe.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Di Sản

Bằng nghệ thuật, Bảo tàng Quang Trung kể khúc sử thi hùng tráng của dân tộc

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chỉ 45km là Bảo tàng Quang Trung, một trong những bảo tàng kỳ công nhất Việt Nam.

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Lịch sử huy hùng của Pháo đài Láng, nơi bắn phát đạn mở đầu Kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử thế giới, rất nhiều dân tộc đã phải đấu tranh vũ trang để giành lại nền độc lập từ ách đô hộ. Ở nước ta, địa điểm loạt pháo khởi nghĩa đầu tiên nổ ra vẫn còn được lưu giữ, tưởng niệ...