Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Tìm lại ký ức về tàu điện leng keng của Hà Nội xưa

Tìm lại ký ức về tàu điện leng keng của Hà Nội xưa

Lần đầu tiên lên kế hoạch cho một mạng lưới xe điện trên toàn thành phố vào năm 1894, nhiều người nghĩ rằng Hà Nội sẽ xây dựng mạng lưới giống Sài Gòn, và sử dụng các đầu máy hơi nước để kéo tàu điện. 

Tuy nhiên, khi chính phủ đương thời phê duyệt công trình này vào năm 1899, những tiến bộ trong công nghệ đã giúp họ có thể xây dựng toàn bộ hệ thống đường xe điện mặt đất (còn được gọi là tramway) với chiều rộng một mét và các xe điện hiện đại nhất bấy giờ.

Vào năm 1900, công ty Compagnie des Tramways Électriques d’Hanoï et Extensions (CTEH) đã được thành lập để xây dựng hai tuyến xe điện đầu tiên, và cùng được khánh thành vào tháng 11 năm 1901.

Một xe điện của công ty CTEH chạy trên tuyến đường sắt số 1 tại ga Place des Cocotiers.

Khởi hành từ ga Place des Cocotiers (nay là vòng xoay Hàm Cá Mập) ở phía bắc hồ Petit Lac (hồ Hoàn Kiếm hiện nay), tuyến đường xe điện số 1 dẫn về phía Nam đến khu Bạch Mai (hiện nay gần Chợ Trời) và tuyến đường xe điện số 2 chạy theo hướng Đông Bắc đến Làng Giấy, gần Chợ Bưởi ngày nay. Sau đó vào ngày 20 tháng 7 năm 1905, một quyết định được đề ra và chấp thuận cho việc kéo dài tuyến 1 đến Chợ Mơ.

Một xe điện của công ty CTEH chạy trên tuyến đường xe tramway số 1 đi qua hồ Petit Lac.

Năm 1904, quá trình lắp đặt tuyến đường xe điện số 3 được tiến hành. Tuyến này dẫn về phía Tây từ hồ Hoàn Kiếm đến Văn Miếu Quốc Tử Giám và sau đó đi về phía Tây Nam đến Ấp Thái Hà. Sau này, tuyến số 3 được kéo dài đến khu Hà Đông vào năm 1914 và đến chợ Cầu Đơ vào năm 1938.

Một xe điện của công ty CTEH chạy trên tuyến đường tramway số 1 tại Hà Đông.

Việc xây dựng tuyến đường xe điện số 4 đã được tiến hành vào năm 1907. Tiếp nối từ tuyến đường số 3 ở quảng trường Hàm Cá Mập đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, tuyến 4 rẽ về phía Tây hướng đến cầu Pont du Papier (Cầu Giấy ngày nay).

Trong những năm đầu tiên, mặc dù được nhiều người sử dụng, mạng lưới xe điện tại Hà Nội vẫn gặp phải nhiều vấn đề về tài chính. Cho đến cuối năm 1913, CTEH vẫn bị thâm hụt doanh thu. Từ đó trở đi, lợi nhuận của công ty vẫn khá khiêm tốn, và việc bảo trì các xe điện, đường ray, dây xích điện và các tòa nhà thuộc quyền sở hữu của công ty cũng bị hạn chế. Vào năm 1927, mạng lưới xe điện, dù ngày càng xuống cấp, được một tập đoàn mới tiếp quản. Năm 1929, tập đoàn này đã lấy tên công ty là Compagnie des Tramways du Tonkin (CTT). Cũng trong năm đó, tập đoàn bắt tay vào nâng cấp các đoạn đường ray, dây xích, và đặt mua thêm toa xe và đầu máy thế hệ thứ hai của Pháp.

Chính nhờ công ty CTT mà giai đoạn cuối cùng của kế hoạch mở rộng mạng lưới tuyến đường xe điện tại Hà Nội đã được thực hiện. Quyết định đưa ra ngày 14 tháng 11 năm 1930 đã chấp thuận thành lập tuyến đường số 5. Tuyến này rẽ nhánh từ tuyến số 3 đi về phía Nam dọc theo đường Mandarine (nay là đường Lê Duẩn) đến Kim Liên, và theo hướng Bắc từ Place Neyret (nay là Cửa Nam) đến khu Yên Phụ, xưa là một đoạn đê cổ ven sông Hồng. Ngoài ra, tuyến số 5 cũng đi qua đường ray của tuyến số 2 (tại Château d'eau, nay là Bốt Hàng Đậu). Vào năm 1943, tuyến số 5 được kéo dài về phía Nam tới tận đường vành đai Route Circulaire (nay là phố Đại La) để phục vụ Bệnh viện René Robin (Bệnh viện Bạch Mai), Đài phát thanh Hà Nội và sân bay Bạch Mai. Khi tuyến số 5 được lắp đặt hoàn tất, mạng lưới xe điện tại Hà Nội đã đạt chiều dài tổng cộng khoảng 30 km.

Một chuyến xe điện của công ty CTEH chạy trên tuyến đường xe tramway số  3 tại Place Neyret.

Năm 1952, đỉnh điểm của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, công ty CTT được đổi tên thành Société des Transports en Commun de la Région d'Hanoï. Tuy nhiên, vào ngày 1 tháng 6 năm 1955, công ty đã ngừng hoạt động và tất cả các đường ray, thiết bị và tàu điện đã được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một xe điện của tuyến đường xe tramway số 1 tại Hà Nội (được sản xuất vào năm 1929) chạy về phía Nam dọc theo Hàng Bài về phía khu Bạch Mai vào năm 1960.

Khác với Sài Gòn, hệ thống xe điện ở Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động trong gần 30 năm sau khi đất nước giành độc lập. Trên thực tế, vào năm 1968, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thậm chí còn xây dựng thêm một đoạn đường ray mới từ giao lộ Cửa Nam dọc theo phố Cột Cờ (nay là Điện Biên Phủ) và đường Hùng Vương, nối lại tuyến đường số 2 ở phía Nam hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1980, những đường ray, dây xích và các toa tàu đã bị xuống cấp đến mức không còn sử dụng được. Điều này dẫn đến việc tuyến số 1 (Bạch Mai Phong) đã bị đóng vào năm 1982, sau đó là tuyến số 4 (Cầu Giấy), tuyến số 3 (Hà Đông), và tuyến số 5 (Yên Phụ) cũng dừng khai thác. Cuối cùng, tuyến số 2 (Đường Bưởi) đã ngừng hoạt động vào năm 1989.

Hình ảnh một chuyến xe điện của tuyến tramway số 2 tại Hà Nội vào những năm 1980.

Năm 1986, tuyến số 4 (Cầu Giấy) đã được mở lại, và các đầu máy của xe điện cũ được thay thế bởi những chiếc xe điện bánh hơi được tài trợ từ Đông Âu. Xe điện này chạy bằng dây cáp trên tuyến Hà Nội–Cầu Giấy. Tuy nhiên, đến năm 1993, những chiếc xe điện bánh hơi cũng dần bị biến mất dưới ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa đất nước.

Tim Doling là tác giả của cẩm nang du lịch Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2014), Exploring Saigon-Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019), Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020) và The Railways and Tramways of Việt Nam (White Lotus Press, 2012). Để tìm hiểu thêm các thông tin về lịch sử Sài Gòn, độc giả có thể ghé thăm website của ông historicvietnam.com.

Bài viết liên quan

Brian Letwin

in Di Sản

Chuyện về tàu cánh ngầm Voskhod, 'di tích' Xô Viết một thời tung hoành khắp Việt Nam

Cách đây không lâu, đã từng có những “sinh vật” khổng lồ lướt trên vùng biển giữa Sài Gòn và Vũng Tàu. Và giống như loài khủng long thời tiền sử, chúng dần dần biến mất, chỉ có những bộ xương là còn s...

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Không khí đón Tết rộn ràng năm 1992 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Mark Hodson

Tết Nguyên Đán năm 1992 là một dịp đặc biệt với các du khách ngoại quốc viếng thăm Sài Gòn.

in Di Sản

Trên chuyến tàu Bắc–Nam xuyên đất nước những năm 1920

Du hành bằng tàu lửa ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong 100 năm qua?