Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Kiến Trúc » Bóng đổ — mảnh ghép đầy thẩm mỹ trong 'bộ gen' kiến trúc hiện đại Sài Gòn

Bóng đổ — mảnh ghép đầy thẩm mỹ trong 'bộ gen' kiến trúc hiện đại Sài Gòn

Từ giữa thế kỷ 20, kiến trúc của người Việt đã bắt đầu được làm từ vật liệu công nghiệp như bê tông, thép, kính, v.v. Đây là một trong những yếu tố đưa kiến trúc Việt Nam trở thành kiến trúc hiện đại (modernist), chia sẻ một phân nhánh với chủ nghĩa hiện đại thế giới. Và chính trong cái ngôn ngữ kiến trúc mới này, người Việt đã tìm ra một thứ mỹ cảm mới của thời hiện đại nhưng vẫn chia sẻ một khẩu vị chung được tìm thấy trong kiến trúc truyền thống. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhìn thấy nhất, chính là bóng đổ. 

Từ những năm 1950, như là một vật liệu xây dựng mới dễ sử dụng, tiện lợi và dễ tiếp cận, bê tông cốt thép đã được sử dụng rộng khắp trong công tác xây cất công sở, xí nghiệp, nhà phố thương mại, biệt thự hay nhà vườn ở miền Nam.

Bên cạnh việc xây dựng nhà kiên cố hơn, bằng sức sáng tạo vốn có, những người chủ nhà đã xem khả năng của bê tông cốt thép như là một chất liệu sáng tác để gọt giũa và tạo khắc lên những bố cục trừu tượng rất phong phú. Các thành phần kiến trúc tưởng như đơn giản như chậu cây, hoa gió, lam che nắng, giàn leo, v.v. đều được dành thời gian chăm chút để mang trên mình một phong vị riêng ngoài tác dụng thông thường của nó. Và Sài Gòn là một khu dự trữ kiến trúc điển hình của hiện tượng này. 

Xuyên suốt các thiết kế này là những thử nghiệm về vần luật, tương phản và khoảng cách mà chỉ được thoả hiệp bởi một tiềm thức, hơn là một sự toan tính về chức năng. 

Các thao tác với bóng đổ xuất phát trước tiên từ việc cố gắng giảm ánh nắng trực tiếp vào không gian sống. Với bức xạ nhiệt dồi dào và nhiều mưa, hành lang ngoài hay ban công đã là một yếu tố xuyên suốt và không thể thiếu trong mọi căn nhà phố, nhà vườn hay biệt thự. Việc tổ chức kết cấu vươn ra khỏi khối tích ngôi nhà để cung cấp bóng đổ, ngăn mưa hắt đã tạo ra các mảng bóng râm trên mặt đứng của ngôi nhà. Đây là hiệu ứng đã xuất hiện từ rất lâu kể từ khi mà cái bẩy trong nhà cổ Việt Nam hay đình, chùa được treo lên hệ cột để vươn tấm mái ra xa hơn, ôm lấy không gian trong nhà bằng phần bóng của mình. 

Ngoài việc phục vụ một chức năng, các thành phần này dường như đóng vai trò thẩm mỹ nhiều hơn là tác dụng thực của nó. Sự chuyển đổi khái niệm này, như ở trên giàn leo, là một hiện tượng rất đặc biệt của kiến trúc Việt Nam. Nó để lộ khả năng thử nghiệm và chuyển hoá kiến trúc qua thời gian của một nền văn hoá. Và trong cuộc thử nghiệm suốt hai thập kỷ này, lại một lần nữa bóng đổ được tận dụng như là một chất liệu nghệ thuật.

Bộ kết cấu tích hợp giữa dầm, cột, lam, bồn cây của toà nhà số 61-63 Võ Văn Kiệt là một ví dụ tuyệt vời về thiết kế kết cấu. Toàn bộ các thành phần này nằm ở phần nhô ra của công trình để đổ bóng xuống không gian bên trong. Cách mà ánh sáng và bóng đổ tương tác trên chính các thành phần này cũng được nghiên cứu kĩ lưỡng. Từ hàng lam đậm đặc ở mép, cho đến các mảng lơi của ban công trải ngang trên mặt tiền; từ các lát vát nhẹ trên đầu dầm cho đến những khoảng cách được cân đo hay áng lượng để đem lại một sự thoả mãn thị giác. Chúng dường như bị phi khái niệm hoá để các trục kết cấu của công trình trở thành các trục của một tác phẩm điêu khắc. 

Một kĩ năng rất đặc biệt của người Việt trong các thao tác với bê tông cốt thép đó là khả năng ngụy trang kết cấu để gần như giấu đi trọng lực. Đặc biệt ở các bồn cây, điểm kết nối của bồn cây và dầm biên luôn được ẩn đi, để tất cả những gì thấy được trên mép của dầm biên là một khe rất đậm hút sâu vào trong. Kết quả là các bồn cây này xuất hiện như đang bay là là trên mặt tiền. Hiệu ứng này được tạo nên từ việc điều khiển hay thêm thắt bóng đổ một cách thuần thục.

Đặc điểm này được lặp đi lặp lại để gần như trở thành một thói quen trong thiết kế kiến trúc. Ở nhà phố, mỗi tầng đều có ít nhất một bồn cây treo ra trước, mỗi nhà lại có hai đến năm tầng hoặc hơn. Và gần như nhà nào cũng như vậy. Hiệu ứng lơ lửng trên bóng đổ này xuất hiện ở gần như tất cả các căn nhà hiện đại bản địa của Việt Nam, chưa kể đến những thử nghiệm của kiến trúc sư trong các công trình công cộng như là mái trôi.

Kiến trúc hiện đại bản địa Việt Nam gần như tách ra khỏi chủ nghĩa hiện đại thể giới bởi những quyết định cảm tính của nó. Chính trong sự tương phản này, chính độ đậm, độ dày hay độ lơ lửng này đã để lộ ra cái bản sắc vô tư của kiến trúc Việt.

Từ các mảng bóng lớn trên toàn mặt đứng, cho đến bóng đổ trên từng thành phần nhỏ, sự tương phản tạo ra bởi cái bóng đã được tận dụng một cách sáng tạo để làm nên một ngôi nhà Việt từ trong chi tiết. Mặc dù hình ảnh của cái lam, chậu cây, hoa gió, giàn leo trong kiến trúc hiện đại rất khác các linh vật, sự tích hay câu chuyện tâm linh trong kiến trúc truyền thống, nhưng độ bình hoà của bóng đổ vẫn là thứ được giữ nguyên. Sự cân bằng này dường như đã di chuyển từ thực tại này sang một thực tại khác để vẫn tồn tại trong tiềm thức của một sáng tác mới.

Từ tổng thể đến chi tiết, bóng đổ đã ăn vào bộ gen của kiến trúc hiện đại Việt Nam; gần như mọi quyết định trong quá trình thiết kế đều xoay quanh yếu tố này. Nhưng hơn hết, nó đã trở thành một chất liệu — tuy phi vật chất nhưng điều chỉnh được — được phát triển và nhân rộng bởi văn hoá làm nhà của người Việt. Kiến trúc hiện đại vì vậy mà đã trở thành một loại nghề thủ công mới, được nuôi dưỡng và sống trong dân gian. 

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Văn Chương

5 tựa sách bỏ túi cho bạn đọc yêu di sản văn hóa Việt Nam

    Trên hành trình thực hiện nội dung cho chuyên trang, Saigoneer đã may mắn được gặp gỡ nhiều cá nhân cùng chia sẻ “duyên nợ” và tình yêu với công cuộc khám phá Việt Nam. Bằng đam mê v...

in Kiến Trúc

[Ảnh] Hòa mình với thiên nhiên bình dị mà đầy chất thơ trong ngôi nhà ở Buôn Ma Thuột

Trong những năm gần đây, Tây Nguyên dần trở thành điểm đến du lịch đắt giá của đất nước. Không những thế, ngày càng có nhiều người trẻ chọn nơi sơn thôn này làm chốn định cư lâu dài.

in Ao Ta

Đi dzòng dzòng Sài Gòn để thấy di sản kiến trúc hiện đại thành phố độc đáo ra sao

Để có thể mạnh dạn chê một công trình là lộn xộn hay thầm hiểu một toà nhà là đẹp hay xấu, một người sẽ cần có một nền tảng kiến trúc vững chắc; mà tôi thì không hề có. Cho tới tận vài tuần trước, tôi...

in Ao Ta

Bản sắc văn hóa rực rỡ của người Hoa qua các công trình kiến trúc Chợ Lớn

Chợ Lớn bắt đầu hình thành khi người Hoa đến định cư và lập nghiệp dọc bờ sông Sài Gòn hơn 200 năm trước. Từ đó, khu vực này đã dần phát triển thành một trong những khu phố phồn thịnh nhất Sài Gòn.&nb...

Paul Christiansen

in Di Sản

Diện kiến 'Xác ướp Xóm Cải,' thi hài nữ quý tộc bí ẩn ngay giữa lòng Sài Gòn

Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng vì sao giữa lòng Sài Gòn lại có một xác ướp được trưng bày trang trọng chưa?

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...