Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Câu chuyện đằng sau khúc ca giao thừa ‘quốc dân’ của Việt Nam

Câu chuyện đằng sau khúc ca giao thừa ‘quốc dân’ của Việt Nam

Như một truyền thống không chính thức, ‘Happy New Year’ là ca khúc được các nhà đài và tiệc countdown ở Việt Nam chọn mặt gửi vàng làm nhạc nền vào đêm giao thừa.

“Thánh ca” giao thừa

Đến hẹn lại lên, khi phát pháo hoa đầu tiên còn chưa kịp nổ trên bầu trời thì các dàn loa trên khắp thành phố đã chạy hết công suất để phát đoạn điệp khúc du dương bất hủ này:

Happy new year / Chúc mừng năm mới
Happy new year / Chúc mừng năm mới
May we all have a vision now and then / Chúc cho ta có một tầm nhìn mới trong hiện tại và tương lai
Of a world where every neighbor is a friend / Về một thế giới nơi láng giềng là bè bạn

Từ lâu, đây đã là giai điệu được người Việt mặc định gắn liền với giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong khoảng thời gian từ Tết Dương Lịch đến Tết Nguyên Đán, bạn sẽ nghe ‘Happy New Year’ ít nhất một lần ở đâu đó, dù là từ một đoạn TVC hay từ dàn karaoke khủng của cô chú hàng xóm. Ca khúc là một trường hợp hiếm hoi phổ biến với nhiều thế hệ từ già đến trẻ và xuất hiện ở mọi mặt trận nội dung: sân khấu đám cưới, lớp học tiếng Anh, thậm chí là trong video mừng tất niên của các y bác sĩ tại bệnh viện phụ sản lớn nhất miền Nam. Năm 2018, đài truyền hình VTV còn tung một MV đặc biệt với dàn diễn viên của hai bộ phim gây sóng gió năm đó — Người phán xửSống chung với mẹ chồng — hát nhép theo lời bài hát. Bài ca bất hủ của ABBA có độ nhận diện đáng ghen tị ở nước ta, có lẽ chỉ đứng sau ‘Tiến Quân Ca.’

Bản cover Happy New Year từ các nhân viên y tế tại Bệnh viện Từ Dũ.

Nếu lớn lên ở Việt Nam, người ta sẽ dễ lầm tưởng rằng đây là điều bình thường như “cân đường hộp sữa” ở các quốc gia khác, bởi theo lẽ thường tình, việc bật một bài hát tên “năm mới hạnh phúc” để cầu chúc cho…một năm mới hạnh phúc nghe khá hợp lý. Tuy nhiên trên thực tế, đây là hiện tượng chỉ diễn ra duy nhất tại Việt Nam. Ở các nước nói tiếng Anh và khối Bắc Âu, ngôi vị ca khúc năm mới thường được người dân dành cho bài dân ca Scotland ‘Aud Lang Syne.’ Trong khi đó, ngay tại quê nhà của mình là Thụy Điển, ‘Happy New Year’ chưa bao giờ leo đến top 1 của bất cứ bảng xếp hạng âm nhạc nào, thậm chí là khá chìm khi so với những “hit khủng long” ra mắt trong cùng album như ‘Lay All Your Love On Me’ hay ‘The Winner Takes It All.’

Vậy điều gì đã khiến ca khúc này trở thành khúc ca giao thừa quốc dân trong lòng người Việt?

Món quà từ Stockholm

Mối lương duyên đặc biệt của ABBA và Thụy Điển với Việt Nam bắt đầu từ đầu thập niên 1970. Như một lẽ tình cờ, bề dày sự nghiệp của ban nhạc gần như trùng khớp với giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại — kết thúc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước đến thời kỳ Đổi Mới.

Thời trang và âm nhạc của ABBA là đại diện cho trào lưu Euro-disco. Phong cách này được các thanh thiếu niên khi ấy yêu thích vì sự sành điệu. Nguồn ảnh: Irish Independent.

ABBA được thành lập vào năm 1972 tại Stockholm bởi 2 cặp đôi vợ chồng là Agnetha Fältsko và Björn Ulvaeus, cùng Benny Andersson và Anni-Frid “Frida” Lyngstad. Năm 1974, ban nhạc trở thành thí sinh Thụy Điển đầu tiên chiến thắng liên hoan âm nhạc châu Âu Eurovision với ca khúc ‘Waterloo’ — danh tiếng từ cuộc thi trở thành bệ phóng để ABBA trở thành một trong những nhóm nhạc thành công nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, khi ở đỉnh cao sự nghiệp, hai cặp đôi thành viên đều lần lượt tuyên bố chia tay, ban nhạc chính thức đường ai nấy đi vào năm 1982.

Trong khi đó, ở giai đoạn 1975–1985, Việt Nam vẫn đang vật lộn với công cuộc tái thiết đất nước hậu chiến tranh. Việc bị thế giới cô lập và cấm vận không chỉ khiến đời sống kinh tế mà cả đời sống tinh thần của nhân dân vô cùng hạn hẹp. Đất nước lúc này chỉ duy trì mối quan hệ ngoại giao với khối các nước Xã hội chủ nghĩa. Sự xuất hiện của người nước ngoài là hiếm hoi, hầu hết chỉ có các phái đoàn ngoại giao của Xô Viết. Cùng với chính sách kiểm duyệt văn hóa gắt gao, các dòng nhạc ngoại quốc khó lòng du nhập được vào, thậm chí bị bài xích.

Một ban nhạc đám cưới thời bao cấp chuyên cover các ca khúc nhạc ngoại. Các quy định kiểm duyệt có vẻ được thả lỏng hơn vào các dịp cưới xin, theo một nhạc công lúc bấy giờ. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.

ABBA là một ngoại lệ đặc biệt. Âm nhạc của họ không chỉ được cho phép mà còn được đón nhận bởi người dân trong nước, ngay cả trong những năm tháng khó khăn nhất của nền kinh tế bao cấp. Các ca khúc của ABBA được bật bằng những chiếc đài, băng casette nhập lậu và được nghe hàng ngày cũng như trong những dịp đặc biệt như đám cưới.

Trong một cuộc phỏng vấn, Cựu đại sứ Thụy Điển cuối những năm 1980, ông Börje Ljunggren, thuật lại quan sát của mình khi công tác: “Việt Nam lúc đó rất khác bây giờ. Đường phố tối tăm, rất ít quán ăn và các tòa nhà lớn. Đất nước chưa mở cửa chào đón các giá trị, văn hóa phương Tây [....] Nhưng tôi để ý nhạc của ABBA lại cực kỳ phổ biến ở Hà Nội.”

Bác Trần Thị Kiệm (sn. 1954) cũng kể cho tôi về ký ức của mình trong giai đoạn này: “Nhóm của họ 4 người luôn mặc đồ mầu trắng, quần ống loe. Thế là thanh niên thích để đầu dài, mặc quần ống loe vì là hình tượng mốt, thời thượng, ‘tay chơi.’” Theo bác Kiệm, chính quyền cho phong cách này là không lành mạnh, lai căng nên cấm đặc biệt các nhóm sinh viên, đoàn viên thanh niên tham gia, “ai dám mặc sẽ bị rạch quần.” Tuy nhiên, độ phổ biến của nhạc ABBA với người trẻ vẫn tăng đều với từng bản hit. “Bác thích nhất bài ‘Money Money,’ ‘Happy New Year’ và ‘When I Kissed The Teacher.’ Cảm xúc khi nghe nhạc ABBA rất cuốn hút tràn đầy năng lượng tích cực.”

Làng Thụy Điển. Nguồn ảnh: VnExpress.

Sự “nhượng bộ” của chính quyền không phải là ngẫu nhiên. Năm 1969, Thuỵ Điển, quê nhà của ABBA, trở thành nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trước đó, Cựu thủ tướng Thụy Điển Olof Palm đã đích thân dẫn đầu cuộc diễu hành chống chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm vào năm 1968. Hơn 2,7 triệu người dân, tức 1/3 dân số Thụy Điển lúc bấy giờ, đã ký đơn lên án kêu gọi chấm dứt cuộc chiến và các vụ ném bom giết hại dân thường.

Đến thập niên 70, 80, Thụy Điển trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất, nhì của Việt Nam. Các dự án như Bệnh viện Nhi Trung ương và Nhà máy giấy Bãi Bằng trở thành biểu tượng hợp tác song phương giữa hai nước. Tại Bãi Bằng, một khu phức hợp khang trang, hay được gọi bằng “làng Thụy Điển,” đã được thành lập để phục vụ hơn 400 chuyên gia cùng gia đình. Ngôi làng được trang bị những tiện nghi như biệt thự, bể bơi, quán bar, thậm chí một vũ trường — nơi có lẽ các cư dân đã đu đưa theo những giai điệu của ABBA. Nhiều thế hệ bác sĩ của Việt Nam cũng đã được gửi đến Thụy Điển để tu nghiệp và xây dựng nền y tế chập chững của đất nước.

Tình hữu nghị giữa hai quốc gia đã cho phép những giai điệu và thời trang “ngoại lai” của ABBA tồn tại giữa một cảnh quan văn hóa vô cùng hạn chế. Và ở một thời kỳ ảm đạm nơi cả xã hội còn phải chật vật với cái ăn, cái mặc, những giai điệu tích cực cùng phong cách lạ mắt của ban nhạc sớm trở thành một niềm vui, một điểm sáng trong đời sống tinh thần của người dân.

Các chuyên gia Thụy Điển cùng người dân Phú Thọ. Nguồn ảnh: VnExpress.

Happy New Year có thật sự “Happy”?

Có lẽ vì tình cảm với những người bạn từ đất nước xa xôi cùng những bản hit trước đó mà khi ‘Happy New Year’ ra đời vào năm 1980, bài hát đã nhanh chóng chạm đến trái tim của không chỉ người trẻ hâm mộ ban nhạc mà cả những đối tượng thính giả khác.

Một tác giả khi kể lại những kỉ niệm ngày Tết thời bao cấp đã miêu tả việc mọi người bật bài hát này bằng casette trên đường phố Hà Nội vào ngày mùng Một như một truyền thống mới, như lì xì hay đốt pháo hoa. “Những đứa bé hồi ấy nghe ‘Happy New Year’ thì chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy bài hát này ấm áp đến lạ thường,” bà viết.

Bà Vũ Thị Xuân, một tiểu thương sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nãy đã 70 tuổi, cũng bồi hồi chia sẻ với VnExpress: “Mỗi lần nghe bài hát đó, tôi cảm thấy ngay không khí rộn ràng của mùa xuân. [...] Dù nói thật, tôi không hiểu lời của bài hát này đâu.”

Tết thời bao cấp ở Hà Nội. Nguồn ảnh: Môi trường & Cuộc sống.

Nhưng tại sao chỉ có duy nhất người Việt mới yêu thích ‘Happy New Year’ đến vậy, mà không phải các nước châu Âu, nơi ABBA gần như thống trị thị trường nhạc pop? Câu trả lời đã được nêu ở trên: vì chúng ta không hiểu lời.

Bài hát ra đời giữa những rắc rối đời tư của các thành viên ABBA. Năm 1979, Anetha và Björn tuyên bố ly dị, dù tiếp tục hoạt động cùng nhau. Không lâu sau đó, Benny và Anni-Frid cũng đường ai nấy đi, và ABBA chính thức tan rã vào năm 1982. Song song với những lục đục nội bộ của nhóm nhạc, thế giới lúc này cũng đang trải qua một giai đoạn đầy biến động với chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và khối Xô Viết, Cách mạng Hồi giáo ở Trung Động, v.v. Nỗi buồn có lẽ vì thế mà len lỏi vào từng con chữ trong bài hát. Đó là nỗi buồn từ những đổ vỡ trong hôn nhân, nỗi lo về việc bước vào một thập kỷ mới khi mà thế giới đang có quá nhiều mất mát.

No more champagne / Chẳng còn sâm-panh
And the fireworks are through / Và pháo hoa cũng đã tắt rồi
Here we are, me and you / Ta ở đây, bạn và tôi
Feeling lost and feeling blue / Chìm trong mất mát, buồn bã

Hiển nhiên với màu u ám như thế này mà bài hát không được ưa chuộng bởi các thính giả ở các nước nói tiếng Anh vào đêm giao thừa. Và đến những năm gần đây, cũng có có một số ý kiến kêu gọi người Việt dừng nghe ‘Happy New Year’ vào năm mới mà thay bằng những bài nhạc thuần Việt, vui tươi hơn, vì lời ca ủ dột của ca khúc không phù hợp với phong cách ăn Tết nhộn nhịp, luôn cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn của người Việt.

Tuy nhiên, theo một cách nào đấy, thì ‘Happy New Year’ lại chính là ca khúc hoàn hảo cho Việt Nam lúc bấy giờ.

It's the end of a decade / Giờ đây đã là cuối thập kỉ rồi
In another ten years time / Trong mười năm sau
Who can say what we'll find / Ai mà biết được ta sẽ đương đầu với
What lies waiting down the line / Điều gì đang chờ đợi ta trong tương lai
In the end of eighty-nine... / Vào cuối năm 1989...

Dù bài hát đi từ suy nghĩ sầu muộn này đến tâm trạng bi quan khác, ‘Happy New Year’ vẫn kết thúc bằng niềm hy vọng nhỏ cho người nghe — một niềm tin rằng đằng sau những biến cố của cuộc sống, có những điều tốt đẹp hơn đang chờ đợi chúng ta. Thông điệp mang sự đồng điệu với tình cảnh của xã hội Việt Nam cũng như phản ánh tâm trạng bồn chồn của người Việt trong những năm tháng hậu kháng chiến; khi nhân dân phải đối mặt với những khó khăn chồng chất của một đất nước còn non trẻ và nghèo khó. Nhưng giữa một tương lai mờ mịt như thế, họ vẫn giữ vững hi vọng khi bước vào một năm mới, thế kỷ mới, và thế giới mới.

Vào dịp Tết năm 2019, nhằm tri ân tình hữu nghị hơn nửa thế kỷ giữa hai quốc gia, Đại sứ Thụy Điển đã hát ‘Happy New Year’ được phổ sang tiếng Việt, với phần lời không thể nào trái ngược hơn với phiên bản gốc:

Xin chúc cho mọi nhà cùng người thân hân hoan đón xuân
Năm cũ đi, năm mới sang, đón thêm bao tin vui nơi nơi
Chào năm mới trong gió xuân an lành, rộn ràng bao câu ca thắm tươi
Ai cũng vui bên gia đình, chúc năm nay an khang mọi nhà

Dẫu vậy, phiên bản này vẫn nhận được phản hồi tích cực với hàng nghìn lượt thích và bình luận, khen ngợi vị Đại sứ vì cử chỉ thơm thảo — đón nhận “truyền thống” mà chính đất nước ông đã mang đến. Không ai chỉ ra khác biệt giữa phiên bản gốc và phiên bản nhập gia tùy tục này, vì có lẽ trong tâm thức của đại đa phần người Việt, đây đã chính và luôn là thông điệp mà ‘Happy New Year’ đại diện: một năm mới thực sự hạnh phúc.

Suy cho cùng, mỗi tác phẩm đều thuộc về 2 cõi sống — một trong tâm tình người nghệ sĩ gửi gắm và trong cách mà khán giả tiếp nhận nó. Những ai ghét ‘Happy New Year’ có thể chuyển sang nghe ‘Dancing Queen’ để có thứ cảm xúc rộn ràng, xốn xang ngày xuân như mong muốn. Còn những ai yêu? Việc gì phải cai nghiện một bài hát buồn đến não ruột nếu nó khiến bạn thấy vui nhà vui cửa? Và nếu lần tiếp theo bạn bắt gặp mình ngâm nga giai điệu này dưới ánh pháo hoa rực rỡ, lòng bạn được lấp đầy bởi một niềm hi vọng trầm lắng, hãy gửi một lời nhắn đến ABBA vì đã trao món quà âm nhạc quý giá ấy cho người Việt qua bao thập kỷ: “Thank you for the music, For giving it to me.”

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhà sưu tầm nhạc cụ Đức Dậu và hơn 30 năm lưu giữ thanh âm dân tộc

"Những nhạc cụ này nó phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hoặc tâm linh. Ví dụ như nó đánh dấu sự chuyển giao của đời người. Đứa trẻ sinh ra hay người đã khuất thì người ta sẽ dùng những nhạc...

in Văn Hóa

Sau 1 thế kỷ du nhập, văn hóa nhảy đầm cho thấy gì về tư tưởng xã hội ở Việt Nam?

Trước khi trở thành hoạt động phổ biến với mọi tầng lớp xã hội, nhảy đầm đã trải qua nhiều phen ba chìm bảy nổi.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đu đưa cùng Quện, nhóm bạn biến những góc nhỏ Đà Lạt thành sân khấu 'nhã nhạc'

Một hôm nọ, gần nhà số 24C, Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, có hai chiếc xe vừa va chạm nhau. Mọi ánh mắt đều đồ dồn về phía vừa xảy ra tai nạn. Người qua đường thi nhau ngó nghiêng. Và làm nền cho khun...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Giai thoại về 2 ca khúc Giáng sinh kinh điển: 'Hai Mùa Noel' và 'Bài Thánh Ca Buồn'

Tuy Giáng sinh không phải ngày lễ quốc gia ở nước ta, người Việt dành tình cảm cho mùa Noel không kém cạnh bất kỳ dịp lễ nào khác. Đương nhiên, sẽ không thể nào ăn mừng Giáng sinh đúng nghĩa nếu thiếu...