Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Parks & Rec » Thế giới sinh động bên trong 'hội thao' chim cảnh Sài Gòn

Từng chiếc xe máy chầm chậm đến, chở theo những lồng chim phủ kín vải, rồi đậu lại trên bãi sỏi cạnh quán cà phê sân vườn, nơi tiếng hót trong trẻo vọng ra từ lơ lửng trên cao

Sáng ngày hôm ấy, chúng tôi được mời đến khu phố ngoại ô Bình Thạnh để xem thi chim hót. Vượt qua vài con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi đến một khoảng sân đơn sơ với vài bàn nhựa, được che bóng bởi hàng cọ và mái nhà xung quanh, tất cả nằm sau một cánh cổng đề chữ “Cà Phê Sân Vườn / Vườn Chim.”

Ở Việt Nam, những quán cà phê như thế này không phải là hiếm. Đây chính là địa điểm gặp gỡ quen thuộc của các hội nhóm chơi chim cảnh, có thành viên chủ yếu là các chú bác độ tuổi trung niên. Họ tụ họp để chia sẻ thú vui, một tay nâng niu lồng chim, miệng nhấm nháp ly cà phê, điếu thuốc. Giữa tiếng trò chuyện rôm rả, không khí càng trở nên rộn ràng hơn nhờ tiếng chim hót lảnh lót. Chim càng phấn khích bởi các “đối thủ” thì âm vực vang càng xa.

“Khi ở nhà, chỉ mình chú chim ở nhà, đôi khi nó hót thì chỉ là hót vu vơ một mình [theo] bản năng thôi. Khi ra ngoài gặp được nhiều chú chim hơn, gặp nhiều đối thủ hơn, thì [chim] được cọ xát, bộc lộ ra khả năng của nó,” Nguyễn Hữu Duy, một bạn trẻ đam mê chim hót, chia sẻ bên chiếc lồng chim chích chòe than và chích chòe lửa. “Những chú chim nhát thì không dám hót, nhưng những chú chim mạnh mà gặp đối thủ sẽ tự tin thể hiện bản năng của nó, nó hót, nó múa, nó xòe. Vậy nên anh em luôn muốn đem ra một nơi tạo thành cùng một hội giao lưu chim với nhau để nâng cao khả năng của nó ngày càng đẹp hơn.”

Chúng tôi gọi cà phê và đứng chờ, nghĩ rằng sẽ còn phải đợi lâu. Vì chưa quen với cách thức tổ chức, chúng tôi không biết rằng cần ra khu vực phía sau cho đến khi một nhân viên ra nhắc rằng cuộc thi sắp bắt đầu.

Sân khấu rộng nằm dưới tán cây, bên trên ao sen với những đóa sen hồng đổ bóng mặt nước. Anh Thanh Phong, chủ quán kiêm ban tổ chức, ngồi bên bàn gấp, phân phát số báo danh khi mọi người tập trung lại. Các lồng chim lần lượt được đưa lên sân khấu, tấm vải phủ được gỡ ra, để lộ những chú chào mào nhảy từ thanh này sang thanh khác, hót những hồi ba, bốn nốt líu lo. Chiếc đồng hồ kỹ thuật số trên bàn được chỉnh bốn phút cho mỗi lượt thi, còn điện thoại được gắn vào giá để ghi lại toàn bộ diễn biến.

Hai nhân viên mặc áo polo xanh nhạt có logo của quán bắt đầu treo các lồng chim thành một cụm sát nhau, buộc những chú chim đối diện trực tiếp để kích thích bản năng thi đấu. Trong lúc chuẩn bị, một khán giả thân thiện bên cạnh giải thích thêm cho chúng tôi về luật chơi: Chim nào ngừng hót, nhảy xuống đáy lồng, hoặc chỉ đứng yên chải lông sẽ bị cảnh cáo. Ba lần cảnh cáo trong bốn phút là bị loại.

Sáng thứ ba hôm đó có hơn 35 thí sinh, nên việc chọn ra người chiến thắng mất khá lâu. Những ai giành giải sẽ được đứng trên bục vinh quang bên cạnh những chiếc cúp lớn đặt gần sân khấu. Trong thời gian chờ, chúng tôi trò chuyện cùng chú Lê Hùng, một người nuôi chim cảnh từ nhỏ và có thâm niên chơi chim đã 12–13 năm.

Chú Hùng háo hức kể chuyện, mắt ánh lên sự phấn khởi, có lẽ vì chẳng mấy khi có dịp chia sẻ về sở thích của mình: “Thứ nhất là đam mê. Khi con đem đi thi thì sẽ tạo nên cảm giác hồi hộp. Ví dụ như đến vòng loại, [từ] 22 con xuống 20 con, loại 2 con thì đó là cái hồi hộp của mình. Không dám nhìn con chim của mình luôn. Đó là cái thú. Mình bỏ tiền ra để đi chơi, để mua cái hồi hộp đấy. Đến top 20 có giải là mình vui rồi, mừng lắm, tự hào, anh em ôm nhau.”

Trong lúc trò chuyện, chú Hùng thỉnh thoảng lại liếc nhìn cuộc thi phía sau, kiểm tra xem chú chim số 19 của mình thế nào. Tuy nhiên, vẻ điềm tĩnh của chú cho thấy chú rất tự tin vào chú chim của mình trong vòng đầu tiên. Ở nhà, chú còn bốn, năm chú chim khác, nhưng vì chúng đang thay lông nên hôm nay chỉ mang theo con này, mới mua từ một người bán ở Nha Trang vài ngày trước. Đây là lần đầu tiên hai “chiến hữu” này thi đấu cùng nhau.

“Khi thi đấu, may mắn chỉ chiếm khoảng 30%,” chú Hùng chia sẻ khi được hỏi làm sao để chuẩn bị cho chim đoạt giải. “Không có huấn luyện. Mỗi con chim có tố chất của nó, nó phải hay. Tùy mỗi người có một cách nuôi riêng. Không huấn luyện, nhưng phải có chế độ chăm sóc, ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh cho nó để tạo ra một chú chim hay, bên cạnh yếu tố bản năng của nó.”

Chính vì yếu tố tự nhiên, không thể huấn luyện, mà thị trường mua bán chim chào mào vô cùng sôi động. Một chú chim có thể có giá từ 40 đến 50 triệu đồng. Nếu chiến thắng, giá trị ấy còn tăng cao hơn. Một người tham dự cho biết, khi đăng bán kèm bằng chứng thắng giải trên các nhóm trực tuyến, có con thậm chí được mua với giá tới 200 triệu đồng.

Chào mào là loài chim bản địa ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng thường sinh sống tại các vùng núi cao và khó gây giống trong môi trường nuôi nhốt. Loài chim này dễ nhận diện nhờ chiếc mào đen trên đầu và mảng lông đỏ dưới mắt — điểm đặc trưng tạo nên tên gọi của chúng. Tiếng hót của chào mào được miêu tả với nhiều âm thanh vui tai, chẳng hạn như “kíu kíu” hay “chíu chít.” Chúng thường tụ tập thành những nhóm nhỏ, nhưng khi có nguồn thức ăn dồi dào, số lượng cá thể trong một đàn có thể tăng lên đến 50 con. Lúc này, tiếng hót của chúng vang xa hơn, thể hiện rõ nét nhất qua các giai điệu gọi bạn tình hoặc tranh giành lãnh thổ. Mặc dù không phải là loài chim duy nhất được sử dụng trong các cuộc thi chim hót ở Việt Nam, chào mào vẫn là loài phổ biến nhất nhờ vào chất giọng dễ chịu.

Dù mù tịt về luật lệ cuộc thi, chúng tôi vẫn cổ vũ nhiệt tình cho chú chim số 19 của chú Hùng. Nhưng tiếc thay, các vị thần chim không ban tặng cho chúng tôi một cái kết đẹp — “ca thủ” áo số 19 đã bị loại khi cuộc thi chỉ còn lại 10 con.

Dẫu vậy, chú Hùng vẫn rất vui với màn trình diễn đầu tiên của chú chim và thậm chí đã nhờ chúng tôi lên nhận cờ và cúp thay chú (nhưng không phải số tiền thưởng ít ỏi chỉ đủ để bù lại lệ phí tham gia 100.000 đồng). Sau lễ trao giải, các thí sinh nán lại trò chuyện, đùa vui, mua thức ăn cho chim và tất nhiên, không thể thiếu những cuộc thảo luận sôi nổi về dàn chim cưng.

Trước đó, Duy chia sẻ với chúng tôi rằng điều quý giá nhất chính được gắn kết với những người cùng chung đam mê. “Việc có một không gian chung giúp mọi người cảm thấy gần gũi hơn. Mình có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ niềm vui và tham gia vào các hội nhóm để giao lưu, kết nối,” Duy nói. Đặc biệt, giữa phố xá Sài Gòn xô bồ, nhiều người dễ cảm thấy cô đơn hay lạc lõng, những buổi gặp mặt thế này lại càng trở nên ý nghĩa.

Cộng đồng những người yêu chim cần một nơi để gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Đó cũng là lý do Thanh Phong, chủ quán cà phê, quyết định mở quán. Ngay từ lần đầu chúng tôi liên hệ, anh đã vô cùng nhiệt tình và háo hức giới thiệu chúng tôi không chỉ về cuộc thi, mà còn về Duy và chú Hùng. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là mặc dù anh yêu thích tiếng chim hót và vẻ đẹp của chúng, bản thân anh lại không nuôi chim. Anh mở quán cà phê này vì nhận thấy nhu cầu của mọi người lúc bấy giờ. Nhưng với anh, quán cà phê này không đơn thuần là cơ hội kinh doanh từ một thị trường ngách.

“Một cái duyên, một cái tình cờ thôi là chị anh thành lập một chợ đồ cổ kế bên để mọi người tới giao lưu, trao đổi với nhau, thì anh mới nảy ra ý tưởng làm một quán cà phê chim kế bên để tạo một nét văn hóa đặc trưng của khu vực và không gian này. Mọi người vào đây nếu muốn tìm những gì hoài niệm, những ký ức xưa thì vào bên đó, xong thì sang đây nghe chim hót, ngắm nhìn những chú chim múa hót trong không gian này. Hai không gian kết hợp tạo thành một nét văn hóa riêng của khu vực.”

Nhìn những người đàn ông, vốn có vẻ cứng rắn thường ngày, lại tỉ mỉ chăm sóc từng chú chim nhỏ, chúng tôi cảm thấy lòng mình như dịu lại. Đôi khi, chính những thú vui tưởng chừng đơn giản lại cho ta một góc nhìn khác về con người và về những mối quan hệ họ xây dựng giữa lòng thành phố.

Thanh Phong cũng chia sẻ điều anh quý nhất về cộng đồng này: “Đó là những vị khách, những nghệ nhân lớn tuổi hay những chàng trai trẻ tuổi, họ tới đây đều rất nhẹ nhàng. Cảm giác mọi người vào đây đều rất nhẹ nhàng, nghe chim hót, uống cà phê, giao lưu nói chuyện, không phân biệt giai cấp tầng lớp, bước vào đây là cùng một niềm đam mê.”

Bạn không cần phải là người nuôi chim, hay thậm chí là người đam mê chim để ghé thăm Cà phê Vườn Chim hoặc bất kỳ quán cà phê chim nào khác ở Sài Gòn. Được gặp gỡ những cộng đồng với sở thích đặc biệt, và lắng nghe câu chuyện của những người bạn mới gặp gỡ, ấy cũng đã là một trải nghiệm đáng giá.

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Parks & Rec

Tìm bình yên trên hành trình 'săn mây' ở Đồi chè Cầu Đất Đà Lạt

Miền Bắc California, nơi tôi lớn lên, là vùng đất may mắn được tạo hóa ban cho thiên nhiên thanh bình. Những con đường mòn không tên, những đỉnh núi đầy sương mây bao bọc nơi đây được tôi xem như thiê...

in Parks & Rec

Tôi đi nhảy đầm trong thế giới 'quẩy tung nóc' của jazz dance

Từ khi bắt đầu học nhảy jazz, câu tôi hay nghe nhất từ những người xung quanh là “Jazz mà cũng nhảy được á?”

in Parks & Rec

Về biển Đà Nẵng, tìm hội chiến hữu đam mê lướt sóng

Đà Nẵng không phải là một điểm lướt sóng quá nổi bật khi so với những thánh địa lớn trên thế giới về biển như Hawaii hoặc San Diego. Trên những bãi biển cát trắng của thành phố miền Trung, người ta ha...

in Parks & Rec

Đi xem ultimate frisbee để sống lại cảm giác được gắn kết với một tập thể

Hồi còn học cấp 3, tôi và những thằng bạn, từ những con người xa lạ, đã có dịp “kết nghĩa huynh đệ” qua những giờ tỉ thí trong các trận frisbee. Cứ ngỡ sẽ chẳng còn những giây phút đẫm mồ hôi với...