Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Vụn Art ghép tranh vải vụn viết tiếp giấc mơ cho người khiếm khuyết

Vải vụn tưởng chừng bỏ đi đã được những người khuyết tật của hợp tác xã Vụn Art hồi sinh thành những bức tranh ép lụa độc đáo.

Cứ đều đặn vài ngày trong tuần bất kể mưa nắng, trên chiếc xe ba bánh tự chế, anh Lê Việt Cường lại len lỏi qua dòng người tấp nập để đến xưởng Vụn Art cách nhà khoảng 15km. Hành trình chẳng hề dễ dàng với một người khuyết tật vận động như anh. Nhưng với Cường, quãng đường này chẳng sá gì so với đoạn đường 7 năm mà anh cùng đội ngũ cố vấn và Vụn Art đã đi qua. Một chặng đường không đo bằng kilomet mà tính bằng những trải nghiệm, bằng vô vàn thử thách và những lần vấp ngã, bằng nước mắt và cả những nụ cười.

Trên hành trình ấy, triệu triệu mảnh vải lụa vụn ngỡ đã kết thúc sứ mệnh đã bắt đầu một hành trình mới trong những chiếc tranh, túi, áo, v.v. Những sản phẩm thủ công này được tạo ra bởi gần 40 nghệ nhân khuyết tật. Họ là 40 mảnh ghép khác nhau, dưới mái nhà Vụn Art, đã sống cuộc đời mới bằng sức lao động và sự sáng tạo. Họ tự ví mình là những mảnh vụn được “đặt đúng chỗ” để được tiếp tục làm đẹp cho đời. 

Địa điểm giới thiệu sản phẩm của Vụn Art tại làng lụa Vạn Phúc.

7 năm hồi sinh những mảnh vải lụa vụn

Xưởng Vụn Art nằm nép mình một cách khiêm nhường trong con hẻm nhỏ ở làng Vạn Phúc, ngôi làng ven đô vốn là cái nôi sản sinh ra loại lụa tơ tằm nổi tiếng gần xa. Căn phòng chưa đầy 20m2 ngổn ngang giấy, vải vụn, chỉ đủ chỗ cho hai dãy bàn sát tường và lối đi ở giữa. Trên kệ, xen giữa những mẩu tranh còn dang dở là những bức tranh ép lụa đã thành hình, một cổng làng Vạn Phúc cổ kính trong tông màu nâu vàng đặt kế bên một chiều hoàng hôn cầu Long Biên rực đỏ.

Xưởng sản xuất của Vụn Art.

Tại một góc xưởng, với sự tập trung cao độ, Mỹ đang hoàn thiện một bức tranh chân dung. Lát sau, cô cầm mảnh vải màu nâu quay sang cậu bạn phía sau để chỉnh sửa. “Vùng da mặt này em phải đổi sang màu nâu này thì mới đúng độ đậm,” Mỹ vừa nói vừa loay hoay kết hợp cả ký hiệu bằng tay để cậu đồng nghiệp khiếm thính hiểu được ý mình. Sau một vài phút chật vật, bằng một sợi dây vô hình, họ có thể nắm bắt ý nhau. Ở Vụn Art, Mỹ là người chị ở cả tuổi đời và tuổi nghề. “Quá trình làm việc chung với các bạn giúp mình tập sự điềm tĩnh và nhẫn nại. Đồng hành cùng nhiều bạn khác nhau, sự nỗ lực và thay đổi của các bạn chính là điều mình cảm thấy xúc động nhất,” Mỹ nói.

Hiện nay, Vụn Art có hơn 30 thợ may. Những người lâu năm sẽ hướng dẫn lại cho các bạn mới.

Họ mang những hình thức khiếm khuyết khác nhau, được phân công các công việc phù hợp với thể trạng.

Họ được đào tạo về mỹ thuật, bố cục, màu sắc… từ các họa sĩ cố vấn.

Trong xưởng sản xuất, mỗi người một công đoạn, ai nấy đều cặm cụi, đặt hết sự chú ý vào từng chi tiết. Người thuyền trưởng của Vụn Art, anh Lê Việt Cường, đang thực hiện cuộc gọi video cho khách hàng để kiểm tra sản phẩm: “Đây là tranh hoàn thiện, anh thấy ổn chưa, cần sửa chỗ nào không?” Vị khách phía bên kia gật gù: “Anh thấy đẹp rồi, khi nào xong thì gửi qua giúp anh nhé.” Cuộc gọi kết thúc trong tiếng cười của cả hai khi sắp được nhìn thấy kết quả.

Một ngày làm việc bình thường của Vụn thường diễn ra như thế.

Anh Lê Việt Cường (sinh năm 1976) là người sáng lập Vụn Art.

Tạm ngưng công việc, anh Lê Việt Cường hồi tưởng về quá trình xây dựng Vụn Art. Như một thước phim, 7 năm cùng Vụn thoáng qua đầu rồi chầm chậm dừng lại ở thời điểm 7 năm trước. Đó là năm 2017, khi anh vẫn đang cùng 3 người khác duy trì xưởng may thú bông của người điếc. Ngày 6/3 năm ấy, họa sĩ Nguyễn Văn Trường (hiện là Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hà Đông) đến thăm, tặng quà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Anh Trường vui tay lật qua lật lại những mảnh vụn. Những mẩu vải lộn xộn sau vài phút bỗng chốc trở thành một bức tranh. Anh Trường nhìn Cường đăm chiêu rồi khẽ khàng nói: “Anh có ý này, hay là mình làm một xưởng tranh từ vải lụa. Vừa tái chế được nguồn nguyên liệu bỏ đi giảm gánh nặng cho môi trường, vừa tạo việc làm cho người khuyết tật. Từ trước đến nay, cũng chưa có ai làm tranh ghép lụa như thế này.”

Câu nói của họa sĩ Nguyễn Văn Trường lúc ấy dường như đã đánh thức giấc mơ được anh Cường ấp ủ bao lâu về một nơi làm việc dành cho người khuyết tật. Anh Cường thủ thỉ: “Ước mơ của mình là người khuyết tật có việc làm. Họ cần được sống như những người không khuyết tật, cần nhận thấy bản thân mình có ích. Bệnh viện có thể giảm những đau đớn thân xác. Nhưng làm việc, tạo ra giá trị bằng chính nghị lực bản thân mới là liều thuốc giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn.”

Anh Cường luôn trăn trở làm sao người khuyết tật có việc làm, sống tự tin và hạnh phúc.

Ý nghĩ vốn chẳng lúc nào ngủ yên nay như được tiếp năng lượng, thôi thúc người đàn ông sinh năm 1976 bước những bước tập tễnh đầu tiên trên con đường xây dựng Vụn Art. Tuy vậy, giữa ý tưởng và thực tế là một khoảng trống mênh mông. Không có chuyên môn về mỹ thuật, vốn liếng của anh lúc ấy chỉ là một niềm khao khát. Làm như thế nào, bắt đầu ra sao vẫn là một dấu hỏi to đùng chắn ngang vạch xuất phát.

Khi cảm thấy mơ hồ nhất, anh Cường có những người bạn cạnh bên, sẵn sàng làm đôi chân, làm cánh tay trái cùng anh đặt những viên gạch đầu tiên. Với anh Cường, sự khích lệ ấy có ý nghĩa to lớn hơn bất kỳ điều gì. Hoạ sĩ Đặng Thị Khuê cố vấn cho Vụn khía cạnh văn hóa, mỹ thuật. Hoạ sĩ Nguyễn Văn Trường không ngần ngại bảo: “Cường cứ làm đi, cứ kêu gọi người khuyết tật đến học nghề. Anh sẽ đứng ra dạy hình họa, bố cục, dựng hình, màu sắc, bổ khuyết những kiến thức về mỹ thuật.” Anh Hoàng, một người bạn khác, đảm nhận đào tạo kỹ thuật làm tranh ghép vải. Anh Lê Quốc Vinh cố vấn về phát triển sản phẩm, dịch vụ và truyền thông. Chị Bình, một người bạn của anh Cường, tự bỏ tiền cá nhân để mua bàn ghế cho xưởng. Và còn vô số sự đóng góp âm thầm khác.

Vụn Art được thành lập năm 2017 với khoảng 10 học viên đầu tiên.

Ngay từ thuở bé, anh Lê Việt Cường đã quen đi trên những con đường chẳng mấy bằng phẳng. Khi mới 9 tháng tuổi, anh bị yếu nửa người bên trái khi dịch sốt bại liệt quét qua miền Bắc. Trong 8 năm, anh trải qua 10 cuộc phẫu thuật cho hai chân bằng nhau, vô số cơn đau và trăm lần vấp ngã chỉ để đi lại được. Có lẽ hơn ai hết, Cường nhìn thấu những chật vật về thể xác và tinh thần mà người khuyết tật trải qua. Cho nên, giấc mơ người khuyết tật ai cũng có việc làm, sống tự tin, hạnh phúc mỗi ngày một lớn dần lên trong anh. Và anh không cho đó là giấc mơ viển vông.

Thế là, anh bắt đầu. Những ngày cuối hè năm 2017, băng qua những con đường nhựa hơi nóng phả lên bỏng rát ở 17 phường của quận Hà Đông, chiếc xe ba bánh tự chế đưa anh đến từng gia đình có người khuyết tật. Chiếc xe cũ khung sắt đã rỉ, sơn bong tróc vượt qua những ổ gà trên mặt đường, kêu lạch cạch. Mặt anh đen nhẻm khói xe, bụi đường, áo đẫm mồ hôi. Anh gõ cửa từng nhà để thuyết phục phụ huynh cho con đến Vụn Art học nghề. “Khi nghe mình bảo họ đi học, người khuyết tật rất e dè bởi suốt bao nhiêu năm, họ ghim trong tâm thức một niềm tin rằng họ không thể làm được gì, họ là gánh nặng cho xã hội. Thay đổi niềm tin đã ăn sâu không phải chuyện ngày một ngày hai. Đến 10 nhà thì hết 9 nhà từ chối. Mình đến nhà chị Hậu 2 lần là đồng ý, còn như Dung, phải đến nhà 5 lần phụ huynh mới chấp thuận,” anh Cường hồi tưởng.

Những lần muốn bỏ cuộc, anh Cường lại nhớ đến câu nói mà anh Lê Quốc Vinh, một người bạn, thỉnh thoảng cứ bảo với anh: “Người tốt không bao giờ chết được đâu Cường.” May là, anh Cường luôn tin vào điều đó, rằng khi bắt đầu bằng mục đích tốt đẹp sớm hay muộn cũng sẽ tìm thấy con đường. Niềm tin này đã đẩy anh về phía trước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ bước đầu được đền đáp. Đến tháng 10/2017, lớp học nghề của Vụn Art được thành lập với 10 học viên. Trong 2 năm đầu tiên, Vụn chưa sản xuất mà chỉ tập trung đúng một nhiệm vụ là đào tạo nghề. Những người họa sĩ, phụ trách kỹ thuật như anh Trường, anh Hoàng vừa thu xếp công việc chính, vừa đào tạo nhân công. Còn anh Cường thì đi khắp các xưởng may trong làng lụa Vạn Phúc xin vải vụn phục vụ thực hành.

Quy trình tạo nên một bức tranh ép lụa gồm hơn 10 bước: thiết kế, chọn vải, lọc vải, là phẳng, ép, dán bìa, ép nhiệt, v.v. đòi hỏi óc thẩm mỹ, sự khéo léo, tỉ mỉ. Đối với một người lành lặn, công việc này vốn đã không mấy dễ dàng, với người khuyết tật lại càng thử thách gấp nhiều lần. Người khuyết tật ở Vụn mang trong mình những khiếm khuyết khác nhau như khiếm thính, khuyết tật vận động, trí tuệ, tự kỷ. Mỗi người được phân công những công việc phù hợp với thể trạng. Có những bạn chỉ làm đi làm lại đúng một thao tác cắt dán hay ép vải lên bìa.

Nguyên liệu Vụn Art sử dụng là vải vụn, vải thừa được lấy từ các xưởng may trong làng lụa Vạn Phúc.

Vải vụn sẽ được chọn lọc, là phẳng, ép…qua rất nhiều bước trước khi ghép vào tranh.

Quy trình làm tranh ghép lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và óc thẩm mỹ.

Hồi đó, chưa nhiều khách hàng, Vụn trải qua 2 năm đầu không có doanh thu. Vốn duy trì hoạt động của Vụn cũng là tiền cá nhân của anh Cường, cùng sự hỗ trợ của Quỹ Abilis Phần Lan. Mỗi nhân sự nhận vài trăm nghìn tiền phụ cấp hàng tháng nhưng họ quyết đồng cam cộng khổ cùng anh, rất nhiều trong số đó bám trụ đến hôm nay. Trong những tháng ngày chật vật tìm kiếm đầu ra, anh Cường một tuần hết 7 ngày đi khắp nơi để chào hàng. Sự từ chối chưa bao giờ làm Cường nản lòng. Cuối cùng, đơn hàng của Đại sứ quán Mỹ đã mở ra cánh cửa cho Vụn. Phải mất 2 năm, Vụn mới có doanh thu, đảm bảo được chi phí vận hành.

Nơi sự tự tin được vun đắp

Mỗi tháng, Vụn Art tạo ra hàng trăm sản phẩm, mang đến công ăn việc làm cho hơn 30 người khuyết tật với mức thu nhập ổn định. “Không thể phủ nhận, với một doanh nghiệp, bán được sản phẩm là niềm vui to lớn. Thế nhưng, với tôi, có một niềm hạnh phúc còn lớn lao hơn, là nhìn thấy thay đổi của các bạn từng ngày, dù là những thay đổi nhỏ nhất,” anh Cường xúc động nói. “Một bạn tự kỷ thể tăng động, không ngồi im quá 5 phút, bỗng một ngày có thể ngồi yên được đã là một nỗ lực phi thường, chỉ việc ấy thôi đã khiến tôi vui mừng khôn tả.”

Ngoài tranh chân dung ép lụa để trang trí, Vụn Art còn mang những bức tranh lụa độc đáo vào những sản phẩm khác như túi, khẩu trang, áo…

Ở Vụn, những bạn tự kỷ, thiểu năng, chậm phát triển trí tuệ thường sẽ tốn nhiều thời gian hơn để học và thành thạo nghề. Thông thường, năng suất của các bạn phụ thuộc vào tâm trạng và thời tiết. Khi tụt năng lượng, hoặc đau đầu do thời tiết, các bạn thường không tập trung làm, thậm chí, có khi đang làm bỗng dưng hoảng sợ, khóc thét, anh Cường nói.

Dung đã có sự thay đổi rõ rệt sau 7 năm gắn bó với Vụn Art.

Dung mắc chứng tự kỷ, liệt tay trái từ nhỏ. Căn bệnh đã lấy đi sự hoạt bát và khả năng làm chủ cảm xúc của cô gái nhỏ. Sau rất nhiều lần anh Cường thuyết phục, gia đình cho Dung đến Vụn học nghề. Còn nhớ 7 năm trước, những ngày đầu, Dung chẳng đoái hoài nói chuyện với ai. Dung sợ người, ánh mắt luôn luôn đề phòng. Dung chỉ lủi thủi một mình, thu mình một góc. Ở Vụn, chỉ mỗi anh Cường có thể nói chuyện được với Dung. Có lẽ, một cách mơ hồ, Dung cảm nhận được sự tận tâm của “chú Cường” và những anh chị ở đây nên cô bé rất chăm, ngày nào cũng đến xưởng. Đến nay, Dung đã có thể giao tiếp được. Tại phòng trưng bày sản phẩm của Vụn Art, sau khi hoàn thành xong việc trong ngày, Dung quay ra khoe với tôi về bức tranh Khuê Văn Cát đang ghép lở dở, em thủ thỉ: “Em đã làm ở đây 7 năm rồi, công việc ở đây đã thay đổi em rất nhiều. Em thấy vui và thích đến đây vì được gặp mọi người.”

Nguyễn Thị Khanh và con gái đều là thợ tại Vụn Art.

Cô Nguyễn Thị Khanh không giấu được niềm xúc động khi nhìn Mai Trang, cô con gái sinh năm 1991, đã thưa dần những cơn đau. Cô Khanh kể, con gái cô mang trong mình bệnh động kinh và chậm phát triển trí tuệ từ năm 9 tuổi. Trang không làm chủ được cảm xúc của mình, hay cáu giận vô cớ. Hết lớp 5, con đường học hành của cô gái dang dở. “Bạn ấy chỉ làm được những việc như quét dọn, cắm cơm. Từ tháng 1/2023, Trang bắt đầu nhận việc tại Vụn. Vì thể trạng, con gái chỉ làm tại nhà và đảm nhận một thao tác duy nhất là cắt chi tiết ghép thành bức tranh đơn giản. Dù công việc chỉ có thế, Trang vui lắm vì có thể tự mình làm ra tiền. Có thể vì tinh thần tốt lên nên bệnh của Trang thưa dần, bạn bắt đầu biết kiềm chế cảm xúc nên cô cũng yên tâm hơn trước.”

Một người đã gắn bó với Vụn Art từ những ngày đầu tiên là cô Hoàng Thị Hậu vẫn không quên ngày bén duyên với Vụn 7 năm trước. Sau những lưỡng lự, cô Hậu đến học nghề và cùng Vụn trải qua những tháng ngày chật vật nhất. Dù chỉ nhận phụ cấp vài trăm nghìn mỗi tháng thời điểm đó, cô Hậu vẫn luôn tìm thấy niềm vui ở đây khi có thể tự lao động và nhìn thấy được giá trị của bản thân.

Cô Hoàng Thị Hậu là một trong những nhân sự đầu tiên của Vụn Art.

Cứ thế, suốt 7 năm qua, dưới mái nhà Vụn Art, những nụ cười và sự lạc quan đã đẩy dần đi những tự ti, mặc cảm.

Những tác phẩm với giá trị nghệ thuật riêng

Thay vì cách tiếp cận bằng tình thương hay sự giúp đỡ của cộng đồng, Vụn Art khuyến khích người khuyết tật làm ra sản phẩm có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường. Theo Giám đốc HTX Vụn Art, chỉ cách này mới khơi dậy sự tự tin cho người yếu thế nói chung và người khuyết tật nói riêng. Bởi đó là khi sức lao động và sự sáng tạo của họ được ghi nhận. Sự thương cảm của cộng đồng có thể giúp người khuyết tật cảm thấy được quan tâm, xoa dịu ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ có tình yêu thương bản thân từ chính họ mới đi cùng mỗi người quãng đường dài, giúp họ thay đổi được số phận của chính mình. Tình thương bản thân chỉ được tạo ra từ bên trong mỗi người, bằng nghị lực và sự thấu hiểu giá trị, bằng sự tự tin và nội lực vun đắp từng ngày.

Vụn Art tin rằng những người khuyết tật nếu được trao cơ hội sẽ có khả năng phát huy điểm mạnh và tạo ra giá trị.

“Khi đi chào hàng, mình không bao giờ nói trước với khách hàng rằng đây là sản phẩm của người khuyết tật. Mình muốn khách hàng chọn mua sản phẩm vì hàm lượng nghệ thuật, hàm lượng văn hóa ẩn chứa trong từng mảnh vải, từng đường kim, mũi chỉ chứ không phải vì được tạo ra bởi người khuyết tật.” Anh Cường chia sẻ, “Vụn Art cũng chưa bao giờ kêu gọi đóng góp từ thiện. Nếu ai mang đến cho Vụn một khoản tiền, Vụn sẽ vay và trả dần bằng sản phẩm được tạo nên bằng sức lao động của mình.”

“Người khuyết tật nhưng sản phẩm không được khuyết tật,” anh Cường vẫn hay nói với nhân sự tại Vụn như thế. Từ những bức tranh đầu tiên dễ dàng bị bong tróc vì dán bằng keo sữa, giờ đây, những mảnh vụn đã có thể bám chặt, bền màu nhờ vào công nghệ ép nhiệt. Từ những bức tranh dân gian được lụa hóa, giờ đây sản phẩm của Vụn lồng ghép những đề tài đa dạng hơn, kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử, những nhân vật truyền cảm hứng như thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cả chân dung cá nhân hóa theo yêu cầu. Ngoài ra, sản phẩm của Vụn cũng được thể hiện bằng nhiều dạng thức mới như túi tote, khẩu trang, áo thun…

Vụn Art thường lồng ghép những chất liệu văn hóa vào trong các sản phẩm.

Tranh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do những người thợ tại Vụn Art tạo nên từ vải vụn.

Những gì Vụn làm được đã dần xua tan những ánh mắt nghi ngại xung quanh. Dù đã gặt hái nhiều quả ngọt, người đứng đầu Vụn Art vẫn còn lắm những trăn trở. Anh trăn trở làm sao trong thời gian tới, Vụn có một nơi làm việc rộng rãi hơn, phù hợp hơn với thể trạng người khuyết tật, cũng như một không gian khang trang hơn để trưng bày sản phẩm. Anh cũng đau đáu làm sao có thể nhân rộng mô hình như Vụn Art để mang đến nhiều cơ hội cho nhóm người yếu thế, tạo điều kiện để người khuyết tật được lao động và tạo ra giá trị. “Điều đó cần một giải pháp toàn diện và sự chung tay của rất nhiều bên,” anh nói.

“Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình.”

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tử Mộc Trà, nghệ sĩ sắp đặt kể chuyện văn hóa bằng lớp lang chất liệu

Tử Mộc Trà, tên thật là Phạm Thùy Dương, là một nữ nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của cô được nuôi dưỡng bởi thiên cảm cá nhân, truyền thống gia đình và trải n...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vietnam Retropunk': Dự án minh họa mang vũ trụ máy móc vào giữa lòng phố cổ

Những chú robot và cỗ máy tinh vi xuất hiện giữa khung cảnh phố phường cổ kính — quá khứ và tương lai đã bắt tay nhau như thế qua thế giới của “Vietnam Retropunk."

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Hanoi Rock City và hành trình lan toả cái đẹp của âm nhạc 'cây nhà lá vườn'

Hanoi Rock City là một địa điểm không thể nào quen thuộc hơn với giới trẻ Hà Thành, đặc biệt là những ai yêu thích văn hóa “Rock n Roll.” Sau 12 năm thành lập, HRC đã trở thành một không gian văn hóa ...