Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Nghệ sĩ graffiti Tấn Lực và câu chuyện 'minh oan' cho nghệ thuật đường phố

Ra đời từ đường phố, graffiti về bản chất mang trong mình sự tự do, phóng khoáng. Nhưng cũng như chiếc trụ điện ngoài phố, graffiti dễ bị gắn lên vô số các nhãn mác, cùng với đó là những cách hiểu chưa đúng. Hôm nay, hãy để Tấn Lực, một người trong cuộc, “minh oan” cho loại hình nghệ thuật này. 

Mối duyên 10 năm cùng graffiti và cách giữ lửa tình yêu

Nguyễn Tấn Lực, hay còn được biết đến với nghệ danh Cresk, đã dành hơn 10 năm để theo đuổi nghệ thuật graffiti. Các tác phẩm của anh thường khai thác chủ đề văn hóa, tinh thần của người Việt nói chung, và vẻ đẹp, sức sống của phụ nữ Việt Nam nói riêng.

“Graffiti vốn tự do, phóng khoáng và không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc nào, giống như cá tính của mình vậy. Mình thấy đồng cảm và dễ dàng hấp thụ được tinh thần ấy của graffiti. Việc sáng tác với mình cũng vì thế mà trở nên tự nhiên và không bị gò ép,” Lực chia sẻ về lý do khiến anh gắn bó với bộ môn nghệ thuật này lâu như vậy.

Tấn Lực và các đồng đội từ nhóm nghệ sĩ graffiti Wallovers.

Song song với việc thực hiện những dự án độc lập, Tấn Lực còn hoạt động cùng Wallovers, một nhóm nghệ sĩ graffiti/mural art, với đồng đội Zkhoa (Trang Nhơn Khoa), Daes (Lưu Đoàn Duy Linh) và Deska (Phạm Thành Nguyên) là thành viên mới gia nhập. Wallovers được thành lập vào năm 2017, với các mảnh ghép đến từ những lĩnh vực khác nhau, nhưng có mẫu số chung là tình yêu vô điều kiện cho môn nghệ thuật đường phố. 

Các thành viên của nhóm khá hợp cạ trong cách tư duy và định hướng phát triển, đều đề cao tính thẩm mỹ, hướng tới cộng đồng, và dành sự ưu tiên tuyệt đối cho những dự án xã hội. Chiêm ngưỡng những tác phẩm của bộ ba, người xem có thể phần nào cảm nhận nét giao thoa giữa nghệ thuật và đường phố, giữa bản sắc cá nhân và thị hiếu số đông.

Sự kết hợp giữa văn hoá đường phố và văn hoá truyền thống.

“Điều này góp phần quan trọng trong việc đưa nghệ thuật vào cuộc sống, khiến nó trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn. Thông điệp muốn truyền tải trong từng bức graffiti cũng vì thế mà dễ dàng được lan tỏa hơn,” Tấn Lực chia sẻ về quan điểm sáng tạo của bản thân nói riêng và Wallovers nói chung.

Cảm hứng xoay quanh hình tượng người phụ nữ Việt

Nói về phong cách cá nhân khi hoạt động riêng với nghệ danh Cresk, Lực cho biết anh thường tìm kiếm chất liệu và ý tưởng từ những điều dung dị, cơ bản nhất. Anh chăm chỉ quan sát những chuyển động của đường phố, góp nhặt những vẻ đẹp thô ráp giấu mình trong mọi ngóc ngách của đời sống dân dã, sau đó tỉ mẩn gọt giũa, bóc tách những sần sùi và tôn vinh chúng trong các tác phẩm graffiti của mình.

Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam là một đề tài nổi bật trong các sáng tạo của Lực.

Phần lớn tác phẩm graffiti của Lực đều xoay quanh hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ qua góc nhìn của Lực vẫn hồn hậu, nữ tính nhưng không ủy mị; e ấp, bí ẩn nhưng luôn nổi bật; tinh tế, khiêm nhường nhưng bản lĩnh và hội nhập. Những yếu tố thuần Việt như tà áo dài, nón lá hay suối tóc đen mượt được Lực cài cắm hài hòa cùng chất liệu đường phố, tạo nên một tổng thể vừa mang hơi thở hiện đại, vừa đậm chất văn hóa truyền thống.

Trong triển lãm mới nhất mang tên “Urban Layers,” Lực một lần nữa chinh phục người xem với các tác phẩm thị giác và điêu khắc tôn vinh phụ nữ Việt. Nếu các tác phẩm thị giác mang trong mình sự dịu dàng, mềm mại, thì các bức điêu khắc là đại diện cho sự táo bạo, tân thời của thế hệ phụ nữ hiện đại.

Không đồng lõa với sự cẩu thả trong sáng tạo

Graffiti từ lâu đã không còn quá xa lạ tại Việt Nam, nhưng thiện cảm của mọi người dành cho bộ môn này vẫn là mục tiêu mà những cá nhân như Tấn Lực hay Wallovers cần phải chinh phục mỗi ngày. Không ít lần Lực nhận về những cái nhìn khó chịu, những lời gièm pha thiếu lịch sự hay thậm chí bị xua đuổi khi đang thi công bản vẽ, làm ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo dù trước đó đã hoàn tất các thủ tục xin phép từ phía địa phương.

“Những lúc như vậy mình buồn chứ. Không phải chỉ có thiệt hại về tiền bạc, mà thời gian, công sức và tâm huyết của mình cũng trở nên vô nghĩa,” Lực bộc bạch. “Tuy nhiên cũng phải thừa nhận vẫn có một số thành phần chỉ quan tâm đến số lượng, vẽ nguệch ngoạc. Sự cẩu thả ấy đã phần nào khiến hình ảnh của graffiti có cái nhìn không mấy thiện cảm từ cộng đồng,” anh nói thêm.

Tấn Lực từng nhận không ít lời gièm pha, thậm chị bị đuổi về, khi đang thực hiện tác phẩm.

“Graffiti là nghệ thuật được thực hiện trên những bức tường. Mà đã là nghệ thuật thì luôn cần đầu tư kỹ lưỡng. Từ khâu lên ý tưởng, xin phép địa phương, chuẩn bị nguyên liệu đến hoàn thành bản vẽ, mình luôn cố gắng làm chỉn chu nhất có thể. Phác thảo, màu sắc, bố cục, v.v. không có bước nào là được lơ là, vì mình không muốn gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng graffiti và cộng đồng dân cư đang sinh sống chung quanh tác phẩm của mình,” anh chàng chia sẻ.

Graffiti, chiếc loa phát thanh của những thông điệp tích cực

Giá trị cốt lõi mà graffiti hướng tới được gói gọn trong 1 tính từ “đẹp.” Cái đẹp đến từ sứ mệnh tô màu cho đường phố, tạo thêm nhiều cảm hứng cho cộng đồng. Ngoài ra, cái đẹp của graffiti còn mang đến những thông điệp ý nghĩa, có sức lan tỏa tích cực đến xã hội. Đây cũng chính là điều mà Lực cùng Wallovers vẫn luôn theo đuổi.

Bằng chứng là trong chặng đường 10 năm hoạt động của mình, Lực luôn chủ động góp mặt trong những dự án ý nghĩa với cộng đồng. Một vài trong số đó có thể kể đến như “City Forest” — trồng 300 "cây xanh" trên tường, bằng cách sử dụng loại sơn đặc biệt có khả năng lọc sạch không khí.

Tác phẩm được Tấn Lực phối hợp thực hiện với nghệ sĩ Người Đá cho dự án "City Forest."

Bên cạnh đó, anh còn góp mặt trong những dự án vẽ tường cho nhà thiếu nhi và cô nhi viện, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với các em nhỏ; hay trong chiến dịch gây nhận thức về HIV/AIDS do Hội Chữ thập đỏ tổ chức, với bức vẽ người mẹ nhiễm bệnh ôm lấy người con, thực hiện cùng các thành viên Wallovers. 

“Thông qua những tác phẩm này, mình hy vọng có thể góp một phần nhỏ giúp cuộc sống này trở nên đẹp hơn, đưa những thông điệp tích cực chạm được đến nhiều người hơn. Cũng từ đó, cộng đồng sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với bộ môn graffiti này,” Lực cho biết.

Tranh graffiti được nhóm Wallovers thực hiện tại một bệnh viện trẻ em ở Thủ Đức.

[Ảnh trong bài viết do nhân vật cung cấp.]

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chơi xuân Nhâm Dần đúng điệu với bộ bài minh họa '54 sắc thái Dần'

Trong văn hóa của người Việt, Tết đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Âm lịch, cũng như một chu kỳ mới của cuộc sống.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chàng 'phù thủy tiền lẻ' sáng tạo các mẫu origami độc đáo

Bạn có thể làm được gì với tờ 200VND?

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Các nền tảng trực tuyến mở ra hướng đi mới cho triển lãm nghệ thuật trong nước giữa đại dịch

Cho đến tháng 2/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) vẫn nhộn nhịp tổ chức các hoạt động triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm "Tỏa 3" do Đỗ Tườ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Dự án minh họa mang tinh hoa nghệ thuật hát bội vào con chữ

“Hát bội làm tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…” Ấy là lời ca tụng từng lan truyền trong dân gian về vẻ đẹp mê hoặc của những sân khấu hát bội.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Khi biển âm thanh của Hà Nội trở thành chất liệu sáng tạo nghệ thuật

Các nghệ sĩ và dự án lấy cảm hứng sáng tạo từ thế giới âm thanh phong phú của Hà Nội sau đây sẽ giúp làm vơi bớt nỗi nhớ phố phường trong những ngày thành phố lặng yên trong giãn cách xã hội.