Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Khi biển âm thanh của Hà Nội trở thành chất liệu sáng tạo nghệ thuật

Các nghệ sĩ và dự án lấy cảm hứng sáng tạo từ thế giới âm thanh phong phú của Hà Nội sau đây sẽ giúp làm vơi bớt nỗi nhớ phố phường trong những ngày thành phố lặng yên trong giãn cách xã hội. 

Với dân số hơn 8 triệu người, có một sự thật không thể phủ nhận rằng trong nhịp sống thường nhật, Hà Nội là một thành phố rất ồn ào. Theo nghiên cứu năm 2018 của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, mức tiếng ồn trung bình tại 12 tuyến đường lớn và nút giao thông chính của Hà Nội rơi vào khoảng 77,8–78,1 đề-xi-ben (dBA) vào ban ngày và 65,3–75,7dBA vào ban đêm, cao hơn gấp mười lần ngưỡng cho phép.

Nhưng trong những đợt giãn cách xã hội toàn thành phố, những hỗn âm "đặc sản" của thủ đô, vốn khiến mọi người thấy mệt mỏi — tiếng chó sủa đổng từ nhà hàng xóm, tiếng trẻ con chạy nhảy trong ngõ hay tiếng xe cộ qua lại không ngớt, v.v. — lại là một trong những điều chúng ta mong mỏi được nghe lại nhất. Bởi lẽ những thanh âm này, dù hỗn tạp đến đâu, không chỉ ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu, cảm nhận và khám phá nơi ta đang sống, mà còn là một phần ký ức và sinh hoạt hằng ngày.

Đầu những năm 1940, nhà soạn nhạc người Pháp Pierre Schaeffer đưa ra thuật ngữ musique concrète để mô tả những tác phẩm âm nhạc sử dụng âm thanh được thu lại từ môi trường xung quanh chúng ta (thay vì được chơi bằng nhạc cụ dựa trên một bản nhạc hoặc sản xuất bằng công nghệ kỹ thuật số). Đến nay, âm thanh từ môi trường sống đã trở thành một chất liệu sáng tạo trong nghệ thuật đương đại. Những âm thanh này được thu lại và dùng làm chất liệu thô để nhà soạn nhạc chỉnh sửa và từ đó tạo ra nhiều tác phẩm giàu tính nghệ thuật. Có tác phẩm là tài liệu chân thực về cuộc sống, có tác phẩm rất giàu chất nhạc hoặc chứa đựng thông điệp về lịch sử, chính trị và không gian.

Sau đây, Urbanist xin giới thiệu một số trong rất nhiều nghệ sĩ và dự án lấy cảm hứng sáng tạo từ thế giới âm thanh phong phú của Hà Nội.

Lương Huệ Trinh — Về lại với những thanh âm lịch sử 

Năm 2014, ứng dụng Echoes đã kết hợp với nghệ sĩ âm thanh Lương Huệ Trinh để thực hiện dự án 'Nghe Dạo Hà Nội' — một dự án cộng đồng giúp người nghe khám phá lịch sử của thủ đô bằng trải nghiệm âm thanh. "Tôi đã sử dụng những âm thanh không còn tồn tại ngày nay, như tiếng tàu điện cũ, những giai điệu truyền thống như tiếng 'hát xẩm' từng được phát trên tàu, kết hợp với những âm thanh ta vẫn nghe thấy mỗi ngày như tiếng gọi nhau trên đường phố, những cuộc nói chuyện phiếm và tiếng xe cộ. Tôi xử lý và lồng ghép các âm thanh ấy với nhau, đôi khi  làm chúng biến dạng, vụn vỡ hoặc vang vọng, như thể ta đang dạo bước trong một giấc mơ," Lương Huệ Trinh chia sẻ trên trang web của dự án. "Tôi muốn thính giả nghe được hai nguồn âm thanh cùng một lúc. Một nguồn là phát trực tiếp từ tai nghe, nguồn còn lại thì trừu tượng hơn. Nó gợi mở một không gian rộng lớn trong không gian vốn có. Từ hai nguồn âm thanh này, họ có thể liên kết hiện tại và quá khứ để cảm nhận và trải nghiệm khung cảnh Hà Nội theo một cách hoàn toàn mới."

Robert Henke, Trí Minh & Vũ Nhật Tân — Dự án Hanoi Soundscape

Dù đã hơn 10 năm tuổi nhưng dự án Hanoi Soundscape vẫn là một tượng đài trong thế giới nghệ thuật âm thanh. Dự án là sự kết hợp của ba nghệ sĩ tài năng: Robert Henke của nhóm Monolake; Trí Minh, người đi đầu trong dòng electronic của Việt Nam; và Vũ Nhật Tân, cố nhạc sĩ và nhà soạn nhạc nổi tiếng người Hà Nội. Các nghệ sĩ đã ghi âm trực tiếp tại các địa điểm xung quanh thành phố như ga xe lửa, giao lộ và đường phố Hà Nội, sau đó xử lý các âm thanh để tạo ra nhiều bản nhạc khác nhau. Những nhạc phẩm này sau đó được phát hành trong một album và được trình diễn tại Viện Goethe vào năm 2010. Mục đích của dự án đặc biệt này là ghi lại những âm thanh đặc trưng của Hà Nội, làm chúng trở nên nổi bật và sống động bằng nhiều kỹ thuật chỉnh sửa và từ đó phác họa được dòng chảy cuộc sống giàu chất liệu của thủ đô.

'Intersection' (Giao Lộ, 2010) của Robert Henke.

'Train Going' (Tàu Lửa Đang Chạy) của Trí Minh trong dự án Hanoi Soundscape cùng với Robert Henke và Vũ Nhật Tân.

Nhung Nguyễn (Sound Awakener) — Không gian và địa điểm

Nhung Nguyễn (nghệ danh là Sound Awakener) là một nghệ sĩ trẻ đang làm việc tại Hà Nội. Năm 2015, cô phát hành nhạc phẩm 'Nocturnal Scenes,' một phần trong dự án Tiny Portraits. Theo mô tả về dự án trên trang web: “Tiny Portraits là hành trình chiêm nghiệm về mối liên kết không trọn vẹn giữa âm thanh và nơi chốn, giữa việc tái hiện và sáng tạo. Chúng ta bắt đầu hành trình từ một góc nhỏ, một nơi nào đó ít ai biết đến, rồi khám phá nơi đó bằng âm thanh.” Đây là một dự án quốc tế với những tác phẩm đến từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi tác phẩm thể hiện một địa điểm bằng những âm thanh đặc trưng của nơi ấy.

Tác phẩm 'Noctunal scenes' của Sound Awakener trong dự án Tiny Portraits.

Không chỉ lấy những bản ghi âm trực tiếp làm chất liệu sáng tạo, Sound Awakener tiếp tục dùng âm thanh để khắc hoạ trải nghiệm của thế giới thực qua hai dự án nghệ thuật cộng đồng Into Thin Air & Into Thin Air 2 của Manzi Art Spaces.

Bản soundwalk 'The Noise Within' dài 37 phút của nữ nghệ sĩ đưa người nghe đi bộ dọc theo con đường từ Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (66 Nguyễn Thái Học) đến Manzi (14 Phan Huy Ích). Tiếp theo là tác phẩm tương tác 'Những Thực Tại Bình Yên' được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Đây là một sản phẩm hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc Kryshe. Trong tác phẩm này, họ sử dụng GPS để phát cho người nghe những bản nhạc tương ứng với mỗi vị trí trên khắp Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi vòng quanh quảng trường, bạn sẽ lần lượt bước vào và bước ra những không gian âm thanh riêng biệt, và được tự do lựa chọn trải nghiệm thính giác của mình bằng cách di chuyển và tương tác với hiện trường. Bạn đọc có thể thử trải nghiệm bằng cách tải xuống ứng dụng này.

Georgia Golebiowski — Đắm chìm vào âm thanh

Khi sống ở Việt Nam, nghệ sĩ đa phương tiện Georgia Golebiowski đặc biệt quan tâm đến thế giới âm thanh xung quanh cô và câu chuyện mà những âm thanh đó thể hiện. Từ đó, cô đã bắt đầu nhiều dự án để “lắng nghe” nhiều không gian khác nhau như các con hẻm ở Sài Gòn, tiếng rao của người bán hàng rong, và công viên hồ Thành Công ở Hà Nội (dự án được một tổ chức thư viện âm thanh ở Hồng Kông tài trợ). Nữ nghệ sĩ đến từ London cho biết: “Đối với tôi, quá trình thu âm là việc mình chủ động chọn dừng lại một thời điểm, để kết nối với những gì đang diễn ra trước mắt và đắm chìm vào không gian xung quanh ta.”

Tác phẩm sắp đặt của Georgia, 'Places We Once Were And Will Always Be,' gợi lại một buổi sáng sớm ở ngôi làng Hiên Vân, gần Bắc Ninh. Cô chia sẻ: "Tôi tỉnh dậy vì tiếng mưa. Trời lúc đó hãy còn sớm, mặt trời vừa mới lên và xung quanh cũng chưa hẳn sáng. Mọi người vẫn đang ngủ và trong nhà thì vắng lặng. Xoong nồi và vỏ lon bia từ đêm hôm trước xếp đống ở khoảng sân nhỏ bên cạnh căn bếp. Chúng sẽ sớm được dọn dẹp và mưa cũng sẽ dứt. Tôi ngồi xuống cùng ly cà phê và chiếc máy thu âm, rồi lắng nghe những hạt mưa khi chúng va chạm với sự vật và tạo nên những âm điệu nhịp nhàng. Giây phút sống chậm ấy đã giúp tôi thu lại được âm thanh ở các địa điểm trong nhà và xung quanh sân. Tôi đã dành hơn hai tiếng để ghi lại những thanh âm của buổi sáng tháng Mười hôm ấy.”

Để thực hiện tác phẩm, nữ nghệ sĩ đã lắp đặt năm chiếc loa trên trụ cột và dưới phần mái ngói của một cây cầu. Mỗi bản thu âm là một lời mời người nghe khoan vội rời đi mà hãy nán lại để hòa mình vào không gian và lắng nghe câu chuyện được kể bằng âm thanh. Trong quá trình xử lý hậu kỳ, người nghệ sĩ đã kết hợp các trích đoạn dài 2 phút của các bản thu âm ban đầu với nhau mà không chỉnh sửa gì thêm. Tác phẩm sau cùng dài 15 phút 26 giây, có định dạng kỹ thuật số và ra mắt năm 2021.

Yác phẩm Georgia Golebiowski ở Hiên Vân.

Đom Đóm — Học làm nhạc từ âm thanh của cuộc sống

Khi bàn về các nghệ sĩ thể nghiệm ở Hà Nội, ta không thể không kể đến Đom Đóm. Được thành lập vào năm 2012 dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ-cố vấn Trần Kim Ngọc, trung tâm là nơi đào tạo các nhạc sĩ trẻ và tổ chức các sự kiện quy mô lớn cho những người yêu thích nhạc underground. Những nghệ sĩ trẻ tuổi tại Đom Đóm không chỉ được khuyến khích học các kỹ thuật âm nhạc truyền thống của Việt Nam mà còn được tạo điều kiện để lồng ghép các bản thu âm trực tiếp trong tác phẩm của họ. Có rất nhiều nghệ sĩ đã từng tham gia nghiên cứu âm thanh thực địa ở Đom Đóm, trong đó bao gồm Phú Phạm, Quân Đơ, Phạm Thanh Tâm, Hương Dona, Tuấn Nị, Hà Thúy Hằng, Nguyễn Thùy Linh, Hoài Anh, Nguyễn Quốc và Hoàng Anh. Gần đây, Đom Đóm đã tham gia sản xuất và cho ra mắt album 'Những Chân Trời Bụi Đỏ' để giới thiệu 5 tác phẩm của nhiều nghệ sĩ khác nhau với cùng cảm hứng “khám phá ranh giới giữa truyền thống và hiện đại.”

The Six Tones - Âm thanh qua lăng kính học thuật và chính trị

The Six Tones là một nhóm các nghệ sĩ, nhà lý luận, và nhà soạn nhạc người Việt Nam và người Thụy Điển. Khi nghiên cứu hệ sinh thái âm thanh qua lăng kính học thuật, nhóm đã triển khai dự án Arrival Cities: Hanoi. Dự án sử dụng các bản thu âm và ghi hình thực tế của các cuộc phỏng vấn để tìm hiểu điều kiện sống của phụ nữ tại các khu vực có nhiều người dân đến từ tỉnh lẻ. Năm 2014, nhóm đã tổ chức buổi diễn đầu tiên, các tác phẩm được trình diễn live kết hợp với nhạc nền và trình chiếu video. Đến nay, dự án vẫn đang được The Six Tones thực hiện.

Tác phẩm của nhóm đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa âm thanh, sức mạnh kinh tế-xã hội của quốc gia và những tác động của đô thị hóa đến đời sống của những đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhờ có những đóng góp đáng kể cho các tổ chức giáo dục quốc tế, The Six Tones đã mang những vấn đề này đến với công chúng bằng qua các bài luận được đăng trên nhiều ấn phẩm và luận án nghiên cứu, như công trình 'The Choreography of Gender in Traditional Vietnamese Music' của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, xoay quanh những chủ đề về giới tính, chuyện làm phim tài liệu trình diễn (performative documentary) và các yếu tố xuyên văn hóa.

Bản thu âm trực tiếp từ Lễ hội Tacit or Loud tại Trung tâm Nghệ thuật Inter Arts Center ở Malmö (Thụy Điển).  

AGF - Dùng âm thanh vào công tác hoạt động xã hội

Năm 2019, tổ chức Blind Signal ở Berlin đã thực hiện chương trình trao đổi "Blind Signal VTMN - GRMN" cho các nghệ sĩ âm thanh trong nước và quốc tế. Trong số sáu nghệ sĩ tham gia chương trình, cô gái AGF (Antye Greie-Ripatti) đến từ Phần Lan có niềm yêu thích đặc biệt với việc thu thập và chỉnh sửa các bản thu âm hiện trường. AGF là một nghệ sĩ âm thanh, nhà sản xuất nhạc điện tử, người giám tuyển, nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền. Cô được biết đến với các tác phẩm đa phương tiện được sáng tác để hỗ trợ cho các cộng đồng yếu thế, đặc biệt là các vấn đề về giới.

Với tinh thần ấy, vào Ngày Quốc tế Lao động, AFG đã cùng các nghệ sĩ Hương DonNa, Lương Huệ Trinh Linhhafornow đến thăm và khám phá thế giới âm thanh của hai xưởng may nhỏ ở Hà Nội. Video này là màn phối hợp biểu diễn ngẫu hứng của các nghệ sĩ trong dự án.

Trong thời gian ở Việt Nam, cô cũng đã tổ chức một buổi workshop trong chuỗi sự kiện #sonicwilderness được cô duy trì thực hiện cho đến nay. Workshop hướng dẫn các bài tập để giúp người tham gia cảm nhận rõ hơn về các âm thanh xung quanh họ và kết nối lại với không gian sống của mỗi người.

Sơn X — Câu chuyện đô thị hóa

Nhiều năm qua, vấn đề đô thị hóa của Hà Nội đã trở thành một đề tài được nhiều nghệ sĩ khai thác. Một trong những tác phẩm đáng chú ý về đề tài này là 'One Face Number 4' được thực hiện bởi Sơn X và nghệ sĩ video Brian Ring. Dự án đã được trình bày tại Lễ hội Âm nhạc Mới Hà Nội năm 2009. Sơn X chia sẻ với Saigoneer: “Tôi suy nghĩ nhiều về tình trạng đô thị hóa, con người bị dồn vào những công trình bê tông xám xịt như lăng mộ... Người dân từ các làng quê đổ xô đến những thành phố lớn để tìm cơ hội. Ở các vùng nông thôn, các nhà máy và khu công nghiệp nối tiếp nhau mọc lên. Người nông dân phải rời nơi chôn rau cắt rốn để đi tìm cuộc sống tốt hơn ở nơi thành thị... một câu chuyện buồn không hồi kết." Đoạn mở đầu đầy ai oán của tác phẩm được trích từ bài vọng cổ "Chuyện Lan và Điệp" là lời kêu gọi mọi người đừng quên cội nguồn, người thân yêu bên con sông bến nước. Sơn X giải thích: “Câu hát giống như một thông điệp rằng sự giàu có của thành phố chỉ là nhất thời và nơi chôn nhau cắt rốn mới là vĩnh cửu.”

'One Face Number 4' của Sơn X và Brian Ring. Nguồn: Kênh Youtube của nghệ sĩ.

Alistar Hobson — Khi cảm xúc không thể thành lời

“Với những người yêu thích bộ môn nghệ thuật âm thanh thì mỗi đoạn ghi âm đã có thể xem là một dự án… tôi nghĩ bản thân chúng đã mang tính nghệ thuật rồi.” Giọng đùa-như-không đùa của Alistar Hobson càng làm cho lời chia sẻ của cô thêm hài hước, thể hiện được tính cách dí dỏm của nhà khoa học âm thanh đến từ Luân Đôn. Hiện cô đang tham gia vào các dự án hậu kỳ cho phim ngắn và hoạt hình, làm nhạc điện tử, biểu diễn live và công việc sắp đặt âm thanh/hình ảnh.

Trong tác phẩm 'Final Week In Hanoi' — một món quà mà Alistar dành cho Saigoneer, cô đã tập hợp những khoảnh khắc chứa đựng chất thơ trong cuộc sống hằng ngày, kết hợp với cảm quan lãng mạn và đầy hoài niệm của người nghệ sĩ. “Lúc đó, tai tôi bị cuốn vào một thứ âm thanh bất ngờ không rõ nguồn gốc. Khi đến gần góc sân hơn, tôi phát hiện một chiếc thuyền trống không bị mắc lại bên bờ hồ. Không thể trôi đi đâu, con thuyền liên tục vỗ nước vào thành hồ, tạo ra âm thanh long bong vang khắp khoảng sân, trái ngược bầu không khí yên tĩnh của ngôi chùa gần đấy."

Tác phẩm 'Final Week In Hanoi' của Alistar Hobson.

Đôi lời tác giả bài viết

Tôi gõ những từ cuối cùng cho bài viết này vào một sáng thứ Hai bận rộn. Tiếng gà trống gáy sáng, tiếng máy bơm nước từ đầu ngõ, tiếng còi xe văng vẳng, tiếng cuốc xới, rồi lại tiếng gà gáy, tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng mèo kêu. tiếng trẻ em khóc... 

Hà Nội ồn ào quá phải không? Nhưng từ những âm thanh này, thành phố đang muốn nói với chúng ta điều gì đó chăng? Có lẽ chúng ta cần phải để ý nhiều hơn, tinh tế hơn mới có thể hiểu được tiếng nói ấy.

Hà Nội vẫn không ngừng phát triển, nên có lẽ thủ đô tương lai cũng sẽ mãi náo nhiệt như vậy. Nhưng cái ồn ào đặc trưng ấy vừa mang đậm bản sắc của thành phố, vừa chất chứa câu chuyện cá nhân của người dân Hà thành. Mỗi người chúng ta nên nhìn nhận thế giới âm thanh đó là một ngôn ngữ, một phương thức giao tiếp xã hội giàu giá trị lịch sử. Và hơn nữa, chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ này để tạo ra những tác động tích cực cho đời sống cộng đồng.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chơi xuân Nhâm Dần đúng điệu với bộ bài minh họa '54 sắc thái Dần'

Trong văn hóa của người Việt, Tết đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Âm lịch, cũng như một chu kỳ mới của cuộc sống.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nghệ sĩ graffiti Tấn Lực và câu chuyện 'minh oan' cho nghệ thuật đường phố

Ra đời từ đường phố, graffiti về bản chất mang trong mình sự tự do, phóng khoáng. Nhưng cũng như chiếc trụ điện ngoài phố, graffiti dễ bị gắn lên vô số các nhãn mác, cùng với đó là những cách hiểu chư...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Q&A: Nghệ sĩ trẻ Quỳnh Lâm về ứng dụng sắc màu hoài niệm trong nghệ thuật sắp đặt đương đại

Nguyễn Đức Diễm Quỳnh (hay còn được biết với cái tên Quỳnh Lâm) là một nghệ sĩ thị giác đương đại. Được đào tạo mỹ thuật chuyên nghiệp và tiếp nhận ảnh hưởng từ truyền thống nhiếp ảnh của gia đình, cô...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Trải nghiệm sáng tạo tại Á Space, chương trình ươm mầm cho nghệ sĩ thể nghiệm tại Hà Nội

Không gian nghệ thuật Á Space được thành lập vào tháng 5/2018, đến nay đã trở thành một vườn ươm dành cho các nghệ sĩ trẻ trong nước, cung cấp nền tảng để họ thực hiện ý tưởng của mình và từng bước th...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...