Nguyễn Đức Diễm Quỳnh (hay còn được biết với cái tên Quỳnh Lâm) là một nghệ sĩ thị giác đương đại. Được đào tạo mỹ thuật chuyên nghiệp và tiếp nhận ảnh hưởng từ truyền thống nhiếp ảnh của gia đình, cô đã mang những hiểu biết đó vào các tác phẩm của mình thuộc loại hình nhiếp ảnh ý niệm và sưu tầm tư liệu.
Đọc bản gốc Tiếng Anh của bài viết tại đây.
Quỳnh tốt nghiệp trường Đại Học Mỹ Thuật HCM năm 2007 và Đại học Kiến Trúc HCM vào năm 2012. Sau đó cô làm việc ở một công ty kiến trúc để có thu nhập ổn định trong khi thực hiện các dự án nghệ thuật cá nhân của mình. Suốt thời gian đó, cô không ngừng rèn giũa khả năng cảm thụ chất liệu, không gian, tỉ lệ, và hiệu ứng ánh sáng trong kiến trúc. Những kỹ năng này trở nên hoàn thiện và thể hiện rõ trong các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thực địa của cô.
Các tác phẩm của Quỳnh Lâm đã tham gia triển lãm ở cả trong và ngoài nước. Cô nhận được Giải thưởng Art Future năm 2019 tại Đài Loan. Và gần đây, cô đã mang tác phẩm của mình đến hội nghị quốc tế “Reviewing Black Mountain College” lần thứ 11 của trường đại học Black Mountain. Quỳnh Lâm cũng đã được nhận vào chương trình Riedel Fellowship của Quỹ Ragdale (Illinois, Hoa Kỳ).
Trong cuộc trò chuyện với Saigoneer, cô chia sẻ về nỗi hoài niệm của mình, về những màu sắc của ký ức đang dần phai nhạt, và sự trăn trở trước những khoảng cách địa lý và khác biệt về góc nhìn mà cô đang trải qua.
Là một nghệ sĩ chuyên khai thác chủ đề ký ức, chắc hẳn việc hiểu được cội nguồn của mình là điều rất quan trọng đối với Quỳnh Lâm. Bạn có thể chia sẻ đôi chút về gia đình và xuất thân của mình không?
Mình sinh năm 1988 tại Sài Gòn và sống cùng với bố mẹ, nhưng gia đình mình có gốc Hà Nội. Mình đoán là có gốc Hải Phòng nữa nhưng không chắc lắm. Ông bà mình chuyển vào Nam năm 1954, khi đó bố mình được một tuổi. Hồi bé, mình luôn cảm thấy chẳng biết gì về họ hàng của mình. Mình có người thân sống ở Pháp và Mỹ. Mình từng thắc mắc “Tại sao họ lại sống ở đó nhỉ?” Chỉ biết là trong nhà có người qua Pháp du học hồi những năm 1930 và ở lại đó nên bây giờ mình có họ hàng ở Pháp. Nhưng sau một thời gian thì họ dần mất đi kết nối với văn hóa Việt Nam. Mình gặp họ hai lần khi họ về thăm Sài Gòn và cảm thấy họ là người Pháp chứ không phải người Việt như mình. Lúc nào mình cũng cảm thấy bản thân đứng giữa rất nhiều thứ. Lúc mình ra Hà Nội, mọi người nói rằng mình không phải người ở đó vì mình nói giọng miền Nam, nhưng khi mình ở Sài gòn thì người ta sẽ cho là ngược lại. Dường như mình không thuộc về nơi nào cả, hoặc chí ít cũng không phải là nơi ông bà mình sinh ra.
Khi mình chọn con đường mỹ thuật, bố mẹ đã muốn mình theo học một ngành nào đó “đảm bảo” hơn, chí ít là có thể kiếm được công việc ổn định. Có lẽ khi đó họ chưa hiểu về ngành nghề này, và mình cũng vậy. Mình hỏi mẹ của một người bạn rằng làm sao để sống được bằng nghề nghệ sĩ mỹ thuật, và cô đã kể rằng bố cô cũng làm nghệ thuật. Ông đã mở rộng kỹ năng của bản thân để làm được nhiều công việc khác ngoài đam mê. Vì thế, mình quyết định học kiến trúc. Nhờ học ngành này mà mình đã phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật, và hiểu được rất nhiều điều về việc sử dụng không gian và chất liệu, cũng như hiệu ứng cảm xúc của những yếu tố ấy.
Ví dụ, trước đây mình có quan tâm và tìm hiểu về nhà rường ở Huế, một kiểu kiến trúc truyền thống đang dần biến mất. Rất nhiều ngôi nhà rường đã bị phá hủy trong và sau chiến tranh, tiếc là giờ đây không còn nhiều người giữ được kỹ thuật xây dựng kiểu nhà này. Nhà rường là ví dụ điển hình về cách hình thành tư duy trong kiến trúc. Công việc đầu tiên của mình là thiết kế nội thất và mình đã tham gia nhiều dự án khách sạn từ năm 2012 đến 2018, nhờ đó mình tích lũy được kinh nghiệm trong việc tạo ra “xúc cảm thẩm mỹ” cho không gian.
Bạn muốn khai thác những chủ đề gì trong nghệ thuật?
Nói một cách ngắn gọn nhất thì mình đang cố gắng khám phá mối liên kết giữa nghệ thuật, thiên nhiên, lịch sử, và ký ức. Ở thời điểm hiện tại, mình đang tìm hiểu về chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, và mình nghĩ chủ nghĩa này có ảnh hưởng rất lớn đến cách mình nhìn nhận cuộc sống.
Lịch sử và ký ức sẽ luôn là đề tài chính trong các sáng tác của mình. Nhân đang nói về dấu ấn của quá khứ trong xã hội hiện tại, mình khá sốc khi biết được số phận của các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Từ 2012 đến 2015, mình đã vẽ phác thảo nhiều công trình như vậy ở Sài Gòn, có cái rất tỉ mỉ, có cái thì phác qua để bắt lấy cái hồn. Một trong những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của mình cũng được thực hiện trong một tòa nhà Pháp cổ. Bây giờ thì nó bị phá đi rồi, không chỉ vậy, khi ra cứu trên mạng, mình không tìm thấy một bài báo hay thông tin nào về tòa nhà đó nữa. Nó đã biến mất mà chẳng để lại vết tích nào, cứ như chưa hề tồn tại vậy. Điều tương tự cũng đã xảy ra với Thương Xá TAX và nhiều tòa nhà thời Pháp thuộc khác ở thành phố này.
Có đúng là các tác phẩm của bạn luôn phảng phất chút hoài niệm? Bạn có đang cố gắng tìm kiếm những điều không còn tồn tại nữa?
Hoài niệm, mình thích từ đó! Gần đây, có một người bạn cũng là nghệ sĩ đã ghé thăm mình ở studio. Cô ấy nhìn thấy những mảng màu sắc trên tường do mình chà những bông hoa lên đó. Màu sắc ấy từ từ phai mờ theo tác động của ánh nắng. Lúc đó, cô bạn đến gần bức tường, cảm nhận hương hoa đang dần tan biến, và khi nhìn về phía mình, cô ấy đã dùng đúng từ “hoài niệm.”
Mình đã từng trải qua cảm giác đó. Lần đầu tiên, mình về Việt Nam vào năm 1998. Mình có cảm giác rằng Sài Gòn lúc đó có một sắc màu rất khác so với bây giờ.
Có lẽ là do màu sơn tường, Bưu Điện Trung tâm trước đây có màu vàng đất còn bây giờ người ta sơn lại một màu hơi chói quá. Đùa vậy thôi, nhưng thực sự mình cảm thấy tông màu của thành phố đã thay đổi, không còn hài hòa như trước. Thử nhìn vào những địa điểm du lịch xem, cả ở Sài Gòn và các thành phố khác — ví dụ như nhiều tòa kiến trúc trong Kinh thành Huế — chúng được sơn son thếp vàng lại. Màu sơn ấy khiến mình có cảm giác như đang ở trong một bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc. Trong khi cách đây 10 hay 20 năm, mọi thứ trông tự nhiên hơn nhiều, nhưng chỉ vì để du khách cảm thấy bắt mắt, người ta đã vô tình khiến những địa điểm này mất đi một phần vẻ đẹp và linh hồn vốn có. Bây giờ thì mình thấy chúng có phần hơi gượng ép.
Mình thích phối những màu sắc thật gần với màu sắc của tự nhiên. Sơn dầu hay màu acrylic đều là họa phẩm hóa học và đôi khi còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Cái mà mình đang tìm kiếm, như mình từng nói, là “mùi hương” của sự lụi tàn. Vòng đời sinh học của một loài cây hay loài trái quả — từ lúc gieo hạt đến ra hoa kết trái rồi úa tàn — cũng giống như vòng đời con người vậy. Màu sắc cũng có sự sống mong manh của chúng, nhưng mình thích được ngắm nhìn quá trình suy tàn chầm chậm nhẹ nhàng ấy, và cảm nhận bước đi âm thầm của thời gian. Ta có thể bắt gặp điều này trong tranh của những họa sĩ Đông Dương thời Pháp thuộc. Họa sĩ Lê Phổ thường đưa hình ảnh phụ nữ và hoa vào trong tác phẩm của ông, motif này có tính biểu tượng cao và đó chính là những gì mình muốn khám phá.
Nhân đây, bạn có thể chia sẻ về tác phẩm “Lịch sử của màu sắc” mà bạn đã thực hiện ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội năm 2019 vừa qua không?
Mình có ý định làm một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thực địa mà không đơn thuần dừng lại ở việc thể hiện khái niệm. Mình muốn tác phẩm có thể mang đến trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan cho người thưởng thức. Mỗi ngày, mình ra chợ hoa Quảng Bá và mang về những bó hoa lớn, chủ yếu là hoa cúc, và thuê xe lam chở từ Hồ Tây về VCCA. Một điều thú vị là trên chiếc xe có dán một logo với dòng chữ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, bác tài xế là cựu chiến binh trong quân đội Miền Bắc từng tham gia vào sự kiện 30/4 ở Sài Gòn. Khi chở hoa cho mình vào mỗi buổi sáng, bác ấy kể cho mình nghe rất nhiều câu chuyện quá khứ và thật kì lạ là những điều đó trở nên đồng điệu với chính tác phẩm mà mình đang thực hiện.
Cúc là loại hoa rất thường thấy trong cuộc sống của người Hà Nội. Cảm hứng của mình đến từ bức họa Jeunes filles au jardin fleuri (Hai cô gái trẻ trong vườn hoa) của họa sĩ Mai Trung Thứ. Một trong những điều mình muốn diễn tả là hình ảnh tần tảo của người phụ nữ Việt Nam, như các dì bán hoa ở chợ Quảng Bá và cả những người phụ nữ đã hỗ trợ mình thực hiện tác phẩm này. Hơn nữa, triển lãm diễn ra vào tháng 12 khi gần Tết, thời điểm hoa được sử dụng rất nhiều và có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Ngoài ra, cảm hứng của tác phẩm này còn đến từ kỹ thuật tạo phẩm màu từ các nguyên liệu tự nhiên của dòng tranh Đông Hồ — màu đen từ than tre hay màu xanh của lá tràm.
Cái mình muốn ở đây là mang những bảng màu của mình, những chất liệu mà mình thường sử dụng nhiều nhất đặt trong một không gian có phong cách hiện đại. Cành hoa, cánh hoa và hương hoa đều sẽ tàn phai theo thời gian: đó là một phần trong tác phẩm của mình, cả về mặt biểu tượng lẫn trải nghiệm giác quan cho người xem. Triển lãm kéo dài từ tháng 12 cho tới tháng 2. Sau ngày khai mạc, hoa bắt đầu héo đi nhưng mình vẫn để nguyên cho đến khi triển lãm kết thúc.
Vậy công chúng đón nhận như thế nào?
Các đánh giá mình nhận được đều xoay quanh cảm giác hoài niệm mà tác phẩm mang lại. Đối với người xem, mùi hương càng lúc càng nồng và sắc hoa đang dần phai nhạt đã gợi nhắc họ về một mùa Tết đã qua, nhưng ta cứ mãi nhớ về cái không khí rộn ràng và ấm cúng ấy sau khi trở lại cuộc sống thường nhật, ngày nối ngày tháng nối tháng với bao vất vả lo toan. Trong buổi nói chuyện sau ngày khai mạc triển lãm, mọi người chia sẻ rằng họ chưa từng trải nghiệm một hình thức nghệ thuật như vậy ở Việt Nam: Một tác phẩm sắp đặt đa giác quan từ mùi hương, màu sắc và chất liệu, tất cả đều làm từ hoa thật. Có lẽ họ chưa từng được xem một tác phẩm nghệ thuật tồn tại theo thời gian thực tế. Trong buổi khai mạc, một người đã đến nói với mình rằng họ cảm thấy như đi lạc vào giấc mơ của một ai đó vậy. Nhiều khán giả cũng chụp hình và bình luận về “Lịch sử của màu sắc” trên trang fanpage của VCCA. Vậy nên có thể nói là tác phẩm đã được đón nhận rất tích cực.
Là một nghệ sĩ Việt Nam sống và làm việc tại Mỹ, bạn có cảm giác như thế nào? Bạn có kết nối với các nghệ sĩ Việt Nam ở đó không? Và có một cộng đồng riêng của họ không?
Khó có thể nói chính xác vì mình mới sống ở đây 3 năm, dù mình đã có rất nhiều chuyến đi đến các bang khác nhau để mở rộng tầm mắt và có được cái nhìn về hoạt động nghệ thuật tại Mỹ. Từ quan sát cá nhân, mình cho rằng hầu hết các nghệ sĩ ở Mỹ đều gặp nhiều khó khăn hơn ở Việt Nam, đặc biệt là việc trang trải phí sinh hoạt ở những thành phố lớn như New York, San Francisco, Chicago. Phần lớn họ vừa đi dạy tại các trường nghệ thuật vừa tranh thủ thực hiện các dự án cá nhân. Ngay cả khi mình được nhận học bổng cho một chương trình sau đại học thì bản thân cũng đang làm trợ giảng ở trường để duy trì học bổng và có thêm tiền mua họa cụ.
Mình không chắc là có một cộng đồng các nghệ sĩ Việt Nam ở Mỹ hay không, nhưng mình có nghe rằng các nhà văn và nhà thơ người Mỹ gốc Việt rất gắn kết với nhau, đặc biệt là ở New York và California. Mình đoán là làm một nghệ sĩ tại Mỹ thì bận rộn hơn ở Việt Nam. Mình thấy mọi người đến triển lãm và rời đi rất nhanh sau buổi khai mạc để tiếp tục với các hoạt động khác. Không giống như ở Việt Nam, các nghệ sĩ thường tụ họp lại với nhau, uống nước và trò chuyện. Ở đây thì bạn phải hẹn trước mới có được dịp gặp một ai đó. Cho đến bây giờ, mình vẫn chưa gặp một nghệ sĩ Việt Nam nào tạo được tên tuổi trên đất Mỹ. Có vẻ như ở đây họ biết đến các nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt nhiều hơn. Theo mình biết thì những nghệ sĩ Việt ở đây thường làm việc riêng lẻ và có lẽ vì họ ở xa nhau quá nên không tiện liên lạc và gặp gỡ.
Hiện tại, mình không tham gia vào một cộng đồng các nghệ sĩ Việt Nam nào ở Mỹ, mà đúng hơn là mình không có cơ hội đó vì bang mình sống (Tennessee) chủ yếu là người da trắng. Không có nhiều người châu Á sống ở miền Nam nước Mỹ. Mình không muốn đi theo bước chân của bất kỳ ai vì thế đã chọn một nơi cách xa các thành phố lớn, môi trường yên tĩnh ở đây sẽ tốt hơn cho công việc của mình.
Các nghệ sĩ Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 tiếp nhận sự ảnh hưởng của kỹ thuật hội họa Pháp và các giáo viên người Pháp như Victor Tardieu hay Joseph Inguimberty, vậy thì bạn tiếp nhận sự ảnh hưởng của những nghệ sĩ nào?
À, mình chắc chắn sẽ nghiên cứu nhiều hơn về các tác phẩm của những nghệ sĩ người Mỹ đã có ảnh hưởng rất lớn đối với mình như Cy Twombly. Mình đã vay mượn rất nhiều từ Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism), như bạn có thể thấy trong tác phẩm tại VCCA Hà Nội. Giống như Cy Twombly, mình thường vẽ hoa, nhưng khác là mình vẽ bằng cánh hoa chứ không phải bằng sơn dầu.
Tác phẩm Jeunes filles au jardin fleuri (Hai cô gái trong vườn hoa) của họa sĩ Mai Trung Thứ.
Mình còn được truyền cảm hứng bởi rất nhiều nghệ sĩ khác. Mình rất thích nghệ sĩ người Pháp Sophie Calle, nghệ sĩ và nhà làm phim người Đức Hito Steyerl, nghệ sĩ Đan Mạch gốc Việt Danh Võ, cả nhiếp ảnh gia người Mỹ Cindy Sherman và nghệ sĩ đa thể loại người Bỉ Francis Alÿs. Ngoài ra, mình hiện đang tìm hiểu thêm về thể loại Video Art và đang thực hiện một tác phẩm video với sự hướng dẫn của Yael Bartana, một nghệ sĩ người Israel có nhiều ảnh hưởng đến mình giống như cách bạn nhắc đến Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ. Nhưng chẳng phải những nghệ sĩ sống xa quê hương đều cố gắng tìm nguồn cảm hứng từ nơi ở mới hay sao? Như Cy Twombly, ông là một nghệ sĩ Mỹ nhưng lại dành phần lớn thời gian ở Rome, Ý và vì thế, cảm hứng sáng tạo của ông cũng phần nhiều đến từ quê hương thứ hai này.
Nếu ở mình có điều gì đang thay đổi thì đó là mình đã trở nên khắt khe hơn, theo hướng tích cực. Chương trình học ở trường luôn đưa ra nhiều thách thức, bắt mình tự đặt câu hỏi cho những điều mình nghĩ là bản thân đã biết. Mình tin rằng điều này có ích cho quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.
Trong lúc đó, từ xa, mình thấy Việt Nam cũng đang thay đổi một cách nhanh chóng. Cao ốc mọc lên như nấm, nhiều biệt thự thời Pháp thuộc không còn nữa, đường phố không giống như trước và lối sống cũng ít nhiều khác xưa. Mình không nói nó tốt hay xấu, nhưng đứng từ góc nhìn của mình, đó có vẻ là một sự thay đổi triệt để và sâu rộng.