Vào đầu những năm 1960, Phương Tâm vẫn còn là một ngôi sao ca nhạc đang lên ở Sài Gòn, hàng ngày biểu diễn trong các hộp đêm và tụ điểm ca nhạc sầm uất của thành phố.
Sau khi sang Hoa Kỳ vào tháng 4/1975, ca sĩ Phương Tâm — tên thật là Nguyễn Thị Tâm — đã bỏ lại sau lưng cuộc sống dưới ánh đèn sân khấu. Suốt hàng chục năm trời, ngay cả gia đình Phương Tâm cũng không biết đến tiếng tăm của bà vào thời tiền chiến.
“Mẹ tôi yêu ca hát lắm, nên từ xưa đến tận giờ cả nhà vẫn được nghe mẹ hát rất nhiều,” Hannah Hà, con gái lớn của bà Tâm, chia sẻ với Urbanist qua một cuộc gọi từ Mỹ. “Mẹ hát ở bất cứ đâu, trong nhà bếp hay trong xe hơi vào những chuyến đi xa.” Khi Hannah học đại học xa nhà, đôi khi cô gọi điện cho mẹ và hỏi bà hát cho mình nghe: “Mẹ tôi hay hát nhạc jazz của Mỹ; bà thích các ca khúc của Patti Page, Louis Armstrong và những bản ballad chậm rãi của Elvis. Tôi hiếm khi nghe mẹ hát nhạc Việt Nam.”
Nhưng phải đến tháng 11/2019, Hannah mới phát hiện rằng ca hát không chỉ là sở thích của mẹ mình, mà còn từng là sự nghiệp của bà.
Hannah nhớ lại: “Mẹ tôi kể rằng có một công ty ở Việt Nam gửi hợp đồng cho bà, họ xin được sử dụng một trong những bài hát của bà trong một bộ phim sắp ra mắt. Một hợp đồng pháp lý dài tận 25 trang, yêu cầu bà phải cung cấp thông tin cá nhân. Tất nhiên, chúng tôi nói với mẹ rằng đó là chỉ trò lừa đảo; họ đang nhắm vào những người lớn tuổi, nên bà cứ vứt hợp đồng đó đi. Thế là bà đã làm theo lời chúng tôi."
Một tháng sau, bộ phim được nhắc đến trong hợp đồng chính thức ra mắt, đó là phim Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ. Hannah vô cùng ngạc nhiên và tìm cách xem được bộ phim. Hannah nhận ra đội ngũ sản xuất đã thực sự nghiêm túc muốn sử dụng ca khúc của Phương Tâm. Điều này thôi thúc cô con gái bắt đầu hành trình khám phá quá khứ của mẹ mình.
Cuộc truy tìm quá khứ
“Tôi như bị ám ảnh về chuyện đó. Tôi đi làm về, thu xếp việc nhà ở mức tối thiểu rồi sau đó ngồi vào bàn máy tính và bắt đầu tìm kiếm.”
Chướng ngại đầu tiên Hannah gặp phải là nghệ danh của mẹ mình. "Phương Tâm" là một cái tên phổ biến trong tiếng Việt, nên có đến hàng ngàn kết quả trên Google và hàng trăm video trên YouTube hiện lên khi cô tìm kiếm. Đến cuối năm 2019, cuộc "truy lùng" của Hannah vẫn không có mấy tín hiệu tích cực, trừ cho một manh mối triển vọng mà Hannah thường bắt gặp khi nhập các từ khoá — đó chính là bìa album "Saigon Rock & Soul" phát hành năm 2010, do Mark Gergis tổng hợp và sản xuất.
Album giới thiệu một số ca khúc nhạc Việt từ năm 1968 đến năm 1974, trong đó có bài hát 'Đêm Huyền Diệu' (Magic Night) của ca sĩ Phương Tâm. Hình ảnh nữ ca sĩ cũng xuất hiện trên bìa đĩa. Đây chính là manh mối lớn đầu tiên của Hannah, dù lúc này mẹ cô vẫn không chia sẻ gì thêm.
“Mỗi khi nhìn thấy một gương mặt giống mẹ mình, tôi liền gửi hình ảnh đó cho bà và hỏi xem có phải là mẹ không,” Hannah nói. “Và bà luôn trả lời rằng: ‘Không, đó không phải mẹ, mẹ có bao giờ hút thuốc đâu. Không biết ai bịa ra nữa.’ Mẹ tôi rất tức giận vì mọi người nói rằng bà từng hút thuốc. Lúc đó tôi biết mình cần xác nhận điều này."
Dần dần, Phương Tâm cũng mở lòng hơn, và bật mí rằng mình từng thu âm một bài hát. Khi Hannah tìm được nhiều ca khúc hơn, Phương Tâm cũng xác nhận đó chính là giọng hát của bà. Tuy nhiên, một số tác phẩm nổi tiếng của nữ ca sĩ đã bị người khác đăng tải và "nhận vơ" là của mình.
“Mẹ tôi giận lắm,” Hannah kể lại. “Bà nhờ tôi nói họ gỡ xuống, nhưng tôi không ép họ được. Tôi còn cố vào phần bình luận nói rằng người trong ảnh không phải là Phương Tâm, nhưng chẳng có ai đáp lại cả.”
Vì vậy, Hannah đã đề nghị với mẹ rằng họ sẽ sưu tầm các ca khúc của bà và làm thành một album, phát hành kèm theo những câu chuyện của nữ ca sĩ để mọi người biết Phương Tâm thật sự là ai. Nhưng Phương Tâm từ chối, vì ở tuổi 76, bà ngại tham gia một dự án phức tạp như vậy.
Thế rồi Hannah tìm thấy thêm vô số các video âm nhạc sử dụng những ca khúc của mẹ cô mà không ghi nguồn. Lúc này, Phương Tâm vì quá ấm ức nên đã đồng ý với lời kế hoạch của con gái. “Sau đó, tôi liên hệ với Mark [nhà sản xuất của Saigon & Rock and Soul] và bắt đầu ghi âm,” Hannah kể lại.
Nỗ lực của họ đã cho ra đời album "Magical Nights - Saigon Surf Twist & Soul" gồm 25 ca khúc của ca sĩ Phương Tâm, được phục chế hoàn chỉnh và lần đầu ra mắt cùng nhau. Các ca khúc sôi động và đa dạng đã mang đến cho người nghe một cái nhìn mới về Sài Gòn trong một giai đoạn lịch sử thường chỉ được kể lại qua những bức ảnh chụp phim cũ.
Quá trình hoàn thiện album
Mark Gergis hiện đang sinh sống tại Vương quốc Anh. Ông từng sống ở Hà Nội từ năm 2014 đến 2018, và dành thời gian này nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Tuy trước đó ông đã có kinh nghiệm sản xuất "Saigon Rock & Soul," hầu hết các ca khúc trong album đều được thu âm ở Mỹ và trình bày bởi các sĩ hải ngoại.
Tháng 1/2020, Hannah bất ngờ liên lạc với Mark. Ông nói: “Tôi nhận được một email từ St. Louis. Và thật không ngờ, người gửi mail (Hannah) đã phát hiện ra rằng mẹ mình từng là ngôi sao nhạc rock tuổi teen và nghệ sĩ thu âm ở Sài Gòn vào đầu thập niên 60, với hàng chục bản thu của riêng mình.”
“Tôi cảm thấy câu chuyện của gia đình họ rất thú vị và thấy rất vui cho Hannah. Và tôi cũng hơi tò mò nên đã lập tức nhận lời mời của cô ấy."
"Chúng tôi đã làm việc rất vui vẻ trong quá trình thu âm. Đây cũng là một niềm an ủi lớn cho tôi trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua. Tôi rất biết ơn vì điều đó. Tôi hạnh phúc vì được thực hiện dự án phi thường này cùng Hannah," Mark nói.
Bộ ba đã gặp khá nhiều khó khăn, vì theo Mark mô tả, quá trình thu âm giống như “tìm lại một bộ sách cũ bị thiếu gần hết các trang, hoặc nhiều trang bị dán lại với nhau, và phải làm sao gỡ chúng ra mà không gây hư hại gì.” Mark và Hannah đã miệt mài lùng sục trên Ebay để tìm đĩa hát cũ của bà Tâm từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời Mark cũng liên hệ các nhà sưu tập mà ông quen biết khi còn ở Việt Nam và khi thực hiện "Saigon Rock & Soul."
“Công việc kéo dài suốt nhiều tháng, đến giờ vẫn chưa hoàn thành, vì mỗi khi 'gần về đích' thì chúng tôi lại tìm được thêm bản thu âm. Cả nhóm cũng muốn nhận được nhiều câu chuyện và phản hồi cho sản phẩm hơn,” Mark cho hay. “Mà đấy chỉ mới là một nghệ sĩ thôi. Còn bao nhiêu ca khúc và ca sĩ ở miền Nam Việt Nam bấy giờ chưa được khai quật."
Cuộc tìm kiếm cũng có sự tham gia của nhà sản xuất và sưu tập nhạc người Đức, Jan Hagenkoetter, cha đẻ của dự án tuyển tập “nhạc vàng” Việt Nam Saigon Supersound. Mark và Jan gặp nhau ở Hà Nội, rồi trở thành "tri kỷ" vì cùng chia sẻ tình yêu nhạc Rock Việt thời tiền chiến.
“Chúng tôi lập ra một kế hoạch rất chi tiết và thực hiện kế hoạch ấy sát sao. Với mỗi ca khúc, chúng tôi sưu tầm nhiều bản sao để xem có thể dùng bản nào vá vào những đoạn bị hỏng nếu có,” Mark kể lại. “Jan đóng góp rất nhiều vào dự án, anh ấy đã nghiên cứu và sưu tập âm nhạc Việt Nam nhiều năm và có nguồn dữ liệu phong phú.”
Khi ấy là vào năm 2020, Jan đang ở Đức. Ông, Mark và Hannah đang ở cách nhau hàng nghìn cây số, không thể trực tiếp đi tìm những bản thu âm đang lưu hành ở Việt Nam mà họ tra cứu được. Thế là họ liên lạc với nhà sưu tập nhạc Adam Fargason, hiện đang sống ở Sài Gòn, qua FaceTime và nhờ Adam lùng sục khắp các cửa hàng đồ cổ/băng đĩa cũ trong thành phố. Bất chấp những khó khăn, tracklist dần dần hoàn thiện, và cả nhóm chỉ phải vượt qua thêm một chướng ngại cuối cùng: tiêu chuẩn làm nhạc cực kì khắt khe của Mark.
Mark chia sẻ: “Ngay cả những chiếc đĩa đẹp nhất và nguyên vẹn nhất cũng có vấn đề. Đĩa than với tốc độ 45 vòng/phút thường chỉ phù hợp để ghi 4-5 bài ở mỗi mặt đĩa, mỗi bài dài 4-5 phút. Nhưng ngày xưa, người ta thường 'nhồi' rất nhiều bài hát vào cùng một đĩa, mỗi bài có thời lương đến tận 8-9 phút, khiến âm thanh nghe rất mỏng vì bị nén quá mức. Đó là chưa kể đến chuyện đĩa ngày xưa có chất lượng sản xuất khá tệ, dễ bị mòn sau nhiều thập kỉ.”
"Vì vậy, quá trình phục chế phải giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc. Những khi có thể, chúng tôi sẽ giảm mức độ méo tiếng và tạp âm xuống thật thấp. Chúng tôi cố gắng làm 'sống dậy' những âm thanh sống động, những chi tiết nhỏ từ thời đó. Chúng tôi thấy giống như mình đang 'làm phép' vậy, như đang vén một bức màn của lịch sử.”
Hannah khẳng định album là một kỳ tích, các ca khúc sau khi phục chế nghe hoàn toàn khác với bản gốc. Trước đó, các đĩa than có chất lượng âm thanh tệ đến mức đôi khi tiếng nhạc sẽ được xen lẫn bởi tiếng tí tách như “bỏng ngô đang nổ."
“Mark làm sạch lớp đầu tiên, sau đó là lớp thứ hai, và khi chúng tôi làm đến lớp thứ 99 thì ông ấy lại nói ‘Tôi không hài lòng, hãy làm lại từ đầu,’” Hannah kể lại. “Và tôi sẽ hối ‘không được, mẹ tôi không thể chờ lâu được, chúng ta phải làm cho xong.’”
“Đây chính là cách làm việc của giới sản xuất nhạc chúng tôi,” Mark nhẹ nhàng đáp lại. Ông cũng ghi nhận đóng góp quan trọng của Cường Phạm, một nhà nghiên cứu và nghệ sĩ tại London. Và cuối cùng, bao công sức bỏ ra đều xứng đáng khi cả nhóm có thể chia sẻ những bản nhạc đã phục chế với Phương Tâm.
“Thật vui khi được chứng kiến phản ứng của Phương Tâm khi nghe album này,” Mark chia sẻ. “Có những ca khúc bà được nghe lại sau 50 hoặc 55 năm, và có những ca khúc thì chưa từng được nghe thử sau khi thu âm, điều này có lẽ là do lịch ‘chạy show’ chóng mặt của cô ca sĩ trẻ thời bấy giờ.”
Với khả năng ca hát đa dạng, Phương Tâm có thể hát rock, ballad và một số thể loại khác. Nhờ thế cô ca sĩ rất đắt show, biểu diễn tại nhiều câu lạc bộ trong một đêm, đôi khi diễn 'kín lịch' hết các ngày trong tuần. Không những thế, suất diễn của ngôi sao đang lên cũng rơi vào khung giờ vàng: 10 giờ tối – 1 giờ sáng, khi Sài Gòn khoác lên chiếc áo lộng lẫy nhất của một phố thị phồn hoa.
Cuộc sống ấy từng là bí mật của Phương Tâm suốt hàng chục năm. Khi Saigoneer hỏi Hannah cảm thấy thế nào sau khi biết về tuổi trẻ của mẹ mình, cô kể rằng phải mất một thời gian bí mật mới được bật mí.
“Thời gian đầu tôi luôn phải hỏi bà rằng ‘mẹ có chắc đây là mẹ không? Không phải hơi hơi chắc mà phải hoàn toàn chắc chắn cơ,’” Hannah nhớ lại.
“Và bà trả lời rằng bà chắc chắn, nhưng đó cũng là chuyện từ cách đây lâu lắm rồi. Đôi khi tôi không biết trí nhớ của mẹ mình có đang suy giảm hay không, nhưng rồi bà bắt đầu kể chuyện một cách vô cùng chi tiết, như là bà biểu diễn với nghệ sĩ piano nào, tên của nghệ sĩ saxophone là gì, bà đã hát bao nhiêu bài ở mỗi nơi diễn và mặc gì mỗi đêm. Có rất nhiều chi tiết tôi tin là thật.”
Album hoàn chỉnh đã mang đến niềm vui to lớn cho Hannah, Mark và Jan, đồng thời gợi về biết bao cảm xúc cho Phương Tâm, vì chồng bà — bố của Hannah — đã qua đời tám tháng trước khi dự án bắt đầu. “Mẹ tôi yêu tất cả các ca khúc, và đôi khi bà khóc vì nhớ bố tôi. Bà không thể tin rằng ông không còn ở đó để nghe album ấy và ước gì mọi việc diễn ra sớm hơn,” Hannah chia sẻ.
Một câu chuyện được khép lại
Đúng như tên bài hát của nữ ca sĩ, câu chuyện của Phương Tâm thật "huyền diệu." Nhưng Hannah tự hỏi, còn bao nhiêu câu chuyện của những nghệ sĩ khác còn chưa được kể lại. “Khi Adam [nhà sưu tập] dẫn tôi đi mua đĩa nhạc, chúng tôi bắt gặp rất nhiều sheet nhạc khác nhau,” cô kể.
“Tôi cứ thắc mắc ‘người này là ai? Người đó là ai?’ Họ không có ảnh chụp cũng không có câu chuyện về cuộc đời mình. Nhưng tôi chắc chắn rằng mỗi nghệ sĩ đều có một câu chuyện riêng, chỉ là chưa được khám phá mà thôi. Chúng tôi tìm lại được một vài trang đã mất của một quyển sách, nhưng vẫn có hàng nghìn trang sách khác đang chờ được đưa vào một quyển sách hoàn chỉnh.”
“Thời kỳ ấy có vô số câu chuyện cần được kể lại, nhưng những gì chúng ta có được lại rất rời rạc và không đủ để ghép thành một bức tranh toàn vẹn,” Mark cho biết thêm. “Chúng ta có các mảnh ghép của bức tranh, nhưng vẫn có những khoảng trống lớn chưa thể lấp đầy. Cuộc sống luôn tiếp diễn và quá khứ dần chìm vào quên lãng, có những phần lịch sử sẽ vì thế mà bị mất đi mãi mãi.”
Đầu những năm 1960 tại Sài Gòn, Phương Tâm là một trong những ca sĩ "thuộc hàng top." Nhưng con đường nghệ thuật của cô không kéo dài, nữ ca sĩ rời khỏi ánh đèn sân khấu vào năm 1966. Từ đó đến năm 1975, nền âm nhạc Việt Nam tiếp tục phát triển rực rỡ và đạt được nhiều thành tựu nổi bật hơn trước đó.
Hành trình khám phá câu chuyện của ca sĩ Phương Tâm và vô số giờ làm việc của Hannah, Mark, Jan và những người khác đã giúp “khai quật” một phần quan trọng của lịch sử âm nhạc Việt Nam, chứng minh rằng nghệ sĩ Việt cũng đã từng để lại dấu ấn ở một thể loại nhạc ít ai nghĩ người Việt có thể "cảm" được.
“Khi nói về cuộc chiến tranh năm nào, người Mỹ thường chỉ nhắc đến các nghệ sĩ rock and roll của Mỹ như Jimi Hendrix và Bob Dylan,” Hannah tâm sự.
“Khi bạn tìm kiếm trên mạng, những tác phẩm của nghệ sĩ phương Tây cũng sẽ xuất hiện đầu tiên. Nhưng giờ đây, album này sẽ góp phần nói lên bảng sắc riêng của Việt Nam. Nền âm nhạc trong nước, dù nhỏ bé, những cũng đã mang lại rất nhiều sáng tác đặc sắc. Đây là lời khẳng định của Việt Nam rằng đại diện của âm nhạc thời đó không chỉ có Mỹ.”
Độc giả có thể tìm nghe "Magical Nights - Saigon Surf Twist & Soul" trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến và mua tại Bandcamp. Phiên bản đĩa than của album sẽ được ra mắt vào 2022.