Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Có một vườn Ươm ở Sài Gòn để nuôi dưỡng nghệ thuật 'nhà trồng'

“︎Nói về Ươm thì đây là nơi không có gì ngoài một tổ hợp các thanh niên tuổi đôi mươi dở hơi khao khát làm một cái gì đó đại loại được gọi là làm nghệ thuật.” — Đó chính là đôi lời giới thiệu của Ươm Art Hub, một tổ hợp sáng tạo mới toanh tại Sài Gòn, về sự tồn tại của mình.

Chuyện bắt đầu từ…

Ươm Art Hub (tên khai sinh đầy đủ) hay Ươm (tên thân mật) ra đời vào tháng 11 vừa qua, sau tận hai năm thai nghén, trong sự chào đón của cha mẹ là nhóm các nhà sáng lập: Duy Anh (cựu Art Director tại The Purpose Group), Huy Tạ (“sư phụ" tại DAS — Design Anthropology School), Đức Bùi và Khánh Ngọc (sáng lập studio FPDB và De Egg), Hải Nguyễn (AE Media) và Huyền Nguyễn (F&B Director).

Trên khu đất tràn ngập màu xanh của Ươm, các studio nay đã đi vào hoạt động và đang tấp nập chuẩn bị cho những sự kiện, workshop sắp diễn ra.

Nhưng trước khi thành hình tươm tất, Ươm bắt đầu bằng một ý tưởng nhỏ mà các founder chia sẻ: tạo nên một tổ hợp nơi mọi người có thể cùng nhau “ươm” sự sáng tạo, cùng nhau chia sẻ đam mê và nhiệt huyết mà không bị giới hạn bởi những cản trở từ việc làm nghề.

Như một chuỗi domino của số phận, “tổ trưởng” của Ươm, Duy Anh, gặp Huy Tạ qua một lớp học, gặp Đức Bùi qua một dự án thiết kế thương hiệu, và gặp khu đất rộng thênh thang sau này sẽ trở thành Ươm… qua một lần đi ăn phở.

Để rồi đúng như tên gọi, ước mơ về Ươm cứ thế lớn dần như hạt mầm, từ một xe cà phê pop-up với chỗ ngồi “để anh em vào nói chuyện,” đến một toà nhà ba tầng, rồi đến một tổ hợp sáng tạo hoàn chỉnh.

Hệ sinh thái nhà trồng

Vì tiếng lành đồn xa, đặc biệt là trong cộng đồng sáng tạo tại Sài Gòn, biệt đội Ươm đã sớm tập hợp từ trước khi công trình được hoàn thành. Nhưng họ chẳng đến từ đâu xa.

“Đa số là người quen, những nghệ sĩ chúng mình đã từng có cơ hội làm việc chung. Họ cần phát triển và cần hợp tác một cách nghiêm túc. Thế nên chúng mình quyết định kêu gọi mọi người đến đây.”

Kết quả của quá trình ngoại giao này — được Duy Anh tường thuật lại là “ê vào đây chơi không, vui lắm!” — là một tập thể rất đa dạng, đa năng và đa tài: một trường học (DAS), studio chụp ảnh (De Egg), studio thiết kế (Xôn Xao), tiệm sách ảnh (The Razcals), tiệm xăm (Tattoonista), quán cà phê kiêm không gian triển lãm, v.v cùng nhiều dự án hoài bão khác sắp được ra mắt.

“Mọi thứ đều khác nhau, nhưng được kết nối bởi tình yêu nghệ thuật nên không hề tách biệt,” Huy Tạ nói.

Chẳng hạn, học viên của Huy tại DAS, nếu muốn biết thêm về nhiếp ảnh, có thể tìm hiểu ngay tại nhà bên là studio FPDB của Đức Bùi. Ngược lại, các nhiếp ảnh gia cũng có thể trau dồi thêm kiến thức và tư duy thiết kế qua một khoá học của người hàng xóm.

Dù theo đuổi lĩnh vực nào, các Ươm-er cũng có thể tận dụng nguồn tài nguyên là các studio nghệ thuật, các tài liệu chuyên ngành và không gian làm việc “cực chill” để tìm cảm hứng cho sản phẩm tiếp theo của mình.

DAS — Design Anthropology School là trường dạy thiết kế với quy tắc: "Lược bỏ sự thừa thãi, tập trung tư duy, đánh mạnh thực chiến."

Ngoài ra, không nhất thiết phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, miễn là có tinh thần sáng tạo thì bạn cũng có thể đến Ươm. Suy cho cùng, không gian ở đây vốn đã là một tác phẩm nghệ thuật nhà trồng — thiết kế tổng thể được chăm chút bởi nhóm kiến trúc sư trẻ Xưởng Xép, còn các vật liệu xây dựng thì đến từ nhóm tái chế nhựa PLASTICPeople. Nên khi đi tham quan các triển lãm tại Ươm, bạn cũng đang trở thành một phần của bức tranh!

Tự do để nảy mầm ý tưởng

Đằng sau tất cả cơ sở vật chất, cốt lõi của Ươm vẫn là tinh thần “trao lại” quyền sáng tạo cho người sáng tạo. Duy Anh cho biết, sau nhiều năm làm việc công việc này, anh nhận ra một thực trạng, đó là đa phần nghệ sĩ trẻ, dù có được đào tạo rất giỏi, sau khi tốt nghiệp vẫn phải tự mày mò và trải nghiệm rất nhiều để phát triển tốt hơn.

Quán cà phê kiêm không gian triển lãm của Ươm tận dụng nội thất và vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường vì tinh thần "yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ."

“Các bạn cứ học ơi là học, rồi làm ơi là làm. Nhưng cuối cùng lại thiếu cơ hội và nơi chốn để dàn trải ý tưởng, mà đấy lại là cái tạo nên sự độc nhất, sự khác biệt cho các bạn trên thị trường. Mình thấy như thế rất thiệt thòi.”

Thế nên, Ươm được xây dựng như một sân chơi nơi cây đại thụ hay mầm non trong giới đều có thể phát triển thật cao, thật tươi tốt để vươn tới công chúng. Điều này được phản ánh rõ ràng trong chính sách của tổ hợp.

Cái tên De Egg của studio đến từ triết lý "làm nghề như quả trứng" của Đức Bùi.

“Chúng mình muốn bất cứ ai, không chỉ những tài năng đã được vinh danh, cũng có một nơi để chia sẻ những tác phẩm của mình. Với Ươm, nghệ sĩ lâu năm hay người trẻ mới ra trường cũng nên có đất, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để thể hiện chất xám của bản thân qua sự kiện, qua triển lãm, qua workshop.”

Vì vậy, các chương trình do sinh viên, nghệ sĩ độc lập tổ chức tại Ươm sẽ được hỗ trợ về địa điểm và kinh phí, hoặc hoàn toàn không lấy phí. Còn các đơn vị thuê mặt bằng tại đây cũng chỉ phải trả mức phí thấp nhất có thể, “để họ có thể tồn tại được, và tiếp tục theo đuổi nghệ thuật.”

Tiệm sách The Razcals có sách ảnh cho trẻ em, cho người lớn (đầu), và có thể cả cho người già.

Nhưng với nhiều nghệ sĩ, điều tuyệt vời nhất khi sáng tạo ở Ươm không phải là “gánh nhẹ” chi phí, mà là môi trường và cộng đồng ở đây.

Hai co-founder của Xôn Xao Studio, Thống Nguyễn và Nu Nguyễn, cho biết trước khi đến với tổ hợp, hai người thường phải dành đến cả 4-5 buổi trong tuần để làm việc ở quán cà phê, “mà ra cà phê thì bất tiện vì phải tìm một góc để người ta không xem màn hình của mình, hoặc cần họp online thì phải lôm côm tìm chỗ riêng.”

“Thế rồi Xôn Xao mở một chiếc studio nho nhỏ trong này, và mọi thứ trở nên mượt mà hơn.”

Studio thiết kế được đặt tên là Xôn Xao, "vì đặc trưng của Sài Gòn là xôn xao" và founder "thích sự ồn ào đó."

Với Thống, điều này xuất phát từ việc Ươm là nơi những người nghệ sĩ cùng mục tiêu, cùng đam mê tụ họp. Sức sáng tạo của họ khi cộng hưởng với nhau tạo nên một hiệu ứng bùng nổ, tràn trề ý tưởng hơn khi các cá nhân hoạt động độc lập.

Bởi suy cho cùng thì, một cây làm chẳng nên non, nhưng nhiều cây chụm lại, chúng ta có một vườn Ươm.

Với chín lao động mẫn cán, Tattoonista sẵn sàng chăm sóc các bạn từ đầu tới gót chân, dù bạn cần xăm tiếng Việt hay tiếng Tây.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vietnam Retropunk': Dự án minh họa mang vũ trụ máy móc vào giữa lòng phố cổ

Những chú robot và cỗ máy tinh vi xuất hiện giữa khung cảnh phố phường cổ kính — quá khứ và tương lai đã bắt tay nhau như thế qua thế giới của “Vietnam Retropunk."

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vũ trụ điện ảnh' Disney sẽ ra sao nếu các nàng công chúa mang quốc tịch Việt?

Lọ Lem, Bạch Tuyết, Nàng Tiên Cá,... đều là những những nhân vật hoạt hình có ngoại hình và phong thái đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều người. Điều gì sẽ xảy nếu những nàng công chúa nổi tiếng ấy đượ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

8 the Theatre trở lại với series unplugged, hòa phối màu sắc âm nhạc cổ điển và hiện đại

Viết tiếp giấc mơ làm mới trải nghiệm âm nhạc, 8 the Theatre đã trở lại với một hoài bão mới: mang cảm hứng cổ điển lên sân khấu âm nhạc hiện đại.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bưu điện Việt Nam mang hương vị cà phê đến bộ tem phiên bản giới hạn

Còn gì tuyệt vời hơn mùi hương của cà phê và phong bì giấy hòa quyện với nhau?

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bộ nhận diện thương hiệu của chuỗi cửa hàng cà phê Việt đạt giải thưởng thiết kế quốc tế

Với thiết kế độc đáo và bắt mắt, bộ nhận diện của thương hiệu cà phê Việt Nam GUTA đã giúp đơn vị thiết kế mang về giải thưởng Dieline danh giá.