Lọ Lem, Bạch Tuyết, Nàng Tiên Cá,... đều là những những nhân vật hoạt hình có ngoại hình và phong thái đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều người. Điều gì sẽ xảy nếu những nàng công chúa nổi tiếng ấy được sinh ra ở Việt Nam?
Câu hỏi này đã trở thành nguồn cảm hứng để Kris Nguyễn sáng tạo nên dự án “Nếu các nhân vật cổ tích thế giới là người Việt Nam.” Thông qua tám tranh vẽ minh hoạ, anh chàng designer đã hô biến để các khung cảnh, nhân vật trong chuyện cổ tích Lọ Lem, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Bạch Tuyết, Nàng Tiên Cá, v.v. tái xuất dưới ngoại hình, trang phục truyền thống Việt. Ý tưởng sáng tạo của Kris đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, yêu mến của cộng đồng mạng.
Kris Nguyễn bày tỏ: “Mình đã dành hai tháng để thực hiện dự án này bằng phần mềm Photoshop và Adobe Illustrator. Mỗi bức tranh cần khoảng một tuần để hoàn thiện.” Với từng sản phẩm, anh chàng đều đi qua ba giai đoạn lên ý tưởng, phác thảo và lên tranh, tinh chỉnh, hoàn thiện. Nghe đơn giản là thế, nhưng để Việt hóa nhưng nàng công chúa Tây phương mà vẫn không làm mất đi tạo hình gốc thật sự rất khó, buộc anh chàng bỏ ra nhiều thời gian để tìm kiếm những chi tiết tương đồng trong lịch sử giữa hai nền văn hóa.
“Mình đặc biệt lựa chọn trang phục thời Nguyễn cho các nhân vật không chỉ bởi đây là thời đại có nhiều tư liệu đầy đủ, trực quan nhất mà còn vì đây là thời kỳ cận đại, có những ảnh hưởng nhất định từ văn hóa phương Tây,” Kris chia sẻ. Bên cạnh đó, các nhân vật cũng được xây dựng dựa trên tính cách trong bản gốc. “Công chúa tóc mây sẽ mang nét lém lỉnh và phá cách với chiếc nơ thắt ở cổ, một nét ảnh hưởng từ văn hoá Pháp trong cách ăn mặc ở miền Nam lúc bấy giờ."
Theo Kris, dự án lần này là là những gì bản thân anh đúc kết được từ tác phẩm của hai danh họa Mai Trung Thứ và Lê Phổ. "Mai Trung Thứ và Lê Phổ là hai đại danh hoạ tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ cận đại. Thời kỳ này có sự giao lưu văn hoá với Tây phương mạnh mẽ, nên các tác phẩm của họ đều mang tính Á Đông kết hợp với mỹ thuật phương Tây," anh chàng giải thích. Yêu thích phong cách hội họa ấy, Kris cũng luôn hướng tới sự giao nhau giữa Đông Tây, giữa văn hoá đại chúng với văn hoá truyền thống trong các dự án sáng tạo khác của mình.
Sau khi bộ tranh được đăng tải, đã có một số ý kiến cho rằng một những chi tiết như hoa hồng, trái táo, và dải lụa trong bộ tranh có thể được thay thế bằng những hình ảnh “thuần Việt hơn." Tuy nhiên, theo Kris, do mốc thời gian được chọn là thời Nguyễn, khi văn hóa phương Tây đã du nhập đến đất Việt, các chi tiết như hoa hồng, trái táo không chỉ đi sát với đời sống mà còn giữ được nét đặc trưng đã tạo nên tác phẩm gốc.
Kris Nguyễn bày tỏ, anh hiện đã vô cùng hài lòng về dự án. Với Kris, “mỗi tác phẩm đều có câu chuyện riêng và đều tạo nên cảm giác thích thú khi nhìn ngắm." Hiện Kris đang ấp ủ những dự án mới nhằm chia sẻ thêm về kiến thức về ăn hóa truyền thống, cổ phục Việt Nam đến với các bạn trẻ. "Thế nhưng sau này có thể mình sẽ tiếp tục tung ra một số tác phẩm ngẫu hứng về chủ đề [cổ tích] nữa," anh chàng bật mí.
[Ảnh: Kris Nguyễn/Behance]