Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Màn Ảnh » Sở thú Studio: Xưởng phim trẻ 'hô biến' rác thải thành hoạt hình stop motion

Sở thú Studio: Xưởng phim trẻ 'hô biến' rác thải thành hoạt hình stop motion

Từ giấy báo cũ, bã cà phê, thùng xốp bỏ đi, cành cây khô, v.v. nhóm bạn trẻ Sở thú Studio đã tạo ra những thước phim hoạt hình đầy ấn tượng.

Theo thống kê từ Green Production Guide (Hoa Kỳ), các bộ phim lớn có thể thải ra 225 tấn sắt phế liệu, gần 50 tấn vụn xây dựng và 72 tấn chất thải thực phẩm… Do đó, “Điện ảnh xanh” ra đời và dần trở thành xu hướng làm phim mà thế giới hướng đến. Tức không chỉ tạo ra các bộ phim mang thông điệp bảo vệ môi trường, mà cả quá trình sản xuất cũng phải “xanh”: sử dụng vật liệu, thiết bị thân thiện hơn, giảm thiểu rác thải, tiết kiệm năng lượng, v.v.

Từ Universal Pictures, Walt Disney Pictures đến Warner Bros, một số hãng phim trên thế giới đã áp dụng nhiều phương pháp thiết thực như tái chế các vật liệu như gỗ, thép, thủy tinh sau khi phim hoàn thành thay vì vứt ra bãi rác.

Khi người trẻ theo đuổi “điện ảnh xanh”

Các thành viên của Sở thú Studio.

Ra đời vào tháng 12/2021, Sở thú Studio là xưởng phim hoạt hình tái chế đầu tiên tại Việt Nam với gần hai mươi nhà làm phim trẻ. Họ có chung niềm yêu thích thể loại hoạt hình, đặc biệt là quan tâm đến môi trường, cùng theo đuổi “điện ảnh xanh” bằng cách làm phim từ rác thải.

Lê Mẫn Nhi, Nhà sản xuất Sở thú Studio, cho hay các thành viên gặp gỡ nhau từ cuộc thi phim ngắn Màn ảnh Xanh do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Netflix tổ chức. “Không muốn chỉ dừng lại ở một hội nhóm dự thi nên chúng mình đã lập nhóm để tiếp tục cùng nhau làm phim. Sở thú Studio xây dựng mình là một xưởng phim sản xuất phim hoạt hình tái chế: tái chế rác thải, sử dụng các vật liệu, thiết bị làm phim thân thiện với môi trường.”

Mục tiêu Sở thú Studio hướng đến là “làm phim xanh.”

“Cái tên ‘Sở thú’ nghe như một ban nhạc rock thật kêu! Mỗi thành viên một tính cách như các bạn thú trong công viên. Nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê làm phim và mong muốn tạo ra những tác phẩm thật ‘xanh,’’’ cô bạn chia sẻ thêm.

Đối với Sở thú Studio, phim hoạt hình là dành cho tất cả mọi người chứ không riêng gì trẻ em, ở mỗi độ tuổi sẽ có những suy nghĩ và chiêm nghiệm khác nhau. Theo đuổi thể loại này, khó khăn lớn nhất mà những nhà làm phim trẻ gặp phải là vấn đề tài chính. Lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường, thể hiện được linh hồn của bộ phim nhưng phải phù hợp với ngân sách hạn hẹp. Xưởng luôn tìm kiếm cơ hội kết hợp với các nhãn hàng, tổ chức có chung chí hướng để sản xuất phim.

Đạo cụ được dựng từ vật liệu tái chế.

Màn chào sân đầy ấn tượng

Vượt Thành Axima là tác phẩm đầu tay của Sở Thú Studio, xuất sắc đạt giải ba cuộc thi Màn Ảnh Xanh bởi ý tưởng độc đáo và hình ảnh chuyên nghiệp.

Bộ phim dài 4 phút, kể về Max và hành trình đi tìm những con sáng, thứ năng lượng duy nhất có thể cứu sống cái cây của cậu. Bối cảnh là một Trái Đất ở tương lai gần: ô nhiễm trầm trọng và thiếu hụt tài nguyên. Đạo diễn bộ phim, Minh Khuê, tâm sự: “Sức mạnh của điện ảnh là sức mạnh lan toả. Mình và ê kíp mong rằng phim có thể kể một câu chuyện thật hay, có thể gieo vào khán giả một hạt giống suy nghĩ về môi trường. Để khi nắng lên, hạt giống ấy sẽ nảy mầm.”

Vượt Thành Axima thuộc thể loại stop motion — sử dụng kỹ thuật ghép nhiều ảnh tĩnh để làm nên chuyển động trên màn ảnh. Lý do xưởng phim lựa chọn như vậy là vì thể loại hoạt hình này có sức hút, dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng. Có thể kể đến các tác phẩm nổi tiếng như Shaun the Sheep, Coraline, Paranorman. Đặc biệt, stop motion rất phù hợp cho việc sử dụng chất liệu tái chế.

Các phân cảnh từ Vượt thành Axima.

Sở Thú Studio sử dụng khoảng 60% các chất liệu tái chế để tạo thành nhân vật và xây dựng bối cảnh phim. Sau khi kịch bản đã hoàn thiện, các thành viên bắt đầu quá trình “thu mua”: xốp nhặt từ bãi rác, bã cafe xin lại từ quán, giấy báo hay xỉ than đã dùng từ các quán nướng… Rồi cứ thế mà tuỳ cơ ứng biến. Ví dụ như than tổ ong sẽ đập nát, trộn với nước, báo và keo sữa để nặn thành từng viên xây thành tường nhà; xốp cũ thì phải rửa rồi phơi khô, bọc lên lớp báo giấy rồi tô màu.

Bên cạnh đó, thiết bị quay dựng cũng được xưởng phim tận dụng các đồ dùng quen thuộc với đời sống sinh hoạt: chổi lau nhà (làm thanh giữ máy quay), bình nước…

Quá trình sản xuất Vượt Thành Axima.

Mẫn Nhi bật mí: “Cái khó là thực hiện rồi mới biết nó không giống ý tưởng ban đầu. Như ngôi nhà của nhân vật Max, chúng mình dùng chất liệu đất sét nhưng cảm thấy nó không đủ sức gợi hình, vậy là liền thay thế bằng than tổ ong đã qua sử dụng, mộc mạc và chân thực hơn rất nhiều!” Đồng thời, hình ảnh phim còn được lấy cảm hứng từ văn hóa đời sống dân tộc H'Mông, như cậu bé Max má đỏ phúng phính, quần áo hoa văn màu sắc hay những ngôi nhà đá miền núi đặc trưng.

Rác thải được Sở thú Studio thu gom để tái chế cho phim trường.

Sau khi phim ngắn hoàn thành, Sở thú Studio tổ chức một triển lãm trưng bày các vật dụng, đạo cụ góp mặt trong phim và lưu giữ chúng làm kỷ niệm. Một số được tận dụng làm đồ trang trí bàn, cây xanh trong bối cảnh thì vẫn tiếp tục trồng và chăm sóc. Nhóm cho hay: “Trước khi bắt đầu, chúng mình cũng hiểu được rằng dù làm phim theo thể loại nào cũng sẽ tạo ra rác thải. Xưởng cố gắng hạn chế rác thải mới bằng cách tái sử dụng những gì đã thu nhặt được.”

Sở Thú Studio mong muốn truyền được cảm hứng cho người xem trong việc bảo vệ môi trường: làm phim tái chế không phải là một điều gì quá lớn, mà cũng chỉ là đang cố gắng sống “xanh” từ những bước nhỏ nhất. Và mọi người cũng có thể làm cùng nhau, bắt đầu từ các thói quen đơn giản thường ngày — tận dụng đồ cũ, hạn chế đồ nhựa, dùng túi vải hay bình nước cá nhân.

Trailer phim Vượt Thành Axima.

Sau Vượt Thành Axima, Sở Thú Studio được đồng hành cùng nhiều đơn vị tổ chức khác để tiếp tục làm phim tái chế. Như gần đây nhất là cộng tác với VTV4 sản xuất video ngắn Kevin lạc trong thế giới văn hóa thuộc chương trình Ngày Trở về 2023. Tin rằng trong tương lai, những nhà làm phim trẻ sẽ có thêm thật nhiều thước phim “xanh” như vậy!

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng An...

in Màn Ảnh

Phụ nữ trong điện ảnh sau Đổi Mới: Từ công cụ tuyên truyền đến hình tượng đa chiều sâu

Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã được các nhà làm phim sử dụng để đại diện cho những điều mang tính tầm vóc hơn là câu chuyện cá nhân.

in Màn Ảnh

Vũ trụ phim mì ăn liền: Lát cắt điện ảnh Việt Nam thập niên 1990

Nếu có chút gì quan tâm đến nền điện ảnh Việt Nam, ắt hẳn bạn đã từng thấy qua cụm từ “mì ăn liền”— hay được dùng để mô tả những bộ phim có chất lượng sản xuất thấp. Tuy chỉ mới trở nên thông dụng tro...

in Màn Ảnh

Gặp Phạm Gia Quý, chàng đạo diễn Gen Z xông pha ở LHP quốc tế

Phạm Gia Quý là một nhà làm phim trẻ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, và là cựu sinh viên của đại học nghệ thuật danh giá Savannah College of Art and Design. Ở tuổi 23, Quý đã có trong tay kho tàng dự ...

Michael Tatarski

in Màn Ảnh

Gặp nhóm bạn trẻ sáng tạo 'Centuries and Still,' bộ phim ngắn về nạn kỳ thị người Mỹ gốc Á

Chuyện diễn ra hôm nay có thể là kết quả của một chương lịch sử bị lãng quên.

in Màn Ảnh

Lược sử phim queer tại Việt Nam: Từ phim tài liệu đến màn ảnh lớn

Vừa mang nhiều nỗi niềm cá nhân, vừa tình cảm, lại vừa mang tính nhân bản — trong hai thập kỉ gần đây, điện ảnh Việt Nam với chủ đề LGBT đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy được cả khán giả và ngư...