Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Màn Ảnh » Từ 'Anh em nhà bác sĩ' đến Netflix: Phim Hàn là sợi dây gắn kết mẹ và tôi

Từ 'Anh em nhà bác sĩ' đến Netflix: Phim Hàn là sợi dây gắn kết mẹ và tôi

Rất lâu trước khi series Squid Game của Netflix trở thành hiện tượng xuyên lục địa, đưa truyền hình Hàn Quốc lên bản đồ thế giới, khán giả châu Á, đương nhiên có cả Việt Nam, đã bị mê hoặc bởi hàng loạt tác phẩm như Anh Em Nhà Bác Sĩ, Lối Sống Sai Lầm, hay Boys Over Flower — đây đều là những tựa phim đem lại cảm giác hoài niệm về một thời chôn chân trước màn ảnh nhỏ của chúng ta.

Vào những năm 2000, tôi và mẹ đều rất mê mệt phim Hàn Quốc. Mỗi lần tìm được một bộ yêu thích, hai mẹ con luôn thay phiên nhau nhắc mở TV khi đến giờ chiếu để không bỏ lỡ tập nào. Thậm chí, khi phim đã hết chiếu trên truyền hình, chúng tôi còn tìm bằng được DVD lậu ngoài hàng để xem đi xem lại mà không chán, vừa xem vừa cười vì giọng lồng tiếng nham nhở và tên nhân vật Việt hóa ngây ngô.

Ngày còn nhỏ, tình yêu phim Hàn là một trong những điểm chung ít ỏi giữa tôi và mẹ, cho nên được xem phim cùng nhau là cơ hội để chúng tôi thu hẹp khoảng cách thế hệ. Bình thường, gu phim ảnh của hai mẹ con rất khác nhau: mẹ tôi mê phim Việt, nhưng tôi không ưa nổi cốt truyện sến súa, phi logic; tôi thích Disney Channel và phim Mỹ, còn mẹ tôi không hiểu tiếng Anh, không thích phim không lồng tiếng, và không thích kịch bản quá rối rắm hay trần trụi. Phim Hàn là điểm giao thoa của biểu đồ Ven giữa gu xem phim của chúng tôi.

Lên trung học, tôi bắt đầu chán xem phim Hàn, vì bị bội thực với cách kể chuyện dễ đoán, nhân vật sáo rỗng, tình tiết lạm dụng ung thư để tăng kịch tính. Những màn xung đột lồng lộn ngày xưa xem thấy vui, còn giờ chỉ thấy mệt mỏi. Khi Netflix cập bến Việt Nam, tôi chuyển hẳn sang mê mệt kho tàng series phim Mỹ. Cả mấy năm trời theo dõi phim ảnh tiếng Anh, tôi bỏ bê hết thú vui xem phim Hàn ngày xưa. Tôi và mẹ cũng dần dần ít khi ngồi lại cùng bàn luận, đùa vui với mỗi diễn tiến giật gân của truyền hình Hàn Quốc.

Bẵng một thời gian không còn cập nhật tin tức về phim Hàn như lúc trước, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Netflix bổ sung hàng loạt tựa phim tiếng Hàn. Tò mò xem thử, tôi nhận ra được thể loại phim tôi và mẹ mê mẩn ngày nào đã thay đổi nhiều. Không còn những ca ung thư, đa giác tình yêu rối rắm, ủy mị, mà thay vào đó là đa dạng thể loại cốt truyện với chất lượng hình ảnh và diễn xuất khá tiến bộ. Phim Hàn không còn chỉ gói gọn trong những chuyện tình lâm ly bi đát.

Giờ tôi chia thời gian rảnh của mình cho đều các phim thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Hàn. Phim tình cảm Hàn Quốc vẫn là sự lựa chọn hoàn hảo cho mỗi lúc cần gì đó nhẹ nhàng, hài hước, thay vì phải vắt óc lên suy ngẫm về cái kết nhiều triết lý. Và quan trọng hơn hết, đó lại trở thành dịp để tôi và mẹ ngồi lại cùng nhau, cười vui, giải trí, cùng nhớ lại những lúc hai mẹ con đã từng mê mệt phim Hàn thuở xa xưa như thế nào.

Bài viết liên quan

in Ẽplain

Từ 'Oh Chế' đến 'Lửa hận thù' — Lược sử văn hóa K-pop chế tại Việt Nam

Ký ức của tôi về những năm cấp 2 thường xuất hiện giọng hát vịt cồ của lũ bạn, luôn mồm oang oang một đoạn điệp khúc ngô nghê: “Mày rửa chén, tao lau nhà.”

Paul Christiansen

in Di Sản

Bưu điện Thành phố, Benjamin Franklin, và niềm tự hào nước Mỹ xa phương

Không khó để tìm thấy hiện thân của văn hóa Mỹ ở Sài Gòn.

Paul Christiansen

in Di Sản

Diện kiến 'Xác ướp Xóm Cải,' thi hài nữ quý tộc bí ẩn ngay giữa lòng Sài Gòn

Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng vì sao giữa lòng Sài Gòn lại có một xác ướp được trưng bày trang trọng chưa?

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xa...

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Saigoneer ăn gì, chơi gì, ghé đâu trong 3 tiếng la cà ở Phú Mỹ Hưng?

Có vài người họ hàng của tôi cả đời chỉ sống vui vẻ ở quận 8 và chưa từng biết đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ là gì. Nên tôi đoán chắc cũng có nhiều người Sài Gòn khác chả bao giờ bước chân đến Phú Mỹ Hưng....

Khôi Phạm

in Đời Sống

Thư gửi người lạ mặt đã cùng ta trú mưa dưới dạ cầu ngày ấy

“Đừng trách móc cơn mưa; mưa giản đơn chẳng biết cách rơi về trời đâu.”— Vladimir Nabokov.