Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng vì sao giữa lòng Sài Gòn lại có một xác ướp được trưng bày trang trọng chưa?
Đây không phải là huyền sử người ta kể chỉ để dọa ma sắp nhỏ, vì chỉ cần dành chút thời gian ghé thăm Bảo tàng Lịch sử TP.HCM bên cạnh Thảo Cầm Viên, người xem sẽ được diện kiến ngay nét trầm ngâm của bà. Xác ướp được xác định là thi hài của bà Nguyễn Thị Hiệu, nữ quý tộc hoàng thân quốc thích của vua Gia Long. Thi thể bà được khai quật nguyên vẹn trong một khu mộ ở Xóm Cải thuộc quận 5 khi toàn bộ khu xóm được giải tỏa năm 1994, nên dân gian thường gọi bà với cái tên dân dã “Xác ướp Xóm Cải.”
Được chôn cùng với bà là nhiều hiện vật gồm 7 chiếc nhẫn vàng có mặt đá, lược, dụng cụ ăn trầu bằng đồng và nhiều trang sức khác với tuổi đời hơn 2 thế kỷ. Phân tích khoa học cho thấy khi được khâm liệm, bà hưởng thọ khoảng 60 tuổi. Xác bà được bao phủ bởi một lớp sơn ta cổ đỏ ối, giúp giữ dung dịch ướp xác không tràn ra ngoài và nước mưa không thấm vào trong, giảm thiểu quá trình phân hủy. Thi hài được trưng bày trong phòng riêng tại bảo tàng sau khi được giám định bởi các chuyên gia thuộc Đại học Y Dược.


Xuyên suốt lịch sử, bảo tàng luôn là điểm đến thú vị cho bất cứ tâm hồn ham học hỏi nào. Ngày nay, dẫu các phương tiện truyền thông đại chúng và internet đã dần trở thành không gian tìm kiếm thông tin tiện lợi nhất, được ngắm nghía các hiện vật ngoài đời vẫn cho tôi cảm giác hân hoan, tò mò khó tả. Ngay như Xác ướp Xóm Cải chẳng hạn, chắc chắn sự hiện diện của bà sẽ thôi thúc nhiều khách đến thăm tìm hiểu thêm kiến thức về xác ướp và lịch sử, như cách tôi đã mày mò ra rằng không phải xác ướp nào cũng quấn băng hay được chôn sâu trong mộ như ở Ai Cập. Trên thực tế, bất kì môi trường lạnh giá, khô ráo và kín khí nào cũng có khả năng tạo ra “xác ướp bất đắc dĩ.” Nước ta cũng đã ghi nhận nhiều xác ướp như thế, bao gồm cả Xác ướp Xóm Cải.

Tuy vậy, gian trưng bày vẫn còn rất ít thông tin xoay quanh cuộc đời của bà lúc còn sống, để ta có thể hiểu sâu hơn về lịch sử xã hội Việt thời ấy. Cho nên, ngoài mục đích chiêm ngưỡng để thỏa trí tò mò của khách tham quan về quá trình xác ướp hóa, thi hài bà Nguyễn Thị Hiệu cũng dễ gây sợ hãi đối với ai thần kinh yếu, đặc biệt là trẻ em. Saigoneer cũng đã tránh đăng hình chụp xác ướp từ chính diện. Hơn thế nữa, ta cũng không thể nào xác định được liệu người nhà cụ Hiệu có cho phép thi thể bà được đem ra trưng bày như thế không. Phải thừa nhận rằng bảo tàng đã bày biện nơi bà an nghỉ với tâm thế rất cung kính, nhưng tôi không khỏi băn khoăn liệu rằng có ai ngoài kia hoàn toàn yên tâm với quyết định đưa người nhà mình ra trước mặt thiên hạ như thế không, giữa cái hỗn độn đầy khói bụi và đường phố Sài Gòn xô bồ xô bộn.
Nói cho cùng, mỗi người chúng ta có thể tự suy xét trong thâm tâm rằng mục đích ta đến viếng thăm Xác ướp Xóm Cải là gì. Bạn đọc cũng có thể đi với tâm thế như người viết, một mọt sách rất thích thú được tham quan hàng tá hiện vật trong bảo tàng. Theo phần thuyết minh, để giữ cho thi hài cụ Hiệu không phân hủy, phần không khí bên trong kính được giữ trong môi trường hằng nhiệt đúng 29 độ C. Tôi đã quyết định lấy nhiệt độ này làm nhiệt độ lý tưởng của chính mình khi bước vào bất kỳ căn phòng nào trong tương lai — tôi gọi là “khí hậu xác ướp.” Và một mai kia, đến lúc tôi lâm chung, ai muốn làm gì xác tôi thì làm.