Nguồn gốc luôn là một phạm trù làm con người đảo điên, ở mọi thời đại và trên mọi phương diện: từ nhân chủng, văn hoá lẫn tâm linh. Một cá nhân sẽ ít nhất một lần tự vấn về nguồn gốc của bản thân, gia đình, dân tộc và nhân loại. Vậy người Việt Nam chúng ta đến từ đâu?
Người mang ánh sáng từ sâu dưới lòng đất
Ngoài những sự tích trong huyền sử dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy mối liên hệ với tổ tiên qua những di chỉ khảo cổ trải dài mảnh đất chữ S. Dù vậy, khảo cổ học không phải là ngành được đông đảo học sinh quan tâm. Bao nhiêu người sẽ chọn vào ngành khảo cổ học sau khi tốt nghiệp phổ thông?
Thế nhưng, ít ai biết Việt Nam là cái nôi đã sản sinh ra những cái tên xuất chúng trong ngành khảo cổ với sức ảnh hưởng vươn ra phạm vi khu vực. Không thể không kể đến học giả Hà Văn Tấn, một trong “tứ trụ” của làng sử học Việt Nam. Và Theo Dấu Các Văn Hoá Cổ là tập hợp những nghiên cứu của thầy ở từng thời kỳ khảo cổ học: Thời đại đồ đá, thời đại kim khí và thời đại lịch sử. Từ đó, độc giả sẽ hiểu rõ những biến chuyển của văn hóa Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ là một nhà khảo cổ tâm huyết, GS Hà Văn Tấn còn là một cây bút tài hoa với những câu chữ đưa người đọc, dù không hiểu sâu về khảo cổ, trở về Việt Nam thời hồng hoang. Nguyên là Viện trưởng Viện Khảo cổ học với hơn nửa cuộc đời giảng dạy ở Đại học Tổng hợp, ông không chỉ mang ánh sáng đến vùng hiểu biết bị vùi dưới hàng lớp đất, mà còn là “người đưa đò” của bao thế hệ học giả sau này.
Những nghiên cứu của ông tích hợp và phản biện những quan điểm Tây lẫn Đông phương. Độc giả hẳn sẽ có một cái nhìn bao quát về không khí học thuật thời trước về những văn hoá cổ từng tồn tại trên Việt Nam.
Mảnh ghép mang tên Việt Nam
Không gian thế giới tiền sử không vận hành bên trong khuôn khổ của những biên giới như ngày nay. Đối với Hà Văn Tấn, muốn hiểu được Việt Nam cổ đại, chúng ta phải nhìn rộng ra cả Đông Nam Á và Trung Hoa. Việc kiến tạo không gian nguyên thuỷ, do đó, là bước tối quan trọng để chúng ta tránh áp đặt những tư duy hiện đại khi nghiên cứu văn hoá cổ.
Từng dẫn dắt nhiều đoàn khảo cổ ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, những chia sẻ của giáo sư về một cuộc khai quật sẽ cho chúng ta hiểu thêm về đặc điểm địa chất ở Việt Nam. Không dừng lại ở đó, thầy còn bình giảng về địa chất thế giới, từ những tảng băng vĩnh cửu ở Iceland đến tầng đất ở Nam Trung Quốc. Từ đó, thầy rút ra những nhận xét, tán thành lẫn bác bỏ, về cuộc thiên di của người tiền sử trên thế giới, lẫn Việt Nam.
Qua loạt bài viết phân tích những di chỉ khảo cổ ở Phùng Nguyên, Hoà Bình, Sơn Vi, v.v. độc giả dễ dàng nhận thấy những đặc điểm tương đồng với những hiện vật ở các nước Đông Dương. Ở mỗi bài luận, độc giả sẽ từ từ bóc tách từng lớp của cuộc sống nguyên thuỷ: từ ADN, công cụ sinh tồn, lối sống, chế độ dinh dưỡng, thậm chí là phạm vi ảnh hưởng của từng văn hoá cổ trong khu vực. Những bài viết đầu sách dẫu có nặng kiến thức khảo cổ, địa chất, song được thầy viết vô cùng dễ hiểu cùng chú thích kỹ lưỡng.
Độc giả cảm tưởng như vừa được đi một vòng Trái Đất cách đây trăm nghìn năm rồi về lại Việt Nam trước khi Hùng Vương lập nước. Và đó là cách mà thầy Hà Văn Tấn đã đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới.
Bỏ lại con đường thiên di
Bài viết "Về Vấn Đề Người Indonésien Và Loại Hình Indonésien Trong Thời Đại Nguyên Thuỷ Việt Nam" sẽ đi sâu vào luận điểm người Việt Nam là chủng tộc sinh ra từ tộc Mongoloïd da vàng và Australo-Négroïde da sẫm màu. Tuy nhiên, khi so sánh với những đặc điểm nhân chủng của những hộp sọ và xương người ở các di chỉ Việt Nam, GS Hà Văn Tấn đã đến một giải thuyết:
Có thể nói sự hình thành người Việt hiện đại là một quá trình Mongoloïde hoá lâu dài mà trong đó yếu tố Mongoloïde càng ngày càng tăng trưởng.
Thầy điểm qua những học thuyết nhân học có ảnh hưởng trong giới học thuật thế kỷ 20, phân tích điểm đúng cũng như điểm thiếu cơ sở của từng cái. Nhưng thầy không để độc giả lạc trong mớ bòng bong câu chữ cao siêu, mà luôn nhắc họ phải “tiếp đất” khi xem xét và thảo luận những chủ đề về con người cổ đại. Những kết luận của thầy luôn mở ra một câu hỏi mới mời gọi thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu vấn đề đặt ra. Bởi lẽ, mỗi ngày đều có một thứ mới được đào lên để thử thách tất cả những hiểu biết của con người hiện đại.
Đọc xong Theo Dấu Các Văn Hoá Cổ, độc giả sẽ cảm thấy câu hỏi “người Việt Nam đến từ đâu?” không còn quan trọng nữa. Thay vào đó là một niềm hân hoan sáng ngời khi hiểu ra rằng: Con người không nhất thiết phải phân biệt tôi và bạn. Với những ai đam mê những bí ẩn dưới lòng đất, cuốn sách này sẽ là tạo dựng một nền móng vững chãi để những công trình nghiên cứu trong tương lai vươn lên.
Ở cuối quyển sách, độc giả sẽ tìm thấy “tâm thư” của giáo sư gửi đến bạn đọc. Và mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau sau khi hoàn thành hành trình hơn 600 trang qua miền lãng quên.