Những điều chúng ta không thể diễn đạt thành lời đôi khi lại là chất liệu tuyệt vời nhất để viết nên một câu chuyện. Truyện cổ tích như một phiên bản đầy đủ của một câu tục ngữ được tiền nhân gửi gắm những giá trị, kỳ vọng và kinh nghiệm về tình yêu, mất mát, khao khát, số phận và những khó khăn gian khổ. Trẻ em thường tìm hiểu về thế giới người lớn thông qua những câu chuyện này, và sẽ luôn ghi nhớ bài học rút ra từ đó cả khi đã trưởng thành.
Những câu chuyện cổ tích về tình thân gia đình
Đó cũng là tiền đề của The Magic Fish, tiểu thuyết minh họa (graphic novel) của tác giả người Mỹ gốc Việt Trung Lê Nguyễn. Nhìn chung, The Magic Fish là câu chuyện về Tiến và những trăn trở của cậu bé trong việc "công khai" tính dục với cha mẹ. Không chỉ lo sợ rằng mẹ sẽ không chấp nhận con người thật của mình, Tiến còn phải đối đầu với những định kiến hiện hữu trong xã hội Mỹ. Việc cha mẹ Tiến là người tị nạn nhập cư, cùng rào cản ngôn ngữ giữa hai thế hệ càng khiến Tiến khó giải bày tâm sự. Cậu đành tự mình lên kế hoạch trong khi mẹ cậu, bà Helen, vẫn đang đau đáu nhớ về cội nguồn, gia đình và văn hóa quê hương.
Để khai thác chủ đề đa chiều này, Trung Lê đã chọn ba câu chuyện cổ tích: Tấm Cám, Nàng Tiên Cá, và một chuyện kết hợp của Công Chúa Lốm Đốm (Allerleirauh) và Công Chúa Áo Rách (Tattercoats). Trong những lần Tiến cùng mẹ đọc truyện, độc giả có thể nhận ra cuộc đời của hai mẹ con trải ra song song với những số phận trong truyện: Allerleirauh luôn thấy mình cần phải che giấu con người thật của mình trước người cô yêu; Tấm luôn phải chịu tủi nhục sau khi mẹ cô qua đời; nàng tiên cá Ondine hy sinh bản thân để tìm kiếm một cuộc sống mới ở bên kia mép nước.
Tuy nhiên, Trung Lê không để những câu chuyện cổ tích kể hết về cuộc đời của mẹ con Helen và Tiến. Bởi sự tương đồng giữa cổ tích và đời thực chỉ để tô điểm cho nội tâm phức tạp của hai nhân vật. Ngay cả những chi tiết nhỏ cũng tạo được sức hút khi được liên hệ với các chi tiết hư cấu. Chẳng hạn, chiếc váy dạ hội trong truyện cổ tích cũng có vai trò quan trọng tương đương chiếc áo khoác của Tiến, được chính bà Helen, vốn là thợ may, làm cho con trai mình. Bức tường giữa những cổ tích và mạch truyện chính dường như đã được phá bỏ một cách tinh tế, mà chính độc giả phải tự trải nghiệm mới thấy hết được màu nhiệm.
Tác giả hoàn toàn dựa vào hội thoại và trích đoạn từ những câu chuyện cổ tích để xây dựng tình tiết cho The Magic Fish. Cách tiếp cận này khiến tác phẩm có nhịp độ nhanh, và đầy kịch tính, nhưng dẫn đến một vấn đề: làm thế nào để độc giả phân biệt được ba câu chuyện cổ tích với mạch truyện chính? Đó là qua màu sắc. Mỗi phân đoạn được gắn với một gam màu cơ bản: đỏ, vàng và xanh, khiến từng trang giấy và khung hình như xem bằng một chiếc kính vạn hoa.
Thú vị thay, việc sử dụng bảng màu đơn sắc lại làm bật lên những hiệu ứng trong tranh. Phần lớn các trang minh hoạ được Trung Lê thực hiện thủ công, chỉ có phần kết được hoàn thành bằng phần mềm kỹ thuật số để đẩy kịp tiến độ. Dù các phân cảnh không dày đặc và khuôn mặt nhân vật được vẽ theo phong cách hoạt hình, những chi tiết như tóc, hoa ăn trên quần áo vẫn được đầu tư hết sức tỉ mỉ.
“Mục tiêu của mình [khi bắt đầu thực The Magic Fish] là viết nên một mẩu chuyện thật nhỏ nhặt. Điều kỳ lạ là khi viết về các nhóm thiểu số trong xã hội, người ta luôn mong đợi mình phải chế ra một cái gì đó thật sâu sắc về nó. Phải có thật nhiều tầng nghĩa, mọi chi tiết đều phải xoay quanh chuyện 'sống bên lề xã hội.' Tất cả những câu chuyện của người di dân đều có mô-típ như vậy.” — Trung Lê viết trong phần chia sẻ của tác giả.
Anh cho biết, anh muốn thoát khoải mô-típ quen thuộc ấy để có thể “khám phá thêm những khía cạnh khác xung quanh chủ đề đó.” Chẳng hạn, việc các nhân vật nỗ lực vượt qua rào cản ngôn ngữ để thảo luận về tình yêu với nhau làm cho tác phẩm trở nên độc đáo và đồng thời mang tính phổ quát hơn. Đây vốn là câu chuyện dành cho các gia đình nhập cư và các thành viên của cộng đồng LGBTQ+. Dù vậy, cũng như những câu chuyện cổ tích, chủ đề này đã vượt ra ngoài giới hạn về thế hệ, địa lý và xuất thân, và gây được tiếng vang với nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
Điều kỳ lạ là khi viết về các nhóm thiểu số trong xã hội, người ta luôn mong đợi mình phải chế ra một cái gì đó thật sâu sắc về nó.
Độc giả không mất nhiều thời gian để hoàn thành The Magic Fish, nhưng sẽ dễ bỏ qua những chi tiết mà Trung Lê đã chăm chút trong tác phẩm. Trong phần “Between Words and Pictures” ở cuối sách, anh đã chia sẻ hành trình vẽ minh hoạ và xâu chuỗi nên tác phẩm. Cụ thể, trí tưởng tượng của nhân vật sẽ quyết định bối cảnh của câu chuyện cổ tích, và phần minh hoạ cũng phải thể hiện sao cho tương xứng.
Câu chuyện Tấm Cám, qua lăng kính của chị bà Helen, được thuật lại với nét kiến trúc và trang phục được thiết kế theo phong cách Đông Dương ở Việt Nam những năm 1950. Trong khi những câu chuyện Tiến kể được ảnh hưởng bởi văn hoá đại chúng phương Tây giữa cuối những năm 1990. Trung Lê đã nghiên cứu kỹ lưỡng những chi tiết và hoạ tiết lịch sử trước khi vẽ nên những bộ cánh dạ hội trong tác phẩm.
Theo thời gian, những câu chuyện cổ tích sẽ luôn được kể lại với bối cảnh khác để phù hợp với những thế hệ mới. Những câu chuyện xoay quanh chủ đề xu hướng tính dục và những chật vật của người nhập cư cũng đã được kể lại vô vàn lần. Tuy vậy, với hình thức sáng tạo và giọng văn tươi mới, thân tình, The Magic Fish đã mang lại cho độc giả một trải nghiệm đọc hoàn toàn mới lạ.