Trong những tuần qua, TP. Hồ Chí Minh đã dần làm quen với nhịp sống bình thường mới. Và có lẽ sẽ không lâu nữa, các trường học sẽ chào đón các em học sinh quay trở lại.
Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng theo dự kiến, các trường học trên địa bàn thành phố đã tất bật chuẩn bị cho việc dạy và học trực tiếp. Phóng viên Saigoneer đã kết nối với thầy cô, cha mẹ và các bạn học sinh tại Trường Quốc tế Anh TP.HCM (BIS HCMC) để tìm hiểu về quá trình chuyển giao này. Nhờ theo sát chương trình học của năm và đảm bảo tiến độ trong quá suốt dạy và học từ xa, thầy cô và các em học sinh của trường BIS HCMC đã sẵn sàng để quay trở lại trường lớp.
Những bài học từ quá trình dạy và học trực tuyến
Thích ứng với bối cảnh cả nước bắt đầu “sống chung với COVID-19,” các trường học sẽ phải tăng cường các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch. Ban lãnh đạo và đội ngũ quản lý của trường BIS HCMC đã thường xuyên thực hiện những buổi kiểm tra và đánh giá cơ sở để thiết kế những biện pháp giãn cách an toàn và vệ sinh trong phòng học, sân chơi và căn tin. Bên cạnh đó, một trong những thay đổi lớn nhất đó là việc tăng cường giao tiếp trực tuyến với chương trình Trải nghiệm Trường học Ảo (VSE).
Trong chương trình VSE, BIS HCMC đặc biệt chú trọng duy trì lịch học và các hoạt động như bình thường. Ở cấp Tiểu học, mọi môn học trong thời gian biểu vẫn được giữ nguyên, bao gồm cả các môn Thể dục, Ngoại ngữ Hiện đại (MFL), Công nghệ thông tin và Âm nhạc. Tương tự, các học sinh vẫn tham gia chương trình Bổ trợ Tiếng Anh (EAL) và Ban Hỗ trợ học tập vẫn kèm riêng từng em hoặc theo nhóm nhỏ như khi học trực tiếp tại cơ sở của trường.
Bên cạnh đó, các buổi tập trung và hoạt động ngoại khóa cũng được duy trì theo hình thức trực tuyến hoặc được ghi hình và gửi cho gia đình học sinh. Ban lãnh đạo và đội ngũ giáo viên của BIS đã nhanh chóng nhận định rằng hình thức liên lạc số hóa không chỉ là biện pháp tạm thời mà còn có nhiều lợi ích phù hợp với thời kỳ bình thường mới.
Cô Deirdre Grimshaw (Cô Dee), Hiệu trưởng cơ sở Tiểu học của BIS HCMC, chia sẻ: “Nhiều phụ huynh cảm thấy được tham gia vào việc học của con em nhiều hơn so với chỉ đưa đón các em tại cổng trường như trước đây.” Nhờ có hình thức giao tiếp VSE, nhiều gia đình, đặc biệt là trường hợp cha mẹ bận rộn hoặc đang sinh sống tại nước ngoài, mới lần đầu có cơ hội tham gia các sự kiện của trường như buổi tập trung toàn trường hay buổi hòa nhạc của học sinh.
Các hoạt động như Virtual Stay, Play and Learn All Together (V-SPLAT) cũng kết nối cha mẹ sâu hơn vào hoạt động trong lớp của con mà trước đây họ chỉ có thể nhờ hết vào thầy cô. Khi các em trở lại trường học, BIS HCM dự định vẫn sẽ tiếp tục ghi hình và phát sóng trực tiếp nhiều sự kiện của trường để tạo điều kiện cho các gia đình tương tác với nhà trường nhiều hơn và theo sát việc học của con em hơn.
VSE còn tăng màu sắc cho các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa. Cô Dee kể rằng đã rất vui khi nhìn thấy ba thế hệ trong một gia đình của học sinh cùng thực hiện thử thách “ nấu món ngon không quá bốn nguyên liệu.” Các gia đình cũng hăng hái tham gia nhiều hoạt động thú vị và bổ ích như chạy bộ trực tuyến, học nhảy Zumba, và cuộc thi bơi lội qua mạng.
Nhờ vậy, BIS HCMC không chỉ duy trì các hoạt động ngoại khóa trong thời gian tạm đóng cửa cơ sở mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho cha mẹ dành nhiều thời gian bên các con hơn và giúp cộng đồng càng thêm gắn kết. Hơn nữa, hình thức tổ chức hoạt động này có thể được duy trì ngay cả khi học sinh quay trở lại học trực tiếp.
Tận dụng công nghệ một cách có trách nhiệm
Nhìn lại những nỗ lực ban đầu của nhà trường trong việc hướng dẫn cha mẹ sử dụng công nghệ kỹ thuật số, cũng như tổ chức các hội thảo trực tuyến để giải thích mục đích của chương trình VSE cho phụ huynh học sinh, cô Dee nhận định: “Khi phụ huynh cảm thấy yên tâm và có thể hỗ trợ con em thì có nghĩa là nhà trường đã đi đúng hướng.”
Quá trình làm việc này bao gồm trao đổi với cha mẹ về cách hành xử phù hợp trong không gian trực tuyến. Những hướng dẫn này sẽ giúp học sinh học tập và vui chơi trên Internet an toàn và có trách nhiệm. BIS HCMC đã tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến để giúp phụ huynh hiểu hơn về công nghệ và cách theo sát hoạt động của con em trên không gian mạng.
VSE cũng giúp đội ngũ giáo viên của trường củng cố kỹ năng ứng dụng công nghệ trong việc giảng dạy. Mặc dù BIS HCMC vẫn luôn ứng dụng công nghệ hiện đại trong nhiều hoạt động ở trường, nhưng khi công nghệ trở thành một lựa chọn bắt buộc trong thời gian qua, thầy cô đã khám phá ra những cách sử dụng sáng tạo.
Qua đó, nhiều nền tảng và tài nguyên mới mà giáo viên đã biết thêm thông qua chương trình VSE sẽ được duy trì trong thời gian tới để giúp học sinh rèn luyện khả năng học tập tự giác và độc lập hơn — đây cũng là một trong những giá trị cốt lõi và niềm tự hào tại BIS HCM.
Làm sao để giúp các em giữ được nhịp độ học tập?
Nói về các mục tiêu khi áp dụng VSE cho các khối lớp nhỏ tuổi, cô Dee cho biết: “Quan trọng nhất là xây dựng các mối quan hệ xã hội và hình thành thói quen. Các em cần có sự kết nối khăng khít với thầy cô, trợ giảng và bạn bè, đồng thời duy trì thời gian biểu bình thường như khi học ở trường.” Theo đó, những kỹ năng trong lớp học bình thường cũng sẽ được mang vào thực hành trong giảng đường trực tuyến. Học sinh sẽ được học các phép ứng xử cơ bản như chờ tới lượt, chào hỏi, chia sẻ và các kỹ năng xã hội khác.
Mục tiêu chính của VSE là giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực học tập và các kỹ năng mềm khi học tại nhà, nhờ đó các em sẽ không gặp trở ngại gì khi quay lại học tại trường. Các bài học vẫn được giảng dạy theo cùng một phương pháp, chỉ đơn giản là thực hiện qua màn hình máy vi tính.
Do đó, học sinh vẫn tiếp thu được kiến thức mới và tiến bộ sau thời gian tham gia Lớp học Ảo và bắt nhịp nhanh khi quay trở lại trường. Hơn nữa, thầy cô cũng luôn sẵn lòng hướng dẫn các em làm quen với nhịp sinh hoạt mới, đồng thời nhận ra những học sinh nào cần nhiều hỗ trợ hơn để đảm bảo việc học của các em không bị gián đoạn khi trải qua những thay đổi này.
Đây cũng là điều đặc biệt quan trọng đối với những học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, hoặc với những em có những khó khăn học tập riêng.
Một mục tiêu trọng tâm khác của nhà trường là giúp các em phát triển kỹ năng xã hội và làm quen với những người mới ngoài gia đình của mình. Cô Dee cũng nhấn mạnh rằng học sinh cần được “gặp gỡ bạn bè, thầy cô và lắng nghe câu chuyện từ những người không phải là cha mẹ hoặc những điều đã quá quen thuộc với các bạn.”
Với kinh nghiệm hơn 25 năm đứng lớp, cô Dee chia sẻ rằng một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất trong sự nghiệp giảng dạy của mình đã diễn ra trong chính chương trình VSE. Một học sinh nhỏ tuổi mới vào trường trong thời gian học trực tuyến đã cảm thấy căng thẳng đến mức bật khóc nức nở ngay trong giờ học.
Thấy vậy, một bạn học sinh khác đã sử dụng tính năng trò chuyện trên nền tảng kỹ thuật số của trường để gửi đến cô bé một lời nhắn động viên. Như vậy, cô học sinh mới đã có được người bạn cùng trường đầu tiên và khi quay lại hình thức học truyền thống, chúng ta biết rằng cô bé đã có sẵn một người bạn chào đón mình ở lớp. Câu chuyện trên cũng là một minh chứng cho sức mạnh của nền tảng VSE và tinh thần gắn kết cộng đồng, một giá trị nòng cốt của của BIS HCMC.
Góc nhìn của phụ huynh
Bên cạnh những thông tin được nhà trường cung cấp, những phản ánh của phụ huynh sau khi trải nghiệm VSE cũng góp phần nói lên tính hiệu quả của chương trình.
Anh Willis, phụ huynh của hai học sinh 3 tuổi và 5 tuổi vừa nhập học tại trường, cho biết lúc đầu anh đã khá hoài nghi về chương trình VSE vì nghĩ rằng lớp học trực tuyến không thể nào đáp ứng được nhu cầu của trẻ em tốt bằng lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, về sau anh đã bị thuyết phục bởi kết quả mà chương trình mang lại trong việc giúp con phát triển kỹ năng xã hội, trí tuệ cảm xúc cũng như khả năng học tập.
Kết quả tích cực này là nhờ hai bé được tương tác thường xuyên và hiệu quả với thầy cô và bạn cùng lớp; các nền tảng kỹ thuật số nhà trường dùng cho việc dạy học và liên lạc; tính linh hoạt của chương trình VSE; sự cân bằng giữa các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến, và sự hỗ trợ sát sao từ đội ngũ giáo viên và ban giám hiệu.
Anh Willis cho biết hai bé đã “học được cách xây dựng thời gian biểu phù hợp cho bản thân, mỗi sáng thức dậy đều hào hứng chờ gặp thầy cô và bạn bè vào tiết học đầu tiên. Trong thời gian TP. HCM giãn cách xã hội, những hoạt động mang tính tương tác cao như thế này đã giúp con tôi kết bạn và hòa nhập với cộng đồng tại trường.”
Anh cho biết đã thấy sự tiến bộ của con mình trong việc đọc, nghe, và nói, cũng như trong các kỹ năng vận động; các bé cũng yêu thích việc học và trở nên tự lập hơn mỗi ngày, đồng thời luôn mong sẽ sớm được quay lại trường lớp. Anh tin rằng quá trình chuyển sang học trực tiếp sẽ không gặp khó khăn vì các con đã kết nối rất tốt với thầy cô và bạn bè trong những tháng qua.
+84 (0) 28 3744 4551
BIS HCMC, Junior Campus, 225 đường Nguyễn Văn Hưởng, Thủ Đức, TP.HCM