Một trong những mối quan tâm lớn nhất của người làm cha mẹ là con cái của mình được an toàn về thể chất, cảm xúc và tinh thần khi tới trường.
Cô Kristin Wegner, trưởng nhóm Hỗ trợ học sinh tại Trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP), chia sẻ: “An toàn học đường là một khái niệm bao hàm nhiều khía cạnh. Nếu học sinh không cảm thấy an toàn và khỏe mạnh về thể chất hay tinh thần, việc học của các em sẽ bị ảnh hưởng, và thậm chí khó phát triển các kỹ năng xã hội. Để đảm bảo một môi trường phát triển lành mạnh, chúng ta cần cách tiếp cận tích hợp: áp dụng các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiểu biết, đưa chủ đề an toàn vào chương trình giảng dạy chính khóa. Đồng thời có sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.”
Giáo dục là chìa khóa
Phòng ngừa luôn tốt hơn cứu chữa. Vì vậy, bước đầu tiên để xây dựng một môi trường lành mạnh là dạy cho học sinh biết thế nào là một tình huống an toàn hay không an toàn. Là thành viên của hệ thống giáo dục Cognita, ISSP có thể tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên về an toàn học đường và triển khai sát sao theo các tiêu chuẩn được đề ra trong Điều lệ Be Well.
Trường cũng thiết kế các chương trình giảng dạy và các buổi tư vấn cho học sinh để lồng ghép nhiều nội dung về tầm quan trọng của sự đồng thuận, sự tin tưởng, và kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó, còn có các lớp học giáo dục thể chất về những chủ đề như dinh dưỡng, giấc ngủ, và thể dục thể thao. Chẳng hạn, từ khi còn bé, các em học sinh đã được dạy để nhận biết thế nào là đụng chạm cơ thể đúng mực, và cần phải làm gì khi bị người lạ tiếp cận.
Giáo dục là chìa khóa
Các bài học và hoạt động này sẽ giúp các em nhìn ra các tình huống “Ơ! Có gì sai sai!” và xử lý hiệu quả. Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò của cha mẹ trong công tác đảm bảo an toàn học đường. ISSP thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để kết nối và thảo luận với phụ huynh về các chủ đề mới và thiết thực như: an toàn trên không gian mạng, chuyển đổi sang học trực tiếp hiệu quả, và sức khỏe giới tính. Hơn thế nữa, nhà trường còn cập nhật thông tin và tài liệu thiết thực với các gia đình để giúp họ nhận biết và ứng phó với các hành vi mang tính lạm dụng con em mình.
Ngày nay, khi học sinh dành nhiều thời gian online hơn, vấn đề an toàn trên không gian mạng cần được quan tâm đúng mức. Cha mẹ nên đảm bảo rằng các em truy cập những địa chỉ phù hợp với độ tuổi. Đặc biệt là trong thời gian các em học tại nhà, học sinh cũng cần được hướng dẫn để hình thành các thói quen giao tiếp online phù hợp. Cô Kristin cho hay nền tảng mà ISSP sử dụng, Common Sense Media, có cung cấp các hướng dẫn, đánh giá, tài nguyên và lời khuyên hữu ích để nhà trường và phụ huynh có thể kiểm soát nguồn truy cập Internet và các hoạt động của các em. Cô Kristin nói thêm rằng: “Chương trình học này sẽ giúp học sinh trở thành cư dân mạng lịch sự và hành xử đúng mực trên không gian trực tuyến.”
Cần phải xây dựng mối quan hệ cởi mở với các em
Khi được hỏi rằng nhà trường có cách nào để phát hiện các trường hợp học sinh bị bắt nạt, lạm dụng, hay gặp nguy hiểm không, cô Kristin cho biết: “Đôi khi chúng tôi chỉ biết có chuyện không ổn khi học sinh nói ra. Mối quan hệ giữa học sinh và người lớn càng thân thiết thì các em càng chủ động trình bày vấn đề.” Vì thế, giáo viên ISSP luôn ưu tiên giao tiếp cởi mở và kết thân với học sinh, để các em cảm thấy an toàn và mạnh dạn bày tỏ những khúc mắc và cảm xúc của bản thân.
Giáo viên ISSP được đào tạo kỹ lưỡng để “bắt sóng” các vấn đề tiềm ẩn thông qua biểu hiện bên ngoài của học sinh. Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy và mối liên kết khăng khít giữa giáo viên và học sinh giúp các em tin tưởng thảo luận các vấn đề mình đang gặp phải với thầy cô. Ngoài ra, các cuộc họp phụ huynh và buổi gặp gỡ đều đặn tại trường, cùng với việc giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh đều giúp củng cố mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình. Nhờ đó, việc phòng ngừa, phát hiện và giải quyết các vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Hệ thống an ninh của trường ISSP
Quyết tâm bảo vệ học sinh một cách toàn diện không chỉ được thể hiện qua chương trình giảng dạy và chính sách của ISSP, mà còn qua hệ thống thiết bị và quy trình an ninh-an toàn được thiết lập và giám sát chặt chẽ tại khuôn viên nhà trường. Trong đó có thể kể đến hệ thống camera giám sát khách đến thăm trường, kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp, quy trình vệ sinh và tiêu chuẩn giám sát. Nhà trường còn xây dựng quy trình để phòng bị các trường hợp dị ứng thực phẩm, sơ tán khi có hỏa hoạn và quản lý thuốc y tế để đảm bảo sức khỏe của học sinh và công nhân viên.
Tất nhiên, không có một biện pháp hoặc quy định nào là hoàn hảo để đảm bảo học sinh được an toàn về thể chất và tinh thần cả trong và ngoài giờ học. Vì thế, giáo viên và phụ huynh phải tìm hiểu, quan sát và hướng dẫn các em về nhiều tình huống, chủ đề khác nhau. Bởi trong một môi trường học không an toàn, học sinh không thể đạt được hiệu quả học tập cao nhất. Do đó, cô Kristin khẳng định: “Chúng tôi dành hết sức để chăm sóc và bảo vệ học sinh khi các em đến trường, để các em luôn cảm thấy được yêu thương, nâng niu và an toàn. Đó luôn là mục tiêu của ISSP.”
Website của Trường Quốc tế Saigon Pearl
+84 (028) 2222 7788
92 Đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Bình Thạnh, TP.HCM