Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » Dịch Vụ » Nhận diện thực phẩm hữu cơ chất lượng: Những tiêu chuẩn bạn cần biết cho lần mua sắm tiếp theo

Có nhiều sản phẩm tự đưa ra tuyên bố là thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường hoặc bền vững. Nhưng làm thế nào để người tiêu dùng biết được tuyên bố đó có chính xác hay không?

Việc chỉ nhìn vào bao bì bắt mắt và hình ảnh minh họa hấp dẫn có thể khiến bạn vô tình bỏ qua các thông tin quan trọng. Trong lần mua sắm tiếp theo, hãy dành thêm vài phút để nghiên cứu nhãn sản phẩm và tìm kiếm biểu tượng các ngôi sao cách điệu thành hình chiếc lá màu xanh - logo hữu cơ của EU từ năm 2010. Đằng sau logo này là một quá trình kiểm soát chất lượng hữu cơ nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.

The organic logo European Commission  (Logo hữu cơ - Ủy ban Châu Âu).

Sự khác biệt của quy trình kiểm soát chất lượng thực phẩm hữu cơ

Người tiêu dùng thường hiểu chung thực phẩm hữu cơ là sản phẩm lành mạnh hơn thực phẩm thông thường. Theo nghiên cứu của Pew Research 1, 76% đáp viên là người trưởng thành cho biết họ mua thực phẩm hữu cơ vì lợi ích sức khoẻ, nhưng chỉ 20% trong số họ hoàn toàn hiểu rõ khái niệm “hữu cơ,”

Việc đảm bảo chất lượng và tính toàn vẹn của thực phẩm hữu cơ đòi hỏi quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Khác với hệ thống thực phẩm thông thường, sản xuất thực phẩm hữu cơ yêu cầu các quy trình kiểm định và chứng nhận toàn diện. Tuy vậy, đảm bảo thực phẩm thực sự an toàn và chất lượng là nhiệm vụ phức tạp trong mọi hệ thống nông nghiệp.

Quy trình sản xuất thực phẩm thông thường thường sử dụng phương pháp kiểm tra ngẫu nhiên, và kiểm thử sản phẩm cuối cùng để phát hiện chất ô nhiễm và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Các phương pháp này tuy hiệu quả nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Kiểm tra ngẫu nhiên có thể không phát hiện được những vấn đề phát sinh ngoài thời điểm lấy mẫu, còn kiểm thử sản phẩm cuối cùng chỉ phát hiện được vấn đề sau khi đã phát sinh.

Ví dụ, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và chất phụ gia tổng hợp trong hệ thống sản xuất thực phẩm thông thường có thể dẫn đến rủi ro ô nhiễm nguồn cung lương thực. Ngoài ra, các phương pháp thâm canh thông dụng trong nông nghiệp có thể dẫn đến suy thoái đất, ô nhiễm nước và mất đa dạng sinh học.

Trái lại, quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ chú trọng các biện pháp phòng ngừa và quản lý canh tác toàn diện để giải quyết những thách thức này. Cách tiếp cận toàn diện của chứng nhận hữu cơ không chỉ dừng lại ở kiểm tra ngẫu nhiên, và kiểm thử sản phẩm cuối cùng, mà tập trung vào mọi giai đoạn trong quy trình sản xuất nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ.

Nguồn ảnh: Naturland/Thomas Marzusch

Quy trình kiểm soát toàn diện của sản phẩm hữu cơ

Quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ áp dụng phương pháp kiểm soát chất lượng toàn diện theo nội dung quy định về thực phẩm hữu cơ của EU và Thoả thuận Xanh EU.

Những tiêu chuẩn này yêu cầu kiểm định kỹ lưỡng toàn bộ quy trình sản xuất, từ giai đoạn gieo trồng cho đến khi có sản phẩm cuối cùng. Điều này đảm bảo thực phẩm được sản xuất một cách an toàn, bền vững, tuân thủ theo nguyên tắc canh tác hữu cơ.

Quy định về sản xuất hữu cơ của EU nêu rõ những biện pháp cụ thể mà các trang trại hữu cơ phải tuân theo để duy trì sức khoẻ đất, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo phúc lợi động vật.

Những biện pháp này bao gồm luân canh, sử dụng phân bón hữu cơ, cấm sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp và sinh vật biến đổi gen (GMO). Động vật được chăn nuôi trong điều kiện cho phép các hành vi tự nhiên, cung cấp đủ không gian, tiếp xúc với môi trường ngoài trời và được ăn thức ăn hữu cơ.

Kiểm định viên - người giữ vai trò kiểm soát chất lượng sản phẩm hữu cơ

Nguồn ảnh: Naturland/ Johann Penzl.

Một yếu tố quan trọng trong công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm hữu cơ là quy trình kiểm định. Các đơn vị chứng nhận độc lập (chẳng hạn như Control Union và AB Cert) tiến hành kiểm định để xác nhận mức độ tuân thủ với các tiêu chuẩn hữu cơ. Được thực hiện bởi các kiểm định viên, quy trình kiểm định gồm nhiều giai đoạn: kiểm định sơ bộ, kiểm định hàng năm và kiểm tra ngẫu nhiên.

Giai đoạn kiểm định sơ bộ bao gồm xem xét kỹ lưỡng thực hành nông nghiệp, cơ sở vật chất và hồ sơ của trang trại. Các kiểm định viên sẽ đánh giá hiện trạng quản lý đất, luân canh, kiểm soát sâu bệnh và thực hành chăn nuôi, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, các kiểm định viên sẽ rà soát hồ sơ, giấy tờ lưu trữ thông tin về đầu vào và phương pháp canh tác để xác minh tính chính xác.

Tiếp đó, trang trại sẽ được kiểm định hàng năm nhằm đảm bảo luôn tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ. Các cuộc kiểm định hàng năm sẽ tiến hành kiểm tra chi tiết hoạt động tại trang trại, bao gồm: đến thăm trang trại, phỏng vấn nhân sự và rà soát hồ sơ. Kiểm định viên sẽ kiểm tra mọi sai lệch so với thực hành hữu cơ và đảm bảo rằng trang trại đã khắc phục các vấn đề không tuân thủ trước đó.

Cuối cùng, việc kiểm tra ngẫu nhiên có vai trò như một vòng đảm bảo chất lượng bổ sung. Những cuộc kiểm định không thông báo trước này sẽ giúp xác thực rằng trang trại luôn tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ một cách nhất quán. Thông qua kiểm tra ngẫu nhiên, các đơn vị chứng nhận có thể phát hiện và xử lý bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào trước khi vấn đề lan rộng.

Chất lượng hữu cơ được đảm bảo như thế nào?

Các đơn vị chứng nhận đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống thực phẩm hữu cơ.

Các tổ chức này chịu trách nhiệm xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ, tiến hành kiểm định và chứng nhận cho các trang trại tuân thủ. Các đơn vị chứng nhận hoạt động độc lập, không có quan hệ với các trang trại, đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy.

Nguồn ảnh: Naturland.

Mức độ đáng tin cậy của thực phẩm hữu cơ được củng cố thêm nhờ tính minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng của quy trình chứng nhận. Tính minh bạch này giúp xây dựng lòng tin với nhãn hiệu và khuyến khích thêm nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và trải qua quy trình kiểm định kỹ lưỡng.

 

Lựa chọn sản phẩm hữu cơ có chứng nhận bổ sung

Nhiều nông dân và đơn vị sản xuất thực phẩm đang nhận được sự hỗ trợ của các hiệp hội hữu cơ trong vận hành, cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt hơn. Người tiêu dùng có thể nhận diện thực phẩm hữu cơ có chứng nhận từ các hiệp hội như Naturland, hiệp hội nông nghiệp hữu cơ quốc tế lớn nhất thế giới với trụ sở ở Đức. Nhãn chứng nhận của hiệp hội có thể xuất hiện bên cạnh logo hữu cơ bắt buộc của EU.

Quy định về canh tác hữu cơ của EU yêu cầu các đơn vị chứng nhận phải được công nhận và kiểm toán thường xuyên để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn cao về năng lực và tính công bằng. Quy định này giúp đảm bảo mức độ đáng tin cậy của quy trình chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, các đơn vị chứng nhận cũng cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ, giúp những người nông dân hiểu và thực hiện được các tiêu chuẩn hữu cơ.

Sản phẩm hữu cơ uy tín đến tay người tiêu dùng

Quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện trong sản xuất thực phẩm hữu cơ mang lại những sản phẩm chất lượng mà người tiêu dùng có thể tin dùng.

Thực phẩm hữu cơ sở hữu mang lợi những lợi ích rõ ràng với người tiêu dùng: giảm nguy cơ tiếp xúc với chất hoá học nguy hại, yên tâm sử dụng sản phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng.

Nguồn ảnh: Naturland.

 Các yêu cầu nghiêm ngặt và quy trình kiểm định toàn diện đảm bảo thực phẩm hữu cơ thực sự an toàn và bền vững. Khi hiểu rõ hơn về các khía cạnh phức tạp của quá trình kiểm soát chất lượng hữu cơ, người tiêu dùng có thể đưa ra các lựa chọn thông thái, có lợi cho chính sức khoẻ của mình và môi trường. Lựa chọn sản phẩm hữu cơ còn là cách để ủng hộ hệ thống sản xuất thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm, cam kết sản xuất thực phẩm hữu cơ chất lượng cao.