Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Saigoneer ăn gì, chơi gì, ghé đâu trong 3 tiếng la cà ở Phú Mỹ Hưng?

Saigoneer ăn gì, chơi gì, ghé đâu trong 3 tiếng la cà ở Phú Mỹ Hưng?

Có vài người họ hàng của tôi cả đời chỉ sống vui vẻ ở quận 8 và chưa từng biết đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ là gì. Nên tôi đoán chắc cũng có nhiều người Sài Gòn khác chả bao giờ bước chân đến Phú Mỹ Hưng. Tôi đã ở quận 8 hơn 30 năm, cũng chưa từng đi Cần Giờ hay quận 12, nhưng nhờ nhà gần quận 7, tôi đã có nhiều dịp đi lòng vòng quanh Phú Mỹ Hưng, một trong những tiểu khu ngăn nắp nhất đất Sài Thành.

Sở dĩ có một bộ phận người Sài Gòn chỉ thích quanh quẩn trong khu phố nhà mình có lẽ là vì các khu dân cư mọc lên quá đầy đủ tiện nghi thiết yếu, và mạng lưới phương tiện công cộng quá nghèo nàn để khuyến khích người ta đi khám phá thế giới quanh mình. Chỉ cần xách xe chạy chừng 10 phút từ nhà, đầy đủ quán ăn ngon, hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng kính, hiệu cắt tóc, rạp chiếu phim, quán nhậu, cà phê lề đường, và bất kì dịch vụ nào khác một con người cần để duy trì cuộc sống, đều có mặt trong tầm với. Đối với nhiều người, như thế là quá đủ, chẳng cần đi đâu xa — đây là một sự thật gây hụt hẫng vì đối với tôi, Sài Gòn là thành phố tràn trề điều mới mẻ.

Phú Mỹ Hưng là khu dân cư rộng rãi ở phía Nam Sài Gòn.

Ý tưởng đầu tiên về Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhen nhóm trong đầu thương gia Đài Loan Lawrence S. Ting vào đầu thập niên 1990, và cho đến nay, vùng đất Nam Sài Gòn này vẫn giữ vững danh hiệu là một trong những biệt khu thành công nhất về mặt phát triển đô thị, biến vùng đất rừng thiêng nước độc này thành những khu phố khang trang, rộng rãi, “30 năm vẫn chạy tốt” đến giờ. Ngày nay, trong tâm trí người Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng được biết đến như một tiểu khu Hàn Quốc, ngôi nhà của loạt nhà hàng, quán cà phê, quán bar chất không kém cạnh gì so với ở Hàn. Sẽ là thiếu sót lớn nếu Saigoneer làm chuyên đề về Hàn Quốc — Korea Chapter — mà bỏ qua Phú Mỹ Hưng.

Bên trong Crescent Mall, tâm điểm của Phú Mỹ Hưng.

Để thực hiện bài viết Stroll kì này, team Saigoneer đã lên lịch trình vừa vặn đi bộ khám phá Phú Mỹ Hưng đối với cả “ma cũ” lẫn “ma mới,” ghé thăm những địa điểm tên tuổi như Cầu Ánh Sao và Hồ Bán Nguyệt, và chơi nhiều hoạt động thường chỉ thấy trên phim Hàn. Tôi có thể khẳng định chắc nịch luôn từ giờ rằng jjim jil bang, hay còn được gọi là phòng xông hơi Hàn Quốc, ngoài đời còn vui hơn trên phim.

1. Photo Time

Địa chỉ: Tầng 5, Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, Q7

Hình chụp sticker làm mưa làm gió giới trẻ Sài Gòn trong những thập niên gần đây.

Buồng chụp ảnh ra đời hơn một thế kỷ trước tại New York, nhưng các nước Đông Á như Nhật, Hàn, mới chính là cái nôi đưa văn hóa chụp ảnh sticker lên một tầm cao mới. Photo booth chụp hình chớm nở ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 từ Hàn Quốc. Ai đã từng ngồi phồng mang trợn má với lũ bạn phổ thông ngày xưa, chắc chắn đã từng ngồi vào một trong những buồng chụp ảnh rất “xì-tin” này. Trạm đầu tiên chúng tôi ghé chính là Crescent Mall để gửi xe, và để tiện tạt qua hiệu ảnh Photo Time trên tầng 5 để làm một (vài) pô ảnh kỷ niệm. Đời sống tinh thần của người Việt ngày càng cắm rễ trên mạng, nên cách thể hiện tình bạn của chúng ta cũng thay đổi theo, từ story mừng sinh nhật Instagram, playlist kỉ niệm trên Spotify, cho đến status Threads. Nhưng nói gì thì nói, không gì đặc biệt hơn được cầm trên tay một tấm hình kỉ niệm, được mân mê lớp giấy in thô ráp, được nhìn ngắm từng đường nét mực in trên từng nụ cười, từng cái ôm vai bá cổ.

Chọn cho mình chiếc băng đô thắm nhất trước khi chụp nhé!

Có gì vui?

  • Hơn 7749 phụ kiện nhắng nhít từ bao tay lông mèo đến băng đô vịt để trang hoàng cho “gương mặt thương hiệu” của người chụp
  • Bàn trang điểm để chải chuốt trước khi chụp
  • Một số lựa chọn filter và khung hình có sẵn nhưng không đáng kể

Giá: 30.000VND một người
Nên:

  • Sau khi chụp, một đường link bao gồm file hình và đoạn video timelapse ngắn quay lại toàn bộ quá trình chụp hình sẽ được cung cấp cho khách. Nhớ tải cả hai về máy vì mã QR sẽ mất hiệu lực trong khoảng thời gian vài ngày.
  • Tải app Photo Time để áp mã giảm giá cho người sử dụng mới

Tha hồ về dán vào lưu bút.

2. Cầu Ánh Sao & Công viên Hồ Bán Nguyệt

Đi bộ giữa trời nắng tháng 4 là cực hình, nên team Saigoneer hẹn lúc 5pm.

Khu vực ngay đằng sau Crescent Mall là hai “di tích” nổi tiếng nhất quận 7: Hồ Bán Nguyệt và Cầu Ánh Sao, đưa khách bộ hành xuyên mặt hồ để sang khu công viên bên kia bờ sông. Bao lần như một, bất kì ai được tôi đưa đến đây lần đầu đều nhận xét rằng cảm giác không giống Việt Nam lắm. Một bên là mặt nước phẳng như gương phản chiếu màn dừa nước rậm rạp và mặt trời đỏ ối đang chầm chậm buông xuống chân trời. Bên kia, bậc tam cấp lát đá men theo đường cong uyển chuyển của các cửa hiệu sáng đèn, ánh sáng dịu nhẹ hắt lên lối đi bát bộ rộng thênh thang. Theo lời của các chuyên gia đô thị đã phác thảo nên Phú Mỹ Hưng, thiết kế nơi đây được lấy cảm hứng từ bến sông ở Singapore.

Cầu Ánh Sao chỉ dành cho người đi bộ, nhưng hình như trượt pa-tanh và xe đạp đều không sao.

Cái tên Cầu Ánh Sao đến từ loạt đèn âm phủ kính trên mặt cầu, chiếu sáng từng bước chân mỗi khi đêm về. Nghe thì cũng có vẻ thơ thơ, sên sến, nhưng kỳ thực khi đi ngang, khách bộ hành dễ bị ánh đèn cao áp làm cho chói mắt, chao đảo nếu không cẩn thận. Nếu bên này cầu là một “cảng Singapore thu nhỏ,” thì bên kia cầu là khung cảnh náo nhiệt rất “cảng Cát Lái”: một hộ kinh doanh rất thức thời đã biến đoạn cụt cuối đường Tôn Dật Tiên thành đường đua xe mini và thiên đường cá viên chiên. Cứ tối tối, nơi đây ngập tràn tiếng bánh xe rít kin kít trên đường nhựa và tiếng reo hò của các cua-rơ đủ độ tuổi, giới tính, phục trang trên xe đua tự chế màu sắc sặc sỡ, thiết kế Elsa, Hello Kitty, Batman, v.v.

Công viên Hồ Bán Nguyệt là nơi lý tưởng để trải thảm picnic.

Có gì vui?

  • Tối cuối tuần, khu vực bên hồ thường có các nghệ sĩ đường phố biểu diễn nhạc sống
  • Nhiều thảm cỏ, đường lát gạch dưới bóng cây để tổ chức picnic hoặc chơi đùa với thú cưng
  • Giải đua xe mini Phú Mỹ Hưng mở rộng

Giá: Miễn phí
Nên: Đem theo snack và giải khát để vừa thưởng thức hoàng hôn vừa hòa mình vào không khí tấp nập của các cư dân nhí nơi đây.

3. Kem Bơ Sầu Bí

Địa chỉ: 1 Đường N, Q7

Quán Thỏ Ngọc Xinh Xinh.

Nhạc trẻ Vinahouse giật lắc, nội thất hơi quê, và nhiều góc check-in phong cách “ố dề” — quán kem kiêm cafe này dễ gây sượng khi mới bước vào, nhưng tôi phải thừa nhận rằng đồ ngọt ở đây làm khá ngon. Dù tên khá sến, Quán Thỏ Ngọc Xinh Xinh là một trong những địa chỉ ở Quận 7 với kem bơ khá ngon, phù hợp để nhâm nhi khi đi bộ vòng quanh khu vực công viên. Xuất xứ từ Đà Lạt, kem bơ là món tráng miệng mát lạnh gồm bơ xay, một viên (thường là) dừa, và dừa sấy khô hoặc đậu phộng rang rắc bên trên. Menu ở đây sáng tạo thêm hai hương vị khác là sầu riêng và bí đỏ. Sau khi tôi vượt qua được định kiến rằng màu vàng nhìn như đồ ăn dặm, thì tôi thấy kem bí đỏ ăn cũng hợp không kém gì bơ, đặc biệt trong bối cảnh mùa nóng hâm hấp ở Sài Gòn.

Tưởng đồ ăn dặm nhưng hóa ra đồ ăn dặm cho người lớn.

Có gì vui?

  • Góc check-in bựa
  • Vinahouse tracks to relax/study to
  • Kem bơ sầu bí ăn lạ miệng, mát lạnh từ trong ra ngoài

Giá: 55.000VND một người
Nên: Mua đem đi rồi ra công viên ngồi nếu vibe quán không hợp.

4. Nhà hàng Tía Tô

Địa chỉ: 161 Tôn Dật Tiên, phường Tân Phong, Q7

Perilla / Tía Tô theo phong cách thực dưỡng, chú trọng đến nguyên liệu nhà làm.

Không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của gà rán Hàn Quốc đầy sốt mặn ngọt cay nóng, nhưng đối với tôi, điểm sáng nhất của ẩm thực Hàn Quốc là kho tàng món ăn kèm phong phú, đặc sắc (banchan). Nhà hàng Tía Tô ở quận 7 sở hữu một trong những set banchan dồi dào, tỉ mỉ nhất thành phố. Nếu ăn ở chỗ khác, thường khách chỉ được ăn vài loại kimchi hoặc cùng lắm là cá cơm rim cay, nhưng ở Tía Tô, banchan được thay đổi theo mùa và làm mới mỗi khi hết. Từ khi được một đồng nghiệp người Hàn giới thiệu chỗ này, tôi thường xuyên cắm rễ ở đây chỉ để ăn banchan cho thỏa thích, vì ở đây cho phép gọi thêm thoải mái. Thực đơn khá dày dặn, cũng có những món chủ đạo Hàn như súp tương đậu, thịt nướng K-BBQ, nhưng ngoài ra còn rất rất nhiều đặc sản cây nhà lá vườn khác mà các tiệm ăn Hàn Quốc phong cách teen khác không có. Không gian ấm cúng của Tía Tô đối với tôi là không thể bỏ qua mỗi lần tới Phú Mỹ Hưng, đặc biệt là để chuẩn bị cho chuyến đi spa Hàn vào trạm cuối cùng của Stroll này.

Có gì hay?

  • Cơm bình dân (nhưng giá không bình dân) kiểu Hàn
  • Nước quế tráng miệng mát lạnh
  • Thế giới banchan kì thú

Giá: Khoảng 200.000VND mỗi món, nhưng phần ăn rất to
Nên: Gọi món chính vừa phải, vì banchan khá nhiều và ngon nên thường no ngang trước khi món chính lên bàn.

5. Golden Lotus Healing Spa

Địa chỉ: 139 Tôn Dật Tiên, Q7

Golden Lotus mở cửa từ 7am đến nửa đêm.

Nhắm mắt lại và tưởng tượng nhé: Một gian phòng rộng, với sàn, tường màu gỗ, cô gái nhân vật chính gia cảnh nghèo khó ngồi tụm năm tụm ba cùng các bà cô trong xóm để buôn dưa lê về tình duyên gia đạo. Mọi người mặc đồ bộ đồng phục, đội khăn gấp kiểu “thủy thủ Mặt trăng” trên đầu. Lâu lâu họ cười phá lên, chọc ghẹo nữ chính vì quá si mê nam chính nhà tài phiệt giàu có. Đây chắc chắn là một khung cảnh quen thuộc với bất cứ ai lớn lên trong thập niên vàng của phim Hàn Quốc ở Việt Nam, nhưng ít người Việt nào có cơ hội được trải nghiệm phòng xông hơi kiểu Hàn thế này. Hôm nay đến lượt team Saigoneer.

Đi xông hơi kiểu Hàn thì không thể thiếu khăn tắm trên đầu.

Trong tiếng Hàn, phòng xông hơi được gọi là jjim jil bang, thường bao gồm một khu tắm ướt và một khu khô với nhiều tiện nghi. Thật khó để giới thiệu jjim jil bang một cách khách quan nhất, vì chỉ sau một lần đi, tôi đã trở thành fan trung thành của trải nghiệm này.

Cơm hộp dosirak.

Tổ hợp spa ở Golden Lotus bao gồm nhiều khu vực: rất nhiều hình thức mát-xa, nhưng chúng tôi chưa có dịp thử vì không đủ thời gian; phòng ngâm mình công cộng ở tầng một, với gian riêng biệt cho nam và nữ, vì ai cũng phải khỏa thân; trên tầng một là không gian chung với nhiều phòng đặc dụng, chiếu và ghế để khách ngồi tán gẫu, ăn đồ nhắm uống nước giải khát.

Bữa tối tại Mr. BBQ gồm nhiều món Hàn tiêu biểu như súp tương đậu.

Nếu cảm thấy đói bụng, spa có hẳn một nhà hàng ngay cạnh cửa ra vào, nơi chúng tôi ăn tối trong lúc chờ đến giờ giảm giá. Thức ăn ổn tuy nhiên cũng chỉ bao gồm những món thường gặp trong quán Hàn, nhưng tôi cũng có dịp thử dosirak (cơm hộp thiếc kiểu Hàn) khá vui. Tầng trên bên trong khu vực spa khô cũng có một quầy bán món trứng “nướng” đặc trưng và nước gạo sikhye, bên cạnh vài món ăn nhẹ như mì ly. Đồ ăn ở đây khá đắt (45.000 một ly mì Shin nhỏ), nhưng ai cũng nên thử qua đặc sản trứng nướng và nước gạo bùi bùi.

Trứng jjim jil bang nướng có vị bùi, béo và hơi phảng phất mùi khói.

Ai yêu thích cái nóng hoặc lạnh trong spa sẽ thấy thích khám phá từng phòng đặc dụng ở đây, bao gồm một phòng lạnh (y như ngồi trong tủ kem), phòng ủ nóng (nhiều hơi nước nhưng hơi khó chịu nếu ngồi lâu), phòng ô-xi (rất yên tĩnh nhưng không rõ lượng ô-xi có cao thật không), vài buồng hồng ngoại (ngột ngạt), một bồn massage cá khá nhột, và nhiều tiện nghi khác như buồng cho trẻ nhỏ và máy tập thể dục. Cá nhân tôi cảm thấy bất kì ích lợi nào được quảng cáo ở đây đều không đáng tin, tuy nhiên, điều chắc chắn rằng jjim jil bang mở ra trước mắt tôi một chân trời với vô vàn cách ngồi, nằm, lăn, lộn dưỡng sinh — nhiêu đó thôi đã đủ để tôi cho jjim jil bang 5 sao, vì không có gì tôi thích hơn nằm một chỗ chẳng làm gì.

Có gì vui?

  • 1.001 cách nằm, ngồi, lăn, lộn
  • Nhiều cơ hội việc làm cho cá
  • Đồ bộ xinh và thoải mái
  • Phương thức chế biến trứng mới mẻ

Giá:

  • Trung bình một vé có giá 315.000VND, nhưng sau 7:30pm mỗi vé chỉ còn 150.000VND.
  • Trước khi đến đây, tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao spa có đến hàng ngàn đánh giá 5 sao trên Google Maps. Hóa ra, bất kì khách hàng nào đồng ý cho 5 sao sẽ được giảm giá vé xuống 170.000VND trước 7:30pm (sau đó thì không cần).
  • Trải nghiệm thực tế hoàn toàn xứng đáng với rating cao, nhưng khách đến nên đọc review thật thay vì chỉ nhìn vào điểm trung bình.

Nên:

  • Xem video YouTube hướng dẫn cách gấp khăn đội đầu.
  • Hồ massage cá nằm ngoài phòng chính, trên bậc tam cấp gần máy tập thể dục.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt cùng mì lạnh trứ danh của phố người Hàn Quận 7

Như cái cách hai nhân vật chính trong phim tình cảm gặp gỡ lần đầu, những lần đầu của tôi và các món ăn xa lạ thường bắt đầu bằng một tai nạn nào đó khiến tôi phải “nhục như con cá nục.”

in Màn Ảnh

Từ 'Anh em nhà bác sĩ' đến Netflix: Phim Hàn là sợi dây gắn kết mẹ và tôi

Rất lâu trước khi series Squid Game của Netflix trở thành hiện tượng xuyên lục địa, đưa truyền hình Hàn Quốc lên bản đồ thế giới, khán giả châu Á, đương nhiên có cả Việt Nam, đã bị mê hoặc bởi hàng lo...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Quán ăn đặc biệt ở Phú Mỹ Hưng nơi món ăn được ship bằng tàu hỏa

Giai điệu vui tươi của nhạc hiệu công viên Disneyland cứ văng vẳng trong tâm trí tôi mỗi lần đoàn tàu mini chở đồ ăn thức uống đi ngang bàn mình.

in Ẽplain

Từ 'Oh Chế' đến 'Lửa hận thù' — Lược sử văn hóa K-pop chế tại Việt Nam

Ký ức của tôi về những năm cấp 2 thường xuất hiện giọng hát vịt cồ của lũ bạn, luôn mồm oang oang một đoạn điệp khúc ngô nghê: “Mày rửa chén, tao lau nhà.”

in Màn Ảnh

Viết cho giọng thuyết minh phim bộ Hàn Quốc, âm thanh 'lo-fi' của tuổi thiếu niên

Lúc còn nhỏ, nhà tôi có một chiếc TV trong tình trạng dở dở ương ương, đôi lúc ngồi xem thì màn hình bỗng dưng tối đen, mặc dù âm thanh thì vẫn nghe được như thường. Để khắc phục, nhà tôi phải tắt đi ...

in Dishcovery

Đi tìm sữa bào bingsu giữa nắng hè Phú Mỹ Hưng

Dưới cái nắng hừng hực khiến con người ta phải ướt đẫm mồ hôi, thật khó để cưỡng lại sức quyến rũ của những món ăn thanh mát giúp giải tỏa cái oi bức của những ngày hè về.