Cũng như hàng vạn đứa trẻ Hàn Quốc khác, tôi lớn lên với nỗi băn khoăn không biết mình có xứng đáng với niềm mong mỏi của bố mẹ không, lúc nào cũng tự thúc đẩy bản thân phải cố gắng hơn nữa để trở thành đứa con gái hoàn hảo trong mắt họ. Tôi càng khắc khẩu với mẹ hơn ba, vì mẹ là người trực tiếp chăm lo chuyện học hành, nếp sống của tôi. Dù thế, qua bao năm tháng, một điều vẫn không hề thay đổi: mẹ tôi luôn sốt sắng làm tất cả để giữ sức khỏe cho tôi. Cách mẹ thể hiện sự quan tâm ấy thường qua những bữa cơm nhà nấu và phần cơm hộp để tôi mang theo đến trường được chuẩn bị kỹ lưỡng và ngon mắt.
Một trong những món tủ của mẹ tôi là canh và banchan (món ăn kèm) làm từ shiraegi (시래기), loại rau đặc trưng của Hàn Quốc là từ lá củ cải phơi khô. Shiraegi thường được ca ngợi nhờ hàm lượng calorie thấp, nhưng giàu dinh dưỡng như calcium, vitamin A và C. Mẹ tôi rất quý shiraegi vì nghĩ rằng lá cải sẽ giúp tôi bổ sung năng lượng để học tập cả ngày, lại không làm cơ thể béo lên vì ngồi nhiều.
Thời xa xưa, người Hàn thường ăn shiraegi vào những thời kỳ khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông khi rau củ tươi là hàng xa xỉ. Shiraegi dễ trồng, dễ bảo quản lâu, nên nó đã trở thành nguyên liệu rất phổ biến thời ấy. Ngày nay, Hàn Quốc có nền nông nghiệp phát triển với rau quả tươi quanh năm, nên shiraegi cũng không còn là thứ lương khô phải trữ ở nhà như trước. Tuy nhiên, lá cải khô đang dần trở thành một loại “health food” (thức ăn thực dưỡng) khi ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc phát hiện ra giá trị dinh dưỡng dồi dào của shiraegi.
Do lá cải khô là một nguyên liệu ít phổ biến ngoài nước, tôi khá ngạc nhiên khi tìm thấy Tía Tô (Perilla Seeds Shiraegi), nhà hàng chuyên về món shiraegi ở Sài Gòn. Tọa lạc ở trung tâm Phú Mỹ Hưng, quán thường đầy nghẹt khách vào giờ trưa và tối. Hầu hết thực khách đều là người Hàn, dù đó đây cũng có vài bàn là khách Việt.
Thực đơn quán khá dàn trải, với nhiều món ăn dân dã truyền thống Hàn Quốc, và đương nhiên không thể thiếu shiraegi. Tôi thường rất hoài nghi chất lượng của những quán nào “dám” bày hàng chục món trong thực đơn, vì chắc chắn phần lớn thức ăn sẽ không quá đặc sắc. Nhưng đến đây, tôi nhận thấy được sự tỉ mỉ, tận tụy trong cách nhà hàng chuẩn bị thức ăn, nhất là đối với những món cần được nấu chậm để giữ dinh dưỡng.
Một trong những món đặc trưng ở đây là canh shiraegi hạt tía tô, bày trong tô đá nóng hâm hấp, tỏa ra mùi thoang thoảng của tương đậu và hạt tía tô. Món ăn kèm với một chén cơm trắng nóng. Ở đây, các món ăn đều đựng trong dolsot (돌솥), hay thố đá nóng, để giữ cho thức ăn nóng lâu trong tiết trời se lạnh, dù bữa ăn có diễn ra lâu đến đâu.
Ngoài công dụng giữ nhiệt, chiếc thố đá còn là yếu tố không thể thiếu để làm nên “món ăn kèm” đắt giá trong mỗi bữa ăn dolsot: lớp cơm cháy vàng hươm dưới đáy thố. Lớp cơm giòn giòn này là thành phần chính của sungnyung (숭늉), món ăn sau bữa chính truyền thống Hàn Quốc được chuẩn bị bằng cách chế nước sôi hay trà nóng vào cơm cháy. Nước nóng làm mềm lớp cơm, tạo ra món nửa-cháo-nửa-cơm ăn tráng miệng vào cuối bữa.
Sau khi chúng tôi gọi món, các bạn phục vụ bưng ra ngay một loạt banchan đầy đủ màu sắc, hương vị, kết cấu rất hài hòa với nhau. Tía Tô cũng sử dụng chén bát bằng đồng thau, thường thấy trong ẩm thực truyền thống Hàn Quốc, càng làm tăng thêm tính trịnh trọng cho bữa cơm. Gần như tất cả các món banchan ở đây rất vừa miệng, nhưng đặc biệt nhất với khẩu vị của tôi là dubujorim (đậu hũ rim tương) và bibim guksu (mì cay trộn).
Ngồi ăn ở đây, tôi có thể cảm nhận được rằng thức ăn được chuẩn bị tươi mới mỗi khi khách gọi, tỉ mẩn như cách bà tôi tự chọn nguyên liệu làm cơm cho khách đến nhà. Ăn xong, tôi mở lời trò chuyện với chủ quán Tía Tô, anh Kang, thì được biết rằng hương vị ấm cúng ấy chính là nhờ hàng dãy chai, lọ, hũ, keo, mà thực khách đi ngang qua lúc lên cầu thang.
Anh chia sẻ rằng nhà hàng rất coi trọng việc chuẩn bị các món ăn lành mạnh, giàu dưỡng chất, tốt cho hệ tiêu hóa — những yếu tố mà dân thành thị hiện đại thường rất thiếu thốn trong chế độ ăn của mình. Do đó, nhà hàng thường thử nghiệm cách tự điều chế gia vị, chất làm ngọt tự nhiên bằng rau củ quả thay vì đường tinh luyện hay các loại tương chế biến công nghiệp. Anh Khang sử dụng nhiều loại trái cây và rau để tạo hỗn hợp men hữu cơ, tạo độ ngọt có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, khi gia đình chuyển đến sống ở Việt Nam, anh nhận ra rằng nhiều trái cây bản địa như chanh dây, chuối ta, cam sành, ớt chuông rất phù hợp với ẩm thực Hàn Quốc, nên đã “thu nạp” chúng vào bếp thường xuyên.
Chúng tôi đang ngồi trầm trồ thưởng thức banchan thì loạt món chính cũng vừa xong: canh shiraegi hạt tía tô, ba chỉ nướng samgyupsal, và cá thu nướng than. Món canh chủ đạo thật sự không làm tôi thất vọng, vị rất giống như mẹ tôi thường nấu ở Han, đầy dưỡng chất và nêm nếm vừa vặn. Tôi cũng phải dặn trước: ai ăn món này lần đầu thường thấy canh này khá ngang và ngai ngái mùi thảo mộc khó ăn, nhưng ăn nhiều rồi sẽ quen và thấy yêu mùi hương nồng vị cây lá này.
Set thịt nướng samgyupsal khá điển hình cho thịt nướng Hàn Quốc, nhưng nhà hàng cũng có thay đổi chút ít cho thịt nướng lành mạnh hơn bằng cách thêm rau vào đĩa: giá sống, nấm, và thơm cắt lát. Ngoài ra, thịt nướng đi kèm các loại rau để cuốn ssam, như xà lách, tương ssamjang, và cà rốt.
Cuối cùng, không thể không kể đến đĩa cá thu mackerel nướng than, đặc sản mới của thực đơn. Theo cá nhân tôi thấy, gia vị ướp cá vừa phải, không nhạt cũng không quá mạnh tay át mất vị ngọt tự nhiên của cá nướng. Với mỗi gắp thức ăn, tôi không khỏi bất ngờ vì khẩu vị ở đây rất giống cách mẹ tôi nấu.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người Hàn, doanh nghiệp Hàn tìm đến Việt Nam, không khó để tìm được món Hàn, dù là thịt nướng hay tráng miệng; hay các dịch vụ khác vẫn tưởng như chỉ Hàn Quốc mới có. Nhiều địa điểm được vận hành với chất lượng phục vụ rất tốt, chỉn chu, làm cho cuộc sống của cộng đồng Hàn Kiều ở Việt Nam sung túc như ở nhà.
Dẫu vậy, đối với tôi, điều mà ít nơi có thể hoàn toàn phỏng theo y chang là cái cảm giác an yên khi ở nhà mình, cùng ăn với gia đình mình — cảm giác đặc biệt tôi chỉ nhận thấy được khi ăn món ăn nhà làm với tâm thế ấm áp. Nhà hàng Tía Tô được vận hành với tôn chỉ và mục tiêu để cho thực khách cảm nhận một thứ tình cảm như thế.
Khách quan mà nói, thức ăn ở Tía Tô thật sự ăn vừa miệng, nhưng đối với một cô gái Hàn Quốc ở xứ người như tôi, ngồi ăn ở đây đem đến một hoài niệm rất riêng tư khác: nó làm tôi nhớ đến những lần đến thăm nhà ngoại với mẹ vào cuối tuần, ngồi quan sát cả hai chuẩn bị thức ăn một cách từ tốn, nghe họ kể về từng nguyên liệu, từng công đoạn trong quá trình nấu ăn, với tâm thế lúc nào canh cánh suy tư làm sao để bữa ăn ra đời một cách lành mạnh, bổ dưỡng nhất cho con cháu.
Chỉ khi ngồi trong gian bếp của ngoại, tôi và mẹ mới có thể tạm gác sang một bên những hục hặc về chuyện học hành của tôi, để kết nối một cách chân phương, không lo nghĩ qua năng lực kì diệu của ẩm thực. “Ngồi coi cho kĩ nha,” mẹ thường mắng yêu tôi, miệng cười tếu táo. “Nuôi được đứa con gái như cô thì tốn biết bao nhiêu công sức chứ không đùa đâu.”
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4.5/5
Dịch vụ: 5/5
Địa điểm: 5/5
Lưu ý tới độc giả: Các địa điểm trong chuyên mục Ăn & Uống có thể đã di dời, thay đổi giờ mở cửa hoặc tạm đóng. Mặc dù những thông tin cung cấp đều chính xác tại thời điểm viết, khi trải nghiệm những địa điểm trên, nếu bạn đọc thấy bất kì thông tin nào chưa được cập nhật, vui lòng gửi thông tin về cho Ban biên tập qua hòm mail info@saigoneer.com
Tía Tô/Perilla/들깨시래기
161 Tôn Dật Tiên, phường Tân Phong, Q7
Saigoneer là một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam. Chúng tôi kể những câu chuyện đương đại vừa mang giá trị giáo dục vừa mang tính giải trí. Với Saigoneer, bạn sẽ thấy những bài nghiên cứu được đầu tư công phu viết về nét đẹp văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và cả những video về gánh hàng rong ẩn sâu trong ngõ nhỏ.
Chúng tôi chào đón tất cả những ngòi bút tự do có ý tưởng độc đáo muốn cộng tác cùng Saigoneer. Ban biên tập ưu tiên các cây viết yêu thích hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực: âm nhạc, nghệ thuật, thời trang, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực, công nghệ và phim ảnh.
Các bạn vui lòng điền vào "pitch form" này để phác thảo ý tưởng chính cho đề tài bạn muốn khai thác, cùng với một số bài viết bạn đã thực hiện và gửi email về contribute@saigoneer.com với tiêu đề "Freelance Pitch".
Thân ái,
Saigoneer