Sài·gòn·eer

BackXê Dịch » Ao Ta » Vẻ đẹp mê hoặc nhìn từ trên cao của tháp Chăm Bình Định

Vượt qua những vòng xoay thời gian, những di sản kiến trúc của ngàn năm trước còn tồn tại đến ngày nay là mảnh ghép ký ức rõ nét nhất, gợi nhắc về những chương sử đã qua. 

Con người cùng những giai thoại rồi cũng trở về với cát bụi, nhưng những công trình cổ xưa dù có hao mòn theo thời gian, sẽ vẫn là những "người kể chuyện" bền bỉ hơn cả. Những cụm di tích còn phơi mình giữa nắng gió Bình Định là một trong số những chứng nhân lịch sử như thế. 

Chăm Pa là một vương quốc từng tồn tại ở khu vực mà ngày nay là duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam; phía Bắc giáp với Đại Việt và phía Tây Nam giáp Chân Lạp (Campuchia). Đế chế Chăm Pa có lịch sử kéo dài từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 19, và phát triển hưng thịnh nhất trong khoảng từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 15. Người Chăm xưa có tài đi biển, và thường sống trong nhiều cộng đồng rời rạc trên khắp lãnh thổ. Hiện nay, tổng số người Chăm trên thế giới là khoảng 800.000 người, trong đó gần 200.000 người đang sinh sống tại Việt Nam.

Văn hóa Chăm từ lâu đã giao thoa với các nền văn hóa khác trong khu vực như Campuchia, Ấn Độ và Việt Nam. Người Chăm hiện đại có dân số khiêm tốn, nhưng vẫn gìn giữ được di sản qua ngôn ngữ, âm nhạc, và các nghề mỹ nghệ. Trong đó nổi tiếng nhất là kiến trúc đền tháp, phản ánh rõ những đặc trưng về văn hóa và tôn giáo của Chăm Pa cổ đại.

Di tích nổi tiếng nhất của người Chăm nhất có lẽ là thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14, và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thánh địa là một trong những quần thể công trình kiến trúc Ấn Độ giáo lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm 70 lăng mộ và nhiều đền đài, là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa. Ngoài ra, nơi đây còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của đất nước, là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.

Tuy đã bị phá hủy nặng nề trong chiến tranh chống Mỹ, khu di tích này vẫn là kho tàng giá trị để chúng ta tìm hiểu về nền văn hóa đặc sắc của vương quốc từng phát triển song song với Đại Việt trong nhiều thế kỷ.

Đi thêm vài trăm cây số về phía nam đến tỉnh Bình Định, ta sẽ bắt gặp nhiều di tích kiến trúc Chăm Pa khác, hầu hết được xây dựng cho các mục đích trấn thủ, văn hóa, và tôn giáo. Vùng đất thuộc tỉnh Bình Định ngày nay từng là trung tâm hành chính-kinh tế của Chăm Pa trước khi thuộc về Đại Việt vào cuối thế kỷ 15. Saigoneer đã có chuyến tham quan một số cụm tháp Chăm ở Bình Định và có cho mình nhiều trải nghiệm quý giá.

Trung tâm thành phố Quy Nhơn có Tháp Đôi nổi tiếng và thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu thêm nên không chỉ dừng lại ở khu vực bờ biển, mà đi sâu vào trong tỉnh và băng qua vùng nông thôn dẫn đến Bảo tàng Quang Trung. Rời khỏi thành phố biển, chúng tôi đi thêm khoảng 15km trên Quốc lộ 1 để đến thăm Tháp Bánh Ít.

Tháp Bánh Ít là một trong cụm bốn tòa tháp nằm trên sườn đồi được xây vào cuối thế kỷ 11. Kiến trúc tháp tiêu biểu cho giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.

Tuy công trình đã nhiều lần bị cướp phá và không còn di vật gì quý giá, nhưng chúng ta vẫn học được về thẩm mỹ và tín ngưỡng của người Chăm xưa qua các bức tượng thần Shiva trên đỉnh mỗi tháp, các họa tiết hoa lá trên gạch đỏ, và các cột ốp được chạm khắc độc đáo ở tòa tháp chính. Công trình có thể từng là một địa điểm tôn giáo quan trọng của nhà nước Chăm Pa, và ngày nay vẫn là nơi diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo của địa phương.

Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trùng tu công trình để giúp các khối gạch được vững chắc hơn và duy trì cấu trúc của các tòa tháp tốt hơn. Từ trên đỉnh tòa tháp lớn nhất hướng đến đường chân trời, ta có thể ngắm nhìn miền quê thanh bình ở phía xa. Khung cảnh ấy vẫn mang vẻ đẹp thân quen của đời sống làng quê Việt Nam. Nhưng chuyến tham quan đã khiến chúng tôi phải ngẫm nghĩ: cách đây hàng trăm năm, những người nông dân làm lụng dưới bóng nắng của những công trình kia đã nói một ngôn ngữ riêng, thờ những vị thần của riêng, là người dân của một quốc gia độc lập khác.

Khi mặt trời lên cao, chúng tôi đi đến Tháp Dương Long nằm trong khu vực trung tâm của tỉnh. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của Google Maps, chúng tôi đã đi đúng đường cho đến khi nhìn thấy ba cấu trúc màu đỏ dần hiện lên ở phía xa. Sau khi thỏa thuận với chú bảo vệ rằng sẽ không ở lại quá lâu để chú được tự nhiên dùng bữa trưa, chúng tôi bắt đầu khám phá công trình này.

Được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, cách nội thành Quy Nhơn khoảng 40km, ba tòa tháp đều có mặt hướng Đông, tháp lớn nhất có chiều cao 24m. Các khối đá đã bị hư hỏng ít nhiều, nên các du khách không được tự ý đến gần. Dẫu vây, nhờ vào những lần khảo cứu trước đây, ta biết rằng trong tháp đặt nhiều loại phù điêu hình cây và hoa, động vật và con người. Dựa trên niên đại và phong cách kiến trúc, có thể đoán rằng công trình được xây theo ảnh hưởng của văn hóa Khmer lân cận.

Trên đỉnh của ba tòa tháp là bức tượng đóa hoa sen đang nở rộ dưới ánh mặt trời. Mặc dù có thể nhìn thấy từ mặt đất, nhưng thực sự phải dùng flycam chụp ảnh từ trên cao mới có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của công trình. Trải nghiệm ấy khiến Saigoneer đã có chút thắc mắc về mục đích của thiết kế này. Chẳng lẽ khi xây tháp, người Chăm có thể đoán được rằng sau này loài người sẽ phát minh ra loại máy ảnh biết bay trên trời sao? Nếu vậy thì họ có từng dự đoán được sự suy tàn của đế chế Chăm Pa không?

Chỉ trong thời hiện đại, chúng ta mới có thể có được một cái nhìn khác, một bối cảnh khác, một cách hiểu khác về sự vô thường của các nền văn minh xưa. Không phải chiều cao hay kích thước của cụm tháp khiến người ta cảm thấy nhỏ bé, mà là sự tồn tại vượt qua bao thăng trầm lịch sử của chúng mới khiến ta nhận ra rằng mình chỉ là hạt cát trong dòng chảy bất tận của thời gian.

Bài viết liên quan

in In Plain Sight

Những ký ức đóng băng ở trại phong Quy Hoà

Trong tâm trí của nhiều người, bệnh phong vẫn là một thứ gì đó đáng sợ. Nhưng vượt qua những định kiến, đâu đó vẫn có những cộng đồng nơi tình thương và sự cảm thông kết nối con người với con người. L...

Paul Christiansen

in Ăn

Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Ngày xửa ngày xưa ở thành phố biển nọ, một món bánh khọt độc lạ đã được ra đời.

Paul Christiansen

in In Plain Sight

Hóng gió biển trên cung đường trekking ngắm bình minh đẹp nhất Quy Nhơn

Bạn thích đi biển hay leo núi hơn?

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

Paul Christiansen

in Di Sản

Bằng nghệ thuật, Bảo tàng Quang Trung kể khúc sử thi hùng tráng của dân tộc

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chỉ 45km là Bảo tàng Quang Trung, một trong những bảo tàng kỳ công nhất Việt Nam.

in Ao Ta

Các mảnh ghép phong cảnh Việt Nam qua cửa sổ tàu lửa Bắc-Nam

Tàu Thống nhất Bắc Nam — một hành trình xuyên lịch sử và thời gian.