Sài·gòn·eer

BackXê Dịch » Ao Ta » Lênh đênh nghề lái tàu du lịch ở Phú Quốc quanh năm bám biển

Trước khi dịch bùng phát lại và TP. HCM phải tạm dừng mọi hoạt động để giãn cách xã hội, tôi đã có chuyến đi đến thăm Phú Quốc và có dịp lắng nghe các thuyền viên của một tàu du lịch chia sẻ về những tháng ngày lênh đênh bám biển trong bối cảnh ảm đạm của toàn ngành du lịch. 

Lời từ ban biên tập: Bài viết được thực hiện trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đợt 4.

Nằm tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bãi Sao được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất Phú Quốc. Trước dịch, địa điểm này thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Nhằm giúp khách du lịch có thể khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên Đảo Ngọc, mô hình du lịch tàu biển ra đời. Các tàu du lịch là tàu tư nhân, thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan và trải nghiệm câu cá, câu mực đêm, lặn khám phá các rạn san hô trong ngày.

Chiếc tàu chở đoàn tôi ngày hôm đó là một trong số vậy, với kinh nghiệm 10 năm vận hành. Tàu có sức chứa lớn, đủ cho 50–70 người. Vậy nên tàu được neo đậu xa bờ, và du khách sẽ ngồi trên những chiếc ghe nhỏ để di chuyển ra đó.

Những người sống và làm việc trên tàu đã quen tiếp đón khách du lịch, thuộc lòng con sóng, ngọn gió của vùng biển này. Họ ít khi vào đất liền, bởi lý do "không thể bỏ tàu được" và "đã quen với cái lênh đênh." Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch, cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn nhiều. Vào những đợt dịch căng thẳng, có giai đoạn cả mấy tháng liền không có khách đặt tour. 

Các thuyền viên trên tàu đều là nam giới, có độ tuổi khoảng 35–60, vóc dáng khỏe mạnh. Giữa cái nắng của biển, đôi tay họ thoăn thoắt kéo neo để khởi hành ra khơi. Cũng từ chính những đôi tay đó, những món ăn ngon mắt ngon miệng được chuẩn bị và phục vụ du khách.

Khi tôi tò mò hỏi vì sao trên tàu du lịch không có thành viên nữ, cách anh chia sẻ rằng công việc trên tàu du lịch cũng rất vất vả, cánh mày râu đã quen với cái nắng, cái gió, thành ra họ chịu được. “Vả lại, ở trên tàu lâu dần cũng quen, thành ra nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, v.v. Cứ tự thân mà vận động, không cần phiền tới phái nữ chi đâu.”

Chuyến tàu chuẩn bị khởi hành. Cái nắng hừng hực đổ xuống. Mặt biển lóng lánh, ánh lên màu xanh trong. Sau khi giới thiệu một số khu vực trên tàu cho du khách như boong tàu, nhà vệ sinh, khu vực nghỉ ngơi và thông báo những quy định an toàn, các thuyền viên bắt tay vào chuẩn bị và sơ chế nguyên vật liệu theo yêu cầu của du khách.

Chú Năm, quê tại Rạch Giá, Kiên Giang, cho biết mình làm trên tàu được một tháng. Trước đó, chú từng có thời gian làm ở tàu cá. "Một lần đi cá thường kéo dài trong nhiều tháng, cực lắm, nghề bọt nước cũng không lời lãi nhiều nên chú phải chuyển ra Phú Quốc để kiếm tiền." Chú đội cái nón rộng vành, kéo sụp che hết nửa mặt.

Giọng trầm trầm, chú Năm bảo mình có vợ và hai người con hiện đang sống tại Rạch Giá. Vì hoàn cảnh khó khăn nên cả hai đều nghỉ học từ sớm, rồi đi làm để chăm lo cho gia đình. Còn chú, vì muốn cuộc sống gia đình tốt hơn, đã đến Phú Quốc để kiếm sống. Khi dành dụm được chút tiền, một phần chú dùng để trang trải cho bản thân, một phần thì gửi cho vợ để đỡ đần cuộc sống.

Trong khi đó, chú Kham, quê tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thì sinh sống và làm việc trên tàu hơn 10 năm. Chú vừa nấu ăn, vừa tâm sự với tôi. Mọi hoạt động đều diễn ra trên tàu nên chú hầu như không vào đất liền. Việc đi chợ cũng là nhờ người khác làm: “Sáng sớm mỗi ngày, người nhà của chủ tàu sẽ đi chợ, mua đồ rồi gửi cho tụi tui nấu." Thực phẩm sẽ được cấp mỗi ngày. Chợ cũng gần chỗ neo tàu nên muốn mua gì thì “ới” một tiếng, sẽ có người đưa cho.

Trong một năm, số lần xuống tàu của chú Kham đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu để mua đồ lặt vặt cá nhân. Nước ngọt được đựng trong những thùng chứa trên tàu, đủ dùng cho cả tuần lễ. Đầu tuần, chủ tàu sẽ dẫn một đường ống dài để bơm nước ngọt vào bể chứa lớn, rồi số nước đó sẽ phục vụ cho đủ mục đích như nấu nướng, tắm rửa và ăn uống.

Chỉ trong có 30 phút, những rổ lớn đầy sò, ốc đã được sơ chế xong. Thế là mọi người cùng nhau chuyển đồ vào bếp để nấu. Trong căn bếp chật hẹp chỉ rộng khoảng 4m2, vừa đủ cho hai người đứng, chú Kham mồ hôi nhễ nhại, cẩn thận làm món vẹm xanh nướng mỡ hành mà khách yêu cầu. Chú bảo do lương cứng của thuyền viên chỉ có 2 triệu đồng, thu nhập phần lớn đều dựa vào các hoạt động đặc biệt như câu mực ban đêm hay thưởng thức hải sản tươi ngon, nên chú Kham rất “chiều” khách du lịch. Khách muốn ăn gì, chú đều làm.

Mọi thành viên trong nhóm của tôi không khỏi thán phục khi nhìn thấy ba người đàn ông tháo vát, sơ chế nguyên vật liệu thuần thục và vô cùng tỉ mỉ trong nấu nướng. “Quen rồi chớ sao. Sống trên tàu lâu nên việc gì cũng phải làm,” chú Kham vừa nói, vừa rưới mỡ hành lên từng con vẹm xanh. Tiếng xèo xèo vang vọng trong căn bếp khiến chúng tôi khó kìm lòng. 

Thao tác nhanh nhẹn, thuần thục, chẳng mấy chốc chú Kham cũng chế biến xong. Hàng chục phần ăn được chuyển tới du khách với giá cả vô cùng phải chăng, chỉ VND10.000–30.000 một con. Anh Quân, một thuyền viên khác, luôn kiểm tra kỹ càng số lượng phần ăn rồi mới mang ra cho khách. Anh cho biết, vào những ngày hoạt động bình thường, bình quân mỗi ngày các anh chuẩn bị khoảng 50–80 phần ăn.

Trên tàu cũng chuẩn bị sẵn các phần cơm trưa hoặc cơm tối cho khách. Thực đơn thường cố định, bao gồm cơm trắng, cá kho, cá chiên, rau xào, trứng chiên và canh chua. Do không gian nhà bếp có hạn, chú Kham cho biết khó có thể chế biến các món cầu kì, phức tạp. Tuy nhiên, những món ăn này vẫn nhận được sự ủng hộ từ các thực khách vì sự dân dã.

Rời căn bếp đầy khói, tôi nhanh chân leo lên tầng 2. Gần mũi tàu là buồng ngủ của thuyền viên. Chiếc buồng vô cùng nhỏ, chỉ rộng khoảng 6m2, vừa đủ cho 2–3 người nằm. Trong buồng có gối mền, áo phao và vật dụng cá nhân được cất gọn trong vali hoặc túi xách. Ngoài ra, dường như không còn thứ gì khác: không TV, không quạt, không vật dụng nào chiếm diện tích.

Khi tôi hỏi rằng cuộc sống trên tàu có vất vả lắm không, ai cũng trầm tư và lắc đầu. Ốm đau đã có thuốc men sẵn, trừ những lúc bệnh nặng phải lên đất liền khám. Ăn uống cũng đầy đủ, có sẵn nước ngọt để tắm rửa. “Tối đến, gió biển thổi lạnh, mọi người ráng đóng thật kín tất cả các cửa trong buồng, dùng áo phao lót thêm rồi đắp chăn ngủ. Giờ chỉ có cách đó thôi, chứ không có bỏ tàu được,” chú Kham cười nói.

Họ còn kể rằng, có những lần bão to và biển động, tàu phải neo vào đất liền, khiến họ nghỉ ngủ không quen. Dù trên tàu không phải cái gì cũng có như trên đất liền, mọi người đều chọn sống với thuyền, với biển, ngay cả trong những tháng ngày thử thách này. 

Vì là tàu du lịch, họ chỉ nhận chở khách, cung cấp các hoạt động liên quan đến tham quan, trải nghiệm chứ không thể dùng tàu để đánh cá hay với mục đích khác. Chú Năm chia sẻ: “Tàu này được sử dụng để làm du lịch thôi chứ không đánh cá được, vậy nên nếu dịch cứ [mãi] thì tàu buộc phải ngưng. Đợt dịch đầu năm 2020 thì tàu gần như bỏ hoang bốn tháng liền, do toàn quốc giãn cách xã hội.”

Đã hơn 10 năm, những con người nơi đây vẫn bền bỉ với công việc của mình. Những ngày ngành du lịch rơi vào tình cảnh cầm cự, lượt khách thưa thớt, nhưng mỗi người khách lên tàu lại tiếp thêm hi vọng về cuộc sống bình yên cho họ.

Như chú Kham từng chia sẻ với tôi: "Giờ kêu chú lên đất liền lại chắc không nổi đâu." Họ kiên cường, chịu được gió mưa, chịu được vất vả mà ở với tàu. Cả một đời lênh đênh, đây chính là cái nghề của họ. 

Darkroom là một series kể chuyện bằng hình ảnh về vẻ đẹp của cảnh vật, con người Việt Nam và châu Á trên những hành trình xê dịch. Bạn là một phó nháy thích đi đây đó? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

Bài viết liên quan

in Ao Ta

Chuyến tàu Bắc-Nam: 35 giờ, 1730km và 1001 mảnh ghép cuộc sống thân thương

Nếu di chuyển bằng tàu lửa, một người sẽ mất đến 35 tiếng đồng hồ đi từ thủ đô đến thành phố mang tên Bác. Ấy vậy mà lần đầu tiên hoàn thành chặng đường dài hơi ấy, tôi chẳng những không thấy mệt mỏi ...

in Ao Ta

Các mảnh ghép phong cảnh Việt Nam qua cửa sổ tàu lửa Bắc-Nam

Tàu Thống nhất Bắc Nam — một hành trình xuyên lịch sử và thời gian.

Paul Christiansen

in Ao Ta

Vẻ đẹp mê hoặc nhìn từ trên cao của tháp Chăm Bình Định

Vượt qua những vòng xoay thời gian, những di sản kiến trúc của ngàn năm trước còn tồn tại đến ngày nay là mảnh ghép ký ức rõ nét nhất, gợi nhắc về những chương sử đã qua. 

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

Chris Humphrey

in Ao Ta

'Mùa vàng' mênh mang trên những cánh đồng ở Mù Cang Chải

Tháng 9 hằng năm, những cánh đồng lúa Mù Cang Chải lại chín vàng, trông tựa những thước lụa óng ánh uốn lượn theo triền đồi, báo hiệu một vụ mùa lại về trên bản làng.

Paul Christiansen

in Xê Dịch

'Ngôi làng' bích họa mang sức sống mới đến các dốc phố Đà Lạt

Có phải COVID-19 đã làm bức tranh cuộc sống trở ảm đạm hơn rất nhiều không? Bởi sau một mùa dịch dài không được gặp gỡ hội hè, không được tham dự hòa nhạc và không được du lịch, còn mấy dịp để chúng t...