Truyện ngắn được trích từ Tập 2 của tuyển tập văn học In My Ear, Your Voice Still Flickering // Bên tai tôi, giọng người vẫn chờn vờn do Saigoneer phối hợp cùng Hội Sách Miami (Miami Book Fair) chọn lọc. Đây là tuyển tập văn học bao gồm ba tập, với các tác phẩm thơ, văn xuôi cùng tranh minh họa được thực hiện bởi hơn 20 tác giả người Việt và dịch sang hai ngôn ngữ Anh-Việt.
Mảnh vỡ, Khăn giấy, Một chuyện tình
Tác giả: Andrew Lam
Mảnh thuỷ tinh xa lạ với lòng bàn chân của anh; bằng cách nào đó, đã găm mình vào chốn da thịt không thân thuộc. Một cuộc tung hứng tưởng chừng chẳng có hồi kết, cái cách anh dằn và kéo mảnh vỡ, và cách nó chối từ mọi thỏa hiệp từ anh. Nhưng cuối cùng, mảnh vỡ — vô cùng nhỏ bé, nhỏ hơn cả một giọt nước mắt — đã được giải phóng, còn anh, kẹt trong cơn đau, nhìn nó chăm chú một lúc dưới ánh đèn halogen, trước khi búng nó bay như ngọn sao chổi khỏi cửa sổ của tôi.
Trên giường tôi, chàng Shiva với đôi mắt ngấn lệ ấy đang ngồi, bàn chân bị thương của chàng lơ lửng trong không trung, cựa quậy, cựa quậy.
Đáng nhẽ tôi đã phải quét dọn cẩn thận hơn. Tôi không thể chào đón một nhà thơ như thế này. Đáng nhẽ tôi nên đi lau chùi, đi đánh bóng. Đi làm gì đó. Giờ thì tôi nhìn anh lau vết thương bằng khăn giấy, thật ngượng nghịu, như thể như tôi là kẻ rình rập bị bắt quả tang. Nhưng rồi anh ngước lên và mỉm cười. Lại đây nào, anh nói.
Chúng tôi buông lời quyến rũ nhau qua điện thoại và email một năm trước khi gặp mặt. Một bài luận tôi viết đã len lỏi đến thế giới của anh, và anh chủ động gửi cho tôi một email đầy lời khen ngợi. Tôi trả lời, cảm ơn anh vì những lời tử tế, không quên đính kèm số điện thoại của mình một cách kín đáo.
Anh ấy đã gọi.
Chúng tôi đã trò chuyện.
Hầu hết là về quê hương, về tuổi thơ của chúng tôi ở miền nhiệt đới Việt Nam. Anh nhắc tôi về những ngày mùa chỉ còn lưng chừng trong ký ức, những quả ngọt thời thơ ấu, những quả ngọt được thưởng thức trong vụng trộm ngất ngây. Em có còn nhớ xoài xanh không? Chua và ngọt và giòn, chấm cùng muối ớt đỏ và mắm ruốc, phải giấu dưới ngăn bàn khi có ông bà giáo nào đấy bắt gặp. Và sầu riêng, một múi màu vàng mềm như khối óc, được cả gia đình say sưa thưởng thức sau bữa tối, muốn ăn phải dùng ngón tay tách vỏ gai to bằng hộp sọ, tựa như cả gia đình đang thực hiện một cuộc đại phẫu, chính xác là như vậy, một nghi lễ để sẻ chia ruột thịt. Và ôi cái mùi! Cái mùi thối rữa, nồng nặc của sầu riêng phải ám vào tóc, vào xoang mũi, vào hơi thở đến vài ngày. Và vú sữa, bên ngoài xanh tím, bên trong trắng sữa, ăn sau giấc ngủ trưa, vị mát và mịn trượt vào cuống họng như kem ngọt. Khi ăn xong, phải rửa sạch nhựa chát trên môi, chà thật mạnh, đến khi môi trông thật thô ráp, như thể vừa hôn ai đó quá nhiều.
Ngược lại, tôi kể cho anh nghe về hàng cây phượng đỏ trong sân trường tiểu học, đỏ rực và xanh ngát, rạng rỡ đến chói lóa dưới ánh nắng khắc nghiệt, ra quả đen, vỏ quả cứng vừa vặn trong lòng bàn tay đứa trẻ, được mấy cậu con trai dùng làm đao kiếm khi đấu tay đôi. Tôi kể về ngôi biệt thự nghỉ hè của gia đình, phủ lấp trong giàn hoa giấy đỏ bềnh bồng bên bờ biển Nha Trang. Về những hôm tôi ngủ trưa trên tầng hai, ngủ thật ngon lành, chẳng đoái hoài gì đến tiếng cười giòn giã của cha mẹ, âm thanh thoạt nghe như tiếng pha lê vụn vỡ, vang vọng từ phòng này sang phòng khác (và tôi yêu tiếng sóng biển rì rào ngoài khung cửa sổ kiểu Pháp, nó khiến tôi mơ về những chú hổ). Những mùi hương mà tôi thích nhất khi bé: mùi biển, tất nhiên có lẫn chút mùi tanh của tảo và cá chết trôi, mùi cánh đồng lúa chín khi trời chạng vạng, mùi dầu khuynh diệp bà tôi dùng để đánh đuổi gió độc, mùi nhang đàn hương ngọt ngào được người mẹ mộ đạo của tôi đốt hàng đêm.
Trong một cuộc gọi rất khuya vào một đêm mùa thu, tôi thì thầm, Đọc cho em một bài thơ. Ngoài vịnh, tiếng còi báo hiệu sương mù vang vọng đến thê lương. Đọc em nghe một bài thơ, nhé.
Anh chịu thôi, anh ấy nói. Không phải em cũng phải gửi anh hình hay sao?
Em xin lỗi. Em sẽ gửi nó cho anh vào ngày mai. Em hứa đấy. Nào, đọc thơ cho em đi.
Hmm....
Đọc em nghe, nào.
Rời đi
Mẹ đốt từng trang album
ngày cưới, con cả, tang lễ
của cha, Tết
nhanh lên, mẹ nói, nhanh lên, xếp đồ,
mau chuẩn bị
mẹ con mình lên đi thuyền đi
xuôi sông
ra khơi ...
Sài Gòn tháng 4
Một mùa khói
Những vần thơ của anh theo chân một hành trình chông gai, một chặng đường đầy ấp kỳ diệu và đau buồn.
Tôi nắm bắt lấy cơ hội lúc ấy: Anh sẽ đến thăm em chứ?
Đến thành phố nơi em ở? Anh ấy hỏi.
Đúng, tôi đáp lại. Ở cạnh biển. Anh có thể ngắm thuyền buồm mỗi sáng ngoài cửa sổ của em. Nghe tiếng cáp treo xình xịch trên đỉnh đầu. Cảm nhận làn gió biển nhảy múa trên da, nếm vị muối hòa lẫn trong đó....
Khi yêu, ta mường tượng về địa lý chung quanh bằng giác quan của người còn lại, dù có mờ nhạt đến thế nào, để xây nên một thế giới mới. Trong tâm trí, tôi có thể thấy Houston, thành phố nơi những trung tâm thương mại dải, những ngôi nhà cổ kính và những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép lấp lánh cùng tồn tại. Ngược lại, anh mơ về San Francisco với Kim tự tháp Transamerica chọc trời xanh, những ngọn đồi lộng gió màu than hồng lúc chạng vạng, những chiếc thuyền buồm lướt trên vịnh như đàn bướm trắng nô đùa; và anh mơ — tôi nghe được từ giọng của anh — rằng đâu đó trong thung lũng, là mùi vị của sự tự do.
Được rồi, anh ấy nói, thế thì anh sẽ đến thăm em. Vào tháng mười hai, đầu mùa Đông.
Nhưng rồi anh giẫm lên mảnh vỡ. Và phải đi lại một cách cực nhọc vào hôm sau, đôi ủng của anh, vừa mua một tuần trước, vẫn còn cứng cáp, đôi tất nhuộm màu của anh cứ trượt sâu bên trong. Anh đi dạo quanh thành phố, thành phố của tôi, với bàn chân mỏng manh.
Ngoài tai nạn ấy ra, chúng tôi ríu rít như chim hót vào ngày đầu tiên bên nhau. Trong bữa trưa, chúng tôi nắm tay nhau dưới bàn ở Cafe Claude, khi tôi giới thiệu anh với bạn bè, và khi đi bộ về nhà, chúng tôi say sưa hát một khúc dân ca về cấy cày, giai điệu được học từ một thời xa xưa, phai nhạt trong ký ức đến mức cả hai chúng tôi đều chẳng thuộc hết lời.
Ngày thứ hai: Đến Carmel. Tay tôi nắm vô lăng, thỉnh thoảng lại vuốt ve nàng, Cesoria Evora đang khẽ ngâm nga những bản ballad hoài niệm về tình yêu. Đêm qua, dưới mái hiên màu đỏ của tòa nhà chung cư trát vữa đâu đó trên phố Russian Hill, chúng tôi đã hôn nhau và tôi, trong cơn bốc đồng, đã cầu xin anh đến sống với tôi. Anh nhìn ra mặt nước tối và ngẫm về lời đề nghị. Trước khi tôi có thể cất lời, anh hôn tôi một lần nữa để tôi im lặng.
Anh lặng ngắm mặt biển, lúc này là một tấm bạc lấp lánh trải dài về quá khứ. Hẳn anh cảm giác rất lạ lẫm khi thấy Thái Bình Dương một lần nữa, xa khỏi đất liền của Texas, đại dương như một lời nhắc nhở về hành trình đau thương trên con thuyền đông đúc đầy người tị nạn từ Sài Gòn. Anh sống lại tất cả ký ức ấy một lần nữa. Anh nhớ rằng mình đã thấy tấm lưng nhỏ bé của mẹ, khi anh dang tay ôm những đứa em vào một góc trên con tàu tối tăm, đông đúc và hôi thối. Anh muốn thế chỗ của mẹ để bà có thể lên boong trên và hít thở không khí trong lành, dù chỉ một lần. Nhưng bà không bao giờ làm vậy. Suốt chuyến hành trình, bà chăm đàn con với sự dũng mãnh của một nữ sư tử. Còn anh, anh là người đi xin nước, người đưa về những tin xấu. Chính anh là người đã kể cho gia đình về bầu trời trời xanh, về biển cả bao la.
Các anh chị em của anh giờ đã lớn, mẹ anh cũng đã bước qua tuổi trung niên, nửa mất trí, và anh, như một thiên sứ nhân từ, vẫn trông nom bà, và đàn em, như thể anh sẽ mất hết mục tiêu và mục đích sống nếu buông bỏ, dù anh có khao khát tự do đến thế nào, chỉ có trời mới biết, những hy vọng tiêu tan hàng đêm.
Sau đó, anh quay sang tôi, gió trên tóc anh, biển mờ trong khóe mắt: Anh muốn. Anh thực sự rất muốn đến đây cùng em.
Ngày thứ ba: Có điều gì đó đã thay đổi. Một bóng đen lướt ngang qua khung cửa sổ, sự vận động diễn ra giữa những vì tinh tú. Niềm vui ngày đầu từ khi thấy nhau đã dần ngã ngũ thành những tiểu tiết thực tế đến phũ phàng; chúng tôi rơi vào vòng lặp của những thói quen. Anh ngủ trên chiếc giường yêu thích của tôi, cánh tay trái của tôi mỏi vì sức nặng của cái đầu đẹp trai của anh. Cách anh quàng khăn qua vai khiến tôi khó chịu, và tôi không rõ vì sao lại thế. Đôi khi anh mang một vẻ trầm mặc, vẻ sầu muộn của một nhà thơ, tôi đoán là vậy, dường như chẳng thể tiếp cận được. Anh khoác lên mình dáng vẻ ấy quá nhiều, như cách một geisha khoác lên mình lớp phấn dày. Tôi nhìn anh chìm đắm trong nỗi buồn, và tự hỏi làm thế nào có thể xếp vừa những cuốn sách của anh trong căn hộ này, khi kệ sách của tôi còn không đủ chỗ cho kho tác phẩm của V.S Naipaul?
Ngày thứ tư: Anh phát hiện ra một bài thơ chưa hoàn thành trên bàn của tôi, một lời tán dương về vẻ đẹp của anh. Anh chẳng nói gì, nhưng tôi biết anh không thích nó. Không phải vì anh tị nạnh, mà là tôi đã tiến vào "địa phận" của anh, dù là để kéo anh đến gần tôi. Tôi nghe được điều gì đó trong tiếng thở dài của anh: sợ hãi vì ngột ngạt.
Ngày thứ năm: Hay đúng hơn là đêm thứ năm. Trời đổ mưa. Một điệp khúc của những hồi tưởng vang lên. Mười lăm năm qua và đêm nay anh vẫn vậy, một cậu bé ngân ngấn nước mắt đứng trong trại tị nạn, nhìn mẹ ôm đứa em trai ốm yếu, đứa con út sắp chết vì bệnh viêm phổi, trước mắt. Anh say, không phải vì rượu, mà vì đã trót tin, trót buồn đau. Anh nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ và nói về việc rời bỏ, chính xác là muốn rời bỏ, mẹ của mình, một điều không tưởng, bỏ lại anh chị em, những người đã rời bỏ anh, rời Texas mà anh vốn dĩ chẳng đoái hoài, bỏ lại tất cả, ký ức của anh, nỗi buồn của anh, những thứ đã chiếm đoạt sự sống của anh.
Cả nhà chôn bé Bình trên đảo Guam. Mọi người đứng quanh mộ em, hát bài nó thích nhất, đặt con chó đồ chơi của nó trên gò đất đến khi mưa cuốn trôi đi. Năm ngoái, em gái anh đã đi tìm lại mộ nhưng không thấy. Vài sớm, mẹ anh lại nhìn chằm chằm ra cửa sổ rồi bật khóc như thể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Nghe anh nói, tôi chợt thấy lòng mình nôn nao trong một nỗi nhớ da diết. Mùa hè năm 1973, một năm sau khi Quân đội Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ tái chiếm thành phố Quảng Trị gần đường vĩ tuyến. Tôi đã đến thăm Quảng Trị cùng cha trên một chiếc máy bay trực thăng, một chuyến du ngoạn khá kỳ lạ. Thành phố đã bị phá hủy bởi cuộc tái chiếm đóng, trở thành đống đổ nát vì bom B-52, để lại những hố sâu mà sau mùa lũ đã biến thành bể bơi cho những đứa trẻ còn sống sót. Tôi dạo bước xung quanh. Sau khung cửa sổ vỡ của một ngôi nhà là một cụ bà. Bà vẫn ngồi đó như mọi khi, với nét thoai thoải của năm tháng, nhưng giờ bà nhìn chằm chằm vào hư không, khu xóm cũ nay đã biến mất, và bức tường có khung cửa sổ là thứ duy nhất còn sót lại của ngôi nhà. Tôi nhớ rằng mình đã vẫy tay chào bà. Bà không vẫy tay chào lại tôi.
Ngày thứ sáu: Tôi muốn nói với anh, thiên thần đang ngủ trên vai tôi, rằng thật kỳ lạ khi tình yêu giữa hai người tha hương lại bị cản ngăn bởi nỗi giằng xé của ký ức, rằng Việt Nam, theo nhiều cách, vẫn là một đất nước dang dở — ngay cả bây giờ, giữa cơ thể của chúng tôi, giữa đôi môi của chúng tôi.
Ngày thứ bảy: Mẹ cần anh, anh ấy nói. Em thật may mắn. Em được tự do.
Và, tôi nghĩ, cũng vì vậy, mà tôi hoàn toàn cô độc.
Trên đường trở về từ sân bay, tôi chợt nhớ ra mảnh vỡ nhỏ bé ấy đã xuất hiện trên sàn nhà của tôi như thế nào. Một chiếc bình pha lê mỏng đựng hàng chục bông hoa tulip trắng đã rơi xuống vào một buổi tối lộng gió mùa xuân năm ngoái. Tôi nhớ mình đã cầm ngược cành hoa, say mèm trong cơn thở hồng học, một biển pha lê sắc nhọn ôm lấy chân tôi, nước chảy ra từ những nụ hoa bi ai như tuyết tan.
Một tháng sau, vẫn không có tin tức. Điện thoại của anh đã ngắt kết nối. Sáng nay, tôi tìm thấy mẩu khăn giấy nhăn nhúm, lấm tấm máu khô dưới giường, mảnh khăn liệm Turin của riêng tôi. Bây giờ anh đã ở rất xa, ẩn mình sau nhiều múi giờ, kết kén trong nỗi mặc niệm. Tôi đi chân trần trong căn hộ, hy vọng một mảnh vỡ khác cũng sẽ xuyên qua mình. Nhưng than ôi, chuyện đó không xảy đến với tôi, nên tôi đành giữ dưới chiếc gối satin xanh ngọc của mình một tờ khăn giấy dính máu, tàn dư của một giấc mơ không nguôi, khao khát đoàn tụ chẳng thể nào dứt.
Độc giả có thể tải ba tập của In My Ear, Your Voice Still Flickering // Bên tai tôi, giọng người vẫn chờn vờn miễn phí tại đây. Đọc bài viết của chúng mình về quá trình thực hiện tuyển tập ở đây.