“Nhìn ở ngoài đẹp hơn trong hình nhiều.” — Đó là điều những người đã từng chinh phục cung phượt Hà Giang nhắc đi nhắc lại với tôi khi được hỏi.
Ở Hà Giang, đập vào mắt ta là những cánh cung lát nhựa uốn lượn bên vách núi như ruy băng, ở đằng xa kia, núi nhon nhấp nhô trùng điệp như đang xuyên thấu vòm trời mềm mại. Khi đi bon bon qua từng khúc cua gấp, ta sẽ thu vào tầm mắt nào là thảo nguyên chảy tràn hoa nở, nào là thảm thực vật với hằng hà sa số các sắc thái xanh mà không tính từ nào diễn tả hết được. Bên trên là các thiên thể và bên dưới là đất nền màu mỡ sau vụ gặt.
Cũng như hình, những con chữ này của tôi không thể nào tóm gọn được bề dày của nét đẹp vùng đất này, hay những kinh nghiệm sống ta có được khi được ghé thăm nơi đây. Dù đã sinh sống ở Việt Nam bảy năm, Hà Giang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng mà tôi chưa bao giờ diện kiến, nên tôi rất hăm hở chuẩn bị cho chuyến đi này. Trong thâm tâm, tôi tự nhủ rằng ừ thì cảnh vật chắc chắn sẽ rất đẹp, nhưng tôi cũng lo sẽ trông thấy một mảnh đất đang thoi thóp trước sức ép của phát triển du lịch không kiểm soát như Sapa, Đà Lạt, hay Phú Quốc. Vì thế, tôi rất vui và ngạc nhiên khi thấy rằng vùng núi phía Bắc vẫn chưa bị nhấn chìm bởi resort xa hoa, các đoàn tour “phá nhiều hơn khám,” hay sự biến tướng của những bản làng để bắt lấy nhu cầu của du khách.
Đây đó đương nhiên cũng có các điểm vui chơi hay khách sạn đã mọc lên để phục vụ người đi cung đường Hà Giang, nhưng may mắn thay đây cũng là số ít và cách họ khai thác dịch vụ cũng bớt “thô bạo” hơn tôi tưởng. Có nhiều homestay khá ấm cúng được chính các gia đình bản địa chăm sóc. Người ta vẫn nấu ăn trong bếp rồi lên ngồi “làm vài chén” với du khách như bằng hữu thân thiết. Nhiều buổi sáng tôi choàng dậy thì đã thấy các bác nông dân đang dắt trâu ra gặm cỏ, các bà các cô đang nhóm lửa cạnh đống gỗ mới chẻ; hằng ngày, người dân đủ mọi độ tuổi, sắc phục truyền thống hay giản dị, đi thong dong dọc quốc lộ, với hoa màu tươi rói địu sau lưng.
Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên
Có nhiều thứ đã tạo ấn tượng sâu sắc với tôi trong chuyến đi này, từ cảnh vật nên thơ, những cung đường dốc khiếp đảm, con người thân thiện, đến mẫu vật một con bọ ba thùy hóa thạch nửa triệu năm tuổi tôi được xem trên đường lên Cột cờ Lũng Cú. Nhưng thứ mà tôi ghi nhớ hơn hết lại chính là ngôi nhà cổ của một gia đình H’Mông ở làng Lũng Cẩm tại huyện Đồng Văn ngay cạnh Quốc Lộ 4.
Trong những năm Pháp thuộc, người dân ở đây thường trồng hoa anh túc hay ngô, nhưng thời nay, Hà Giang chỉ có bóng dáng tam giác mạch, cây ăn quả, các loại hoa, và không thể thiếu ngô. Ngôi nhà này được hoàn thành năm 1947, thuộc sở hữu của một gia quyến H’Mông khá giả. Công trình mang kiến trúc truyền thống điển hình của vùng, với cổng gỗ dựng giữa tường đá bao quanh một khoảng sân rộng rãi được điểm xuyết bởi nhiều cây ăn quả. Móng, trụ và hành lang làm bằng đá vôi xanh bản địa, còn cột và xà bằng gỗ và tường đắp bằng đất. Khoảng gác mái bên trên là nơi phơi ngô và các hoa màu khác. Ngạc nhiên thay, gia đình bốn thế hệ của chủ nhà vẫn sinh hoạt trong nhà như bình thường, dù mỗi ngày bây giờ của họ đều bao gồm việc tiếp đãi hàng trăm du khách đến thăm thú.
Cánh đồng bạt ngàn hoa và rau trái phủ đầy cao nguyên dưới chân những dãy núi Hà Giang xám bạc. Để tới được căn nhà này, ta phải tới một cánh cổng đề biển Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, lướt qua nhóm gian hàng bán đủ thứ đặc sản, từ hoa quả khô, các loại hạt, vị thuốc, rễ, hạt, ngũ cốc, và nấm. Bên góc kia là sào treo váy thổ cẩm H’Mông, mền và khăn choàng lủng lẳng cạnh một chị bán bánh tam giác mạch. Bia thủ công, măng sợi và mật ong được đóng chai để chuyên chở đi nơi khác hay làm quà cho người nhà du khách. Lúc chúng tôi tới, mấy chuyến xe khách tới, lui liên tục, đủ thấy nơi này nổi tiếng tới mức nào. Vào mùa thu lúc hoa tam giác mạch nở, nghe bảo mỗi ngày nơi đây đón tiếp không dưới 1,000 khách tham quan.
Trở lại ngôi nhà H’Mông, đúng ra nó đã không nức danh đến thế nếu không có sự đóng góp của bộ phim Chuyện của Pao, phim tâm lý ra mắt năm 2006 và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của giới mộ điệu phim ảnh và các liên hoan phim. Chuyện của Pao gặt hái được bốn giải Cánh Diều Vàng và thậm chí được giới thiệu tại liên hoan phim quốc tế Cannes 2007. Chính tại khoảng sân mộc mạc này, đoàn làm phim đã dệt nên câu chuyện của Pao như khán giả được thấy trong khung hình.
Chuyện của Pao kể chuyện đời của Pao, một cô gái H’Mông trẻ lớn lên trong vòng tay người vợ lớn của cha, nhưng lại được sinh ra bởi người phụ nữ khác, theo tục lệ phụ quyền của cộng đồng mình. Pao vừa phải loay hoay với những băn khoăn tuổi trưởng thành, vừa phải đối đầu với lắm gian truân trong gia đình đầy bất mãn, bức bối khi tai ương ập tới.
Đời sống cơ cực ở Hà Giang len lỏi vào từng thước phim, nơi con người phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời hằng ngày để kiếm sống. Giữa bối cảnh đó, âm thanh du dương của đàn môi như lướt trong khối không khí lạnh tĩnh mịch, đem đến vị ngọt tinh tế cho phim qua niềm vui trẻ trung và những rung động đầu đời của Pao. Có lẽ giới hạn kỹ thuật làm cho nước phim có vẻ cũ kĩ hơn tuổi thật, không gột tả được hết nét đẹp trong veo của Hà Giang, nhịp phim nghệ thuật chậm rãi chắc cũng sẽ ru ngủ nhiều nhóm khán giả, tuy nhiên Chuyện của Pao là thức quà quê tròn trịa, cả về mặt diễn xuất và biên kịch, mà ai cũng nên thưởng thức qua.
Khi May hóa thân thành Pao
“May bíu lấy gốc lê, cố thở thật khẽ. Ánh trăng cuối tuần mờ quá. Gió lạnh từ trong khe núi ào ra, mấy chiếc lá lê già còn sót lại rụng nốt, quệt vào bờ rào đá lạt sạt…”
Trích dẫn này không đến từ khung cảnh phim, mà từ đoạn cuối của ‘Tiếng đàn môi sau bờ rào đá’ — truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy, tiền thân của Chuyện của Pao. Thời nay, phim ảnh gần như hoàn toàn lấn lướt tiểu thuyết trong mắt khán giả trong việc truyền tải một câu chuyện, nói gì đến truyện ngắn. Tuy nhiên, cũng như các nhà làm phim quốc tế, giới điện ảnh Việt Nam vẫn luôn luôn tìm đến văn chương để ươm mầm cảm hứng, đi tìm nhân vật và tính tự sự cho tác phẩm của mình — Chuyện của Pao cũng không ngoại lệ.
‘Tiếng đàn môi sau bờ rào đá’ đoạt giải truyện ngắn xuất sắc nhất cuộc thi do báo Văn nghệ Quân đội tổ chức nằm 1998–1999, rồi được xuất bản trong tuyển tập truyện ngắn của chị. Truyện ngắn cũng đã được dịch sang tiếng Anh trong một tuyển tập khác về các nhà văn nữ Việt Nam mà tôi may mắn được đọc trước. Tuy các nhân vật đều được đổi tên — như May trong truyện hóa thân thành Pao trong phim — nhưng mạch truyện cơ bản vẫn tương tự nhau. May thường chứng kiến cảnh mẹ đẻ đến nhà mình, nơi cha mình và vợ lớn sinh sống. Bên cạnh đó, một chàng trai cùng bản bày tỏ tình ý với May qua những giai điệu đàn môi chàng thổi sau nhà cô. Dù chỉ gói gọn trong chừng 10 trang giấy, câu chuyện đầy kịch tính rất thành công nhờ diễn tiến chặt chẽ và cách xây dựng nhân vật đầy đặn với động lực sống rõ ràng và có chiều sâu. Những sự thật trần trụi đằng sau các bổn phận gia đình, xã hội áp đặt lên con người được khắc họa sâu cay hơn trên nền khí hậu khắc nghiệt.
Đọc ‘Tiếng đàn môi sau bờ rào đá’ rồi xem Chuyện của Pao càng củng cố niềm tin trong tôi rằng, để làm nguyên liệu điện ảnh, truyện ngắn phù hợp hơn tiểu thuyết, đơn giản chỉ vì tiểu thuyết chứa quá nhiều tình tiết để gói gọn vừa vặn trong một bộ phim độ dài chuẩn. Ngoài nhiều trở ngại khác như các đoạn độc thoại nội tâm hay sự “biết tuốt” của giọng văn kể chuyện thông tường tất cả suy nghĩ của mọi nhân vật, truyện dài hầu như luôn đi kèm hệ thống diễn tiến, nhân vật khá rắc rối. Khi xem bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, người xem không khỏi tập trung vào việc soi ra những gì đã bị cắt, giản lược, hay thay đổi, bên cạnh xem xem những cảnh và nhân vật có khác gì so với phiên bản trong trí tưởng tượng của mình. Chuyển thể từ một truyện ngắn chưa hẳn sẽ giải quyết được những băn khoăn ấy, nhưng cũng gia giảm phần nào.
Chuyện của Pao không lược bỏ yếu tố đắt giá nào trong truyện gốc, nhưng lại bồi thêm nhiều chi tiết trọng yếu, có thể kể đến một hồi ba đầy kịch tính sau một cảnh mở đầu mới. Các nhân vật bộc lộ khía cạnh khác của bản ngã khi phải đối mặt với những lựa chọn xuyên suốt thời gian, không gian. Chẳng hạn, khán giả chắc chắn sẽ suy nghĩ khác về mẹ của Pao thông qua cách tác phẩm lồng ghép ý niệm về phong tục trọng nam khinh nữ. Tôi không muốn tuyên bố rằng một phiên bản phim hay truyện là hay hơn, nhưng mạch truyện trong mỗi tác phẩm có cái hay riêng phù hợp với khuôn khổ của chính mình. Tôi gợi ý bạn đọc nên đọc, xem cả hai nếu có hứng thú với câu chuyện, nhưng cũng nên đọc truyện ngắn trước.
Trong bối cảnh xã hội đang dần hình thành một hệ thống diễn ngôn về vấn đề chiếm dụng văn hóa, cả ở quốc tế và gần đây ở Việt Nam, tôi cũng phải nêu ra rằng cả truyện ngắn và phim đều là sản phẩm nghệ thuật của người Kinh nói về đời sống của người H’Mông. Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên trong một thôn nhỏ ở Hà Giang trong vòng tay chòm xóm bao gồm cả các gia đình người Kinh, H’Mông và Tày. Xuyên suốt các tác phẩm của chị trong hơn 20 quyển sách, đời sống văn hóa phong phú của quê mình hiện lên chân thật và giản đơn như thế. Một trong số những người bạn thân thiết nhất của Thúy, chị Giàng Thị Thương, trở thành hình tượng để chị xây dựng nhân vật May trong ‘Tiếng đàn môi sau bờ rào đá.’ Khi dấn thân vào nghiệp viết, Thúy mang trong mình mong muốn được biết về sự kiên cường của người phụ nữ đã nuôi dạy Thương lớn lên, dẫu không sinh ra chị, giống như trong truyện kể.
Khi tôi hỏi Đỗ Bích Thúy suy nghĩ của chị xoay quanh vấn đề chiếm dụng văn hóa, chị trả lời qua email: “Tôi là người sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Hà Giang, mặc dù tôi không phải là người dân tộc thiểu sổ. Tôi coi mình là một thành viên của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, tôi tôn trọng và tự hào về các giá trị văn hoá truyền thống của chúng tôi. Việc khai thác các giá trị đó trong quá trình sáng tác tôi tự xem là một cách quảng bá, giới thiệu về vẻ đẹp của cộng đồng mà mình là thành viên, đồng thời tôi cũng hi vọng những người bản địa cảm thấy tự hào về những gì mà mình đang sở hữu.”
Chuyện của Pao được chấp bút và nhào nặn bởi đạo diễn người Hải Phòng Ngô Quang Hải, với Đỗ Thị Hải Yến, người Hà Nội, trong vai Pao. Đỗ Bích Thúy không tham gia vào quá trình làm, dựng phim, nên chị rất vui khi được xem phim dưới tư cách là một khán giả thuần túy. Năm phim ra mắt, gần như không có ý kiến gì từ phía khán giả lẫn giới hàn lâm khi bộ phim ra mắt khi ê kíp cho ra đời tác phẩm về cộng đồng và văn hóa H’Mông nhưng thiếu sự tham gia của người trong chính cộng đồng ấy. Gần đây, phim ngắn Khu rừng của Páo ra đời năm 2022 với diễn viên chính là một chàng trai H’Mông, cho thấy nhiều tín hiệu đáng khen trong điện ảnh Việt Nam trong nỗ lực nâng cao tính đại diện đối với các cộng đồng thiểu số.
Di sản của Pao và May ở Hà Giang
Tuy nhiều du khách Việt chắc hẳn đã từng nghe cái tên Chuyện của Pao, tôi đồ rằng nhiều người tìm đến Lũng Cẩm không phải để bày tỏ niềm hâm mộ trước tác phẩm. Thật ra, căn nhà cổ hiện diện nơi đây trong mắt khách thập phương chỉ với phương diện một chỗ nghỉ chân xinh xinh, chụp vài tấm selfie, và tranh thủ chọn mua vài món quà gì đó cho người nhà. Đây đó trên tường là vài khung ảnh từ giai đoạn quay phim, nhưng khách cũng phải tinh ý lắm mới nhận ra được, vì không có thông tin gì cả. Tựu trung, ở đây chẳng có gì đủ hấp dẫn về mặt “marketing” để lôi cuốn khách tới chơi về xem phim, để đọc truyện ngắn càng không. Tôi nghe được từ khách đi trước nói rằng nhiều hướng dẫn viên còn giải thích nhầm rằng bộ phim được làm dựa trên tác phẩm của Tô Hoài. Từng có một bảng thông báo để sai, giờ đã được chỉnh lại, tên truyện ngắn.
Ngồi than phiền chuyện người đời giờ ít đọc sách là chuyện chỉ dành cho người thừa năng lượng. Tôi tự nhủ rằng sức lực của mình có ý nghĩa khi được dành “dụ dỗ” mọi người xung quanh tìm đọc sách. Hà Giang, vùng đất nức tiếng trong lòng du khách và không cần phải rào trước đón sau, là nơi rất phù hợp để làm việc đó. Nếu gạt ra chuyện bối cảnh phim và truyện, thì Hà Giang vẫn là điểm đến tuyệt vời cho người mê thiên nhiên, nhưng với câu chuyện của Pao vẫn văng vẳng trong trí nhớ, chuyến đi Hà Giang của tôi bỗng dưng có bề dày hơn so với một đường phượt thuần túy. Tôi cảm thấy mình hiểu hơn về kinh nghiệm sống và sự bất khuất của người dân nơi đây. Những góc nhìn văn hóa tôi tiếp thu được qua hai tác phẩm, dù ít dù nhiều, đã giúp tôi kết nối được với nơi mình đang du ngoạn — không phải đây chính là lý do cốt lõi đưa ta đi du lịch sao?
Đi tìm kết thúc có hậu
Nhân vật trong phiên bản phim và truyện ngắn có kết cục khác nhau, nhưng tương lai họ đều mang màu sắc kết thúc mở, vì thế, khán giả xem, đọc xong sẽ có cơ hội tự tưởng tượng ra một ngày mai viên mãn hay bất hạnh cho từng con người trong câu chuyện. Tôi cũng có câu hỏi tương tự cho chị Thúy về cái kết của riêng chị cho những nhân vật mình viết nên, và chị trả lời: “Tôi luôn hi vọng các nhân vật tưởng tượng của tôi có kết thúc tốt đẹp trong cuộc đời, bởi vì mặc dù là những nhân vật tưởng tượng, nhưng họ đều mang hình bóng của những con người có thật với những số phận gặp rủi ro nhiều hơn may mắn, nhiều nỗi buồn hơn niềm vui.”
Nếu tôi có may mắn được đọc ‘Tiếng đàn môi sau bờ rào đá’ 20 năm trước khi vừa được viết nên, chắc tôi cũng không tưởng tượng nổi rằng sẽ có một ngày một ngôi nhà cổ H’Mông dựa trên câu chuyện trở thành địa điểm du lịch nức tiếng Hà Giang. Ta cũng nên tự hỏi liệu một cơ hội xuyên thấu màn ảnh như thế có thật sự là cái kết viên mãn cho May và gia đình mình không? Nhưng với món quà kinh tế rất phát triển mà du lịch đã đem đến cho ngôi nhà nói riêng và Hà Giang nói chung, ta cũng có thể phỏng đoán rằng chắc đời sống của các nhân vật khấm khá hơn kết truyện.
Là một người ngoài cuộc, tôi tự thấy không nên cho mình cái quyền phán xét về tình trạng của Hà Giang có tốt hay tệ hơn sau khi du lịch phát triển nơi đây, như cách mà gia đình ở nhà cổ đang làm. Tôi lại tìm đến chị Đỗ Bích Thúy, chị bày tỏ suy nghĩ: “Phát triển du lịch là mong muốn của tất cả các địa phương, nhất là những tỉnh nghèo, điều kiện tự nhiên khó khăn, người ta trông vào du lịch như một giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế. Điều đó không có gì sai cả. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, tôi chứng kiến người quê tôi sống chật vật khốn khó như thế nào. Và cơn gió du lịch tràn tới đâu thì đời sống vật chất của họ đổi thay đến đấy theo hướng tốt lên. Nhưng đồng thời với cái được là rất nhiều cái mất. Cái mất dễ nhìn thấy nhất là sự đổi thay về phong tục tập quán, lối sống, lối canh tác, mất tiếng nói (vì họ sẽ sử dụng tiếng phổ thông nhiều hơn), mất trang phục, mất kiến trúc, v.v. nói gọn là sự mai một, hao hụt các giá trị văn hoá truyền thống. Cứ mỗi ngày một chút, mất dần đi. Tất nhiên, sự mất đi này không phải chỉ do du lịch mà do nhiều lý do khác nữa, tôi hay gọi chung là sự xâm lấn của ‘văn minh vật chất.’ Nhưng du lịch sẽ khiến cho sự xâm lấn đó nhanh hơn, mạnh hơn. Việt Nam đã có quá nhiều bài học trên khía cạnh này trong nhiều thập kỉ qua. Bước chân khách du lịch đi đến đâu sẽ giống như một cơn gió lớn, quét lên những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, vốn tưởng như bền vững vô cùng, sau hàng vài trăm năm hình thành, thực tế lại quá mong manh. Hình thành thì mất hàng thế kỉ, vài thế kỉ, mất đi có khi chỉ một vài thập kỉ. Mà mất rồi sẽ khó lấy lại lắm.”
Chị còn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững để tìm được sự cân bằng giữa bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống người dân. Đứng trong tâm thế ấy, theo tôi, có lẽ cách tròn trịa nhất để du ngoạn Hà Giang là tìm đọc ‘Tiếng đàn môi sau bờ rào đá’ rồi xem Chuyện của Pao, chắc chắn ta sẽ có một trải nghiệm thân thương, dày dặn hơn khi rảo bước bên bờ rào đá.