Sài·gòn·eer

Back Xê Dịch » Ao Ta » Dấu Sông Hồn Phố: Hành trình lần theo sử tích nghìn năm của sông Tô Lịch

Dấu Sông Hồn Phố: Hành trình lần theo sử tích nghìn năm của sông Tô Lịch

Chúng tôi bắt đầu hành trình trước cửa một ngân hàng đoạn Trần Nhật Duật rẽ vào Chợ Gạo.

Chọn đây là điểm khởi đầu là vì khoảng 200 năm trước, nơi này có tên là vùng Hà Khẩu, hay Cửa Sông. Con phố Trần Nhật Duật to đùng kia trước đây là sông Hồng, còn đoạn rẽ vào Chợ Gạo đã từng là cửa sông Tô Lịch. Hôm đó, chúng tôi được anh Nguyễn Vũ Hải dẫn đi chuyến bộ hành mang tên Dấu sông hồn phố — một hành trình lần theo dấu tích sông Tô Lịch.

Phố Trần Nhật Duật thời nay và đoạn sông Hồng chảy vào Tô Lịch thời xưa, qua minh họa của anh Thành Phong.

Hồi nhỏ khi đạp xe đến lớp, tôi hay phải đi qua đoạn sông Tô Lịch còn lộ thiên ở Thụy Khuê. Mùi hôi thối bốc lên từ dòng nước đen ngòm luôn khiến tôi tự hỏi: Tại sao mọi người lại gọi đây là một con sông nhỉ? Rõ ràng đây là một cái cống mà. Hôm đó anh Hải dẫn chúng tôi đi bộ và kể những câu chuyện về dòng sông, và nhờ chuyến đi tôi mới biết cuộc đời con sông là cả một huyền thoại.

Anh Hải kể rằng cái tên Tô Lịch được nhắc đến trong sử sách cách đây cả mấy nghìn năm rồi. Hồi Việt Nam vẫn thuộc về Trung Quốc, Cao Biền, một thầy phong thuỷ khét tiếng Trung Hoa, đã có cuộc đấu phép với thần Long Đỗ — vị thần sông Tô Lịch. Cao Biền cố trấn yểm dòng sông, nhưng đóng cọc đến đâu thì cọc bắn lên tới đó. Cao Biền biết sức mình không đọ được, nên đành lập đền thờ, sau đó cho đắp La Thành. Vì thành men theo dòng sông của thần Long Đỗ, nó còn được gọi tên là Long Biên.

Bản đồ Hồng Đức (1490) vẽ La Thành men theo sông Tô Lịch.

Long Biên đã đắp tự đời nào?
Chẳng thấp nhưng mà cũng chẳng cao.
Chăm chắm ngoại thành xây cũng đẹp.
Cồn cồn dòng nước chảy tuôn vào.

Đó là một bài thơ Đường luật tôi từng đọc. Đến giờ mới hiểu dòng nước cồn cồn kia chính là sông Tô Lịch, mặc dù đoạn nước tuôn vào đã bị lấp từ lâu. Nhưng đến giờ người ta vẫn có thể cảm nhận được cái “chẳng thấp nhưng mà cũng chẳng cao” kia. Anh Hải cho chúng tôi mò theo con sông Tô Lịch và kẻ lại đường thành dựa trên mấy tấm bản đồ cũ. Tôi giật mình nhận ra thành to như thế nào khi kẻ đường qua Yên Phụ, Hoàng Hoa Thám, Bưởi, Đê La Thành — toàn những con phố mà phải lên dốc mới đi được.

Kẻ đường thành và con sông dựa trên bản đồ cũ.

Sự tích về dòng sông vẫn tiếp tục cho đến khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô về Thăng Long. Nhà vua muốn xây thành cao, nhưng cứ đắp lên lại đổ. Vua cho người đến cầu khấn đền Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng trong đền đi ra. Nhà vua lần theo dấu chân ngựa đắp thành thì thành mới vững. Vậy nên nhà vua đổi tên ngôi đền thành đền Bạch Mã, Đông trấn của Hà Nội,  và phong thần Long Đỗ được phong thành Thành hoàng Thăng Long — vị thần che chở cho mảnh đất này.

Chú thích số một trong bản đồ Hà Nội 1873 kể chuyện vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long.

Dưới sự phù hộ của thần Long Đỗ, Thăng Long phát triển thành khu kinh đô náo nhiệt. Hàng hóa từ miền Bắc đổ về đây theo sông Hồng, rồi sông Tô Lịch chở thành một huyết mạch giao thương nội thành quan trọng. “Ngay từ cửa sông,” anh Hải kể, “có chợ Gạo, rồi chợ Bạch Mã, chợ Cầu Đông, chợ Bưởi, chợ Cầu Giấy, chợ Ngọc Hà, chợ Dừa…” Khu Phố Cổ hồi đó là được gọi là Kẻ Chợ, và nó sầm uất đến nỗi còn có câu tục ngữ: “Giàu thú quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ.”

Phố Chợ Cầu Đông, đặt tên theo chợ cầu bắc qua sông Tô Lịch phía đông thành.

Nhưng rồi đến một ngày, vũ khí của con người đã làm mai một cả thần linh. Năm 1882, người Pháp chiếm Bắc Kỳ, họ biến Hà Nội thành khu đầu não để cai quản Đông Dương. Trong quá trình cai trị, họ cho dỡ thành Thăng Long, họ xây cầu, xây đường, và họ cho đào hệ thống cống ngầm.

Anh Hải kể: “Con sông Tô Lịch trước đây là mạch giao thông, thương mại, là hiện thân của thần thánh. Nhưng tới thời điểm này, khi người Pháp tới và vạch ra các nét quy hoạch của họ, thì con sông trở thành cái cống.”

Bốt nước Hàng Đậu, nơi đánh dầu thời kỳ sông Tô Lịch trở thành cái cống.

Và khi hệ thống cống ngầm mở ra thì có một loài sinh vật cũng được sinh sôi nảy nở: chuột cống. Chúng truyền dịch hạch khắp thành phố, nên người Pháp tìm cách diệt chuột. Họ thuê người An Nam đi giết chuột rồi cắt đuôi mang nộp. Mỗi cái đuôi có giá 4 đồng Đông Dương.

“Người An Nam thấy mức thu từ chuột rất cao,” anh Hải nói, “nên họ bắt chuột, cắt đuôi, rồi thả cho nó đẻ tiếp. Rồi còn có cả các trang trại chuột mọc lên và mạng lưới ‘ship’ chuột từ các vùng ngoại thành về đây để phục vụ ngành kinh doanh.”

Đến một ngày, có viên quan người Pháp nhìn thấy một con chuột không đuôi chạy trên đường. Từ đấy, người An Nam phải nộp chuột phải nộp cả con. Nhưng trào lưu vẫn phát triển mạnh cho đến khi mức tiền hạ thấp, từ bốn đồng một con xuống một đồng năm con, rồi không ai thèm nộp chuột nữa. Tư tưởng chống dịch của người Pháp cũng chuyển sang tập trung vào các biện pháp Y tế chứ không phải diệt chuột nữa.

Cửa Bắc của Hoàng thành Thăng Long trên phố Phan Đinh Phùng. 

Anh Hải nói câu chuyện con chuột kia cũng chỉ là một ví dụ nhỏ trong việc cách người ta sống với thế giới xung quanh như thế nào. Từ cách sống hòa thuận, nương tựa vào thiên nhiên, cho tới cách quản lý, sử dụng, rồi bỏ đi. Con sông Tô Lịch đến bây giờ vẫn là một cái kênh chất thải của thành phố.

Chúng tôi kết thúc chuyến bộ hành ở di tích Cửa Bắc, phần duy nhất còn lại của thành Hà Nội. Hồi dỡ thành, người Pháp cho giữ lại đoạn này, vì nó còn in hai vết pháo đánh dấu ngày Hoàng thành thất thủ. Lúc đứng đó và nhìn con phố Phan Đình Phùng trước mặt ùn ùn xe chạy, thật khó để hình dung con sông Tô Lịch đã từng cuồn cuộn chảy qua nơi đây. Tự dưng tôi thấy buồn lắm, như là thành phố đã bị mất cái gốc của mình.

Phố Phan Đình Phùng ngày nay.

Một buổi sáng sau chuyến đi cùng anh Hải, lúc thắp hương mùng một tự dưng tôi lại nghĩ đến thần Long Đỗ. Thay vì khấn vái tổ tiên như mọi khi, tôi gửi lời cảm ơn vị thần vì đã che chở cho thành phố, và nguyện cầu thần phù hộ cho gia đình, bạn bè, cùng những sinh linh đang sống ở đây. Cái tên Tô Lịch đối với tôi từ chỗ hoen ố giờ đã trở nên linh thiêng. Nghe nói gần đây người ta có bàn chuyện cải tạo dòng sông. Biết đâu, một ngày con sông sẽ được khôi phục vị thế là long mạch của Hà Nội.

Bài viết liên quan

in Ao Ta

Sức sống bình dị của nông thôn Bắc Bộ qua khung ảnh trắng đen

Xuyên suốt sự nghiệp xê dịch, tôi chưa bao giờ gặp quốc gia nào có sự phân hoá địa lý Bắc-Nam rõ rệt như Việt Nam. Tôi hay mường tượng trong tâm trí, những ngọn đồi thoai thoải và đỉnh núi cheo leo củ...

Michael Tatarski

in Ao Ta

Tìm về Pù Luông, nhận cái ôm xanh rì của núi rừng

Có trăm nghìn lý do bật lên trong đầu tôi mỗi khi nghe ai đó hỏi: “Sống ở Việt Nam thì có gì hay?”

in Ao Ta

Hành trình cắm trại tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng đất ngập nước lớn nhất Bắc Bộ

Một chuyến cắm trại tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định hứa hẹn mang đến kha khá trải nghiệm “đặc sắc”: bị bọ cắn, đi đường gặp rắn, hít thở không khí đặc quánh của miền biển, và đóng vai...

in Di Sản

Những ký ức về Hà Nội thời hậu chiến qua loạt ảnh năm 1973

Trong bộ sưu tập ảnh trắng đen được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia người Đức Horst Faas, phố xá Hà Nội hiện lên đầy tấp nập và giàu sức sống. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau khung hình tràn đầy tiếng cười con ...

in Di Sản

Trên chuyến tàu Bắc–Nam xuyên đất nước những năm 1920

Du hành bằng tàu lửa ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong 100 năm qua?

Paul Christiansen

in Ao Ta

Vẻ đẹp mê hoặc nhìn từ trên cao của tháp Chăm Bình Định

Vượt qua những vòng xoay thời gian, những di sản kiến trúc của ngàn năm trước còn tồn tại đến ngày nay là mảnh ghép ký ức rõ nét nhất, gợi nhắc về những chương sử đã qua.