Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Natural Selection » Cá Sấu — từ kẻ săn mồi tiền sử đến nô dịch của ngành thời trang

Cá Sấu — từ kẻ săn mồi tiền sử đến nô dịch của ngành thời trang

Tôi chưa bao giờ ưa nổi loài cá sấu. Không phải vì tôi từng bị cá sấu tấn công hay vì sự tồn tại của chúng gây ảnh hưởng gì tới cuộc sống của tôi — tôi ghét bọn cá sấu đơn giản chỉ vì chúng nó… tồn tại. Khi thiên thạch đâm xuống Trái Đất 66 vào triệu năm trước, khiến đất đá nổ tung và tạo thành các đám mây mù che kín cả bầu trời, cùng với đó là những cơn sóng hung tợn và hàng loạt trận cháy tưởng như không bao giờ dứt, hành tinh này đã mất đi những loài động vật tôi yêu thích nhất.

Còn đâu khủng long đuôi búa Ankylosaurus với chiếc đuôi có “quả đại bác” gai đâm tua tủa; hay khủng long ba sừng Triceratops lao nhanh như xe lửa chở hàng với ba “chiếc giáo” trên đầu; khủng long bay Pterosaurus với dáng vẻ đẹp đẽ mà cũng đáng sợ như hình ảnh kẻ tay sai của Satan trong tranh vẽ thời Phục Hưng; và khủng long cổ rắn Plesiosaurus là sự kết hợp rùng rợn giữa các loài rắn, rồng, và cá.

Những sinh vật tuyệt trần này đã tuyệt chủng, còn cá sấu thì vẫn nổi trên mặt nước, trơ trơ như khúc gỗ lạc trôi suốt hàng thiên niên kỷ. Loài bò sát này còn sống thọ hơn cả Voi răng mấu và Hổ răng kiếm, Gấu lợn và Rùa răng chạm. Tại sao những loài vật kỳ diệu như khủng long, bò sát biển, và các loài thú thuộc kỷ băng hà đều “đăng xuất” khỏi Trái Đất, trong khi đó một sinh vật ù lì, đần độn và tàn bạo như cá sấu thì lại sống dai đến thế? Thật không công bằng tí nào!

Tổ tiên xa xưa nhất của cá sấu xuất hiện cách đây 200 triệu năm, nhưng loài cá sấu mà chúng ta biết hiện nay (Crocodylidae) đã ra đời 95 triệu năm trước. Chúng từng tồn tại cùng nhiều họ hàng xa với ngoại hình không mấy tương đồng. Trong số bà con ấy, loài thì đi bằng hai chân, loài thì có chân vây như hải cẩu, loài thì có chế độ ăn thuần chay. Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng vì cá sấu có máu lạnh (động vật biến nhiệt) nên có khả năng trao đổi chất ưu việt trong những thời kỳ hệ sinh thái có những thay đổi lớn và kéo dài. Khi nhiều chuỗi thức ăn bị đứt hết mắt xích và nhiều giống loài đã mất đi, trong đó có khủng long, cá sấu vẫn sống sót. Hơn nữa, hệ miễn dịch mạnh mẽ và chế độ ăn đa dạng giúp chúng chiến thắng nhiều loài vật khác trong cuộc chiến sinh tồn.

Loài cá sấu mà chúng ta biết ngày nay xuất hiện vào khoảng 95 triệu năm trước.

Thật khó xác định được đã có bao nhiêu loài cá sấu từng tồn tại, nhưng hiện nay có 23 loài sinh sống khắp các châu lục trừ châu Nam Cực. Việt Nam có hai loài cá sấu bản địa là cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) và cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis). Nhìn bên ngoài chúng không khác gì nhau. Trong tiếng Việt, từ “sấu” trong tên của loài vật này có gốc tiếng Hán là từ “thú” (兽). Cái tên thể hiện hình ảnh một loài dã thú man rợ đứng đầu chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái của chúng.

Khi đi vào văn hóa Việt Nam, cá sấu trở thành nguyên mẫu của các loài giao long và thuồng luồng được khắc họa trên các cổ vật như là trống đồng Đông Sơn. Trong tác phẩm An Nam Chí Nguyên viết về Việt Nam vào thế kỷ 17, tác giả người Trung Hoa Cao Hùng Trưng đã ghi chép rằng: “Cá sấu mỗi lứa đẻ vài chục trứng. Khi trứng nở, những con non đi xuống nước sẽ biến thành cá sấu, còn những con non đi lên bờ sẽ biến thành rắn hoặc giun.” Đúng là cá sấu đẻ khoảng 30-70 trứng một lứa, nhưng các con non sẽ không biến thành một loài khác một cách thần kỳ như vậy. Đáng chú ý là những quan sát này có nét tương đồng với truyền thuyết mở cõi về Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Bên cạnh phiên bản được thần thoại hóa, hình ảnh cá sấu ngoài đời thật cũng xuất hiện trong truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích và tục ngữ. Những miêu tả ấy thường mang tính ẩn dụ để chỉ người tham lam và bất lương. Ở miền Tây có lưu truyền nhiều sự tích về những vùng nước có cá sấu sinh sống hoặc những con cá sấu từng là nỗi kinh hoàng cho người dân. Các tích truyện cũng giải thích tên gọi của nhiều địa điểm trong vùng.

Một ví dụ là Chùa Ông Vàm Đầu Sấu ở Cần Thơ, nơi thờ một con cá sấu rất đặc biệt. Con thú này từng sống ở bên bờ sông và thường cất tiếng hát cho những người quá giang. Chi tiết này gợi ý về hình tượng của cá sấu trong văn hóa tín ngưỡng địa phương mà chúng ta có thể cần nghiên cứu sâu hơn. Cá sấu ít được nhắc đến ở miền Bắc, nhưng vẫn có một câu chuyện được ghi chép lại rằng vào thế kỷ 13, sông Lô có cá sấu hoành hành. Thấy thế, Vua Trần Nhân Tông lệnh cho Hàn Thuyên viết văn tế ném xuống sông và đuổi hết chúng ra biển.

Chúng ta không biết giống loài cụ thể của những con cá sấu trong truyền thuyết, nhưng các nhà động vật học đã tìm hiểu được rằng cá sấu nước mặn và cá sấu Xiêm có môi trường sống và lịch sử tiến hóa khác nhau.

Chúng ta không biết giống loài cụ thể của những con cá sấu trong truyền thuyết, nhưng các nhà động vật học đã tìm hiểu được rằng cá sấu nước mặn và cá sấu Xiêm có môi trường sống và lịch sử tiến hóa khác nhau. Cá sấu nước mặn còn được gọi là cá sấu hoa cà, là loài cá sấu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Nó có thể sống hơn 70 năm, với kích thước có thể lên đến 6m và nặng đến 1.000kg. Cá sấu hoa cà sống được ở nhiều vùng nước có độ mặn khác nhau.

Ở Việt Nam, loài này sinh trưởng mạnh ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đầm lầy ngập mặn ở ngoại ô Sài Gòn, những cánh rừng trải dài đến hồ Tonlé Sap ở Campuchia, và cả ở đảo Phú Quốc. Theo ghi chép, vào thời nhà Trần người ta từng nhìn thấy cá sấu ở Đồng bằng Sông Hồng, và vua nhà Trần đã cho bắt lại làm thú nuôi hoàng gia.

Đến đầu thế kỷ 20, số lượng cá sấu hoa cà ở Việt Nam sụt giảm đáng kể theo tốc độ đô thị hóa, quy hoạch đất nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Con người xem cá sấu là mối đe dọa đến cuộc sống và công việc chăn nuôi nên đã mạnh tay săn bắt chúng, tiện đó khai thác luôn một nguồn cung cấp thịt và da thuộc. Mối giao tranh giữa cá sấu và loài người cứ thế kéo dài đến những năm 1920. Đến đầu thế kỷ 21, đối thủ của chúng ta đã tuyệt chủng trong tự nhiên ở Việt Nam, chỉ còn xuất hiện ở các vùng khác trong Đông Nam Á, Nam Á và phía bắc châu Úc.

Ngược lại, cá sấu Xiêm không phát triển mạnh ở ngoài tự nhiên và Việt Nam có chưa tới 1.000 cá thể tồn tại ngoài các khu nuôi nhốt. Không giống như người họ hàng nước mặn, cá sấu Xiêm có kích thước trung bình và sống ở các vùng nước ngọt như sông hồ và đầm lầy, và chỉ được tìm thấy ở Đông Nam Á. Tình trạng săn bắt không kiểm soát và môi trường sống bị thu hẹp khiến cho loài này gần như tuyệt chủng vào những năm 1990. Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực bảo tồn để cứu lấy cá sấu Xiêm — loài cá sấu ít được nghiên cứu nhất và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.

Nếu muốn loài cá sấu tồn tại thêm vài thế kỉ nữa, công tác bảo tồn cần dựa vào một đồng minh không mấy ai ngờ tới: chính là những trại nuôi cá sấu đã khiến chúng suy giảm số lượng loài trong tự nhiên.

Một điều đáng chú ý là nếu chúng ta muốn được nhìn thấy cá sấu thêm mấy trăm năm nữa thì công tác bảo tồn cần dựa vào một đồng minh không mấy ai ngờ tới: chính là những trại nuôi cá sấu đã khiến chúng suy giảm số lượng loài trong tự nhiên. Vào tháng 3/2022, các nhà bảo tồn động vật đã thả 25 con cá sấu Xiêm từ các trại nuôi vào Vườn Quốc gia Nam Cardamom của Campuchia. Những cá thể này là con cháu của một quần thể tự nhiên đông đúc đã giúp phát triển nghề chăn nuôi cá sấu ở các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Vào năm 2017, Việt Nam có khoảng 600.000 con cá sấu được nuôi ở hơn 1.000 hộ khắp 25 tỉnh thành, chủ yếu là ở miền Nam. Đây là nguồn cung cấp da thuộc để làm các mặt hàng xuất khẩu như thắt lưng, ví, túi, và dây đồng hồ.

Sau 7 năm vắng bóng ngoài tự nhiên, cá sấu Xiêm đã xuất hiện trở lại nhờ chương trình tái du nhập động vật. Năm 2000, 60 cá thể đã được thả về vùng đất ngập nước Bàu Sấu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, đây là vùng đất ngập nước lớn thứ hai Việt Nam. Hoạt động này có sự đóng góp của trại cá sấu Hoa Cà ở Sài Gòn. Trước khi được thả, những con vật sẽ được xét nghiệm gen để xác định độ thuần chủng. Lý do cần đến bước xét nghiệm này là vì người nuôi cá sấu thường cho lai giống cá sấu Xiêm với cá sấu nước mặn hoặc cá sấu Cuba để nâng cao chất lượng da. Nhờ có sự bảo vệ của lực lượng kiểm lâm và các chương trình giáo dục, cá sấu Xiêm đã gia tăng số lượng loài lên hơn bốn lần.

Tôi không mấy lạc quan rằng nhân loại sẽ bảo vệ được hành tinh này. Vì thế, tuy tôi cảm thấy ấm lòng trước những tin tức trên, nhưng không có đủ niềm tin rằng cá sấu sẽ sinh sôi mạnh mẽ sau khi được thả về tự nhiên. Tôi chỉ đơn giản là xét theo thực cảnh dân số toàn cầu không ngừng gia tăng, kéo theo đó là ô nhiễm và nạn phá rừng. Trong các thập kỷ tiếp theo, chúng ta rất có thể sẽ phải vĩnh biệt hổ rừng, gấu Bắc cực, rùa biển và khỉ đột. Những loài ấy sẽ chỉ có một vài cá thể còn sót lại trong sở thú hoặc các cơ sở tư nhân. Nhưng nghĩ lại thì con người chúng ta rất yêu thích thời trang, nên tôi có căn cứ để đoán rằng ngành nuôi cá sấu sẽ rất phát triển, và nhờ đó nhiều loài cá sấu sẽ gia tăng số lượng đáng kể.

Rất có thể là sau khi con người tuyệt chủng (một lẽ tất nhiên với những gì chúng ta đã làm cho mẹ thiên nhiên trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình), Trái Đất sẽ bớt chật chội hơn, cá sấu sẽ thoát khỏi cảnh nuôi nhốt và có điều kiện “con đàn cháu đống.” Nếu có ai hỏi tôi là giữa cá sấu và con người loài nào sẽ “trường thọ” hơn thì tôi tin rằng đáp án không phải là giống loài của bạn và tôi. Suy nghĩ ấy khiến tôi bớt ghét mấy con bò sát xấu xí này hơn một chút.

Đồ hoạ: Hannah Hoàng, Phan Nhi và Hương Đỗ.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Natural Selection

Tiên sư cái phường khỉ vàng, thành viên 'báo đời' nhất họ linh trưởng

“Bộ tưởng mình ngu lắm hay gì?” — Đầu tôi lập tức “nhảy số” khi thấy tấm biển treo trên cửa phòng khách sạn của mình ở Đà Nẵng.

Paul Christiansen

in Natural Selection

Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Ai cũng đã từng nghe sự tích về cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

in Natural Selection

Gõ nước: Loài cây hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Có phải những gì càng có nhiều tên gọi thì càng được yêu mến không? Hãy thử nhớ xem bạn đặt bao nhiêu biệt danh cho bạn thân của mình? Và các nền văn hóa trên thế giới có bao nhiêu cách xưng tụng nhữn...

in Natural Selection

Đom đóm: Vụt sáng để rồi dần biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam

Như chính sự tồn tại của mình, loài đom đóm vụt sáng để rồi biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam.

in Môi Trường

Về đâu tương lai voi hoang dã Việt Nam khi diện tích rừng ngày một thu hẹp?

Hàng dấu chân khổng lồ xen lẫn từng mảng bê tông vỡ loang lổ dẫn đến một trạm bảo vệ rừng đơn sơ trong Vườn quốc gia Pù Mát thuộc tỉnh Nghệ An. Theo lời các nhân viên tại vườn, chủ nhân của những dấu ...

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...