Với triết lý “căn bếp là trái tim của ngôi nhà”, nhà hàng phi lợi nhuận Kitchen ở Quận 2 hướng đến mục tiêu chăm sóc cộng đồng bằng những món ăn vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe.
Chỉ mới chín tháng trước, Beto Nguyễn vẫn còn chưa chắc chắn về dự định chuyển về Việt Nam trong năm 2020, chứ đừng nói đến việc mở nhà hàng ở đây. Khi đó, cô đang sinh sống ở Paris và cùng đoàn kịch của mình lưu diễn khắp thế giới với vở Sài Gòn. Thời điểm lưu diễn tại Úc chính là lúc đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, và chuyến bay đặt vội đã đưa cô trở về thành phố nơi cô sinh ra và lớn lên.
Đối với nhiều người, nấu ăn và diễn kịch không gợi lên mối liên kết gì, nhưng đối với Beto, hai lĩnh vực này lại có duyên với nhau đến lạ. Ví dụ như vở kịch Sài Gòn lấy bối cảnh ở một nhà hàng Việt Nam, ngoài ra niềm yêu thích bếp núc đã đến với cô vào năm lên bốn tuổi khi xem bộ phim The Gold Rush. Trong phim, danh hài Sác-lô (Charlie Chaplin) ôm cái bụng trống rỗng mà nhìn hàng xóm nấu ăn, để rồi phải gặm chiếc giày của mình cho qua cơn đói. Từ nhỏ Beto đã thường nhìn mẹ mình làm bếp, và khi đến Pháp, cô bắt đầu chú tâm hơn đến việc nấu nướng bởi theo cô chia sẻ: “Tôi muốn tìm lại hương vị của tuổi thơ, vì thế tôi phải tự nấu cho chính mình.” Trong những lần lưu diễn, mỗi khi đặt chân đến một vùng đất mới, Beto luôn dành thời gian để khám phá chợ địa phương, nhờ đó cô hiểu rõ cách sử dụng nhiều loại gia vị và nguyên liệu. Giờ đây, cô áp dụng kiến thức ấy vào thực đơn đa dạng của Kitchen, mang đến các món ăn đặc sắc có nguồn gốc từ Á sang Âu.
Khi trở về Việt Nam, Beto đã gặp gỡ Granger Whitelaw — một doanh nhân hiện đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Anh theo một chế độ ăn rất khắt khe bởi trước đây từng trải qua một cuộc phẫu thuật tim. Và thế là Beto đã trổ tài nấu những món ăn ngon-bổ-khỏe khiến anh vô cùng ấn tượng. Khi Granger đi xem thử một vài văn phòng cho thuê, anh đã ngay lập tức chú ý đến tầng trệt của một ngôi nhà gần khu Thảo Điền nơi anh ở. Địa điểm này có không gian phù hợp để thiết kế một căn bếp rộng rãi với đầy đủ tiện nghi, rất thích hợp cho Beto làm việc cùng bạn bè và gia đình. “Tôi thậm chí không có thời gian để đắn đo suy nghĩ,” Beto bật cười khi kể lại quyết định nhanh như chớp này.
Cặp đôi không muốn Kitchen chỉ là một địa điểm ăn uống bình thường mà phải mang lại cảm giác thân mật như những buổi tụ tập ở nhà bạn bè. Vì thế, khi đi qua khoảng sân rợp bóng với những tia nắng xuyên qua kẽ lá, thực khách sẽ nhìn thấy ngay những chiếc ghế cao xếp quanh khu vực bếp rộng rãi. Quán còn chú ý tới những chi tiết thiết kế nhỏ nhất, từ việc bố trí nhiều ổ cắm điện để khách sạc các thiết bị điện tử, cho đến màu sắc của thiết bị chiếu sáng, và góc nghiêng của trần nhà nơi có kho lạnh bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, cách bày trí của quán cũng mang lại cho thực khách cảm giác thân thuộc như ở nhà khi những chiếc nam châm xinh xắn được gắn trên tủ lạnh hay hay quầy đựng nguyên liệu nấu ăn.
Kim chỉ nam của Kitchen đó là xem khách hàng như bạn mình và sẵn sàng tiếp nhận những yêu cầu đặc biệt của khách. Tại đây có không gian dành riêng cho những tấm hình của những thiên thần nhỏ nhà bạn bè hay những vị khách quen. Ngoài ra, cũng dễ nhìn thấy những bức ảnh trắng đen chụp hình các con của Beto và Granger được treo ngay ngắn trên tường. Hay như khi gần đây, có một người bạn của Granger mới quay về Việt Nam và phải tạm thời cách ly. Người bạn này thèm món thăn lợn nấu theo hương vị quê hương anh và mong muốn nhờ Kitchen “giải bài toán khó” này hộ mình. Dù chưa bao giờ nấu món này, và Beto cũng thừa nhận rằng thịt heo là một trong những nguyên liệu khó nhằn nhất, nhưng cô vẫn thử sức và cho ra lò một một bữa ăn hoàn hảo giúp bạn mình vượt qua những ngày tháng trong khu cách ly.
Tinh thần dám nghĩ dám làm này còn giúp Beto chinh phục món bánh bagel (bánh mì vòng) mà cô chưa bao giờ biết đến. Khi Granger nói rằng quán ăn sáng nào mà không có loại bánh mì này thì chưa đạt chuẩn, cô ngơ ngác: “Bagel là cái gì?” Thế mà chỉ sau một đêm xem các video hướng dẫn trên Youtube cùng một vài lần thử nghiệm, cô đã làm ra món ăn mà Saigoneer xin đảm bảo với bạn đọc rằng nó có thể thỏa mãn cả dân New York sành ăn nhất. Món bagel ăn cùng với các loại bơ phết và đồ ăn kèm chính là món đắt khách nhất trong thực đơn thường ngày của quán, bên cạnh các món trứng, bánh kếp, mì Ý, rau trộn và bánh mì kẹp.
Đặc biệt hơn nữa, bên cạnh thực đơn thường ngày, Kitchen còn có thực đơn ăn trưa và ăn tối bao gồm bốn món, và các món ăn sẽ thay đổi hai lần một tuần. Beto cùng với đội ngũ của mình lên ý tưởng cho từng bữa ăn, chọn lựa những món khai vị, rau trộn, và tráng miệng hợp vị với món ăn chính nhất, đồng thời áp dụng triết lý ẩm thực của người Nhật rằng một người nên ăn ít nhất 30 nguyên liệu khác nhau mỗi ngày. Nhưng trước khi bắt tay vào khâu nấu nướng, hàng ngày đội ngũ sẽ phải ghé qua nhiều khu chợ và cửa hàng thực phẩm. Thay vì đặt hàng nguyên liệu từ một nhà cung cấp, Kitchen tự tay chọn mua từng loại thực phẩm để đảm bảo chất lượng cũng như “phần nhìn” của từng bó rau, miếng thịt và trái cây. Theo thời gian Beto và đội ngũ có danh sách riêng nguồn cung cấp rau củ, thịt cá và trái cây tốt nhất và tuyệt đối sẽ không mua sắm tất cả nguyên liệu ở một nơi cho dù như thế sẽ tiện lợi hơn rất nhiều: tôm phải còn đang nhảy tanh tách, thịt heo phải mới mổ trong ngày, và thịt bò thì phải chọn thịt bò Mỹ và bò Úc chất lượng tốt nhất.
Một ví dụ điển hình cho quyết tâm ưu tiên chất lượng thay vì lợi nhuận, giá thành của Kitchen là món chả cua. Nhân viên của Beto đã có kinh nghiệm làm việc tại những nhà hàng lớn ở Sài Gòn, nhưng họ đã thật sự bất ngờ khi quan sát cô làm món này lần đầu. Họ giải thích rằng hầu hết các nhà hàng chỉ sử dụng khoảng 20% thịt cua, phần còn lại thay bằng những nguyên liệu khác để tiết kiệm chi phí. Ngược lại, món chả cua của Beto sử dụng 70% thịt cua, phần còn lại là những nguyên liệu cần thiết để tạo độ kết dính và hương vị của miếng chả.
Mặc dù việc tuyển chọn những nguyên liệu tốt nhất đòi hỏi nhiều chi phí và công sức hơn, nhưng các món ăn ở Kitchen lại có giá rất phải chăng. Beto và Granger đều đã gặt hái được thành công nhất định ở những lĩnh vực khác, điều này có nghĩa là cặp đôi không xem nhà hàng như một nơi để tạo ra lợi nhuận cho riêng mình. Sau khi trả lương cho nhân viên và thanh toán chi phí nguyên liệu, tất cả lợi nhuận còn lại sẽ được gửi đến những tổ chức thiện nguyện hỗ trợ trẻ em ở Việt Nam. Tháng Chín vừa qua, vợ chồng Beto đã mua sách tặng cho những bạn nhỏ, vào tháng Mười họ tặng 2.000 đô la Mỹ cho một trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn, và hồi tháng Mười Một họ quyên góp cho một trại trẻ mồ côi khác ở miền Trung thông qua giới thiệu của khách quen.
Trong mỗi ngôi nhà, căn bếp không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là không gian giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, nơi đầy ắp tiếng cười và sự sẻ chia thân tình. Tương tự, Kitchen không chỉ là nơi bán đồ ăn mà còn là không gian kết nối cộng đồng. Beto và đội ngũ của mình thường xuyên tổ chức lớp nấu ăn để giới thiệu những công thức, kỹ thuật và nguyên liệu mà họ tâm huyết. Họ cũng tạo một sân chơi cho các đầu bếp hợp tác với nhau để cùng thiết kế ra những thực đơn đặc biệt với sự trợ giúp của trang thiết bị làm bếp nhập khẩu tối tân. Ngoài ra, họ cũng nhận tổ chức các buổi tiệc riêng và cung cấp dịch vụ nấu ăn cho nhiều sự kiện trong thành phố.
Nếu chỉ xét riêng về đồ ăn thôi Kitchen đã là một địa điểm ẩm thực rất đáng ghé thăm rồi. Thực đơn của nhà hàng vừa ngon miệng vừa sáng tạo, không những tốt cho sức khỏe mà còn đáp ứng khẩu vị của khách hàng. Nhưng điều làm Kitchen đặc biệt đó chính là không gian ấm áp, và sự tận tụy trong việc xây dựng giá trị và đóng góp cho cộng đồng. Giống như nguyện vọng của Beto và Granger, Kitchen đã thực sự trở thành một nơi “tuyệt vời cho bạn bè và lối xóm.”
Kitchen| Số 70 Đường số 66, Phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM