Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Kiến Trúc » Từ khi nào kiến trúc Việt Nam trở nên hiện đại?

Từ khi nào kiến trúc Việt Nam trở nên hiện đại?

Nếu để trả lời câu hỏi đặc trưng của kiến trúc Việt Nam là gì, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ về kiến trúc truyền thống Việt Nam, với đình làng Bắc Bộ, với cung điện triều Nguyễn, v.v. Kiến trúc cổ dường như được xem là chứa đựng dấu vết văn hoá đặc trưng của người Việt. Đó là ý kiến được chấp nhận rộng rãi. Nhưng thú vị và ít được biết đến hơn là chính cái dấu vết văn hóa này, điều mà đã làm kiến trúc Việt Nam khác biệt hẳn với kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, đã kịp tiến hóa vào thời đại mới và vẫn đang tồn tại giữa cuộc sống hiện đại ngày nay.

Từ những năm 1950 đến những năm 1970, kiến trúc Việt Nam đã tìm ra cho mình một thân xác mới trong thế giới hiện đại. Nhưng lần này không chỉ là kiến trúc Việt Nam so với các nước Á Đông, mà là kiến trúc Việt Nam so với thế giới.

Kiến trúc đặc trưng của nhà Việt cổ. Ảnh: Dân Việt

Kiến trúc Việt Nam kể từ sau thời Bắc thuộc cho đến nay có thể chia thành hai phân loại lớn: kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại. Ở giữa 2 phân loại này là giai đoạn thuộc địa. Trong khi văn hoá Việt Nam được mài giũa và tinh luyện qua hàng lớp lịch sử, từ thời nhà Đinh cho đến nhà Nguyễn, thì kiến trúc, như là một phần của văn hoá, cũng được tinh luyện và mài giũa để mang trong mình một cơ địa đặc trưng, một khẩu vị đặc sắc với những phẩm chất đại diện cho người Việt.

Cơ địa đặc trưng ấy là sự khiêm nhường và duyên dáng của căn nhà, với sân vườn và cảnh quan xung quanh. Không gian sống luôn được hút sâu vào dưới lớp mái đua che lấy hàng hiên. Bọc quanh không gian trong nhà là hệ thống cửa gỗ có thể đóng, mở hay tháo, lắp để chủ nhà có thể tuỳ ý điều tiết không gian sống của mình với độ mở thích hợp. Đây là một hệ thống tài tình mà đã gắn chặt một ngôi nhà vào hoàn cảnh khí hậu của nó. Không gian trong, thực chất, cũng chính là không gian ngoài. Và chính cái cơ địa này đã là điều làm cho kiến trúc Việt Nam mang một khẩu vị đặc trưng. Nhờ vào mái đua và hàng hiên đẩy không gian sống vào sâu bên trong mà từ ngoài nhìn vào, lớp mái tưởng như đang bay là là trên tầng tầng bóng đổ. Người Việt Nam đã tinh luyện được một cảm nhận đặc biệt với bóng đổ, một trực giác đầy cảm xúc với vật liệu này. Từ tổng thể cho tới chi tiết, từ hệ cột, vì kèo cho đến các nan cửa hay những hình chạm khắc trên kết cấu gỗ, ngôi nhà cổ của người Việt đã trở thành một sinh cảnh mà trong đó là sự hoà quyện của ánh sáng và bóng tối, của phần nổi và phần chìm, giữa những gì được thấy và những gì không thấy được, giữa mục tiêu sử dụng và nhu cầu thẩm mỹ. Một sự cân bằng tinh tế được bồi đắp bằng hàng thế kỉ.

Toà nhà V.A.R. Kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Năm 1973. Ảnh: Phạm Phú Vinh.

Quá trình kéo dài gần 1000 năm này đã bỗng dưng bị can thiệp bởi thời kỳ thuộc địa non 100 năm. Và ngay sau đó, khi thu hồi nền tự chủ, thì người Việt Nam lập tức bước vào thế giới hiện đại. Người Việt đã bắt đầu sống trong nhà gạch, đã mặc áo sơ mi, quần jean, đi xe gắn máy, làm việc ở công sở thay vì ở nhà gỗ, nhà tre, mặc áo bà ba, đi chân đất, làm việc đồng áng, v.v. Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại trong chớp nhoáng.

Nhưng chính trong sự chớp nhoáng này mà trực giác thẩm mỹ của người Việt đã lại có dịp được thể hiện một cách mạnh mẽ. Bằng kiến trúc hiện đại, đặc trưng kiến trúc Việt Nam đã tự bộc bạch như là một loại kiến trúc truyền thống mới bằng một hơi thở thật khác biệt.

Bước ra khỏi thời kỳ thuộc địa, cả miền Bắc và miền Nam đều đã được trang bị những cơ sở hạ tầng của một nền công nghiệp thừa hưởng từ cơ sở hạ tầng thuộc địa. Đây là điều kiện đầu tiên làm cho kiến trúc hiện đại khả thi ở Việt Nam.

Ngoài ra, cùng với sự ủng hộ của chính quyền, đặc biệt là ở miền Nam, để xây dựng một bộ mặt mới, trong một thời đại mới, với nền tảng văn hoá truyền thống, rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại quy mô lớn đã được đầu tư. Dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Hồ Con Rùa, v.v. Tất cả những công trình này, thiết kế bởi các kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hay trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê (Paris) trong những năm 30 và 40, đều mang một dáng dấp thật khác biệt so với kiến trúc hiện đại thế giới.

Chung cư hiện đại giữa thế kỉ 20. Đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5. Ảnh: Phạm Phú Vinh. 

Có lẽ cần phải nhắc lại rằng, đây là các công trình kiến trúc hiện đại, khởi nguồn từ chủ nghĩa hiện đại (modernism) từ đầu thế kỷ 20 bới những nhà tiên phong như kiến trúc sư người Đức Walter Gropius với phong trào Bauhaus, hay kiến trúc sư người Thuỵ Sĩ Le Corbusier với góc nhìn cơ khí về kiến trúc. Chủ nghĩa hiện đại không cổ xúy cho trang trí phù phiếm tốn kém, mà ngược lại, chối bỏ chúng để hướng đến một thứ kiến trúc mới thành thật, hiệu quả, tiện nghi, một thứ kiến trúc sinh ra từ tiến bộ công nghệ với bê tông, thép và kính. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là họ chối bỏ thẩm mỹ. Sự thành thật và lý tính đã trở thành thứ thẩm mỹ mới. Kiến trúc hiện đại là kiến trúc của sự hợp lý.

Các kiến trúc sư hiện đại Việt Nam vào thời đó như Trần Văn Tải, Lê Văn Lắm, Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, Ngô Viết Thụ, v.v. đã thực hành kiến trúc hiện đại sôi nổi ở miền Nam. Thứ kiến trúc họ làm ra cũng xuất phát từ sự hợp lý. Các công trình kiến trúc hiện đại này được thiết kế tối ưu nhất, sử dụng vật liệu là bê tông, xi măng, thép và kính, v.v. với các đặc điểm vi khí hậu giúp làm dịu ảnh hưởng của ánh nắng gay gắt và mưa giông, trang bị hệ thống che nắng và thông gió tự nhiên một cách tài tình. Những công trình hiện đại do chính phủ và tư nhân xây dựng trong giai đoạn này là những bước đi đầu tiên của kiến trúc hiện đại Việt Nam như là một nền kiến trúc tự chủ, với những bài học từ kiến trúc truyền thống.

2 Tống Văn Trân, quận 11 (cạnh nhà 345C Lạc Long Quân), Thành phố Hồ Chí Minh

Nhưng một sự kiện bất ngờ đã xảy ra. Đó là với vốn từ vựng kiến trúc được tạo ra bởi các nhà tiên phong, cùng với một ý thức thẩm mỹ dày đặc, người Việt đã tự thực hành kiến trúc hiện đại theo cách riêng của họ, sinh ra một nền kiến trúc mới với gần như không có sự can thiệp của kiến trúc sư, bẻ cong hướng đi của chủ nghĩa hiện đại để sáp nhập nó vào thế giới quan về kiến trúc của người Việt. Ngoài các công trình hạ tầng hay cơ sở hành chính, một lượng khôn tả các nhà phố hiện đại đã hình thành tại Sài Gòn từ những năm 50 đến những năm 70. Những căn nhà này, tuy được coi là kiến trúc hiện đại bởi chúng được làm bằng vật liệu công nghiệp, lại không cho thấy những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện đại vốn là sự hợp lý. Mà thay vào đó, chúng được tạo ra dựa trên những quyết định mang đầy cảm tính. Chính sự tương phản này đã để lộ ra đặc trưng văn hoá Việt Nam trong kiến trúc.

57 Đề Thám, Phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Xuyên suốt các căn nhà phố này là một trực giác thẩm mỹ vô cùng đậm đà, dày đặc nhưng cùng lúc cũng rất duyên dáng. Trên bộ khung công năng của một căn nhà phố, họ đã tạo khắc trên cái mặt tiền giới hạn của căn nhà, dấu ấn thẩm mỹ riêng của mình.

Mỗi lần đi ngang qua một khu phố với những căn nhà phố hiện đại giữa thế kỉ 20, người xem cảm thấy như đang tham quan một buổi triễn lãm các tác phẩm điêu khắc. Bồn hoa, lam che nắng, hoa gió, khung cửa sắt, giàn leo, v.v. Tất cả đều được sáng tác. Tất cả đều được đặt để, được gọt giũa, được chăm chút cho tới khi không còn gì ngoài sự thoả mãn về thẩm mỹ hình khối.

Chưa kể đến là vật liệu. Không chỉ là thứ vật liệu đầy gợi cảm của đá rửa, hay gạch mosaic, mà còn bóng đổ, một loại chất cảm kỳ lạ, vô hình nhưng đầy xúc cảm, vô cùng mặn mà và thật sâu sắc. Chỉ với bóng đổ, mà những vật thể vô tri vô giác như bay là là trong không trung. Chúng như những sinh vật trong một sinh cảnh, bình hoà giữa nặng và nhẹ, giữa trên và dưới, giữa dọc và ngang, giữa đặc và rỗng, giữa âm và dương, giữa vật chất và khoảng không. Tất cả nằm trọn trong ý thức thẩm mỹ của người dân.

227 Trần Bình Trọng, Phường 3, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Khẩu vị đặc sắc của kiến trúc hiện đại Việt Nam, và cụ thể là ở nhà phố, không chỉ là một đối tượng nghệ thuật để nghiên cứu. Mà hơn hết, nó là dấu vết của huyết mạch văn hoá chảy dài trong suốt quá trình lịch sử, là hình dạng vật chất của đời sống tinh thần mà trong đó, thẩm mỹ phản ánh bản chất của một dân tộc. Cái duyên dáng của tỉ lệ, độ sâu và đậm của bóng đổ, sự dày đặc của tầng tầng lớp lớp các thành tố hay sự sắc sảo trong bố cục, tất cả là thành quả của quá trình tinh luyện lịch sử của nền văn hoá Việt Nam. Nó là bằng chứng cho sự xuất sắc của một nền văn minh.

176 Lý Tự Trọng, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Cú đánh lửa của trào lưu kiến trúc hiện đại mới này từ Sài Gòn như là trung tâm kinh tế và văn hoá vào giữa thế kỉ 20 đã trở thành một trào lưu nghệ thuật mang tính dân gian. Ngọn lửa kiến trúc hiện đại đã cháy lan từ thành phố này đến thành phố khác dọc bờ biển miền Trung và khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ trung tâm thành phố cho đến nhà vườn ở nông thôn. Người Việt đã dần dần coi nhà gạch cốt bê tông là kiến trúc của họ thay vì nhà tranh vách nứa. Sử gia kiến trúc Mel Schenck, người đã ở Việt Nam ngay tại cao trào của ngọn lửa này và đã giành nhiều năm nghiên cứu đã chứng minh trong quyển sách Southern Vietnamese Modernist Architecture - Mid-Century Vernacular Modernism của mình rằng kiến trúc hiện đại đã trở thành kiến trúc bản địa của người Việt. Đó là thứ kiến trúc mà người dân dựng nên để ở, và "cộng đồng địa phương và nền văn hoá được nhận dạng bởi loại kiến trúc này".

163 Võ Văn Kiệt, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Lần tới ở trong một căn phòng xây bằng gạch, bê tông, kính và thép mà không phải bằng gỗ hay tre, rất có thể bạn sẽ nhìn thấy một khoảnh khắc trong lịch sử mà sự cởi mở của người Việt Nam trong một giai đoạn đã không chỉ tiếp nhận một thể loại kiến trúc mới một cách bị động, mà đáng ngưỡng mộ thay, người Việt Nam đã chủ động biến đổi kiến trúc của mình bằng cách thuần hoá những giá trị mới, với cá tính và bản lĩnh của riêng mình.

Kiến trúc hiện đại Việt Nam vào giữa thế kỉ 20, hay nói chính xác là kiến trúc Việt Nam vào đầu thời kì hiện đại, đã phản ảnh những giá trị của người Việt Nam mới, người Việt Nam hiện đại. Đó là sự chân thành, lòng bản lĩnh và mưu cầu sự xuất sắc trong khi vẫn cởi mở và chuyển mình liên tục vì lẽ sống mới. Kiến trúc hiện đại Việt Nam, hay nói cách khác, thẩm mỹ hiện đại Việt Nam là minh chứng cho bản lĩnh và phẩm chất dân tộc của nhiều thế hệ và là sự khẳng định về sức tiến hoá để trở nên giàu có hơn dù là qua những sự xoay chuyển của lịch sử.

14a Cao Thắng, Phường 2, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan

in Kiến Trúc

Vượt ra khỏi công năng, giàn leo còn là thư viện thẩm mỹ người Việt

Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới vào thời điểm này mà kiến trúc hiện đại được lên ý tưởng, triển khai xây dựng bởi người dân trên một vùng lãnh thổ lớn, và từ đó lưu giữ "khẩu vị" về thẩm mỹ của...

in Kiến Trúc

Có một tình yêu di sản nồng nàn trong từng câu từ của Tản Mạn Kiến Trúc

Tản Mạn Kiến Trúc là một dự án truyền thông quy mô nhỏ, được thành lập bởi một nhóm bạn trẻ với mong muốn cũng thật nhỏ: kể chuyện kiến trúc của nước mình cho những người trẻ như mình nghe. Từng bước ...

Khôi Phạm

in Kiến Trúc

Dấu ấn riêng biệt của trào lưu kiến trúc hiện đại ở đảo Phú Quý

Từ thập niên 60 đến cuối thập niên 70, phong cách kiến trúc hiện đại (modernist architecture) phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành phía Nam, điển hình là ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, hay...

Michael Tatarski

in Kiến Trúc

Từ thiên nhiên, một phong cách kiến trúc đương đại đậm đà bản sắc Việt đang dần hình thành

Khi bàn đến các công trình kiến trúc nổi bật ở Sài Gòn, vòng đi vòng lại cuộc nói chuyện cũng sẽ xoay quanh một vài tòa nhà nhất định mà thôi.

in Kiến Trúc

[Ảnh] 'Nhà vỏ ốc' lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà phố Hội An

Được nâng cấp từ thiết kế nhà phố truyền thống, "Nhà vỏ ốc" là không gian an yên cho gia đình bốn người, thể hiện mong muốn về một nơi chốn vừa hướng nội vừa hướng ngoại của gia chủ.

in Kiến Trúc

[Ảnh] 'Ốc đảo' xanh của đôi vợ chồng lớn tuổi ở Quảng Ninh

 Đan cài nhiều cây cối và không gian mở, công trình nhà gạch này là một tiểu ốc đảo xanh giữa cảnh quan khô khan của vùng công nghiệp.