Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Đón giao thừa vào tháng 4, thấy một thoáng văn hóa Khmer giữa lòng Sài Gòn

Dưới cái nắng, cái gió giao mùa của tháng 4, khuôn viên chùa Candaransi lại trở nên rộn ràng và tấp nập hơn vẻ nghiêm trang mọi khi. Tiếng chuông và tiếng gõ mõ vang lên, quyện cùng tiếng cười của sư thầy và Phật tử để tạo thành một bản hòa ca nô nức. Ai ai cũng ngóng trông kim đồng hồ điểm 10 giờ, báo hiệu thời khắc giao thừa của năm mới Khmer đã đến.

Lời từ ban biên tập: Bài viết được thực hiện vào tháng 4/2022. Một số chi tiết trong việc tiến hành nghi lễ ở những năm khác sẽ có sự thay đổi tương ứng.

Diễn ra vào giữa tháng 4 hàng năm, Chôl Chnăm Thmây là sự kiện mang ý nghĩa trọng đại đối với đời sống tinh thần và tâm linh của người Khmer. Khởi phát từ Campuchia vào thế kỷ thứ 7, các truyền thống của Chôl Chnăm Thmây được các cộng đồng Khmer trên khắp thế giới gìn giữ và tiếp nối cho đến nay.

Truyền thông Việt Nam thường gọi Chôl Chnăm Thmây là một ngày "Tết" cổ truyền vì một số điểm tương đồng với Tết Nguyên Đán: cùng là dịp đánh dấu bước chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, một khoảng thời gian để các gia đình sum vầy, thể hiện lòng biết ơn với những người đi trước và đã khuất, cũng như để ăn mừng những thành quả lao động đã gặt hái.

Nhưng khác với người Kinh, xã hội của dân tộc Khmer có sự gắn bó mật thiết với đức tin, cụ thể là niềm tin vào Phật giáo Nam Tông. Từ các sinh hoạt thường ngày đến những ngày lễ quốc gia, hình ảnh hoặc tượng của Đức Phật đều được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Chôl Chnăm Thmây, không ngoại lệ, cũng mang đậm màu sắc tín ngưỡng như vậy.

Lễ hội được tiến hành dựa trên Phật lịch. Các lễ nghi và tập tục liên quan đều được xây dựng dựa trên truyền thuyết Phật giáo. Việc tập trung, cúng viếng, và làm công đức tại chùa chiền vào những ngày này cũng là những hoạt động không thể thiếu.

Được thành lập vào năm 1946, chùa Candaransi là một trong hai "thành trì" của Phật giáo Nam Tông ở Sài Gòn. Tại đây, các lễ nghi tôn giáo, lớp học tiếng và sinh hoạt lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer được tổ chức thường kỳ. Chùa không chỉ phục vụ cộng đồng hơn 24,000 người Khmer đang sinh sống tại thành phố, mà còn chào đón các bạn bè dân tộc khác đến tham quan và tìm hiểu.

Sau hai năm ngừng thực hiện các hoạt động lớn vì dịch COVID-19, chùa Candaransi lại trở thành điểm hẹn để người dân tứ xứ tề tựu và ăn mừng Chôl Chnăm Thmây cùng nhau. Năm nay [2022], đại lễ đã diễn ra vào ba ngày 14, 15 và 16/4.

Tập tục ăn năm mới vào tháng 4 của người Khmer được ấn định vào thời kỳ hoàng kim của đế quốc Angkor. Đức vua Khmer bấy giờ đã ra sắc lệnh dời "ngày Tết" của dân tộc từ tháng 11 sang tháng 5 âm lịch, tức tháng 4 dương lịch. Theo giả thuyết, vị vua này có thể là Suriyavarman II, người đã cho xây dựng Angkor Wat hoặc Jayavaraman VII, vị vua Khmer đầu tiên theo Phật giáo.

"Năm nay Chư Thiên giáng trần vào đúng lúc 10 giờ, thứ 5 ngày 14 tháng 4 năm 2022."

Ngày đầu tiên của đại lễ, mang tên Sangkran Thmây, đánh dấu thời khắc giao thừa quan trọng. Theo Hòa thượng Danh Lung, chủ trì chùa Candaransi, người Khmer quan niệm giao thừa không phải là "0 giờ 0 phút" như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên Đán, mà là khi một vị Chư Thiên — tức một trong bảy người con gái của đấng sáng tạo Maha Prum — giáng trần. Các Chư Thiên sẽ lần lượt xuống hạ giới với trọng trách thay vị thần năm cũ cai quản chúng sinh.

Tượng Maha Prum, đấng sáng tạo với bốn khuôn mặt trong truyền thuyết Khmer.

Nghi lễ quan trọng nhất của ngày hôm đó vì vậy cũng chính là lễ đón Chư Thiên. Buổi sáng ngày Sangkran Thmây, đồng bào Khmer vận lên những trang phục tươm tất và tụ họp tại khuôn viên chùa Candaransi. Tại đây, các chư tăng và Phật tử cùng nhau dâng hương đến Đức Phật và cầu mong Chư Thiên ban cho một năm giàu phước lành. Lễ đón chư thiên mỗi năm có thời gian khác nhau, được tính theo chu kỳ của mặt trăng, và lấy thời gian của năm trước cộng thêm 6 giờ.

Trong suốt nghi lễ đón Chư Thiên, vị đại hòa thượng dành thời gian để thuyết giảng về những sự tích Phật giáo gắn liền với thực hành Chôl Chnăm Thmây. Trong đám đông lắng nghe thuyết pháp, có thể bắt gặp không chỉ những gương mặt Khmer, mà còn cả người Thái Lan, Lào và Myanmar đang học tập và làm việc tại Sài Gòn. Cũng có không ít những đồng bào người Kinh, Hoa, Chăm,… đến để chung vui và góp sức cho ngày trọng đại của dân tộc bạn.

"Chư Thiên [năm 2022] được miêu tả là vị thần đứng trên lưng voi. Ngài mặc áo màu xanh đậm, tay phải cầm vòng và tay trái cầm súng. Về ẩm thực, hai món ăn tựa trưng cho ngài là mè và đậu," Hòa thượng giải thích.

Vì dịch COVID-19 và các trở ngại khác, nhiều kiều bào không thể đoàn tựu cùng gia đình trong dịp quan trọng này. Nghi lễ truyền thống vì vậy mà có sự xuất hiện của yếu tố công nghệ — máy quay livestream từ các nhà đài lẫn điện thoại cá nhân — để giúp những ai xa xứ, xa cội nguồn tín ngưỡng được trải nghiệm đại lễ dù chỉ qua màn hình nhỏ.

Sau lễ đón Chư Thiên, các vị khách ùa dần vào phòng thờ để thực hiện nghi lễ cúng dường, tức lễ dâng cơm và sính phẩm cho các sư thầy. Đây là hành động mang ý nghĩa tri ân, bày tỏ lòng tôn kính đến những người giữ gìn đức tin Phật giáo. Các vật phẩm đều là do các Phật tử tự nguyện dâng tặng. Những gia đình chịu trách nhiệm chuẩn bị đồ cúng chính được gọi là "đăng cai," trong khi những ai phụ giúp được gọi là "sớt bát." Trước khi dùng bữa, các sư thầy và Phật tử cùng nhau làm lễ dâng hương và cầu kinh cho tổ tiên và những linh hồn đã khuất.

Trong số những người dâng lễ, không phải ai cũng là người Khmer. Họ đơn thuần có mối liên hệ cá nhận, tinh thần mạnh mẽ với những tập tục được thực hiện tại Chùa. "Ông xã nhà chị từng sống ở Campuchia, và có một người chị từng mất bên đó. Mẹ chồng dặn mỗi năm tới Tết [Khmer], cả nhà nhớ sớt bát để cúng cho chị ấy. Một năm chỉ có một ngày, nên chị cũng cố canh tất niên. Cơm với canh, cái gì chị gắng làm được thì làm," chị Ngọc Lan, một trong những người tham gia sớt bát chia sẻ.

Kết thúc buổi sáng giao thừa, sự nghiêm trang từ chuỗi nghi lễ như tan biến để nhường chỗ cho tiếng nói, tiếng cười của đám đông. Một cảm giác nồng ấm như bao bọc không gian từ những cái ôm, cái bắt tay của những người đồng hương, từ những con người từ mọi hoàn cảnh, dân tộc cùng về chung vui cho một dịp đặc biệt.

Lễ vật đã được dâng gửi thánh thần, bữa ăn thịnh soạn đã được bày biện để chư vị thưởng thức. Trên không trung, những lá cờ Phật giáo tung bay, báo hiệu cho cơn gió mang những lời mừng chúc năm mới Khmer đi khắp đất trời.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

in Văn Hóa

Đặc sắc lễ hội đua ghe ngo — hơi thở tâm linh của cộng đồng Khmer Sóc Trăng

Đến với Sóc Trăng vào một ngày tháng 10 oi nóng, chúng tôi còn đang phân vân không biết khám phá gì tại xứ sở chùa vàng của Việt Nam, thì anh chủ homestay nhiệt tình rủ đi giải nhiệt bên dòng sông Mas...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Văn Hóa

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Đời Sống

Dạo quanh phố phường một sớm Sài Gòn se lạnh

Là một thành phố nóng bức hoặc ngập lụt quanh năm, Sài Gòn chẳng mấy khi được trải nghiệm kiểu thời tiết mát mẻ đi kèm những sáng trời âm u. Ấy vậy mà, vài tuần qua, thành phố lại có những buổi sáng s...