Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Trên xe buýt 146, có niềm vui nhỏ nhặt từ thú bông, gà cao su và tình người ấm áp

Trên xe buýt 146, có niềm vui nhỏ nhặt từ thú bông, gà cao su và tình người ấm áp

Giữa rừng phương tiện nườm nượp, lọt vào mắt tôi là một chiếc xe buýt chỉ có thể miêu tả bằng từ "dễ thương."

Mỗi ngày tại bến xe miền Đông, các chuyến xe buýt lại đều đặn ra vào đón trả khách. Đây là điểm tập kết giao thông công cộng đông đúc nhất Sài Gòn, nơi phục vụ nhu cầu di dịch của hàng triệu người dân thành phố.

Trong số đó, ai có thâm niên đi xe sẽ hiểu, hệ thống xe buýt, dù thiết thực và đáng hoan nghênh, có lắm điểm cồng kềnh vì thiếu tài nguyên và nhân lực. Những thực trạng xấu như xe chạy "thách thức" giao thông hay nhân viên xe thiếu kiên nhẫn với hành khách vẫn còn nhan nhản. Hình tượng xe buýt trong lòng công chúng vì thế mà xấu đi.

May thay, giữa bến đỗ tấp nập ấy, vẫn còn sót lại một chuyến xe vô cùng đặc biệt — nhẹ nhàng và "dễ thương" từ vẻ ngoài đến cung cách phục vụ. Như một làn gió mát giữa giao thông nảy lửa của Sài Gòn, "xe buýt thú bông" mang biển 146 đánh tan những định kiến xấu của bất cứ ai từ giây phút gặp gỡ.

Đúng 9h30 sáng, xe khởi hành từ trạm bến xe miền Đông đi về hướng bến xe Hiệp Thành. Saigoneer được chào đón bởi chú Phạm Ngọc Tuyền và chú Phạm Văn Sang; đều ở độ tuổi trung niên, với vẻ ngoài chất phác và giọng nói hiền hậu. Trò chuyện với các chú, tôi học được rằng cả hai từng là bạn rất lâu trước khi trở thành đồng nghiệp của nhau. Chú Tuyền là người mua xe và cầm tay lái, còn chú Sang thì phụ trách bán vé và chăm sóc xe.

Hai năm trước vào giai đoạn dịch, tuyến bắt đầu vắng khách, chú Sang có nhiều thời gian rỗi hơn những khi xe vào bãi. Những lúc ấy, chú thường dành giờ nghỉ của mình tại một chiếc máy gắp thú trong bến, như một cách để giải tỏa những căng thẳng sau hành trình dài. Nhưng khác với số đông chật vật với trò chơi may rủi này, gắp thú không làm khó được đôi tay khéo léo của chú Sang. Vậy là cứ 10.000VND/lần, vài lần mỗi ngày, thú bông trong máy vơi dần và trở thành những chiến lợi phẩm để trang trí xe 146.

Chú Sang ngồi ở cuối xe, vừa rút vé cho khách, vừa kể với tôi: "Ban đầu chú định gắp chơi thôi, nhưng mà thấy để trên xe nhìn nó đẹp hẳn. Chú thấy khách cũng có vẻ 'khoái,' có ý tưởng vậy nên chú làm luôn. Có bao nhiêu thú gắp được chú đều mang lên đây treo hết." Dần dần, hơn 100 thú bông màu sắc được bài trí ở mọi ngóc ngách, từ tay nắm, cửa sổ đến cả ghế ngồi. Các góc vuông của xe trở nên mềm mại hơn khi được đệm bằng một em vịt hay minion tròn trịa. Chúng lắc lư vô tự lự theo từng cú rẽ hay phanh của buýt trước một xe máy "tạt đầu" nào đó.

Ở ghế ngồi của bác tài, chú Tuyền vẫn đang chậm rãi đánh bánh lái. Chú tự nhận không giỏi gắp thú như người bạn đồng hành, nhưng cũng "mê thú bông" không kém. Với chú, chuyện có một pháo đài di động màu sắc như vậy là một cái gì đó rất "oách." Chú bảo, nó làm chuyến hành trình vượt mười mấy km hàng ngày bớt chồng chềnh hơn.

Ngồi được một đoạn, tôi nhận ra rằng đi xe chú Tuyền quả thật "điềm tĩnh" hơn những chuyến xe khác. Trải nghiệm đi buýt của nhiều người gắn liền với ghế ngồi rung bần bật và công cuộc "chạy đua" lên xuống bến trên những chuyến xe di chuyển như tàu lượn. Nhưng xe buýt thú bông thì dịu dàng dù có đang lăn bánh hay không.

Đến mỗi trạm, xe luôn dừng hẳn rất lâu để đón khách, đặc biệt là các cô chú bác lớn tuổi, và đón tiếp họ bằng một sự niềm nở hiếm có. Xe cũng di chuyển với tốc độ tương đối chậm rãi, nên hành khách có thể ngồi thung dung ngắm đồ chơi treo lủng lẳng trong xe, thay vì nhấp nhô theo từng nhịp vấp ổ gà.

Và quan trọng nhất, không cần phải gắng hết sức bình sinh để cất giọng: "Cho xin xuống trạm ạ!" vì xe đã trang bị sẵn một chiếc chuông bằng gà cao su. Chỉ cần gà gáy "o o" từ đằng dưới, bác tài cũng "o o" lại để xác nhận điểm dừng.

Cũng giống các phương tiện công cộng khác, xe chủ yếu phục vụ đối tượng học sinh, người lao động phổ thông và các cụ lớn tuổi. Nhiều người yêu mến đến mức bỏ số điện thoại các chú vào danh bạ.

Chỉ cần gà gáy "o o" từ đằng dưới, bác tài cũng "o o" lại để xác nhận điểm dừng.

"Lâu lâu, mấy đứa sinh viên còn gọi chú để xem xe đến đâu rồi. Tụi nó muốn đợi. Chú kêu thôi, gặp xe nào thì đi xe đó.’ Nhưng tụi nó nói 'con dư thời gian,' phải đợi chú để đi xe thú bông," chú Sang nói. Vài người còn mua tặng thú bông để quân số trên xe không bao giờ vơi.

Tuy nhiên, bản thân chú Sang và chú Tuyền thì liên tục cho thú bông đi, một phần vì thích làm mới không gian, một phần vì xem các hành khách trẻ như "con cháu trong nhà." Vào những giờ tan tầm, xe chở đến 40–50 học sinh cùng một lượt, chú Sang thường tổ chức game show bằng các đọc ngẫu nhiên ba con số cuối trong series vé. Ai may mắn trúng sẽ được nhận quà thưởng là con gấu bông — "Vì chú muốn tụi nó có kỉ niệm. Thấy nó thích thì mình tặng cho nó thôi."

Nhưng không phải thú bông và trò chơi, tôi nghĩ điều thực sự làm nên những kỉ niệm đẹp trên chiếc xe buýt 146 là sự tử tế của những người vận hành nó. Dù là sinh viên, người bán hàng rong hay người hồi hương, họ đều được đối xử với một sự tôn trọng xuyên suốt.

Đó là nụ cười niềm nở của bác tài và lơ xe; lời tán gẫu với hành khách về những chuyện nhỏ nhặt; cách xe nhất quyết không lăn bánh cho đến khi các cụ già yên vị; đặc biệt là chính sách "không chửi," bởi các chú tin rằng "không phải người ta đi giá miễn là mình có quyền mà nạt nộ."

Tôi chào tạm biệt các chú và xin xuống trạm để quay lại làm việc, và được thả ở một bến có bóng râm "để con đứng đợi khỏi nắng." Hình bóng chiếc xe nhỏ dần rồi biến mất vào làn giao thông, tiếp tục thu hút những cái nhìn hiếu kỳ của người đi đường. Tôi chợt nghĩ, có lẽ nhiều hành khách cũng đã giống như tôi, lên xe buýt thú bông với lòng hiếu kỳ ấy, và xuống xe nhận ra rằng, cái dễ thương nhất ở đây lại chính là con người.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Văn Hóa

Lòng vòng quanh Phùng Hưng, khu phố náo nhiệt mà hoài cổ của quận người Hoa

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song son...

in Văn Hóa

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

in Văn Hóa

Khám phá tín ngưỡng thờ cá voi của cư dân làng chài qua Lễ hội Nghinh Ông

Cách phố biển Vũng Tàu sầm uất một đoạn không xa là sự bình đạm của thị trấn-làng chài Phước Hải.

in Văn Hóa

Làng chổi đót 'núp hẻm' cuối cùng tại Sài Gòn

Nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 là “làng” chổi đót cuối cùng của Sài Gòn.