Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, những màn biểu diễn múa rồng thể hiện khát vọng của người dân về sự may mắn, phát đạt và hanh thông.
Vài nét về nghệ thuật múa rồng
Rồng là một loài vật không có thật, được linh thiêng hóa và trở thành hình tượng giữ vị trí đặc biệt trong văn hóa, đời sống tâm linh của người Việt từ lâu đời. Đứng đầu trong Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), rồng tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền, sự phồn thịnh và may mắn. Vì thế, ông bà quan niệm, năm Thìn (Rồng) là năm đại cát. Trong tâm thức dân gian, rồng cũng gợi nhắc về nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” của người Việt.
Với vai trò và ý nghĩa quan trọng ấy, từ xưa đến nay, hình tượng rồng đã xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật: từ kiến trúc, hội họa, điêu khắc cho đến những loại hình biểu diễn dân gian. Múa rồng là một trong số đó. Các màn múa rồng được biểu diễn vào các dịp lễ, Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, hội làng nhằm gửi gắm khát vọng đời sống phồn thịnh.
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, nghệ thuật múa rồng nhanh chóng du nhập và lan tỏa tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Thăng Long xưa được cho là cái nôi của nghệ thuật múa rồng ở nước ta. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng múa rồng trên đất Thăng Long xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, thời Lý. Ông cha ta đã tiếp thu, chắt lọc và phát triển điệu múa rồng bằng cách phối hợp với võ cổ truyền dân tộc, múa dân gian để tạo thành một loại hình biểu diễn nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Tuy tồn tại lâu đời, song đến ngày nay, múa rồng vẫn cho thấy sức sống bền bỉ, phổ biến trong các sinh hoạt cộng đồng từ Bắc vào Nam.
Trong các loại hình, múa rồng vải phổ biến hơn cả. Ở miền Nam, múa rồng vải được cho là xuất hiện lần đầu trong cộng đồng người Hoa từ những năm 1944–1945, cụ thể là từ hãng xà bông Trung Nam ở Sa Đéc của ông Trần Bôi. Một ý kiến khác cho rằng, đội múa rồng vải đầu tiên đã có từ vài năm trước đó tại chùa Ông, Phan Thiết; đầu rồng vẫn được thờ tại chùa này là dấu tích còn lại. Kể từ đó, ở miền Nam, nghệ thuật múa rồng trải qua một giai đoạn trầm lắng cho đến năm 1987, đội múa rồng Phước Kiến được tái lập, lấy chùa Ông Bổn (quận 5) làm trụ sở. Múa rồng ngày càng phổ biến trong các dịp lễ, Tết, hội hè và ngày càng được đầu tư với quy mô hoành tráng, đẹp mắt, đa dạng.
Giữ lửa múa rồng đất Thăng Long
Trong âm vang nghìn năm của đất Thăng Long xưa, múa rồng ngày nay được duy trì ở nhiều địa phương tại thủ đô Hà Nội, phổ biến hơn cả là tại Chương Mỹ, Thanh Trì, Sơn Tây, v.v. Những điệu trống vang dồn, hình ảnh rồng uyển chuyển uốn lượn ở sân đình mỗi dịp lễ Tết đã trở thành một phần ký ức sâu đậm trong tâm thức của nhiều người dân. Múa rồng ở Hà Nội ngày nay vẫn mang trong mình hơi thở truyền thống, sức sống bền bỉ và luôn có sự chuyển mình để thích ứng với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đương đại. Có ít nhất hơn 30 điệu múa rồng, tiêu biểu là: Bàn long, Thủy ba, Phong đằng, Phong chuyển, Phi long, Chồng tháp, Dao bãi, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên), v.v.
Tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhiều người vẫn nhắc đến một võ sư trẻ ngày đêm miệt mài giữ lửa cho nghệ thuật lân-sư-rồng nói chung và múa rồng nói riêng. Anh là Bùi Viết Tưởng. Những ngày cận kề Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, bên cạnh lịch biểu diễn bận rộn, võ sư Bùi Viết Tưởng cùng các học trò phải tăng công suất gấp nhiều lần, làm không ngơi tay mới đáp ứng được nhu cầu đầu lân, rồng trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác. Những đợt rét đậm giữa tháng Chạp Âm lịch dường như không làm giảm nhiệt tại xưởng sản xuất Tưởng Nghĩa Đường. Đây cũng là xưởng sản xuất đầu lân, rồng hiếm hoi tại Hà Nội.
Bắt đầu học võ từ năm 10 tuổi, và sau đó là múa lân sư rồng, trải qua thời gian thi đấu và biểu diễn, võ sư Bùi Viết Tưởng về quê nhà mở lớp võ thuật và thành lập đội múa lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường với mong muốn lan tỏa bộ môn này đến thế hệ trẻ địa phương.
Tại xưởng, võ sư Bùi Viết Tưởng và các học trò, ai cũng cặm cụi cắt, may, trang trí bằng sự tập trung cao độ. “Quy trình làm rồng múa gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự kiên trì, tỉ mỉ và yêu nét đẹp truyền thống mới có thể ngồi hàng giờ mỗi ngày để trang trí từng chi tiết, căn chỉnh từng bộ phận cho đến khi rồng thành hình,” anh Tưởng bộc bạch. Bên cạnh đó, rồng trong tiết mục múa đa dạng về kích thước, màu sắc; cho nên tùy mục đích, sẽ có sự sáng tạo và biến tấu phù hợp.
Phổ biến nhất trong nghệ thuật múa rồng là rồng vải, có cấu tạo gồm 3 phần đầu, thân và đuôi, được gắn vào các chân bằng tre. Rồng thường mang màu sắc rực rỡ như đỏ, tượng trưng cho sự may mắn; hoặc vàng, thể hiện sự phồn vinh, sung túc. Mỗi đầu rồng cần 5 đến 6 ngày để hoàn thiện. Trong khi đó, phần thân và các bộ phận khác mất tới 10 ngày để làm.
Đầu rồng là sự phối hợp giữa các chất liệu tre, mây, vải, giấy decal. Sau khi lên khung, đầu rồng được vẽ trang trí các chi tiết. Anh Bùi Viết Tưởng cho hay, chất liệu làm đầu rồng giúp chống chịu thời tiết nóng, ẩm thay đổi bốn mùa ở miền Bắc. Trong trang trí, từng nét vẽ được chú trọng làm toát lên thần thái dũng mãnh của loài vật thiêng này. Thân rồng làm bằng vải. Vảy được in nhiệt hoặc làm nổi bằng giấy decal. Số lượng vảy lên đến hàng nghìn chiếc, ánh lên lấp lánh vô cùng đẹp mắt.
Bên cạnh công việc may rồng, để phục vụ biểu diễn, ngay từ trước tết Giáp Thìn hơn một tháng, không khí luyện tập tại câu lạc bộ vô cùng sôi nổi. Càng gần Tết, lịch tập càng tăng cường.
“Múa rồng là một loại hình biểu diễn mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo trong tạo hình để diễn tả đúng thần thái uy nghiêm, mạnh mẽ của con rồng. Vì thế, sự kết hợp nhịp nhàng giữa sự uyển chuyển và tính dứt khoát là tố chất cần có của một người múa rồng. Ngoài kỹ năng biểu diễn, nền võ thuật là điều kiện vô cùng quan trọng”, anh Tưởng chia sẻ từ kinh nghiệm 15 năm huấn luyện võ thuật cũng như múa rồng.
“Một người muốn tham gia vào tiết mục múa rồng cần phải trải qua một quá trình khổ luyện. Sức khỏe tốt là điều kiện tiên quyết để đáp ứng được yêu cầu vận động thay đổi động tác liên tục. Bên cạnh đó, sự phản xạ linh hoạt, dẻo dai là tố chất quan trọng không kém. Vì thế, một người đã có nền võ thuật, đã thuần thục những thế tấn, thủ sẽ rất mau chóng tiếp cận được với môn này,” anh Tưởng nói.
Ngoài ra, khả năng phối hợp đồng đội cũng quyết định sự thành công của một màn biểu diễn múa rồng. “Làm sao phối hợp ăn ý để có thể biến hóa, tạo hình liên tục mà vẫn có liên kết chặt chẽ giữa các thành viên là điều tôi luôn nhắc nhở học trò,” võ sư Bùi Viết Tưởng nhấn mạnh. Trong một đội múa, số thành viên sẽ tùy thuộc vào kích cỡ rồng. Ở câu lạc bộ Tưởng Nghĩa Đường, một màn biểu diễn thường có 9 người. Mỗi người đều là mắt xích quan trọng, tuy nhiên, vất vả nhất là vị trí đầu, số 5 và đuôi.
Là người điều khiển đầu rồng, anh Đỗ Văn Tới nói: “Để rồng di chuyển, tạo ra những động tác đẹp mắt, người đứng đầu phải luyện tập sự nhạy bén và tinh nhanh; động tác chính xác để các thành viên còn lại tạo hình theo. Đồng thời, vị trí này cũng đóng vai trò xử lý các tình huống khi màn biểu diễn bị chệch hướng.”
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, tiếng trống lại vang dồn, giục giã trong những hội làng. Trước sân đình cổ kính, những thân rồng uốn lượn mạnh mẽ, hừng hực khí thế là minh chứng cho thấy nghệ thuật truyền thống này vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Việt. Những màn múa rồng không chỉ là ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, mà còn là ước nguyện về sự may mắn, phát đạt và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chừng nào còn những người trẻ tuổi tiếp nối bộ môn nghệ thuật truyền thống này, chúng ta còn có cơ sở tin tưởng, nét đẹp ấy sẽ còn bền bỉ với thời gian.