Một chiếc bóng đổ dài trên thềm rừng, kéo theo tiếng đập cánh giòn giã tưởng như ở ngay bên tai người bộ hành. Loài chim trời này có kích thước to gấp năm lần một chú chim gõ kiến thường thấy trong vườn ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Đây là loài chim gõ kiến lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất, cũng là “viên ngọc quý” của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Tháng 4/2022, tôi đã lên đường đến Đắk Lắk, mong được một lần gặp gõ kiến xám, một loài chim bản địa quý hiếm sinh sống trong những cánh rừng ít ẩm ướt ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi bạn có thể dễ bắt gặp loài chim này nhất. Vươn mình dọc theo biên giới Campuchia, Yok Đôn được bao phủ 1.000km vuông rừng rợp bóng những cây họ Dầu. Đây là vườn quốc gia lớn nhất và cũng được thành lập đầu tiên ở Việt Nam. Dù mang những ưu điểm về không gian, cảnh sắc và tương đối dễ khám phá — có địa hình rừng phẳng, dễ đi lại và được chăm nom thường xuyên — không nhiều du khách chọn Yok Đôn làm điểm đến. Điểm thu hút chính của vườn quốc gia này là những chú voi Châu Á đã được thuần hoá, cũng một gã-khổng-lồ màu xám khác ở đây.
Nhưng xem voi không phải là mục tiêu chính của đoàn lần này. Chúng tôi là một nhóm nhỏ những người chuyên ngắm chim. Trưởng đoàn là anh Bùi Đức Tiến, Phó Chủ tịch Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam. Anh cũng một trong những cây bút đứng sau cuôn sách Các Loài Chim Việt Nam của NXB Thế Giới. Đây là bộ tư liệu hoàn thiện nhất cho đến nay, giới thiệu 731 loài chim ghi nhận tại Việt Nam, hiện chưa có “đối thủ” nào từ thế giới Anh ngữ có thể so sánh.
Anh Tiến là người có chuyên môn vững chắc: anh hiểu rõ những sinh cảnh trong khuôn viên vườn quốc gia, và biết chắc đến điểm nào để bắt gặp được loài gõ kiến xám. Dù vậy, anh là một người ngắm chim không chỉ biết thoả mãn thị giác, mà còn biết tôn trọng những loài chim, đặc biệt là khi loài chim ấy đang bị đe dọa về mặt sinh học. Nhiều du khách trước đây đã phải trắng tay ra về mà không biết mặt chim gõ kiến xám.
Gõ kiến xám không phải là loài khổng lồ duy nhất bị đẩy tới bờ tuyệt chủng do hoạt động của con người. Việc chim gõ kiến xám dành được “danh hiệu” chim gõ kiến lớn nhất thế giới sở dĩ cũng vì những “ông lớn” khác, như chim gõ kiến mỏ ngà và chim gõ kiến hoàng gia ở Bắc Mỹ, đã được mặc nhiên là đã tuyệt chủng. Vẫn còn một đoàn hệ những người khẳng định rằng chim gõ kiến mỏ ngà vẫn còn tồn tại, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào ngoài vài ảnh chụp mờ ảo hơn cả sương mù.
Trong khi đó, dựa trên những chứng cứ hiện tại, có thể khẳng định chắc nịch rằng một quần thể chim gõ kiến xám vẫn đang sinh trưởng khoẻ mạnh tại Yok Đôn. Tuy vậy, tương lai của loài chim này cũng không mấy tươi sáng hơn, khi tên chúng đang bị liệt kê vào danh sách “Sắp nguy cấp” của Sách đỏ IUCN.
Theo Tiến, mối đe dọa lớn nhất đối với các loài chim ở Yok Đôn, không ai khác, chính là con người. Việc chăn thả gia súc trong khuôn viên vườn quốc gia, cũng như nạn săn trộm, đánh bẫy để buôn bán chim trong lồng đã để lại những tổn thất nặng nề. Chẳng nói đâu xa, chỉ sau vài phút đi vào rừng, cả đoàn chúng tôi đã thấy “tang chứng vật chứng” của những hoạt động này.
Tiếng chuông leng keng của đàn bò lang thang bên dưới những tán cây là âm thanh duy nhất vang vọng nơi đây. Vào ngày thứ hai, chúng tôi bắt gặp và tháo dỡ một lưới bẫy thú rừng (mist net) khổng lồ, cao hơn hai mét và chiều ngang bốn mét, dùng để bẫy chim khi chúng bay qua. Sau đó, cả đoàn lên đường tiếp tục khám phá thế giới của những loài chim. Chúng tôi đã nhìn thấy 111 loài chỉ trong bốn ngày, 11 trong số đó là các loại gõ kiến khác nhau. Loài gõ kiến xám hiển nhiên là “hoa khôi” trong số những loài này.
Thật khó để diễn tả cảm giác khi bắt gặp một loài chim quý hiếm trong tự nhiên. Bốn người chúng tôi vừa giả tiếng chim hót và nhảy qua những chướng ngại vật, vừa cố gắng để tạo ra ít tiếng ồn nhất có thể. Bỗng một chú gõ kiến xám lao qua ngọn cây và bay thẳng qua đầu chúng tôi. Đó là lần “bén duyên” đầu tiên của chúng tôi. Hình bóng của nó tựa như loài khủng long biết bay pterodactyl — với chiếc cổ gầy và cái đầu quá khổ, đôi cánh khổng lồ khép dần vào thân. Chú chim đậu trên một mảng thân cây lộ ra, chỉ vừa đủ dài để lọt vào vài bức ảnh. Sau một màn chào sân thanh lịch, chú chim đã bay ngay đi mất.
Bốn người chúng tôi gần như phát rồ lên, ăn mừng như thể vừa ghi được bàn thắng quyết định trong một trận đấu ở World Cup. Theo Trung tâm Du lịch Có Trách nhiệm (Center for Responsible Travel), ngắm chim là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, với hơn 3 triệu chuyến đi quốc tế được thực hiện mỗi năm với mục đích chính là ngắm chim. Là một quốc gia an toàn với sự đa dạng về loài chim nổi bật, Việt Nam được hưởng lợi từ sự bùng nổ của những người ngắm chim có mức chi cao và ít tác động. Thật vậy, Tiến xem những nỗ lực bảo tồn rừng và chống săn trộm là hoạt động song song với những nỗ lực nhằm tăng cường mối quan tâm trong nước đến các loài chim tuyệt vời của Việt Nam, đồng thời cải thiện chỗ ở và cơ sở hạ tầng du lịch khác.
Cho đến khi xu hướng này bùng nổ, gõ kiến xám vẫn sinh sống trong rừng Yok Đôn, nuôi chim non bằng mối béo. Bất cứ ai muốn nhìn thấy chúng, hoặc nhiều loài chim ưng, vẹt đuôi dài, cú vẹt và chim gõ kiến tuyệt đẹp khác sống ở Yok Đôn, chỉ cần bước vào rừng, đưa mắt nhìn lên bầu trời, và hy vọng hôm nay sẽ gặp may.