Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Bóng Bay Đỏ: Làm mới hoạt hình tuổi thơ bằng âm nhạc hiện đại

Bóng Bay Đỏ: Làm mới hoạt hình tuổi thơ bằng âm nhạc hiện đại

18h30 ngày 5/7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, tôi được may mắn tham dự sự kiện Bóng Bay Đỏ: Âm nhạc cho Hoạt hình Việt Nam thế kỷ 20, do The Onion Cellar và Trung tâm TPD tổ chức, thuộc chuỗi sự kiện Như Trăng Trong Đêm: Điện ảnh Việt Nam qua một góc nhìn đã diễn ra nhộn nhịp từ nửa sau tháng 6.

Năm bộ phim hoạt hình ngắn từ thập niên 1970 đến cuối thập niên 1990, được thêm những tầng ý nghĩa mới qua nhạc của các nghệ sĩ trẻ, nghe chừng tưởng như khô khan và chỉ có những thanh niên Hà Thành thử nghiệm đầu to mắt cận chân đi Converse mới thấm nổi, nhưng thực ra cứu cánh của chương trình luôn là thiếu nhi. Hoạt hình, bắt đầu từ tiếng ro ro của cuộn phim trong phòng rạp hay hội trường ngoài trời muỗi đốt, đến tiếng xì xèo của ăng-ten vô tuyến trong mỗi căn nhà nhỏ, được xem chăm chú bởi những đứa trẻ từ bi bô đến hết đi bô đến lúc đi bộ đến trường, là cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài của chúng. Thoát khỏi không gian văn hóa–tâm lý hữu hình nhỏ hẹp trong căn nhà, hoạt hình kết nối đứa trẻ đến thế giới, không chỉ đơn thuần trong hiện tại, mà còn trong quá khứ, không chỉ với những con người bằng da bằng thịt, mà với những con vật được nhân hóa để chơi đùa và gợi lên trong đầu chúng ta những tưởng tượng muôn màu muôn vẻ. 

Hoạt hình không chỉ là hình của người lớn để dạy thiếu nhi, mà còn kết nối với đứa trẻ bên trong chính mình, nhận ra sự ngây thơ, trong sáng, phiêu lưu của mình, và dẫn mình đến những bài học cổ xưa, những lời dạy giản đơn về tình yêu người, yêu thiên nhiên, cũng như định vị mình trước những con quái vật, những bão giông sẽ ập tới ngày mai, đòi hỏi đứa trẻ biết chia sẻ cảm thông, biết không quản ngại khó khăn, biết học hành chăm chỉ, biết cái xấu cái tốt đằng sau vẻ bề ngoài. Đó là khối tuổi thơ mà chúng ta đang sống mỗi ngày: khối tuổi thơ, được giải thích trong cuốn Kafka – Vì một nền văn học thiểu số của Deleuze và Guattari, khác với hoài niệm tuổi thơ đơn thuần ở chỗ khối tuổi thơ đặt những mong ước cháy bỏng trong dòng thời gian, giải lãnh thổ hóa chúng và tăng cường những kết nối từ tuổi thơ đến những cường độ khác trong đời sống. 

Dự án Bóng Bay Đỏ là một ví dụ minh chứng tuyệt vời cho khái niệm ấy: rõ ràng, các chất liệu âm nhạc mới mẻ của ngày nay không làm mờ đi ý nghĩa tuổi thơ của các bộ phim, mà trái lại, thêm cho chúng những lớp lang thẩm mỹ và chiều sâu nghệ thuật mới. Nhìn chung, cả năm phim hoạt hình và năm phần trình diễn của các nghệ sĩ đã cho những đứa trẻ và những đứa trẻ lớn hơn trong hội trường những cung bậc cảm xúc khác nhau, có lúc cười vang, lúc kinh ngạc, lúc vỡ òa.

Bước Ngoặt

Chương trình bắt đầu với bộ phim Bước Ngoặt (đạo diễn Ngô Mạnh Lân, 1982), phần nhạc phim do nghệ sĩ nhạc cổ điển đương đại Nguyễn Ngọc Tú soạn mới và dàn nhạc hợp tác cùng cô biểu diễn (cello: Đào Tuyết Trinh; cello: Phan Đỗ Phúc; violin: Nguyễn Thị Vân Hạnh; piano: Nguyễn Quỳnh Trang; piano, sản xuất: Nguyễn Vinh). Đây là một mở đầu tương đối gần gũi, với các nhạc cụ cổ điển và bộ phim mang tính ngụ ngôn cao, với các nét vẽ hơi giống với các poster cổ động bao cấp — tôi còn tưởng nhân vật bốc xe xuất hiện ở đầu phim là khuyên nhủ không nên đua xe và hút thuốc lá, rất có hại cho sức khỏe, và đúng thế thật.

Tiếng harp điện tử lướt nhẹ mang đến không khí hoài niệm, với piano chơi đùa và motif của violin rất hòa hợp với nhịp phim, bên cạnh tiếng cello tạo ra những giây phút hồi hộp cần thiết cho phim. Ở đoạn cao trào, khi người thanh niên rơi xuống hố do bóng ma tạo ra, nhịp nhạc chùng xuống và khoảng âm thanh trầm đi theo dòng bè ambient, kéo theo là những nốt đàn tươi sáng lóe lên, báo hiệu và chứng minh sức mạnh của trí tuệ và sự tự tin sẽ kéo con người ta từ vực thẳm sâu nhất trở lại con đường — vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn, bước đi khoan khoái trong tiếng violin dịu dàng, đầy tình yêu cuộc sống.

Giấc Mơ Bay (Nhạc: Minh Nguyễn và Đăng Tùng)

Phần trình diễn của Minh Nguyễn và Đăng Tùng, hai nghệ sĩ trẻ xuất thân từ các ban nhạc rock Hà Nội, cùng bộ phim Giấc Mơ Bay, lại là một bước chuyển khác, trẻ trung và mới mẻ hơn, bắt đầu cùng với những vòng lặp guitar âm vang êm ả của Tùng, khi tiếng ro ro của cuộn phim bắt đầu. Đây là một trong những mở đầu xuất sắc nhất, không chỉ trong chương trình, mà còn trong những bản nhạc đương đại ở Việt Nam: với tiếng piano dịu dàng và tiếng guitar đảo ngược thật nhẹ nhàng, khó mà không nghĩ rằng đây không phải là mở đầu tuyệt vời của một album post-rock, được tạo ra chỉ với hai nghệ sĩ.

Đây là một bộ phim hoạt hình lồng tiếng, nên âm nhạc cũng đã được lựa chọn để ngồi ghế sau, bồi đắp cho câu chuyện của phim, từ điểm nhìn của một đứa trẻ ngồi học chống cằm ngắm mưa. Khi cậu bé khám phá thiên đình, thật khó để không nhún chân theo giai điệu tươi vang của guitar và piano. Với bài học nhẹ nhàng về sự học, âm thanh chân thành hết mực, với tình yêu chăm chút nâng niu không chỉ dành cho những đứa trẻ đang ngồi với tư cách khán giả, mà còn dành tặng những đứa trẻ trong mỗi chúng ta với tư cách là nghệ sĩ, nói phần trình diễn của Minh Nguyễn và Đăng Tùng là một thành công có lẽ là chưa đủ. Và còn nữa, là phải cảm ơn chính hai nghệ sĩ đã lồng tiếng lại cho các nhân vật — từ cậu bé, ông Trời, cậu Cóc, đến các vị thần — mang lại những tiếng cười sảng khoái cho khán giả, và kể cả những con nghiện hài siêu thực chẳng hiểu sao có giọng thanh niên cứng thế kỷ hăm mốt trốn vào phim.

À! Ra Thế... (Nhạc: Lý Trang)

Lý Trang cùng với bộ phim À! Ra Thế… lại là phần trình diễn khác biệt và độc đáo nhất, với những âm thanh điện tử trong trẻo vang vọng trên nền hỗn mang của nhiễu âm, hoàn toàn phù hợp với chủ đề của bộ phim. Ngắn gọn, khúc chiết, nghẹt thở và táo bạo sẽ là những tính từ mà tôi dành cho âm nhạc thử nghiệm của Lý Trang. Cả bộ phim với bầu không khí âm u của bìa rừng cùng với âm thanh liêu trai ambient cuốn trọn nhịp thở người xem, để rồi sững sờ và sốc nặng trước cái kết phũ phàng và có chút thi vị trong tiếng cười mê dại của con cáo, khó mà nói đây là một trải nghiệm xem dành cho tất cả mọi người, nhưng với số ít những đứa trẻ khác biệt, đây có lẽ là cánh cửa đầu tiên dẫn chúng tới một thế giới khác, âm u và kỳ ảo, và chắc chắn là đáng nhớ. Xuất thân thiểu số, trong môi trường dày đặc những âm thanh vang vọng của núi rừng, với tác phẩm có tính phân liệt đến mức xuất sắc, Lý Trang cho khán giả thấy một chiều kích khác của nghệ thuật phim hoạt hình quen thuộc theo cách vô cùng ấn tượng, thể hiện một chiều sâu hiếm thấy trong âm nhạc đương đại Việt Nam.

Sơn Tinh Thủy Tinh (Nhạc: Junichi Usui và Trần Uy Đức)

Về bộ phim Sơn Tinh, Thủy Tinh và phần trình diễn của Junichi Usui và Trần Uy Đức ở thứ tự cuối chương trình, tôi không dám bình luận nhiều, vì bản thân vốn không quen với những nhạc cụ dân tộc. Khó mà phủ nhận tài năng của hai nghệ sĩ, tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan, bộ phim với không gian truyền thuyết rộng lớn cùng với những âm thanh mang âm hưởng free jazz đi cùng nhiều bè lớp điện tử dồn dập trong thời gian dài, để rồi cao trào là một phần song tấu hiệu quả và đã tai giữa kèn và các bè bộ gõ hơi hướng âm nhạc ‘industrial’ — có lẽ là không hợp với những bộ phim còn lại, và phần nào không dễ để cho khán giả nắm bắt. Chúng không có những bài học đơn sơ, cũng không thoát ly trong vòng ngụ ngôn tự sự, dù bầu không khí lịch sử được tạo dựng chân thật thì khó mà bàn cãi. Cùng với nỗ lực của hai nghệ sĩ (và của cả dự án Bóng Bay Đỏ) trong sự đào sâu vào các tầng nội dung và thẩm mỹ của hoạt hình Việt Nam kinh điển, bộ phim đem đến một trải nghiệm ‘bất thường’ cho người xem, lật lại sự trông đợi của họ ngay cả khi chương trình đã đi vào phần cuối.

Bản Nhạc Của Thỏ Trắng (Nhạc: Tenkitsune)

Phần diễn gây xúc động nhất cho cá nhân tôi có lẽ là Bản Nhạc Của Thỏ Trắng với sự trình bày của nghệ sĩ, nhà sản xuất âm thanh Tenkitsune. Tôi không rõ về bản nhạc gốc của phim, nhưng âm nhạc mà Tenkitsune đem vào bộ phim có lẽ là khá sát, và cũng khá gần với âm nhạc hoạt hình đương đại, được trau chuốt mà vẫn không kém phần vui tươi và bay bổng, đặc biệt là ở trống và bass, và giai điệu của hộp nhạc xinh xắn vang lên rộn ràng. Một điều bất ngờ, là sự tương tác rất đỗi hồn nhiên và phóng khoáng từ những khán giả nhỏ tuổi, cười yêu trước bản nhạc rộn ràng và những nhân vật nhảy múa, một niềm vui siêu nghiệm hiếm hoi. Ở cao trào của bộ phim, khi những nốt nhạc bị Thỏ Trắng ngăn trở, chỉ giữ riêng cho mình, Tenkitsune có những kỹ thuật biến điệu tần số và làm méo những âm thanh lanh lảnh vừa rồi, để tạo ra bầu không khí nặng nề trong tàn lụi, như thể những khán giả giờ đây cũng là những nốt nhạc hết còn bay bổng, chỉ còn u tối và tẻ nhạt. Và khi đoạn kết đến, Thỏ Trắng học được bài học chia sẻ, những con thú của chúng ta được nhảy nhót trong sung sướng và yên bình, âm nhạc còn rộn ràng hơn, và cả khán giả cũng được lay động theo. Âm nhạc đẹp thật, mạnh mẽ thật, và chúng ta phải biết chia sẻ cái đẹp ấy.

Khán giả mọi lứa tuổi thích thú khi được trờ về với tuổi thơ trong phút chốc. Ảnh: Nguyễn Đức Minh.

Để làm gì ư? Để kết nối, để cho âm nhạc sẽ còn mãi, không chỉ dừng lại ở những bản nhạc xưa, mà còn được thêm những chất liệu mới của hôm nay và mai sau, truyền tải những giá trị đẹp không bao giờ chết. Đó cũng là điều mà tôi tin rằng các nghệ sĩ cũng như giám tuyển chương trình muốn nói với tất cả mọi người, và họ đã thành công.

[Ảnh bìa: Các nghệ sĩ tham gia chương trình/Vũ Đức]

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Thế giới quẩy nhạc Việt, tại sao không?

Có độ dài 6 tiếng đồng hồ, buổi livestream Worldwide Vibe Vietnam 2022 là sự kiện được dành để tôn vinh những nhà sáng tạo trong việc phát triển danh tính nhạc điện tử của Việt Nam.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

[Ảnh] Lưu giữ một thời vàng son: Ảnh bìa album Nhạc Vàng trước 1975

Các ảnh bìa album ca nhạc hiện đại với thiết kế đồ họa phức tạp ngày nay chưa chắc đã sánh được với các tác phẩm vẽ tay thời kỳ trước 1975.

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

5 album cho những đêm vừa chạy xe về vừa tưởng tượng mình đang đóng MV

Sài Gòn, đồng hồ điểm 12:03 khuya. Bạn vừa xem xong một bộ phim chiếu vào suất cuối cùng của ngày. Bãi giữ xe buổi đêm tĩnh mịch, ai nấy yên lặng lấy xe ra về trong ánh vàng cam của đèn đường. Bạn đi ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

8 the Theatre trở lại với series unplugged, hòa phối màu sắc âm nhạc cổ điển và hiện đại

Viết tiếp giấc mơ làm mới trải nghiệm âm nhạc, 8 the Theatre đã trở lại với một hoài bão mới: mang cảm hứng cổ điển lên sân khấu âm nhạc hiện đại.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bay về tuổi thơ với video nhạc thiếu nhi Việt Nam theo phong cách lo-fi

Những ai đã "nhẵn mặt" với Lofi Girl chăm học đời đầu chắc hẳn sẽ vô cùng thích thú với với video nhạc lo-fi Việt Nam mới được ra mắt gần đây. Trong đó, hình ảnh được minh họa theo phong cách sách giá...

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bảng xếp hạng 20 bài hát nhạc Việt xuất sắc nhất năm 2020

Điều đáng mừng là trong một năm 2020 nhiều biến động, các nghệ sĩ Việt Nam vẫn tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc chất lượng, vượt trên mọi mong đợi của người nghe, phá vỡ rào cản thể loại và ...