Đề tài chỉ gói gọn trong một chữ — “ma” — nhưng từng ấy đã đủ để các họa sĩ minh họa vẽ nên những tác phẩm muôn hình muôn vẻ trong dự án Hù do Khô Mực Studio khởi xướng.
Họa sĩ minh họa Simon Phan — đồng sáng lập Khô Mực Studio — bắt đầu hứng thú với tiềm năng sáng tạo từ “ma” khi nhìn thấy các bức vẽ theo đề tài này của một người bạn trên Instagram. Song song đó, anh nhận thấy cộng đồng minh họa trẻ tại Việt Nam với kỹ năng tốt và điêu luyện hay thường hướng về những gì dễ thương, dễ mến khi vẽ — nét đẹp phố phường, món ăn truyền thống, đồ uống thân quen, v.v.
“Với một chủ đề thoạt nhìn không hiền hòa hay đẹp đẽ như ‘ma,’ đội ngũ Khô Mực đều rất tò mò các bạn nghệ sĩ sẽ sáng tác và phản hồi ra sao trong tác phẩm của mình,” Simon chia sẻ. Từ đó một cuộc thi vẽ ma đã ra đời trong tháng bảy, thu hút hơn 110 bài dự thi từ các nhà minh họa trẻ trong nước. Không dừng lại ở đó, Khô Mực Studio đã vận dụng tiềm lực của mình là một xưởng in risograph để thiết kế, sản xuất và biên tập nên ấn phẩm zine Hù tổng hợp 44 tác phẩm do đội ngũ tuyển chọn.
Dù là lật tìm nỗi sợ riêng trong tiềm thức, hay khảo cứu kho tàng truyện cổ Việt Nam cùng cảm hứng từ bao giai thoại xưa và nay, những bức vẽ góp mặt trong Hù cũng khiến cho bản thân người cầm trịch dự án đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: “Có vài con ma các bạn vẽ mình chưa nghe thấy bao giờ, tra tìm trên mạng rồi mới thấy rất nhiều chuyện ly kỳ, đặc sắc ẩn sau chúng,” Simon bật cười.
Bên trong văn phòng và cũng là xưởng in xinh xắn tại quận 3, nhóm cộng sự của anh chăm chú gấp, xếp từng trang giấy cho ấn phẩm đặc biệt được phát hành với số lượng giới hạn 200 cuốn. Những trang giấy đỏ, cam, vàng, xanh dương vui mắt trên mặt bàn khiến người xem, nếu chỉ ngó vội qua, chắc chắn sẽ không liên tưởng đến chủ đề ám, đáng sợ này. Mỗi sắc màu đại diện cho từng nhóm chủ đề nhỏ cùng một vài phụ lục đính kèm trong zine như: “Kính Lão Đắc Thọ” (tập hợp các bức vẽ về những con ma đã “nổi tiếng lâu đời” tại Việt Nam), “Hồng Nhan Bạc Phận” (ma nữ), “Nhỏ Mà Có Võ” (những con ma mới, hiện đại, hoặc do nghệ sĩ tưởng tượng).
Điểm đặc biệt khác ở Hù chính là việc vận dụng giấy vàng mã trơn để in lên các tác phẩm, cũng như phương thức đóng gáy các tệp giấy nhằm tạo cho người đọc cảm giác quen thuộc khi cầm trên tay xấp vàng mã thật ngoài đời. “Khô Mực đã thảo luận, nghiên cứu rất nhiều, đi đến các cửa tiệm ở quận 5, quận 10 nhằm tìm hiểu chất liệu, họa tiết, hoa văn thường thấy trên vàng mã,” theo lời Simon. “Bên chỗ bán cũng hỏi tại sao mình lại mua nhiều giấy vậy. Khi biết mục đích là làm sách cho cộng đồng, ngạc nhiên thay là họ cũng không hỏi gì nữa, đồng thời sẵn lòng giải thích cho bọn mình đặc tính, cách phân loại, hay cách gấp giấy thành hình thù như là hoa sen nữa.”
Nhưng có lẽ để có thể thưởng thức trọn vẹn sự kết hợp mượt mà giữa đề tài, nét vẽ, mực in, cùng không gian sáng tạo “có một không hai” giữa lòng Sài Gòn, triển lãm Đi Đêm Có Ngày Gặp Ma mà Khô Mực Studio tổ chức chính là câu trả lời. Diễn ra đúng vào tháng Bảy âm lịch (10/9–20/9), sự kiện không chỉ trưng bày toàn bộ 44 tác phẩm tuyển chọn cho dự án, mà còn là dịp giới thiệu đến người xem những yếu tố đặc sắc của kỹ thuật in risograph mà nhiều nghệ sĩ và giới sáng tạo quốc tế vốn ưa chuộng.
“Không gian triển lãm là một căn phòng tối, để nhìn thấy tác phẩm bạn sẽ cần đèn pin chiếu vào,” Simon bật mí. “Đây là một trong nhiều đặc tính nổi bật mà risograph làm được, tức sử dụng mực phản quang chuyên biệt để in ra thành phẩm mong muốn.” Mối liên kết ăn ý giữa ý niệm chủ đề với phương thức sáng tạo, diễn giải và trình bày nội dung là điều đội ngũ Khô Mực Studio vô cùng tâm huyết với dự án lần này.
Trên hết, thông qua Hù, Khô Mực Studio mong muốn nuôi dưỡng cộng đồng sáng tạo trẻ tại Việt Nam thông qua các hoạt động sáng tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. “Hiện nay, đa phần các bạn chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tác phẩm mà mình vẽ hay thiết kế lên trên mạng, trên màn hình điện thoại, máy tính, mà ít khi nghĩ đến việc có thể biến chúng thành những thành phẩm hiện hữu ngoài đời,” theo lời Simon.
Buổi workshop miễn phí mà Khô Mực Studio tổ chức cho các nghệ sĩ tham gia vào dự án là dịp để họ học hỏi các công đoạn chuyên sâu của kỹ thuật risograph, tự tay in ra tác phẩm, để rồi cầm trên tay thành quả độc nhất của mình. “Đó là một cảm giác rất là đặc biệt,” Simon tiếp lời. “Khô Mực mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ nhận ra vẻ đẹp của giấy và mực in — những chất liệu truyền thống, và cùng với đó là tiềm năng thương mại khi biết cách ứng dụng tác phẩm vào những vật dụng thân quen mà công chúng yêu thích và hưởng ứng. Sau dịp này, xưởng in của Khô Mực sẽ luôn đón chào các bạn từng tham gia dự án quay lại và sử dụng máy in, tất nhiên là với mức giá ưu đãi.” (cười)
Triển lãm phòng tối Đi đêm có ngày gặp ma sẽ diễn ra từ 10/9 đến 20/9 tại Khô Mực Studio, xem thêm thông tin tại đây.