Với họa sĩ Tường Vân, lễ hội Cầu Ngư vào mỗi độ tháng Hai Âm Lịch hàng năm ở quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho đồ án tốt nghiệp của mình.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh ở đây.
Ai đi đâu đó nhớ mong mà về”
Từ bao đời nay, cứ mỗi độ tháng hai âm lịch hàng năm, những thế hệ lớn lên ở các làng chài ven biển xứ Trầm Hương (Nha Trang, Khánh Hòa) lại tề tựu về phường Vĩnh Trường để cùng nhau làm lễ tế đức Ông — một nghi thức đặc biệt trong tín ngưỡng năm mới ở làng chài, nhằm thể hiện lòng biết ơn với biển cả và nguyện cầu cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.” Là một người con xứ biển, họa sĩ minh họa Tường Vân đã thực hiện một bộ sách kể lại tích Cầu Ngư này để bày tỏ lòng tri ân lẫn mong ước được lan tỏa phong tục quê hương.
Tường Vân tốt nghiệp chuyên ngành Thiết Kế Đồ Họa của trường Đại Học Văn Lang và cũng là Thủ Khoa đầu ra năm 2018 với tác phẩm sách minh họa Lễ Cầu Ngư, nhận được nhiều lời khen ngợi tích cực từ các giảng viên trong trường. Ý tưởng thực hiện bộ sách minh họa được nảy mầm từ tình yêu rất đỗi giản đơn và mộc mạc mà cô họa sĩ trẻ dành cho quê hương.
“Là một người con Nha Trang, mình tự hỏi tại sao không dùng nét vẽ của bản thân để làm một điều gì đó cho quê hương,” Vân chia sẻ về nguồn cảm hứng của mình. Và thế là câu chuyện về những người dân làng chài Vĩnh Trường với lễ Nghinh Ông huyền ảo đã trở thành nguồn cảm hứng cho đứa con tinh thần mà Tường Vân đã thực hiện suốt ba tháng ròng.
Bộ sách minh họa lễ hội Cầu Ngư gồm ba phần chính gồm Tích Ngư, lễ Đình và hội Làng. Tuy khai thác đề tài truyền thống, tác phẩm Cầu Ngư của Tường Vân vẫn đem đến sự mới mẻ và hiện đại khi áp dụng phong cách chủ đạo là mixed media — một sự kết hợp đặc biệt và khéo léo giữa nhiếp ảnh và vẽ minh họa. Vốn đam mê nghệ thuật cắt dán ảnh (collage art), Tường Vân đã tiếp cận và tái hiện nghi lễ Cầu Ngư đầy sống động khi phối trộn một cách hài hòa giữa tính “thực” của đời sống qua lăng kính máy ảnh và chất “nghệ” nhấn nhá đầy ấn tượng qua nét vẽ huyền ảo của chính mình.
“Sự kết hợp này là một thử thách đầy thú vị với cá nhân mình, nếu vẽ minh họa hết cả cuốn sách bằng Photoshop thì mình lại thấy chưa có điểm nhấn đặc biệt, ngay cả sự thiêng liêng và cái đẹp, cái chân thực của lễ hội chỉ bằng nét vẽ cũng không lột tả hết được,” Vân thích thú chia sẻ về quá trình sáng tạo ra tác phẩm.
Đi sâu vào từng phần chính trong sách, Vân vẫn luôn cố gắng sử dụng hình vẽ của mình để đem đến một góc nhìn tổng quan và đơn giản nhất cho từng nội dung được kể. Như câu chuyện về Nam Hải Đại Vương, thực ra là cá voi — loài cá có thân hình to lớn nhưng hiền hòa, được sinh ra từ áo cà sa của Bồ Tát Quan Âm để cứu giúp ngư dân gặp nạn khi đi biển nên được tôn thờ là Cá Ông hay Đức Ông, được Vua Gia Long xuống chiếu sắc phong tước vị là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần.
Ngoài Nam Hải Đại Vương, do ảnh hưởng của văn hóa Chiêm Thành, người dân xứ biển Nha Trang còn tôn thờ các vị thần Biển khác như Thiên Y A Na Thánh Mẫu phù trợ mưa thuận gió hòa, Bà Tím (Rùa Biển) nổi trước ghe thuyền báo điềm cho ngư dân, Mộc Trụ Thần Xà linh thiêng làng chài kính nể, v.v. Tất cả đều được lột tả đầy huyền bí dưới nét vẽ sinh động của Tường Vân.
Tiếp đó, bộ sách dẫn dắt người đọc đi đến phần quan trọng nhất đó là lễ Đình đặc trưng ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang. Lễ mở đầu với nghi thức Nghinh Ông, được khởi hành vào giờ thủy triều lên để rước linh hồn Nam Hải Đại Vương.
Phong phú nhất trong lễ Nghinh Ông phải kể đến đoàn ghe thuyền trong đoàn rước gồm ghe chính hay còn gọi là ghe lễ, ghe dắt và quan trọng nhất là đoàn ghe Bá Trạo. Trong sách minh họa của Tường Vân, hình ảnh đoàn ghe Bá Trạo sóng đôi với cờ hoa xung quanh.
Cô cũng mô tả rất chi tiết câu hò Bá Trạo trên nền trống chiêng rộn rã. Nội dung câu hò thường tập trung ca ngợi công đức của Ông Nam Hải, chuyện sinh hoạt của ngư dân và cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa quanh năm:
Một lòng thành khởi lễ cầu ngư
Cầu cho no ấm mọi người
An cư lạc nghiệp đẹp tươi mọi nhà
Nếu như lễ Nghinh Ông là một phần bắt buộc và đặc trưng của lễ Cầu Ngư thì lễ Rước Sắc là một nét truyền thống ở nhiều lễ hội của người Việt cổ, nơi vị Thần Chủ được bái tế trong lễ có sắc phong vua ban. Tường Vân đã vẽ lại đoàn Rước Sắc trong trang phục áo quan mũ miện, mang sắc phong của Vua Nguyễn dành cho Đức Ông khi về đến Lăng một cách đầy long trọng.
Tiếp nối lễ Rước Sắc là các phần lễ quan trọng ở Lăng Ông như lễ Tế Chánh, hát Thứ Lễ, lễ Tôn Vương và hội làng. Để tạo không khí trang nghiêm nhưng không kém phần huyền bí cho các lễ này, cô bạn đã đan lồng các đường nét mềm mại tạo cảm giác hương khói hòa quyện cùng ảnh chụp thực tế tại Lăng.
Lễ Tế Chánh được cử hành khi đội Bá Trạo hoàn thành xong nghi thức trước điện thờ Ông Nam Hải. Ngư dân tin rằng lễ Tế càng lớn thì sẽ càng được Đức Ông phù hộ độ trì.
Tiếp nối Tế Chánh là Thứ Lễ, nổi tiếng với hát Thứ Lễ, một hình thức hát bội đậm đà bản sắc văn hóa kể về tuồng tích công đức của Ông Nam Hải. Trong tâm thức dân gian ở đây, khi hát về công ơn của Đức Ông thì phải hát đồng nhất về tuồng của Ông (tức Quan Công).
Cuối cùng, sau phần lễ nghi quan trọng, hội Làng được tiến hành với khúc dạo đầu là lễ Tôn Vương nhằm ca tụng, chúc phúc cho một năm đánh bắt phồn vinh tươi đẹp.
Không chỉ đơn thuần là hình thức được sùng bái lưu truyền trong dân gian, Lễ Cầu Ngư còn gắn liền với niềm tin ngàn đời của ngư dân về lao động sản xuất trên biển, là một cách để bày tỏ ý chí vượt qua gian nan và đồng thời cũng là nỗ lực gìn giữ cái nghề tổ tiên để lại. Thấu hiểu ý nguyện này, bộ sách minh họa của Tường Vân hy vọng phần nào được góp phần vào việc duy trì và lan tỏa nét đẹp văn hóa ấy, để những thế hệ sau của những người con xứ Biển, dù đi đâu về đâu, vẫn nhớ về một phần nguồn cội quê hương, để bạn bè năm châu, dẫu ít hay nhiều, cũng thấu cảm một góc phong tục truyền thống trên đất Việt.
Khám phá thêm các tác phẩm khác tại trang Behance cá nhân của Tường Vân ở đây.