Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Văn Nghệ » Văn Chương » Loạt Soạt » 'Mùa Hè Bất Tận,' món quà của người từng trải cho thanh xuân hồn nhiên và nhiệt huyết

Mùa hè không phải một mùa dễ chịu với ánh nắng bỏng rát và những cơn mưa xối xả bất chợt, nhưng nó để lại cho chúng ta những kỷ niệm rất đẹp về năm tháng cắp sách đến trường. Cũng từng là một học sinh, nữ họa sĩ Lâm Hoàng Trúc đã cho ra đời tựa truyện mang tên Mùa Hè Bất Tận để khắc họa những trải nghiệm của riêng cô về khoảng hồi ức đặc biệt này. 

Ra mắt bạn đọc sau hơn ba năm ấp ủ, Mùa Hè Bất Tận là câu chuyện xoay quanh chủ đề thanh xuân, học đường. Truyện gây ấn tượng không chỉ nhờ những hình ảnh vẽ tay hết sức kỳ công, mà còn qua việc khai thác những thông điệp nhân văn về tình bạn, gia đình và cuộc sống.

Chân dung họa sĩ truyện tranh Lâm Hoàng Trúc.

Hiện thực trên trang giấy

Phiên bản đặc biệt của Mùa Hè Bất Tận chính thức được xuất bản ngày 18/6/2021. Câu chuyện lấy bối cảnh mùa hè năm 15 tuổi của hai đứa trẻ khác giới cùng tên Phương, cùng hoang mang trước ngưỡng cửa của cuộc đời. Khi ấy, những trái tim nhạy cảm tuổi niên thiếu đã sẵn sàng đập mạnh hơn để đi tìm tự do và tiếng nói riêng cho chính mình. 

Bìa bản phổ thông của Mùa Hè Bất Tận.

Nhiều độc giả Việt yêu truyện tranh made-in-Vietnam đã biết đến tên tuổi Lâm Hoàng Trúc từ năm 2018, khi cô “chào sân” với tác phẩm đầu tay Đường Hoa. Truyện kể về hành trình lập nghiệp ở thành phố của Trung, chàng trai miền Tây với hoài bão trở thành hoạ sĩ.

Khoảng thời gian ba năm giữa hai tác phẩm đã đánh dấu sự phát triển trong cách xây dựng câu chuyện và nhân vật của nữ hoạ sĩ. Nếu Đường Hoa là món quà cô gửi tặng cho tuổi trẻ cuồng nhiệt, thì Mùa Hè Bất Tận là cái nhìn sâu sắc về thế giới học đường, với màu sắc trầm buồn hơn. Đồng thời, mạng lưới nhân vật dày đặc hơn, các mối quan hệ nhiều đan xen hơn, tính cách, động cơ, hay quá khứ của nhân vật cũng phức tạp hơn. Nữ họa sĩ chia sẻ các nhân vật được lấy cảm hứng từ tính cách của bản thân và những người xung quanh.

Nhân vật nữ chính và mẹ.

Cô tiết lộ: “Nhân vật người mẹ là giống mình nhất. Cậu Phương con trai luôn dịu dàng nhưng hờ hững với mọi thứ là dựa trên ‘ông xã.’ Còn cô bé Phương là mình ở một phiên bản tuổi thơ khờ khạo.”

Nắm lấy tự do

Nữ hoạ sĩ cho biết, không phải vì lấy bối cảnh hiện thực mà câu chuyện trở nên đơn giản hơn. Kịch bản được Lâm Hoàng Trúc hoàn chỉnh trong mười ngày và dành trọn năm 2020 để vẽ. “Tâm tư của các nhân vật được đúc kết từ những năm tháng học trò của mình, những chiêm nghiệm về sự sống, cái chết, tình cảm gia đình và tình bạn.”

Bên cạnh đó, Lâm Hoàng Trúc còn nhấn mạnh thông điệp về sự ích kỷ: “Ai cũng muốn được kiểm soát. Mỗi người đều khao khát sự tự do, nhưng lại thiếu sự đồng cảm và vị tha với người khác.”

Phân đoạn yêu thích của tác giả trong truyện.

Cũng vì vậy, nữ hoạ sĩ rất tâm đắc những những phân cảnh nơi nhân vật tự quyết định vận mệnh của mình. Trích đoạn mà cô yêu thích nhất là khi nhân vật Phương rời bỏ trường thi trong cơn mưa rồi chạy đến bầu trời mây trắng trong chương 6. “Mình đọc đi đọc lại đoạn đó và tự nhủ: ‘Dù chỉ là trên trang giấy, mình cũng đã làm được điều mình hằng mong muốn. Đó là nắm lấy tự do!’”

Tâm huyết và uy tín

Lướt qua vài khung tranh trong Mùa Hè Bất Tận, nhiều bạn đọc sẽ bất ngờ trước cách "tỉa hình" tỉ mỉ, đòi hỏi tâm huyết rất lớn từ tác giả. Thực tế, mỗi trang truyện đều được Hoàng Trúc vẽ hoàn toàn bằng tay trên giấy khổ A3. Lý do nữ họa sĩ làm khó mình đến vậy là bởi cô cảm giác việc dùng các công cụ thủ công sẽ kéo người nghệ sĩ đến gần hơn với bản chất vấn đề.

Tâm tư của các nhân vật được đúc kết từ những năm tháng học trò của mình, những chiêm nghiệm về sự sống, cái chết, tình cảm gia đình và tình bạn.

Cô giải thích: “Đối mặt với một trang giấy trắng tinh và mỗi cây bút chì là một áp lực cực kỳ lớn, bởi mỗi dụng cụ đều là một tài nguyên. Nó cho mình ý chí để tạo ra ‘một thứ xứng đáng’ với tất cả những sự hao tốn đó. Sự mỏng manh của giấy cũng khiến mình quý trọng thành quả lao động hơn.”

Những khung tranh được cô vẽ bằng tay.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần thử thách trước khi tác phẩm được phát hành. Theo Lâm Hoàng Trúc, cô và nhà xuất bản đã có lúc bất đồng quan điểm vì người biên tập cho rằng nhân vật cô giáo có lời thoại không đúng với chuẩn mực nghề nghiệp.

“Theo mình, việc cố tạo ra hình ảnh tốt đẹp về ngành giáo dục đồng nghĩa với sự vô cảm. Ép nhà giáo phải luôn cư xử đúng mực, bất chấp mọi hoàn cảnh, là dồn họ vào chân tường. Tuy nhiên, sau nhiều lần chỉnh sửa và cân nhắc, mình thấy tác phẩm này cũng không phải để lên án, thậm chí có thể khiến độc giả ác cảm với nghề giáo. Mình phải lựa chọn giữa việc sa lầy vào hiện thực xã hội và tô hồng cuộc sống. Nó giống như đi trên dây vậy, rớt qua bên nào cũng đều dở cả,” cô nói.

Khung cảnh nên thơ thân thuộc với tuổi học trò làm nền cho tập truyện.

Với nỗ lực lớn trong thời gian dài, cả tác giả lẫn tác phẩm đều nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn đọc. Cô nhận định đó là nhờ sự uy tín và rõ ràng trong quá trình làm việc. Trên fanpage hơn 23.000 người theo dõi, nữ hoạ sĩ thường xuyên cập nhật tiến độ sáng tác để người hâm mộ có thể cảm nhận về dự án sắp ra mắt.

“Độc giả nhìn thấy công trình phát triển và hoàn thiện dần, có lẽ điều đó khiến họ cảm thấy dự án này thật đáng đồng tiền bát gạo. Họ thấy đẹp hay xấu thì mình không dám tự đánh giá. Nếu người ta thích thì mình rất vui, còn không thì mình phải cố gắng thêm,” cô vui vẻ nói.

Bản đặc biệt của Mùa Hè Bất Tận.

Nối tiếp Mùa Hè Bất Tận, Lâm Hoàng Trúc bật mí cô sẽ làm một tác phẩm về lịch sử và một bộ truyện hành động. Lịch sử là thử thách cho mọi nhà sáng tạo, còn hành động là thể loại cô yêu thích nhất. “Một cái để mình chinh phục, một cái để thỏa mãn bản thân,” cô họa sĩ tươi cười. Chưa biết khi nào những bộ truyện này mới ra mắt, nhưng những người theo dõi Lâm Hoàng Trúc có thể tin chắc rằng cô sẽ dốc hết tâm sức cho từng tác phẩm của mình.

Phiên bản đặc biệt của tập truyện ra mắt vào ngày 18/6/2021. Phiên bản phổ thông phát hành toàn quốc vào ngày 30/6/2021. Bạn đọc tìm hiểu thêm thông tin phát hành của Mùa Hè Bất Tận tại đây

[Ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp]

Bài viết liên quan

in Loạt Soạt

'Truyền Kỳ Mạn Lục' kể chuyện 'drama' tam giới li kì của văn học trung đại

“Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải.”

in Loạt Soạt

Am Mây Ngủ: Cuộc hòa thân đầy toan tính của Huyền Trân công chúa dưới góc nhìn của Thích Nhất Hạnh

"Nàng thấy sự sống của người dân Chàm không khác gì sự sống của người dân Việt, cả hai dân tộc cùng đau những nỗi đau như nhau, cùng buồn những nỗi buồn như nhau, cùng ao ước những nỗi ao ước như nhau...

Paul Christiansen

in Loạt Soạt

The Magic Fish: Danh tính, gia đình, 'come out' với cha mẹ qua góc nhìn cổ tích

Những điều chúng ta không thể diễn đạt thành lời đôi khi lại là chất liệu tuyệt vời nhất để viết nên một câu chuyện. Truyện cổ tích như một phiên bản đầy đủ của một câu tục ngữ được tiền nhân gửi gắm ...

Michael Tatarski

in Loạt Soạt

Tiểu thuyết 'Build Your House Around My Body': Một Việt Nam đan xen nhiều mảnh đời từ quá khứ đến hiện tại

Tại văn phòng Saigoneer, chúng tôi có chung một trăn trở về sự phổ biến của chủ đề chiến tranh trong văn học về Việt Nam. Đến tận ngày nay, các tác giả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ngay cả nh...

in Loạt Soạt

Từ Huấn Lục: Hoàng thái hậu Từ Dụ và những lời dạy còn sống mãi

“Ta nhân lúc giải phiền muộn xin mệnh xa giá đi bắn chim, nếu hợp hoàn cảnh thì cho, không hợp thì không, không nói nhiều lời. Mỗi khi thường răn về số lần, mẹ nghiêm và từ như thế.” 

Linh Phạm

in Loạt Soạt

‘Hong Tay Khói Lạnh’ hay lời thì thầm của những khổ đau

“Má! Yêu Má!”