Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Chương » Loạt Soạt » Văn minh nước Mỹ qua lăng kính Việt trong 'Bướm vàng'

Văn minh nước Mỹ qua lăng kính Việt trong 'Bướm vàng'

Hãy đọc những gì bạn không biết, bởi vì nếu biết rồi thì bạn đã có thể hình dung và thấu hiểu nó; nhưng với những gì bạn chưa từng hình dung ra được, hãy khám phá để được dắt đến một thế giới chưa hề có trong trí tưởng tượng khiến bạn bất thình lình kêu lên “Ồ, tuyệt!” 

Mặc dù có những tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử, vẫn có một khoảng cách lớn giữa người Việt trong nước và cộng đồng người Việt di dân. Khoảng cách này rõ ràng là do sự thiếu quan tâm từ các độc giả trong nước đối với các tác phẩm văn học được viết bởi tác giả hải ngoại về quá trình di dân và hội nhập cuộc sống mới của người Việt. Đối với một số người, những câu chuyện này quá lạ lẫm họ không đồng cảm được. Đối với những người khác, họ có thành kiến không mấy công bằng về cuộc sống và quyền lợi mà người Việt hải ngoại đang trải nghiệm và điều này làm họ dè bỉu.

Nhà văn Thanhhà Lại giải thích với Saigoneer rằng không ai biết trước cuộc đời mình sẽ ra sao, hay được chọn lấy hoàn cảnh mà mình được sinh ra, và cũng không ai biết vận mệnh nào lại khiến một người lớn lên ở Sài gòn thay vì phải bỏ xứ đi Mỹ trên một chiếc xuồng xộc xệch. Tuy Lại Thanhhà không viết riêng cho nhóm độc giả nào, tiểu thuyết mới nhất của cô, Bướm Vàng, cho độc giả trong nước cơ hội “hình dung thế nào là bỏ xứ ra đi…Đây là cánh cửa mở ra cho bạn nhìn thấy kinh nghiệm của người khác.” Một cách giản dị, cô cũng nói thêm, “Nếu tiểu thuyết đó hay, là nó hay, vậy thì đọc nó đi.”

Nước Mỹ trong mắt người Việt

Bướm Vàng là câu chuyện về một cô gái Việt 18 tuổi tên Hằng, đến Texas năm 1981 để tìm đứa em trai tên Linh mà 6 năm trước cô đã sơ ý để nó bị phi cơ bốc đi Mỹ theo Chiến Dịch Baby Lift. Sau khi chiến tranh kết thúc, Hằng và gia đình phải sống kham khổ và hy sinh nhiều thứ để cô có thể thực hiện cuộc hành trình gian truân đi tìm em.

Thế nhưng cuộc hạnh ngộ không phải là khoảnh khắc thần tiên trong chuyện cổ tích mà cô đã tưởng tượng. Cậu em rời quê hương khi còn là một nhóc tì mới chập chững biết đi và vì thế có rất ít ký ức về gia đình của mình ở Sài Gòn. Thật dễ hiểu khi cậu hiện giờ mang tên Mỹ, cuộc sống của cậu xoay quanh bầy ngựa, trại chăn nuôi gia súc, và những thứ khác thuộc văn minh Mỹ quốc. Hằng hiểu điều đó nhưng không nản lòng trước thái độ đối kháng của cậu trong việc chấp nhận chị mình và thế giới mà chị mình biểu hiện.

Câu chuyện xảy ra ở một thị trấn thôn quê bang Texas, nhộn nhịp với các trận thao diễn quẳng thòng lọng và cưỡi bò mộng vào nửa đêm của các chàng cao-bồi, những lễ hội với vô số món ăn chiên giòn đầy mỡ, vào thời mà tiếng nhạc rap bắt đầu rầm rập phát ra từ radio của các chiếc xe bán tải. Các chương sách mô tả văn hóa Mỹ từ góc nhìn rất Việt Nam của Hằng.

Nhà văn Thanhhà Lại. Ảnh: Paula Landry.

Thanhhà cho biết cô có óc song ngữ, cô suy nghĩ bằng tiếng Việt khi viết từ quan điểm của Hằng, nhưng việc chuyển ngữ lại xảy ra trước khi cô gõ bàn phím. Điều này tạo nên những mô tả phong phú, đầy thi vị và giàu ẩn dụ vốn có trong tiếng Việt. Ria mép trở thành “hai con sâu rọm màu cam bò ngoe nguẩy quanh miệng chàng cao-bồi,” và một “giàn khoan kỳ quặc đứng thẳng người như đang sục tìm những quái thú săn mồi, rồi cúi gập, đứng, cúi, cứ thế, liên tục. Cũng không khác một con hươu cao cổ bằng kim loại đang khát khô.”

Người ta diễn đạt những gì họ thấy bằng ngôn ngữ, nhưng đôi khi ngôn ngữ của một người cũng định hình cách nhìn của họ. Điều này chính là cách Hằng diễn đạt sự kỳ lạ của văn minh Mỹ. Thí dụ như cách cô nhận xét về tên của LeeRoy — một thanh niên 18 tuổi ôm mộng thành cao-bồi — nhân vật liên quan đến câu chuyện của cô. Theo cô, tên của anh chàng này nghe như Ly Roi, cái roi làm bằng ly thủy tinh (do đó dễ vỡ). Cô hy vọng ý nghĩa của tên này trong tiếng Anh cứng cáp hơn thế, như các tên của con trai Việt Nam: Dũng, Minh, Quang, Phú, Cường.

Sự pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt tạo ra những trường hợp trào lộng, hài hước cho độc giả. Hằng nói tiếng Anh bằng cách phát âm của tiếng Việt. Thí dụ, cô nói “Du ri-eo cao-bồi? Du đu nót nô.” Thay vì “You are [a] real cowboy? You do not know.” Kỹ thuật sáng tác này khắc họa được nét riêng của Hằng và làm độc giả thấy rõ những rào cản văn hóa mà cô phải đối phó. Thanhhà rải khắp các trang sách những câu Tiếng Việt bao gồm lời nhạc của Trịnh Công Sơn, tăng thêm nét chân thật cho nhân vật Hằng và làm quà tặng cho độc giả Việt.

Khác với quyển tiểu thuyết đầu tiên của Thanhhà, Từ trong ra ngoài rồi bắt đầu lại (Inside out and back again), đã đạt giải thưởng National Book Award và Newbery Honor — tác phẩm này không mảy may dựa trên kinh nghiệm di dân của cô. Tuy Thanhhà đã sống ở Texas một thời gian, nhưng khác với nhân vật Hằng, cô thuộc làn sóng tị nạn đầu tiên ra đi ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Nguồn cảm hứng ban đầu của tác phẩm này xuất phát từ một bức ảnh (không thấy mặt nhân vật) mà cô nhìn thấy trong những năm làm phóng viên, sau đó được phát triển lên trong quá trình nghiên cứu tư liệu.

Óc tưởng tượng phong phú tài tình của Thanhhà cũng đóng góp rất nhiều vào quá trình sáng tác quyển tiểu thuyết. Nhật báo quận Cam nơi cô làm việc thường giao cho cô viết về những câu chuyện của người tị nạn Việt Nam khi đến đất Mỹ. Tuy có nhiều lý do phức tạp hơn chuyện ai cũng muốn hưởng "tự do", nhưng không ai muốn nói ra những đau đớn sâu xa hoặc những điều riêng tư xảy ra trong hành trình của họ. Thanhhà hiểu được sự ngần ngại của họ. Nhưng trong tiểu thuyết không có những giới hạn như vậy. Cô giải thích: “Trong tiểu thuyết, tôi phải mở bung cánh cửa tâm tư của cô gái này và xâm nhập vào thâm cung ký ức nhân vật. Ngay cả những kỷ niệm mà chính cô ấy không muốn thừa nhận, là độc giả bạn biết được chúng, đó là nhờ sự kỳ diệu của sáng tác — bạn được biết những điều mà thậm chí nhân vật cũng không muốn nghĩ đến.”

Cuộc sống cần chút hài hước

Phần ký ức khủng khiếp mà Hằng không muốn nghĩ đến bao gồm những tên cướp biển Thái Lan, đói khát, bệnh tật, và những chấn thương thể chất cũng như tâm lý — tất cả chi tiết đều dựa trên các tình cảnh mà những người tị nạn đã phải chịu đựng. Tuy nhiên Thanhhà nói với Saigoneer “Coi như tôi đã làm nên tên tuổi mình bằng cách đưa sự dí dỏm vào những câu chuyện thật kinh hoàng và thảm khốc, do tôi nghĩ chúng gắn kết với nhau, chúng ta cần đau thương lẫn hài hước để mà sống tiếp.”

Tính hài hước trong Bướm Vàng phần nhiều được nhân vật LeeRoy đảm nhiệm. Anh ta quyết tâm trở thành cao-bồi dù lớn lên trong một gia đình trí thức vùng Đông Mỹ. Có vẻ như anh ta theo triết lý “chân giả thành chân thật.” Sau khi tốt nghiệp trung học, học thuộc lòng tiếng lóng của dân cao-bồi từ sách vở, sắm quần áo cao-bồi hào nhoáng và dĩ nhiên không thực tiễn, anh lên đường và cố gắng xâm nhập vào thế giới của dân cao bồi. Anh ta tình cờ gặp Hằng rồi chọn việc quét dọn chuồng ngựa và cuốn bó đống cỏ khô nơi Hằng làm việc, đơn giản chỉ để được gần gũi cô trong lúc cô bám sát cậu em trai lì lợm được nhận nuôi bởi một phụ nữ Mỹ da trắng sống ở cuối đường.

LeeRoy là một chàng trai hoạt ngôn, hay nhai rào rạo rau cần tây (“Tôi thích mấy thứ này lắm, nó giúp tôi được nhuận trường”); hay buông ra những thành ngữ chẳng biết là học được ở đâu (“Em làm tim tôi nhảy khỏi họng”); khoác lác làm nhàm (“Hồi học Đệ nhất tôi đã viết tiểu luận về giá trị địa chất, lịch sử và chính trị của hẻm núi Palo Duro, đủ dài để in thành sách đó”). Mặc dù đã cố giấu đi, nhưng cách hành xử của cậu vẫn thể hiện được tính cách thật thà và tốt bụng, một phần được khuyến khích bởi tình yêu thầm kín dành cho Hằng. Mối tình kỳ lạ này đã nảy nở và biến Bướm Vàng thành câu chuyện về sự hồi phục tâm lý thay vì là về nỗi đau. Thanhhà giải thích: “Đây là câu chuyện về sự chữa lành vết thương, không phải về những chấn thương tâm lý. Chấn thương tâm lý chỉ là nguyên do vì sao cô ấy phải chữa lành vết thương.”

Vết thương rồi cũng sẽ lành thôi

Trong cuộc gặp với chúng tôi, nhà văn đã chia sẻ một câu chuyện tươi sáng gợi đến đề tài “chữa lành tổn thương”: Tuy Thanhhà cho rằng giải thưởng National Book Award không mấy thay đổi quá trình viết văn của cô — dù sao thì cô đã sáng tác trong thầm lặng hơn cả một thập niên — nhưng sự nghiệp viết văn đã tạo cơ hội cho cô được đến thăm các lớp học trên khắp nước Mỹ để trò chuyện với các học sinh đã trải qua nhiều tuần lễ đọc hiểu và thảo luận tiểu thuyết Từ trong ra ngoài rồi bắt đầu lại.

Khi cô bước vào các lớp học, các học sinh cấp hai và cấp ba tưởng sẽ gặp một nhân vật mỏng manh và dễ bị bắt nạt mà các em đã biết qua trong tác phẩm. Nhưng đó là Thanhhà của 44 năm trước. Đâu rồi lũ bắt nạt và sự kỳ thị đã làm cô khốn khổ khi vừa đặt chân đến nước Mỹ? Cô không còn nghĩ đến chúng nữa. Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn và có biết bao điều phải lo, thời gian đâu mà bận tâm về quá khứ chứ: “Những điều đó không ăn nhập gì nữa.” Thay vào đó, các em học sinh đã gặp một nhà văn cực kỳ sôi nổi và hài hước, đầy tự tin trong cuộc sống và công việc của mình.

Nhà văn Thanhhà hồi học lớp 1. Hình ảnh được chụp tại Sài Gòn.

Vậy thì viết ra những câu chuyện đó để làm chi khi mà những căng thẳng trong lòng không còn dày vò tác giả nữa? Thanhhà giải thích, đối với những người Mỹ gốc Việt, những câu chuyện đó là cửa sổ mở ra cho thấy những gì cha mẹ họ [nhóm người thuộc thế hệ di dân thứ nhất] đã trải qua. Những câu chuyện đó có thể gợi mở đối thoại và cho phép người ta nhìn vào sự thật quá đau thương đến nỗi không thể tự dưng mang ra mà nói. Còn đối với thế hệ cha mẹ [khi đọc được những điều tác giả đã viết xuống], sẽ thấy rằng “kinh nghiệm của mình có giá trị, và có người đã viết nó ra.”

Ngoài nét sắc sảo và và tính giải trí cao, thì đối với những ai không có mối quan hệ cụ thể với Việt Nam, tác phẩm của Thanhhà cũng đưa ra nhiều bài học về sự đồng cảm mà đến giờ vẫn rất cần thiết, nhất là ở những nơi mà các làn sóng di dân vẫn còn tiếp diễn. Suy niệm về thành công của người Việt khắp nơi trên thế giới, cả trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, Thanhhà nói cô hy vọng câu chuyện của họ có thể giúp các người khác nhìn thấy hình ảnh mới của dân tị nạn, và “không chỉ nhìn vào người đang đứng trước mặt bạn mà hãy hình dung những gì sẽ xảy ra trong 50 năm nữa.”

Khi bạn thấy chính mình đang tưởng tượng về những gì sẽ xảy ra cho các nhân vật sau khi chương cuối kết thúc, đó là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho biết nó là một quyển sách hay. Bướm Vàng khiến độc giả suy ngẫm. Hằng, LeeRoy và Linh đang ở đâu vào năm 2020? Thanhhà có một vài ý tưởng, nhưng quan trọng hơn, bạn cũng có những suy niệm của riêng mình, vì cô đã tạo ra những nhân vật đáng mến và độc đáo, họ vương vấn tâm tư bạn rõ lâu sau khi quyển sách đã được gấp lại. Mặc dù Thanhhà thừa nhận sách giống như con cái mình, và không nên cưng đứa nào hơn đứa nào, cô cho biết mình thích Bướm Vàng nhất. Sự ưu ái của tác giả cũng dễ hiểu thôi, vì sách mang đến cho mọi đối tượng độc giả thật nhiều điều thú vị và nhận thức sâu sắc.

Bạn có thể tìm mua Bướm Vàng trong các hiệu sách ở nước ngoài, hoặc tải phiên bản điện tử từ các đơn vị bán lẻ như Amazon.

Bài viết liên quan

in Loạt Soạt

Lĩnh Nam Chích Quái: Hồn cổ khoác lớp áo ma mị của Tạ Huy Long

Lĩnh Nam Chích Quái, ấn phẩm kỷ niệm 60 năm nhà xuất bản Kim Đồng, ghi lại những câu chuyện thần thoại kì ảo lưu truyền hàng nghìn năm trong dân gian. Với phần minh hoạ vô cùng kỳ công do họa sĩ Tạ Hu...

in Loạt Soạt

'Mùa Hè Bất Tận,' món quà của người từng trải cho thanh xuân hồn nhiên và nhiệt huyết

Mùa hè không phải một mùa dễ chịu với ánh nắng bỏng rát và những cơn mưa xối xả bất chợt, nhưng nó để lại cho chúng ta những kỷ niệm rất đẹp về năm tháng cắp sách đến trường. Cũng từng là một học sinh...

Paul Christiansen

in Loạt Soạt

'Time Is a Mother' – Những dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời

Phải chăng danh tiếng khó là bạn đồng hành cùng người làm thơ?

in Loạt Soạt

'Truyền Kỳ Mạn Lục' kể chuyện 'drama' tam giới li kì của văn học trung đại

“Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải.”

in Loạt Soạt

Học giả Hà Văn Tấn đưa ta 'Theo Dấu Các Văn Hoá Cổ'

Nguồn gốc luôn là một phạm trù làm con người đảo điên, ở mọi thời đại và trên mọi phương diện: từ nhân chủng, văn hoá lẫn tâm linh. Một cá nhân sẽ ít nhất một lần tự vấn về nguồn gốc của bản thân, gia...

Paul Christiansen

in Loạt Soạt

The Magic Fish: Danh tính, gia đình, 'come out' với cha mẹ qua góc nhìn cổ tích

Những điều chúng ta không thể diễn đạt thành lời đôi khi lại là chất liệu tuyệt vời nhất để viết nên một câu chuyện. Truyện cổ tích như một phiên bản đầy đủ của một câu tục ngữ được tiền nhân gửi gắm ...

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...