Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Chương » Loạt Soạt » Am Mây Ngủ: Cuộc hòa thân đầy toan tính của Huyền Trân công chúa dưới góc nhìn của Thích Nhất Hạnh

"Nàng thấy sự sống của người dân Chàm không khác gì sự sống của người dân Việt, cả hai dân tộc cùng đau những nỗi đau như nhau, cùng buồn những nỗi buồn như nhau, cùng ao ước những nỗi ao ước như nhau.” 

Công chúa An Tư được vua Trần Thái Tông gả cho tướng giặc Thoát Hoan với mong muốn làm chậm bước tiến của ngoại xâm. Công nữ Ngọc Vạn của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bằng lòng gả đến Chân Lạp để tiếp tục công trình mở cõi của tổ tiên. Suốt chiều dài lịch sử, đã có biết bao “lá ngọc cành vàng” được sinh ra với số mệnh trả công ơn đất nước bằng cách trở thành sứ giả “hoà thân.” Khi học về sự nghiệp chống thù trong giặc ngoài của đấng nam nhi trong chính sử, có bao giờ bạn thắc mắc rằng trong tình cảnh ấy, các nàng công chúa sẽ có suy nghĩ gì, sẽ cảm thấy thế nào khi bằng lòng ra đi vạn dặm để giúp cha anh giành lấy nền hòa bình cho non sông?

Bắt đầu từ ý tưởng trên, tôi tìm thấy tập truyện Am Mây Ngủ của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Dựa trên những tư liệu chính sử và dã sử như Đại Việt sử ký toàn thưTam Tổ Thực LụcAm Mây Ngủ kể về cuộc sát nhập của Đại Việt và Chiêm Thành (vương quốc Chăm Pa). Các tình tiết được thuật lại dưới góc nhìn giả tưởng của vị hoàng đế xuất gia, cũng như lối diễn giải mang triết lý Phật pháp của của vị thiền sư. Trong đó, công chúa Huyền Trân là “viên gạch” đầu tiên trong công trình đặt nền móng hòa bình của Trần Nhân Tông và nhà vua xứ Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Simhavarman III).  

Khi Đại Việt còn nằm dưới sự thống trị của phương Bắc, Chiêm Thành đã nhiều lần mang quân đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân nhưng đều bị Trung Hoa đánh bại, cũng vì vậy mà việc phân định ranh giới giữa hai nước là vấn đề hết sức phức tạp. Năm 981, sau khi giành được độc lập, Đại Cồ Việt lần đầu mang quân chinh phạt vương quốc Chiêm Thành sau nhiều lần xảy ra xung đột, đánh dấu thay đổi trong quan hệ bang giao hai nước. Chiêm Thành thần phục Đại Việt nhưng không hoàn toàn khuất phục và thường bỏ triều cống dưới thời Lý. Đến năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý cho nhà Trần làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, mối hòa hảo giữa hai nước được lập lại trong thời gian ngắn ngủi.

Sự hy sinh của nàng công chúa cho thời cuộc

Mở đầu cuốn sách là lời bạt cho thấy tấm lòng của Phật hoàng Nhân Tông và sứ mệnh của công chúa Huyền Trân — con gái ngài. Mười chương truyện là hành trình thực hiện sứ mệnh của Huyền Trân được sư ông làng Mai kể bằng giọng văn bình đạm của một thiền sư đã mang đến thông điệp thấm đượm lòng nhân ái và chất thiền của Phật giáo.

Phiên bản Huyền Trân công chúa được Am Mây Ngủ khắc hoạ từng hoài nghi bản thân chỉ là một món hàng đổi chác. Nhưng khi hiểu được tầm nhìn của vua cha, nàng bằng lòng đến Chiêm Thành với mong ước cuộc hôn nhân của nàng và vua Chiêm sẽ giúp xóa nhòa hận thù chất chứa trong lòng hai dân tộc bấy lâu. Nàng nỗ lực học tiếng Phạn và văn hóa Chiêm, nỗ lực hiểu và yêu thương dân Chiêm như dân Việt. Thế nhưng khi vua Chế Mân và thượng hoàng qua đời, triều đình hai nước không ai hiểu được tấm lòng đó của tiên đế và tiếp tục đẩy nhân dân hai nước vào cuộc chiến kéo dài. Điều đó khiến Huyền Trân đau lòng và cho rằng sự hy sinh của mình là vô nghĩa:

Mấy ai hiểu được lòng của Trúc Lâm đại sĩ. Ai cũng xưng là Phật tử nhưng mấy ai có được một trái tim và hai con mắt từ bi như ngài.

Trải qua bao e ngại, hạnh phúc, lo âu, thất vọng rồi lại hy vọng, Huyền Trân muốn được tái sinh trong một kiếp khác, làm một người thiếu phụ thôn quê, dân dã. Và mong ước đó của nàng đã hoàn thành. Đọc Am Mây Ngủ, tôi nhận ra số phân của Huyền Trân có chăng vẫn còn may mắn so với những công chúa khác trong lịch sử Việt Nam, bởi sau hàng loạt biến cố, nàng có cơ hội được sống một cuộc đời bình thường như mong ước và “đền trả công ơn đất nước” theo cách của một Phật tử.

Sau khi trở về từ đất Chiêm, Huyền Trân quyết định nương náu nơi cửa thiền với pháp danh Ni sư Hương Tràng. Nàng hiểu rằng khi nàng chăm sóc cho một chú tiểu tại chùa là đang chăm sóc cho thế tử Chế Đa Gia — đứa con trai mà nàng đã phải bỏ lại Chiêm Thành — và cũng là chăm sóc cho con dân Việt-Chiêm. Đó là cách Huyền Trân tiếp tục công trình của cha nàng.

Chiến tranh có thể được ngăn chặn bởi sự tôn trọng và thấu hiểu?

Ai cũng từng nghe đến câu phong dao: “Tiếc thay hột gạo trắng ngần / Đã vò nước đục laị vần lửa rơm,” ám chỉ không ai khác ngoài nàng công chúa Huyền Trân. Tư tưởng phân biệt “kinh-thượng” được thể hiện qua phép so sánh công chúa Huyền Trân với tư dung quý báu như vàng ngọc, bị gả đi làm vợ cho vua Chiêm Thành là “nước đục.” Trong khi ấy, khi nước Việt còn nằm dưới sự đô hộ của phương Bắc, người Chăm đã có những thành tựu về kinh tế, chính trị và văn hóa đáng kể. Hà cớ gì mà dân chúng ta lại xem thường họ? Quả nhiên, một mối quan hệ không có sự tôn trọng lẫn nhau thì không thể là mối quan hệ bền vững:

Người Đại Việt đã từng nguyền rủa nước Tống và người Nguyên vì sự hung dữ và óc xâm lược của những nước này. Vậy thì tại sao người Việt lại vẫn không thôi dòm ngó nước Chiêm và dở cái trò ỷ mạnh hiếp yếu?

Chính sự thiếu tôn trọng này đã dẫn đến cuộc giải cứu “bội tín” — cướp Huyền Trân từ đất Chiêm trở về Đại Việt. Trong Am Mây Ngủ, cuộc giải cứu đẫm máu được lướt qua nhẹ nhàng dưới góc nhìn của Huyền Trân như để tránh khơi dậy những vết thương, những mất mát của một đời người, của một dân tộc và để hận thù lịch sử được ngủ yên.

Chính Huyền Trân cũng không hiểu được anh mình, tức vua Anh Tông, khi được cứu về từ đất Chiêm bằng một kế hoạch mà nàng không thể không nghe theo. Chính Huyền Trân còn cảm thấy nước Việt thật xa lạ: “Chính nước Đại Việt là nước của mình mà công chúa còn chưa biết rõ thì làm sao hiểu được dân Chiêm?” Khi Đại Việt xem mối hòa thân với Chiêm Thành là một cuộc “phấn son mở cõi,” lấy nước mắt má hồng để tô thắm non sông, thì với Chiêm Thành, đó là bước đánh đổi vì nền hòa bình, là khát vọng yên ổn của con dân. Đại Việt, trong khi bị tham vọng làm mờ mắt, đã quên mất sự quý giá của thái bình cùng nỗi thống khổ của cả người dân Việt và dân Chiêm.

Lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình

Mối duyên nợ thấm mẫu máu đào giữa hai dân tộc Việt-Chiêm còn kéo dài đến nhiều thế kỷ về sau. Dưới góc nhìn của thiền sư Thích Nhất Hạnh, bi kịch này của hai dân tộc xuất phát từ việc thiếu thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau — Huyền Trân đã không thể hoàn thành công trình của thượng hoàng Nhân Tông là mang lại hòa bình cho hai nước bởi tham vọng của chính triều thần đôi bên. Sự thiếu thấu hiểu của những người kế thừa dành cho sự nghiệp của tiên đế là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nền bang giao hai nước. Tuy nhiên, tác phẩm không phải là một lời biện minh cho những sai lầm trong quá khứ mà để nhắc nhở cho hiện tại.

Trong Am Mây Ngủ, Thích Nhất Hạnh không né tránh khi nói về quan hệ căng thẳng từ ngàn đời giữa Đại Việt và Chiêm Thành, cũng không che giấu tham vọng mở cõi của Đạt Việt và kế hoạch “giải cứu” Huyền Trân là biểu hiện của sự bội tín. Từ góc nhìn của tác giả, mối giao hảo ban đầu được xây dựng trên tình cảm giữa thượng hoàng Nhân Tông và vua Chế Mân, tuy nhiên quan lại triều đình Đại Việt lại có lòng tham khi tiếp nhận hai châu Ô, Lý và sau đó tiếp tục can thiệp vào triều đình xứ Chiêm nhằm bức họ lùi dần về phía Nam:

Vua nói rằng việc vua Chàm có ý định dâng hai châu Ô và Ri là do từ ý vua ấy đề nghị để bày tỏ thiện chí muốn xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước chứ không phải chuyện mua bán. Trong triều có người vì tham đất nên tán thành chuyện thông gia giữa hai nước, nhưng riêng vua, vua không nghĩ như họ. Vua rất quan tâm đến hạnh phúc của công chúa và nghĩ rằng cuộc nhân duyên này có thể mở ra một chân trời ngoại giao mới, có rất nhiều hứa hẹn.

Cuộc thông hôn giữa Đại Việt và Chiêm Thành là nỗ lực giải quyết mâu thuẫn bằng con đường hòa bình, hai bên đều có được điều mình muốn, vì mục đích an cư, lạc nghiệp của nhân dân. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn chiến tranh đó đã thất bại và dẫn đến hệ quả là sự kiệt quệ của triều đình nhà Trần khiến Đại Việt, một lần nữa, phải chịu đựng sự đô hộ của phương Bắc. Quan hệ Việt-Chiêm là một lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình và sức mạnh của liên minh hữu nghị.

Lời kết

Tôi cho rằng, thông điệp lớn nhất nằm ở phần phụ lục. Phụ lục niên biểu liệt kê các sự kiện trong vòng gần trăm năm của triều Trần, bắt đầu từ năm 1292 khi Thái tử Thuyên (tức vua Anh Tông, anh của Huyền Trân) lên ngôi Thái tử và kết thúc bằng sự kiện:

“Năm 1377, Vua Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành bị phục kích chết trong thành Trà Bàn. Quân Đại Việt thua lớn. Cuối năm, chiến thuyền Chế Bồng Nga ra Thăng Long.

Ta thường nghe nói một nền hòa bình được hình thành từ nhiều cuộc chiến nhưng chiến tranh luôn luôn là điều vạn bất đắc dĩ. Sau khi “giải cứu” công chúa khỏi tập tục tuẫn táng cùng vua Chiêm, triều đình Đại Việt tiếp tục can thiệp sâu vào triều chính Chiêm Thành — bắt vua cũ, lập vua mới —  và đẩy nhân dân hai nước vào những cuộc chiến tranh vô nghĩa, thứ đã ngốn hết quốc lực và góp phần làm sụp đổ cả triều đại trăm năm.

Ta có thể đặt ra vô vàn giả thuyết, chẳng hạn như nếu vua Chế Mân không mất sớm, nếu Phật hoàng không viên tịch chỉ một thời gian ngắn sau đó, nếu vua Anh Tông và triều đình Đại Việt không mang lòng tham vọng mà can thiệp quá sâu vào chính sự Chiêm Thành thì liệu quan hệ ngoại giao hòa bình giữa hai nước có thể được duy trì, liệu lịch sử có rẽ theo một hướng khác? Tuy những giả thuyết tươi sáng ấy không thể thay đổi quá khứ nhưng tôi nhận ra, biết đâu ta có thể tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề hiện tại và tương lai.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Văn Chương

5 tựa sách bỏ túi cho bạn đọc yêu di sản văn hóa Việt Nam

    Trên hành trình thực hiện nội dung cho chuyên trang, Saigoneer đã may mắn được gặp gỡ nhiều cá nhân cùng chia sẻ “duyên nợ” và tình yêu với công cuộc khám phá Việt Nam. Bằng đam mê v...

in Trích or Triết

Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng...

Michael Tatarski

in Loạt Soạt

Tiểu thuyết 'Build Your House Around My Body': Một Việt Nam đan xen nhiều mảnh đời từ quá khứ đến hiện tại

Tại văn phòng Saigoneer, chúng tôi có chung một trăn trở về sự phổ biến của chủ đề chiến tranh trong văn học về Việt Nam. Đến tận ngày nay, các tác giả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ngay cả nh...

in Loạt Soạt

'Truyền Kỳ Mạn Lục' kể chuyện 'drama' tam giới li kì của văn học trung đại

“Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải.”

in Văn Chương

Gói ghém kho tàng văn học đồ sộ Việt Nam trong cạc bo góc của Nhã Tự

Bắt nguồn từ văn hóa thần tượng Hàn Quốc, những chiếc “cạc bo góc” (photocard — thẻ in hình nghệ sĩ) được nhiều người trẻ sưu tầm bởi sự nhỏ gọn và xinh xắn của chúng. Nắm bắt được trào lưu này, Nhã T...

in Loạt Soạt

Lĩnh Nam Chích Quái: Hồn cổ khoác lớp áo ma mị của Tạ Huy Long

Vào thời điểm ngày lễ Halloween cần kề, hơn bao giờ hết, người ta lại muốn được sống trong không khí ma mị: các bộ phim về thành phố zombie hay ngôi nhà ma ám thi nhau ra rạp, những cuốn tiểu thuyết k...