Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Chương » Loạt Soạt » Từ 3 hồi ký của Nguyễn Ngọc Ký, nhìn lại 70 năm giáo dục cho người khuyết tật tại Việt Nam

Trước khi biết đến câu nói “No limbs, no limits” của Nick Vujicic, thế hệ 8x, 9x ở Việt Nam đã lớn lên cùng một phiên bản truyền cảm hứng bình dị hơn: bài đọc “Bàn chân kỳ diệu” về Nguyễn Ngọc Ký trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2. Hình ảnh cậu học trò ngồi trên nền đất, chân kẹp viên phấn bằng ngón cái và ngón trỏ, nắn nót viết từng chữ trên nền gạch đã tạo nên cảm xúc mạnh trong lòng những người đi dạy cũng như học sinh mới tập đọc.

Là một đứa trẻ sinh ra lành lặn, sống trong điều kiện đầy đủ, tôi từng ngán ngẩm khi nghe về các tấm gương vượt nghịch cảnh như trên, vì người lớn hay lấy ra răn đe với lý lẽ “người ta bị như vậy mà còn học giỏi, còn con thì chả vào đâu.” Việc bị nhồi nhét các câu chuyện truyền cảm hứng từ bé khiến tôi dần mệt mỏi trước thông điệp sáo rỗng “có ước mơ, có khát khao ắt mọi thứ sẽ thành.”

Thế nhưng, những hình ảnh về cậu học trò viết bằng chân vẫn để lại một ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi. Một sự tò mò xen lẫn thán phục, tôi thắc mắc rằng: “Trong bối cảnh thiếu thốn của xã hội cũ, một người thiếu đôi tay đã học đại học thế nào và làm nhà giáo ra sao?” May mắn thay, nhờ ba tựa hồi ký mà nhà giáo để lại, tôi đã có được câu trả lời.

Chân dung nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Từ cơn sốt bại liệt lúc bốn tuổi đến đôi bàn chân kỳ diệu

Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại vùng quê nghèo Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong một gia đình có gồm năm người con. Là con út, chào đời trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ tuổi cao, ông là niềm vui lớn của cả nhà và họ hàng. Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu thì năm lên 4 tuổi, cơn sốt bại liệt đã tước đi đôi tay của cậu bé nghịch ngợm.

Ôi, sao kỳ lạ thế này, hai cánh tay tôi bỗng trở nên nặng trịch. Tôi không còn đủ sức giơ nó lên nữa! Ít ngày sau người khoẻ hẳn, tôi dậy đi được. Nhưng đôi tay của tôi đã chẳng còn nguyên vẹn. Nó như hai cục thịt lủng lẳng đeo vào hai bên mình tôi. Tôi cảm thấy nặng như không phải chính tay của mình. Hồi đó tôi vừa tròn bốn tuổi.

Trong bối cảnh Việt Nam xóa sổ bệnh bại liệt đã được 20 năm, câu chuyện của Nguyễn Ngọc Ký mang tính lịch sử khi kể về thời kỳ y tế, môi trường chưa phát triển, về điều kiện khó khăn toàn dân phải hứng chịu trong giai đoạn chiến tranh. Tiếng khóc của người cha là nỗi đau của một gia đình khi có đứa con với cơ thể không còn lành lặn, khi cái nghèo ngày ấy đi liền với nỗi lo toan rằng con mình sẽ không thể lớn lên một cách độc lập:

- Thật ông trời không có mắt con ạ. Người ta có năm có mười thì tốt, mình có một thì trời lại bắt tội.
Nói đến đây tiếng bố tôi nhỏ dần và ngừng hẳn. Chắc bố tôi khóc. Rồi bố tôi lại ôm chặt tôi hơn, nói tiếp, giọng nghẹn lại:
- Sau này bố mẹ chết đi, con biết làm gì để sống!

Tôi Đi Học: Đi tìm con chữ trong những năm tháng chiến tranh

Có tên gốc là Những Năm Tháng Không Quên, quyển hồi ký đầu tiên được Nguyễn Ngọc Ký viết vào những ngày tháng khi còn là sinh viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Ấy nhưng một phép màu, Nguyễn Ngọc Ký đã vượt qua kỳ vọng của gia đình. Ông nghe theo tiếng gọi con chữ ở lớp Bình Dân Học Vụ để rồi bắt đầu về nhà nguệch ngoạc, những nét chữ đầu tiên phủ kín đến tràn sân. Từ một cậu bé đến lớp với mục đích “cho có bạn có bè,” ông nỗ lực vươn lên thành học sinh xuất sắc, tham dự kỳ thi toán của tỉnh, rồi toàn quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần trao tặng huân chương.

Hành trình ấy được ông thuật lại qua tự truyện đầu tay Tôi Đi Học — gồm nhiều mẩu chuyện từ lúc ông lọt lòng đến khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học, tạm biệt vùng quê Nam Định lên Hà Nội. Bằng giọng văn giản dị nhưng chan chứa niềm, ông dẫn dắt người đọc vào khung cảnh làng quê xưa vẫn còn tàn tích của chiến tranh, ở lớp học Bình Dân Học Vụ giữa lứa học sinh đủ tay, đủ chân, đủ tuổi đang ngồi học, có cậu bé cố đứng nép bên cửa lớp cố chỉ để rót được chữ vào tai.

Nguyễn Ngọc Ký tập viết chữ bằng chân tại lớp Bình Dân Học Vụ.

Thời điểm bấy giờ, trường học chỉ được thành lập trên những cơ sở xập xệ. Học sinh thường xuyên phải sơ tán sang cơ sở khác, đổi giờ học từ sáng thành đêm. Con đường đến trường của Ký cũng lắm gian nan khi toàn sỏi đá trơn trượt. Ông duy trì ngọn lửa đến trường không chỉ bằng sự ham học, bên cạnh ông còn có sự hỗ trợ của bao bạn bè thay phiên cõng, dìu khi đoạn đường trắc trở. Và cha mẹ của ông —  những người lao động nghèo — cũng đã gắng sức đồng hành bên con từ bữa ăn, giấc ngủ đến cả báo thức để con có được cái chữ, dù họ không biết ông sẽ có những bước tiến rất xa trong cuộc đời.

Sự quyết liệt của ông ngày ấy đã chinh phục được cô giáo Cương trẻ tuổi, đến mức cô phải bước vào nhà để xin bố mẹ cho cậu được đi học. Và rồi, cậu bé Ký được đặc cách ngồi ở tấm chiếu để tập viết những con chữ đầu tiên. Cô giáo ấy đã kiên nhẫn dìu dắt, đến tận nhà cậu vào những buổi vắng học và buổi chiều để uốn nắn từng nét chữ. Không phụ lòng cô Cương, Ký đã hoàn thành xuất sắc những nét chữ, những bài toán để bước vào lớp 1 chính thức ở trường tiểu học, được thầy cô, bạn bè dìu dắt trong việc học hành, vui chơi, cải thiện môi trường học tập thi cử khi đến lớp và thi học sinh giỏi.

Tác phẩm phản ánh tâm huyết của những nhà giáo khi chấp nhận và giúp cậu trò nhỏ phát huy tối đa khả năng, dù bối cảnh giáo dục ngày ấy gần như chỉ dành riêng cho những học sinh “lành lặn.” So với thời điểm hiện tại, khi chúng ta có những cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật như Hy Vọng hay Niềm Tin, nỗ lực sáng các thầy cô ở vùng quê Hải Hậu tạo điều kiện để Ký hăng say học tập, bất kể thời tiết nóng bức, lạnh giá — là một nỗ lực vượt thời đại.

Hoàn thành trọn vẹn Tôi Đi Học, người ta không còn nhìn Nguyễn Ngọc Ký đơn thuần là tấm gương vượt qua nghịch cảnh, mà vỡ lẽ rằng: chính tư chất thông minh và sự bền bỉ trong học tập, cũng như sự san sẻ của cộng đồng, đã khiến ông có được cơ hội học hành, làm việc bình đẳng như bao người khác.

Tôi Học Đại Học: Hành trình trưởng thành trên mảnh đất thủ đô

Tự truyện thứ hai, Tôi Học Đại Học, phải mất đến hơn 40 năm để hoàn thành.

Những thông điệp trong Tôi Đi Học được củng cố qua Tôi Học Đại Học — tuyển tập về hành trình của Nguyễn Ngọc Ký tại giảng đường đại học trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Vì chăm lo công việc dạy học và chỉ có hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật để viết, tác phẩm mất đến bốn thập kỷ để thai nghén. Căn bệnh viêm cầu thận cấp và viêm khớp cũng khiến việc biết lách của ông chậm lại. Tuổi cao càng khiến việc nhớ lại ký ức có phần khó hơn. Dẫu vậy, ông vẫn vừa viết, vừa cố chắp nối lại những ký ức của thời kỳ chiến tranh của mình

Trải dài hơn 300 trang, lời tự sự của ông vẽ nên một bức tranh thời chiến gần gũi, thấm thía hơn rất nhiều. Câu chuyện mở đầu từ việc cậu sinh viên Ký phải bất đắc dĩ “nhảy tàu” để lên đường đi học. Dịch ghẻ ngứa khiến cơ thể ông lở loét, nằm viện dài ngày liên miên, nhưng ông vẫn chu toàn kết quả học tập. Người đọc thấy được tình người cũng những con người thời kỳ sơ tán, chiến tranh, của tình nghĩa vợ chồng.

Cuộc gặp của Nguyễn Ngọc Ký và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Qua câu chuyện về cuộc gặp gỡ của thầy với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tình thân ấm áp giữa con người dành cho nhau, sự quan tâm tự nhiên như những người thân trong gia đình lại được khắc hoạ rõ nét hơn. Chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã định hướng cho cậu sinh viên Nguyễn Ngọc Ký khi ấy về việc về quê trở thành ông giáo làng gieo cái chữ cho lũ trẻ ở vùng quê khát chữ, đồng thời không ngừng nuôi dưỡng nguồn cảm hứng trong viết lách để trở thành nhà văn, nhà thơ.

Bác quay sang hỏi tôi về hướng công tác sắp tới. Sau khi nghe tôi trình bày các nguyện vọng, bác khe khẽ gật đầu: “[....] cái quan trọng của dạy văn là viết vào tâm hồn trẻ chứ đâu phải viết bảng. Ký cứ mạnh dạn thực hiện đi! Bác tin là cháu sẽ dạy tốt như đã học tốt bằng cách của riêng mình.”

Ngoài cuộc gặp gỡ mang tính đổi đời này, người đọc cũng có dịp diện kiến một vài nhân vật lừng lẫy trong khoa học và văn học Việt Nam thời chiến, như giáo sư Nguỵ Như Kon Tum — nhà khoa học vật lý, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, hay buổi ghé thăm chia sẻ về nghề viết của nhà văn Nguyên Hồng với lớp Văn của trường thời bấy giờ.

Ở gần cuối sách, độc giả có dịp đồng hành cùng thầy Ký trong việc chăm chút cho đứa con tinh thần đầu tiên, chính là quyển tự truyện đầu tay Tôi Đi Học ngay tại văn phòng của Nhà Xuất Bản Kim Đồng. Chúng ta được dẫn dắt vào những ngày làm việc hối hả ở căn nhà cũ chật chội, ẩm mốc trong tiết trời nóng nực của Hà Nội.

Thời điểm chưa có máy vi tính, Nguyễn Ký đã trải chiếu, kẹp cây bút giữa đôi chân, để viết những dòng hồi tưởng về thuở ấu thơ đi học, lớn lên trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô, bạn bè. Bản thảo ấy sẽ không được hoàn thành đúng tiến độ nếu không có người bạn đồng môn bên cạnh hỗ trợ, đọc lại và cùng viết. Họ cùng sóng đôi bên nhau, vừa cả lúc viết tự truyện cho đến khi cùng làm luận văn tốt nghiệp.

Về sau khi máy tính trở nên phổ biến, Nguyễn Ngọc Ký cũng tự tập luyện để sử dụng công cụ viết lách mới này.

Có lẽ vì thế mà quyển sách ban đầu có tựa đề Lớn Lên Trong Tình Yêu Thương, vì với ông, cuộc sống đã quá may mắn khi ban nhiều tình hỗ trợ, thương yêu từ tất cả mọi người, chỗ dựa tinh thần để ông có thể vươn xa hơn nữa.

Tâm Huyết Trao Đời: Lời tự sự chân thực về rào cản với người khuyết tật

Xuất bản năm 2013, Tâm Huyết Trao Đời là tự truyện cuối cùng của nhà giáo.

Nếu hai tự truyện về hành trình đi học là những mẩu chuyện chứa chan tình yêu thương với thầy cô, bạn bè, thì Tâm Huyết Trao Đời kể về hành trình đi dạy chứa nhiều thực tế gai góc. Nhà giáo phải đối mặt với những định kiến mà nhiều người khuyết tật khác gặp phải khi bước chân vào thị trường lao động.

Bất kể đã có giấy giới thiệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông bị nơi tuyển dụng đầu tiên từ chối nhận việc. Và ngay cả khi tìm được lối vào môi trường sư phạm, không ít lần ông phải nghe những lời bán tán về khả năng của một giáo viên khuyết tật, nghi ngờ rằng ông “có thể làm nên điều gì tử tế cho lứa học sinh.” Họ cho rằng sự hiện hữu của ông chỉ đơn thuần là việc được ưu ái.

Trước ý tưởng mới của tôi, ông Phả một giây suy nghĩ rồi hỏi luôn: Sao? Anh dùng chân giơ lên bảng viết ư? Sao chuẩn được! Đấy là chưa nói đến chuyện mô phạm đó. Các anh biết rồi đấy. Người thầy khi lên lớp tất tất mọi cử chỉ, hành vi đều phải mẫu mực, phải mô phạm. Ông thầy không bao giờ cho phép mình làm bất cứ điều gì gây ra phản cảm trước mắt học trò. Đó là một nguyên tắc sư phạm bất di bất dịch mà ai cũng phải tuân thủ, anh Ký ạ.

Những khuôn mẫu như “chuẩn mực,” “mô phạm” được áp dụng để thiết lập rào cản, giới hạn một người khiếm khuyết có thể tiến xa được bao nhiêu, đạt được thành tựu gì trong cuộc sống. Và hơn cả câu châm chọc “thằng què” hay trò nghịch tay của bọn trẻ con, sự phân biệt ấy phơi bày thiếu sót lớn lao trong nhận thức của xã hội Việt Nam thời kỳ sau giải phóng. 

Độc giả được dịp đồng hành cùng Nguyễn Ngọc Ký trong việc giải quyết bài toán: làm sao có thể trở thành nhà giáo “chuẩn sư phạm”? Câu trả lời nằm ở việc soạn ba giáo án cho mỗi bài giảng, thiết kế tiết học trên lớp bằng câu hỏi lôi cuốn, và hệ thống ròng rọc do ông tự sáng chế để hiện nội dung bài học. Kết quả, những bài giảng “ít phấn,” “ít mô phạm” ấy của ông không những thành công trong việc khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh, mà còn được tuyên dương bởi đoàn thể địa phương nhờ tính chất sáng tạo. Từ đó, ông giúp phần nào tái định nghĩa quan niệm “cơ thể nguyên vẹn mới là chuẩn” của cộng đồng quanh mình lúc bấy giờ.

Sự hiện diện của Nguyễn Ngọc Ký là một ngọn hải đăng cho các học sinh mang khiếm khuyết về cơ thể.

Nửa sau của hồi ký là những mẩu chuyện về đời sống của ông khi bước xuống bục giảng, và trở về nhà trong vai trò của một người chồng, người cha. Người đọc không khỏi xúc động trước những dòng chữ chan chứa tình yêu ông dành cho gia đình, khi ông âu yếm ôm cô con gái Ngọc Ánh bằng “vòng chân” trong tiếng ru hời, hay khi ông thức dậy từ sáng tơ mơ để giặt tã và đỡ đần cho vợ. Qua đó, một hình ảnh bình dị hơn của nhà giáo, cũng như mưu cầu cơ bản của người khuyết tật được thể hiện. Đó khát khao yêu thương, khát khao sống trọn vẹn và xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Ta cũng lại thấy tinh thần bền bỉ, giàu nghị lực của ông khi dùng chất thơ để vượt lên nỗi đau thể chất. Trong thời gian điều trị bệnh viêm cầu thận và suy thận, ông lại liên tục nghĩ ra ý tưởng để viết và nhờ người vợ chép lại cho mình. Giữa những lần nằm lọc máu đau đớn, ông sáng tác thêm rất nhiều tác phẩm thiếu nhi như câu đố và truyện cổ tích để tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo từ giường bệnh.

Người vợ hiền là “đôi tay” cho ông.

Lời kết

Dù các tác phẩm khá trung thành với những mô típ như vượt hoàn cảnh khó khăn để truyền cảm hứng, nhưng tự truyện của Nguyễn Ngọc Ký không chỉ đơn thuần là bức chân dung về một tấm gương nghị lực. Hơn thế nữa, hành trình đi học và bước lên bục giảng của ông phản ánh tâm tư và mong mỏi thực sự của người khuyết tật trong xã hội: được hoà nhập và đóng góp hết sức mình cho cuộc đời.

Bài viết liên quan

in Loạt Soạt

Am Mây Ngủ: Cuộc hòa thân đầy toan tính của Huyền Trân công chúa dưới góc nhìn của Thích Nhất Hạnh

"Nàng thấy sự sống của người dân Chàm không khác gì sự sống của người dân Việt, cả hai dân tộc cùng đau những nỗi đau như nhau, cùng buồn những nỗi buồn như nhau, cùng ao ước những nỗi ao ước như nhau...

in Loạt Soạt

Lĩnh Nam Chích Quái: Hồn cổ khoác lớp áo ma mị của Tạ Huy Long

Vào thời điểm ngày lễ Halloween cần kề, hơn bao giờ hết, người ta lại muốn được sống trong không khí ma mị: các bộ phim về thành phố zombie hay ngôi nhà ma ám thi nhau ra rạp, những cuốn tiểu thuyết k...

in Loạt Soạt

'Mùa Hè Bất Tận,' món quà của người từng trải cho thanh xuân hồn nhiên và nhiệt huyết

Mùa hè không phải một mùa dễ chịu với ánh nắng bỏng rát và những cơn mưa xối xả bất chợt, nhưng nó để lại cho chúng ta những kỷ niệm rất đẹp về năm tháng cắp sách đến trường. Cũng từng là một học sinh...

in Văn Chương

Gói ghém kho tàng văn học đồ sộ Việt Nam trong cạc bo góc của Nhã Tự

Bắt nguồn từ văn hóa thần tượng Hàn Quốc, những chiếc “cạc bo góc” (photocard — thẻ in hình nghệ sĩ) được nhiều người trẻ sưu tầm bởi sự nhỏ gọn và xinh xắn của chúng. Nắm bắt được trào lưu này, Nhã T...

in Loạt Soạt

Từ Huấn Lục: Hoàng thái hậu Từ Dụ và những lời dạy còn sống mãi

“Ta nhân lúc giải phiền muộn xin mệnh xa giá đi bắn chim, nếu hợp hoàn cảnh thì cho, không hợp thì không, không nói nhiều lời. Mỗi khi thường răn về số lần, mẹ nghiêm và từ như thế.” 

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội khai mở tiềm năng ở học sinh qua các môn nghệ thuật biểu diễn

Trong một lớp học nhảy, không phải học sinh nào cũng muốn theo đuổi sự nghiệp làm vũ công chuyên nghiệp, nhưng đây là một cơ hội cho các em rèn luyện những kỹ năng phát triển bản thân để sẵn sàng cho ...

in Giáo Dục

Phương pháp giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội tại Trường Quốc tế Saigon Pearl

Vai trò của trường học là gì? Đầu tiên đó là truyền đạt cho trẻ em kiến thức và những kỹ năng cần thiết để khi trưởng thành, các em có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng giáo dục khô...

in Giáo Dục

Những ưu tiên quan trọng trong chương trình giáo dục bậc tiểu học tại trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội

Có thể nói hai mối quan tâm hàng đầu của đa số phụ huynh đối với việc học của con em là điểm số các kỳ thi và khả năng đậu đại học. Thành tích học tập quả thật rất quan trọng, nhưng không phải là tất ...

in Giáo Dục

Khám phá ngành nhà hàng-khách sạn qua khóa học Junior Academy tại trường EHL, Thụy Sĩ

“Em từng là một người rụt rè... nhưng nhờ EHL, em đã có cơ hội gặp bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới và có được kinh nghiệm làm việc qua kỳ thực tập. EHL giúp em vươn ra khỏi vùng an toàn và tự ti...