Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Ai cũng nên trang bị cho mình một chiếc võng ở nhà

Ai cũng nên trang bị cho mình một chiếc võng ở nhà

Võng nên là một phần không thể thiếu của mọi nhà.

Tôi là người có nhiều quan điểm lập dị — thức ăn ngon hơn khi ăn lạnh; tiền mặt vẫn hơn chuyển khoản; phim ảnh chỉ nên dừng ở một phần; và nơi kì diệu nhất ở Sài Gòn là Thảo Cầm Viên. Nói chung tôi rất hiểu góc nhìn của những ai phản đối tôi; đúng là tôi lập dị thật. Tuy nhiên, đối với võng, tôi biết niềm yêu của mình là chân ái. Võng là tiện nghi tuyệt vời nhất và nên có mặt trong mỗi phòng khách hay phòng ngủ nhà bạn.

Ảnh minh họa một chiếc võng ở Mỹ vào thời kì khai thiên lập địa. Ảnh: Tài khoản Facebook Academia Salvadoreña de la Historia.

Trong tiếng Anh, từ chỉ võng là “hammock,” một biến thể của từ gốc tiếng Tây Ban Nha “hamaca,” và từ này lại là biến thể của một từ khác thuộc ngôn ngữ Arawak của thổ dân Taíno. Khi thực dân phương Tây đến Trung-Nam Mỹ, họ bắt gặp võng lần đầu tiên qua văn hóa của người bản địa và áp dụng ngay làm chỗ nghỉ cho hải quân trên những chuyến hải trình xuyên lục địa, vì võng rất ít tốn chỗ, và độ đung đưa giúp thủy thủ ngủ yên hơn giữa chênh vênh sóng nước. Võng hữu dụng đến mức những phi hành gia đầu tiên bay lên cung trăng cũng đem trong mình chiếc võng để nghỉ ngơi giữa những chuyến thám hiểm Mặt Trăng. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy rằng dân châu Âu cũng tự chế ra phương tiện giống võng nhiều thế kỉ trước, dựa vào những hình vẽ, tài liệu miêu tả sự có mặt của “giường treo” (hanging bed) vào thời Trung Cổ.

Ảnh minh họa một quan chức ngồi kiệu có võng. Ảnh: Tài khoản Flickr manhhai.

Ở Việt Nam, không rõ võng bắt đầu xuất hiện từ khi nào, nhưng hình ảnh võng đã có mặt sớm nhất vào thế kỉ 13. Trong thời đại phân chia giai cấp rất rõ rệt, các bậc vua chúa, bá hộ chủ yếu di chuyển bằng kiệu, vốn là võng có mái che, khiêng bằng sức người. Các quan lại cấp thấp hơn cũng đi võng, không phải mảy may đụng chân xuống đất.

Hình ảnh cái võng trong văn hóa dân gian thường gắn với những giai điệu miêu tả hình ảnh người mẹ vùng quê hương thanh bình đưa võng cho trẻ con ngủ, nhưng một số giai thoại lịch sử cũng đề cập đến chiếc võng trong tình cảnh loạn lạc. Khi Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn nổi dậy lật đổ chúa Trịnh, nhiều tài liệu mô tả lính Tây Sơn di chuyển thần tốc nhờ vào hình mẫu “thuyền cáng” 3 người: 2 người cáng trong lúc 1 người nghỉ trên võng, cứ thế thay phiên nhau để bảo toàn sức lực.

Người phu xe chợp mắt trên võng được mắc ngay dưới gầm xe. Ảnh: Tài khoản Flickr manhhai.

Buồn thay, ngày nay võng dường như thu mình lại, chỉ thường gắn với khung cảnh ngoại ô quê mùa hay nghèo nàn. Cà phê võng là hình thức nghỉ ngơi bình dân khắp các nẻo đường về miền Tây, mọc lên giữa rừng cao su, đồng không mông quạnh xa ánh đèn đô thị. Trong thành phố, nếu ta bắt gặp chiếc võng, chắc hẳn trong đó cũng là cô chú nào đó đang chợp mắt trốn cái nắng phương Nam cạnh công trường xây dựng. Võng nghiễm nhiên chẳng bao giờ xuất hiện trong quán cà phê để check-in hay phòng nghỉ hào nhoáng của dân văn phòng trong những tòa nhà chọc trời.

Có một dạo, tôi mắc võng trong văn phòng dù bị đồng nghiệp ngó nghiêng. Khi tôi di dời nó về mắc ở nhà, mấy đứa bạn tỏ ra ngờ vực vì nghĩ võng là phải ở ngoài trời. Đàn ông U40 mà đi nằm võng giữa nhà sao khó coi quá, tụi nó nói thế.

Ơ kìa?

Chiếc võng nhà tôi (cạnh mèo Mimi).

Nói thật nhé, độ êm, không gì bì được với võng. Trạng thái cân bằng mỏng manh giữa trọng lực và vải võng khiến ta thấy như đang lơ lửng, cảm giác khó tìm được trên cạn. Nằm võng cũng giúp giảm một số bệnh lý về lưng và cải thiện giấc ngủ, tùy theo loại võng và cơ địa, vài nghiên cứu riêng lẻ cho thấy. Ngoài ra, võng cũng rất vừa túi tiền và tiện lợi, nhờ vào khung xếp lại được, giúp ta di chuyển vị trí võng dễ dàng. Khi nằm võng, ai cũng có thể tưởng tượng mình đang là bá hộ ngày xưa, lính Tây Sơn thần tốc, hay thậm chí là phi hành gia. Cá nhân tôi hay nghĩ về cảm giác an yên khi được nghỉ chân trên võng uống cà phê, nói chuyện phiếm sau một ngày khám phá miền Tây mệt mỏi. Thích lắm chứ! Chưa kể, tôi cũng không quan tâm lắm nếu ai đó nghĩ rằng võng quê mùa, vì đối với tôi, võng chỉ dành cho những ai đề cao cảm giác thoải mái hơn là vẻ ngoài hào nhoáng.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xa...

Paul Christiansen

in Đời Sống

Viết cho túi bọc trái cây, 'chiến thần' diệt sâu bọ thầm lặng

Chuột, muỗi, rắn, rết, sâu, bọ và sên: một vùng đất càng trù phú thì lại càng được các đoàn thể, họ hàng nội ngoại của giống loài chuột bọ ưu ái.

Paul Christiansen

in Văn Nghệ

Viết cho tượng 12 con giáp — niềm vui bất tận của tôi mỗi dịp Tết về

Cứ mỗi mùa Tết đến, mạng xã hội Việt Nam trở nên xôm tụ khi mọi người khắp đầu cầu đất nước bắt đầu chia sẻ hình chụp tượng linh vật năm mới quê mình. Ngồi ngắm nghía tượng trên mạng cùng team Saigone...

Paul Christiansen

in Di Sản

Bưu điện Thành phố, Benjamin Franklin, và niềm tự hào nước Mỹ xa phương

Không khó để tìm thấy hiện thân của văn hóa Mỹ ở Sài Gòn.

Paul Christiansen

in Di Sản

Diện kiến 'Xác ướp Xóm Cải,' thi hài nữ quý tộc bí ẩn ngay giữa lòng Sài Gòn

Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng vì sao giữa lòng Sài Gòn lại có một xác ướp được trưng bày trang trọng chưa?

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Dù có đi phương nào, nơi đâu có thùng xốp dán băng keo, ở đó có Việt Nam

“If you know, you know.” (Ai hiểu thì hiểu)