Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Có một thế giới thanh âm tuổi thơ Sài Gòn giờ có muốn cũng khó tìm lại được

Một khi ai đó hay thứ gì đó mất đi trên đời, khía cạnh nào minh chứng cho sự tồn tại của họ sẽ phai nhạt đi đầu tiên trong kí ức của những người ở lại? Thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, hay thính giác?

Thành thật mà nói, tôi cũng không rõ, nhưng có lẽ thị giác sẽ là mảnh ghép lưu lại dai dẳng nhất với thời gian. Sau khi ba tôi mất, tôi giữ một tấm hình thẻ nhỏ xíu của ba trong ngăn ví. Chị tôi thì chọn bức hình ba cười tít mắt bên bánh kem và đèn cầy — lần cuối cùng chúng tôi mừng sinh nhật ông — để làm hình nền điện thoại.

Chỉ cần nhắm mắt lại, tôi có thể trôi ngược dòng ký ức về cổng trường ngày bé, vừa ù chạy ra đã thấy gương mặt ba đang chờ trên chiếc Honda quen thuộc, mái tóc xoăn hoa râm lấp ló dưới nón bảo hiểm. Muốn xem hình ba ngày trẻ, tôi chỉ cần mở tủ, lôi ra cả cọc hình gia đình đủ đầy các thành viên.

Nhưng dạo gần đây, mỗi ngày trôi qua tôi lại càng khó hình dung ra giọng ba. Ba tôi là một người đàn ông gốc Bắc điển hình với chất giọng lồng lộng. Chúng tôi vẫn hay đùa, chỉ cần ba cầm điện thoại lên nói là cả xóm đều nghe thấy. Tôi vẫn nhớ rõ cái âm lượng hào sảng ấy, nhưng dù có nhắm mắt bao nhiêu lần, tôi cũng không tài nào mường tượng trọn vẹn tiếng cười giòn, tiếng la rầy, hay tiếng ông gọi tôi ngoài cổng trường chiều nào. 

Ba tôi mất hồi 2015, chỉ vài tháng trước khi tôi mua được chiếc điện thoại có khả năng quay phim, chụp hình. Vậy nên trong tôi, ông chỉ còn hiện diện qua những dáng hình tĩnh mịch trên ảnh và ký ức mỗi ngày một phai. Giọng ba tôi — từng là một mảnh ghép hệ sinh thái âm thanh Sài Gòn — giờ cũng xem như đã tuyệt chủng.

Bảo tàng ra đời để nền văn minh con người bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật trước bụi đường thời gian; thư viện là cách ta cất kho tàng tri thức đời đời. Còn với âm thanh, có lẽ chẳng gì giữ tốt hơn internet — chỉ cần lỡ tay đăng lên một lần là không bao giờ xóa hết dấu tích.

Tôi là dân 9X, lớn lên đúng lúc người ta còn ngơ ngác hỏi: “Mạng là gì? Có ăn được không?” Rồi loáng cái, ai cũng lên Facebook khoe đồ ăn, check-in quán xá như một cách khẳng định mình vẫn tồn tại.

May mắn thay, giữa bản hòa nhạc những âm thanh từng nuôi tôi lớn, vẫn còn nhiều “mẫu vật” được lưu lại trên internet — dù ngoài đời, phiên bản gốc nay đã khan hiếm hoặc biến mất. Từ nhạc hiệu chương trình Gặp Nhau Cuối Tuần, nhạc xe kem Wall’s, cho đến tiếng nghêu ngao liến thoắng của Taxi — bé mèo cam nhà tôi, đã ra đi từ năm 2020.

Hình hiệu của chương trình Gặp Nhau Cuối Tuần. Vì VTV đã chặn không cho nhúng video lên web nên hãy nghe lại qua link này nhé.

Suốt 30 giây nhạc hiệu mở đầu Gặp Nhau Cuối Tuần, dường như chẳng có yếu tố thị giác hay thính giác nào liên quan đến hài kịch cả. Vậy mà với cả một thế hệ 9X Việt Nam, đoạn nhạc xập xình ấy lại như tiếng chim báo hiệu hai ngày nghỉ cuối tuần. Chương trình thường lên sóng đều đặn trên VTV3 vào 10 giờ sáng thứ Bảy — trùng khớp với “thời khắc vàng” mỗi tuần khi tôi choàng tỉnh và thở phào vì nhận ra rằng mình không phải đi học. Sau đó thường là một tiếng đồng hồ cuộn mình trong mền, vừa coi Gặp Nhau Cuối Tuần vừa chờ mẹ gọi xuống ăn trưa. Chương trình chỉ được sản xuất từ 2000 đến 2006. Dù VTV có quyết định hồi sinh nó gần đây, hình hiệu cũ cũng không còn nữa. Thế nên, đoạn nhạc đầy kỷ niệm ấy giờ chỉ còn tồn tại trên YouTube.

Những nốt nhạc kinh điển của xe kem Wall’s.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, vì sao Wall’s lại giữ vai trò cốt yếu đến thế trong tuổi hoa niên của mình? Là vì đoạn nhạc chuông ấy thật sự xuất sắc vượt thời, hay chỉ vì tôi sinh ra đúng thời điểm thiếu thốn sản phẩm văn hóa giải trí đến mức nghe gì cũng thấy hay?

Nhạc xe kem Wall’s chỉ vỏn vẹn mười nốt trên nền MIDI thô sơ, phát ra từ mấy chiếc loa vừa rè vừa ngắt quãng. Ấy vậy mà ít có âm thanh nào đủ sức khiến bọn trẻ chúng tôi phát rồ như tiếng xe kem Wall’s mấp mé đầu hẻm. Thùng kem đỏ chót giữa trưa, cố định sau yên xe đạp các chú bán kem. Vừa mở nắp, hơi mát phả ra mờ cả tròng kính cận; rồi khi hơi nước tan đi, hiện ra trước mắt tôi là một “vương quốc kem” đầy màu sắc, hương vị — dâu rừng, khoai môn, sô-cô-la chuối… Chúng tôi thuộc lòng từng nốt nhạc, thậm chí còn chế lời để hát theo: Không có tiền, không có tiền, không có tiền thì không có kem.”

Năm 2003, KIDO mua lại Wall’s từ tay Unilever, thay đổi nhận diện thương hiệu. Từ đó, đoạn nhạc 10 nốt ấy và những xe kem cũng biến mất khỏi đường phố Sài Gòn. 

Nhạc nền hay nhạc hiệu rồi cũng chung số phận: khi sản phẩm mà nó gắn liền không còn, giai điệu ấy cũng mất công năng. Nhưng với nhiều âm thanh hoài cổ khác, để xác minh sự tồn tại ấy, dù là manh mún, không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Cân sức khỏe lên sóng truyền hình.

Tôi vẫn nhớ hoài lần đầu tiên theo ba mẹ đi siêu thị hồi còn học tiểu học. Siêu thị Co.opmart Trần Hưng Đạo nằm ngay tầng trệt một chung cư cũ nay đã bị đập bỏ. Phía trước, giữa đủ thứ âm thanh hỗn độn, nổi bật là tiếng nhạc thâu băng du dưa phát ra từ mấy chiếc cân sức khỏe điện tử. Với tôi khi ấy, những chiếc cân như cỗ máy đến từ tương lai: cao ngang đầu người lớn, phía trên gắn chiếc đĩa kim loại từ từ hạ xuống để đo chiều cao. Sau khi đoạn nhạc hiệu kết thúc, cân sẽ chào mời: “Hoan nghênh đo tầm cao cân nặng, đo huyết áp, thử sức kéo…” Rồi khi khách đo xong, nó sẽ “kết luận” thẳng thừng kiểu: “Bạn hơi thừa cân, vui lòng luyện tập thể dục thể thao.” Trọn trải nghiệm từ A đến Z được lồng tiếng giọng nữ miền Bắc, vốn khá lạ lẫm với một đứa trẻ lớn lên ở miền Nam như tôi.

Tình cờ, trong một lần phỏng vấn người ép dẻo dạo cho một bài viết khác, tôi mới biết chiếc cân sức khỏe ngày ấy không phải tự dưng có mặt ở siêu thị gia đình tôi hay lui tới. Đầu những năm 2000, nhiều làng xã ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã tập trung "đào tạo" ngành nghề cân dạo, nhiều người dân đã dạt về khắp các tỉnh thành phía Nam để mưu sinh. Từ đoạn nhạc, lời mời chào, đến câu nhận xét “bạn hơi thừa cân…” đều được ghi âm sẵn tại làng. Tuy nhiên, đây không phải là nghề nghiệp bền vững nên dần dần, người ta cũng bỏ nghề đi làm việc khác. Tôi không dám chắc rằng tiếng cân điện tử và bộ âm thanh đặc trưng của mình đã hoàn toàn biến mất chưa, nhưng đã gần hai thập kỉ tôi đã không thấy ai đẩy cân dạo cả. Và để kiếm được trọn vẹn bản ghi âm ngày xưa trên mạng, có lẽ chỉ còn là chuyện không tưởng.

Keo dính chuột có thể không thật sự hiệu quả để loại trừ loài gặm nhấm có hại, nhưng lại có tiếng rao rất bắt tai.

Âm thanh từ chiếc cân sức khỏe chỉ là một ví dụ trong hàng trăm tiếng rao đường phố khác — một kho tàng rất khó sưu tầm đầy đủ, bởi ít ai nghĩ phải ghi lại. Những mẫu âm được thâu băng sẵn như tiếng cân sức khỏe, keo dính chuột, bánh mì Sài Gòn, hột vịt lộn, hột vịt vữa… còn dễ tìm nhờ có độ nhận diện và tính nhất quán cao.

Nhưng những tiếng rao đặc trưng, sống nhờ chất giọng, tính địa phương, hay óc sáng tạo và khiếu hài hước của chính người rao — thì chắc chắn sẽ mai một khi họ không còn xuống phố, vì bất cứ lý do gì: đổi nghề, di cư, hay tệ nhất là không còn trên đời nữa.

Đó là điều tôi sợ nhất, nhất là sau giai đoạn ly tán vì COVID-19. Bởi một khi con người không còn, thì văn hóa, cộng đồng, ký ức và những sáng tạo của họ… cũng sẽ theo chân sớm mà thôi.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Văn Nghệ

Ai cũng nên trang bị cho mình một chiếc võng ở nhà

Võng nên là một phần không thể thiếu của mọi nhà.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bóng Bay Đỏ: Làm mới hoạt hình tuổi thơ bằng âm nhạc hiện đại

18h30 ngày 5/7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, tôi được may mắn tham dự sự kiện Bóng Bay Đỏ: Âm nhạc cho Hoạt hình Việt Nam thế kỷ 20, do The Onion Cellar và Trung tâm TPD tổ chức, t...

Paul Christiansen

in Văn Nghệ

Hơn cả nơi neo đậu tuổi thơ, tiếng dế báo hiệu tương lai ẩm thực bền vững

Tiếng dế. Chỉ cần đọc hai chữ này thôi ta đã nghe văng vẳng trong tâm trí cái âm thanh rinh rích ấy. Tiếng tỉ tê của rung động đêm hè. Con người đã làm bạn với âm thanh dân dã ấy ngay từ thuở hồng hoa...

Khôi Phạm

in Văn Nghệ

Nỗi buồn hoa phượng: Từ 'nàng thơ' thi ca đến bi kịch của một tượng đài

Kỉ niệm tuổi học trò của tôi với phượng đi theo lối mòn như văn mẫu. Dù đã cố gắng lục tìm trong tiềm thức một mảnh kí ức đặc biệt nào đó khác với hoa phượng, tâm trí tôi vẫn đau đáu tìm về khoảnh khắ...

Paul Christiansen

in Văn Nghệ

Viết cho tượng 12 con giáp — niềm vui bất tận của tôi mỗi dịp Tết về

Cứ mỗi mùa Tết đến, mạng xã hội Việt Nam trở nên xôm tụ khi mọi người khắp đầu cầu đất nước bắt đầu chia sẻ hình chụp tượng linh vật năm mới quê mình. Ngồi ngắm nghía tượng trên mạng cùng team Saigone...

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

5 album cho những đêm vừa chạy xe về vừa tưởng tượng mình đang đóng MV

Sài Gòn, đồng hồ điểm 12:03 khuya. Bạn vừa xem xong một bộ phim chiếu vào suất cuối cùng của ngày. Bãi giữ xe buổi đêm tĩnh mịch, ai nấy yên lặng lấy xe ra về trong ánh vàng cam của đèn đường. Bạn đi ...