Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Uống » Hẻm Gems: Lặng yên nhâm nhi ly cà phê của 'Thời Thanh Xuân'

Hẻm Gems: Lặng yên nhâm nhi ly cà phê của 'Thời Thanh Xuân'

Quán của Thời Thanh Xuân không chỉ là tuổi trẻ của anh Võ Thành Luân, người sáng lập quán, mà còn là nơi những bạn trẻ khiếm thính viết nên thời thanh xuân của mình, giúp các bạn học hỏi, phát triển bản thân và hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. 

Những người truyền cảm hứng không cần dùng lời

Dù tới chi nhánh ở Đà Lạt mộng mơ hay cơ sở mới ở giữa TP. HCM ồn ào náo nhiệt, những vị khách tới thăm cũng sẽ cảm nhận được cảm giác vô cùng an yên. Lần đầu tìm tới Quán của Thời Thanh Xuân ở Sài Gòn, bạn rất dễ đi quá vì quán khiêm tốn nép mình tại một căn nhà phố bình thường trên con đường Trương Quốc Dung tấp nập của Quận Phú Nhuận. Không biển hiệu hoành tráng, không đèn neon nhấp nháy và cũng không có mấy chú bảo vệ chăm chú đọc báo dưới dù che nắng ngoài cửa. Ấy vậy mà chỉ cần dựng xe ở khoảng hiên sâu khoảng 2 mét và mở chiếc cửa kính khung sắt không mấy thẩm mỹ ấy ra là ta sẽ bước vào một thế giới thật khác: yên tĩnh và bình tâm đến lạ. 

Có lẽ hôm đó tôi và anh bạn nhiếp ảnh gia là hai vị khách đầu tiên “mở hàng” cho quán. Mới thấy bóng dáng hai anh em chúng tôi lọc cọc bước vào, bạn nhân viên phục vụ kiêm pha chế duy nhất có mặt lúc bấy giờ đã nhanh nhẹn chạy lại mở cửa và dẫn chúng tôi vào tận bàn. Nhưng trước khi thấy nụ cười tươi tắn của bạn, mới hé đầu vào, chúng tôi đã được chào đón bởi mùi gỗ thông thư thái cùng hương tinh dầu thoang thoảng và bản nhạc không lời du dương. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi và cả những cả những vị khách tới sau đều giữ âm lượng ở mức vừa phải, đôi lúc chỉ là những tiếng thì thầm. 

Bạn nữ nhân viên phục vụ chúng tôi hôm đó cũng giống như toàn thể nhân viên khác của quán ở cả Đà Lạt và Sài Gòn là những bạn trẻ câm điếc. Dù đã được một người bạn giới thiệu trước, nhưng khi đến Quán của Thời Thanh Xuân lần đầu tôi không khỏi bối rối. Mình sẽ gọi nước như thế nào? Làm thế nào để xin phép bạn đó cho chúng tôi chụp hình? Tuy nhiên các câu hỏi này không ở lại trong đầu tôi quá lâu vì chỉ ngay sau khi chúng tôi ngồi vào bàn, bạn nhân viên đã mang tới menu đi kèm với tờ giấy note hướng dẫn: “Bạn vui lòng chọn thức uống trên menu. Rút que có màu tương ứng với thức uống để bạn nhân viên điếc có thể hiểu và phục vụ bạn nhé! Cảm ơn bạn đã thương và giúp đỡ Quán!” 

Chỉ mới bước vào khoảng 5 phút thôi mà chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Giở qua giở lại tờ menu, chúng tôi căng mắt cũng không thấy giá tiền đi kèm đồ uống. Nhờ có tờ ghi chú đặt cạnh một chiếc thùng nhỏ ở quầy pha chế, tôi mới hiểu quán không định giá đồ uống mà để các vị khách trả tiền tùy theo tấm lòng. Những món duy nhất có bảng giá là những cục xà bông handmade, tinh dầu và đồ lưu niệm cũng do nhân viên của quán tự tay làm. Qua trò chuyện với anh Thành Luân, chúng tôi được biết Quán của Thời Thanh Xuân còn có hẳn một nông trại rộng 5 ha ở Đà Lạt dùng để trồng cây cỏ, thảo mộc và sản xuất các sản phẩm thủ công. Hiện tại, Quán đang bày bán chín loại tinh dầu gồm oải hương, phong lữ, sả chanh, sả Java, gỗ thông, quế, hương thảo, bạc hà và cam. 

Không gian dễ thương từ những điều nhỏ nhoi không chỉ thu hút những người cần chút tĩnh lặng giữa phố thị ồn ào mà nơi đây còn kết nối cả cộng đồng người khiếm thính, người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Một điều thú vị nữa là các vị khách tới thăm có thể lưu lại bút tích bằng cách viết vào giấy note và dán lên tường. Hàng ngàn lời nhắn đáng yêu đã được để lại quán: đó là sự yêu mến cho các bạn nhân viên thân thiện, số khác ghi lại cảm xúc bỡ ngỡ khi giao tiếp với người khiếm thính lần đầu, cũng có người viết về cảm giác an yên khi nhâm nhi cà phê nơi đây... Cho dù vài lần bị trộm mất thùng tiền, quán cũng không tiếc bằng việc để mất những tờ giấy note.

Những người sáng lập xác định Quán của Thời Thanh Xuân không phải là tổ chức từ thiện. Họ đang đi theo mô hình một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh giúp đỡ những bạn câm điếc phát triển bản thân, vừa học tập, lao động tạo ra giá trị và các sản phẩm có ích. “Nhiều người cứ mặc nhiên cho rằng người câm điếc thì thường mộc mạc, đơn giản và hơi có phần low-tech nhưng không đúng. Họ có lối tư duy và những nhu cầu giống bao người, thậm chí là hơn, chỉ có điều không thể nghe và phát âm,” anh Vũ, phụ trách bộ phận marketing của quán, cho biết.

“Ví dụ như bạn Khôi chuyên làm bánh cho Quán. Những chiếc bánh bạn làm ra cũng rất được lòng khách hàng nhờ vị thơm ngọt nhưng không béo hay gây ngấy. Bạn còn có tài vẽ tranh rất ấn tượng, có thu nhập tốt và được khách hàng yêu thích. Đặc biệt, sau một thời gian đi làm, Khôi còn để dành đủ tiền mua một dàn máy tính hoành tráng để phục vụ nhu cầu riêng. Một bạn nam khác là Hà rất giỏi sửa chữa hệ thống điện, nước và đã chuyển sang buôn bán linh kiện điện tử.”

Trò chuyện qua những mẩu giấy với một số bạn nhân viên khác tại đây, tôi nhận thấy họ đều rất tài giỏi, những câu chuyện của họ cho tôi thật nhiều cảm hứng. Tôi có dịp được gặp Thùy, một bạn nữ nhân viên pha chế “cứng" của quán. Được các anh chị tại đây chỉ dẫn, cô bạn chỉ mất vỏn vẹn sáu tháng để học cách làm ra các món nước. Không chỉ học pha chế, cũng trong thời gian ngắn này, Thùy còn học luôn ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết Tiếng Việt. Cô học và làm mọi thứ suôn sẻ nhờ sự lanh lẹ và quyết tâm cao độ. Mong muốn của Thùy là trở thành một người pha chế nước chuyên nghiệp. Nhìn những món đồ uống được Thùy làm hết sức cẩn thận với sự tập trung cao, tôi tin cô bạn sẽ sớm làm được điều mình thích. Nếm thử một ngụm chocolate nóng thơm, hương vị đậm đà mà cô pha, lòng tin đó lại càng thêm chắc chắn.

Hỏi tới cụm từ “hoài bão” hay “đam mê,” dường như các bạn đều còn mơ hồ nhưng tựu chung lại, các bạn nhân viên đều biết rõ mình đang làm gì, không ngừng cố gắng tạo ra giá trị cho bản thân cũng như cộng đồng. Chẳng cần nói ra rằng “tôi làm được điều này, tôi sẽ thế này thế nọ,” họ cứ lẳng lặng tự làm ra mọi thứ thôi.

Thùy với sở thích pha chế các loại đồ uống.

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, cách núi

Quán của Thời Thanh Xuân không phải doanh nghiệp tiên phong trong việc dùng nhân sự là người câm điếc. Trước đó, nhiều doanh nghiệp với mô hình này đã xuất hiện và cũng đã đạt được thành công nhất định, có thể kể đến quán bánh khoái “không lời” nổi danh suốt 40 năm ở Huế, tiệm bánh mì Bread of Life tại Đà Nẵng, cà phê Lặng ở Sài Gòn, cà phê Tâm ở thủ đô Hà Nội, v.v. Đặc điểm chung có thể thấy thấy của những đơn vị này là họ không thương mại hóa sự cảm thương, mà dùng chính những sản phẩm, dịch vụ, giá trị do người khiếm thính tạo ra để thu hút khách hàng. Mỗi nơi ghi dấu ấn bằng những đặc trưng riêng biệt nhưng đều là tọa độ gắn kết người câm điếc với nhau, cũng như với cộng đồng.

Tuy nhiên, phần lớn các công ty ở mọi ngành nghề vẫn còn khá thờ ơ và ngần ngại khi nhận người khuyết tật nói chung và người câm điếc nói riêng. Nguyên nhân rõ ràng nhất là hạn chế về mặt giao tiếp. Đa số người câm điếc ở Việt Nam sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là chính và chưa quen với ngôn ngữ văn bản. Trong khi ngôn ngữ ký hiệu chưa được phổ biến rộng rãi trong cả cộng đồng. Số lượng phiên dịch viên trong lĩnh vực này cũng còn hạn chế. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động năm 2015, nước ta có hơn 7 triệu người khuyết tật, 15% trong số đó là người câm điếc. Hệ thống giáo dục cho đối tượng này cũng còn hạn chế, hiện mới chỉ có trên dưới 70 trường học, trung tâm cho người điếc mà hầu hết tập trung ở các thành phố lớn. Theo Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED), người điếc phải mất từ 7 tới 10 năm cho chương trình tiểu học, một số theo được tới cấp hai hoặc cấp ba. Khi tốt nghiệp các cấp độ này, độ tuổi trung bình của các bạn đã là 25. Họ bước vào đời với hành trang bằng ba con số 0: không thể giao tiếp, không chuyên môn và không có thông dịch ngôn ngữ ký hiệu. 

Vì vậy, những doanh nghiệp xã hội với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng nghề thiết thực đã và đang mang lại giá trị rất lớn giúp cộng đồng những bạn trẻ kém may mắn này hòa nhập với xã hội tốt hơn. Nếu như nhiều năm trước đây, đa phần người câm điếc phải làm các công việc chân tay nặng nhọc thì hiện tại, ngày càng có nhiều người trong số họ tham gia các ngành nghề khác như dịch vụ, nghệ thuật, v.v. Các dự án cộng đồng cũng lớn dần lên, tiếp thêm động lực và hướng dẫn nhiều kỹ năng cho người câm điếc. 

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông” — đưa mắt nhìn các bạn trẻ ở Quán của Thời Thanh Xuân hăng say làm việc, trong đầu tôi bỗng nhớ ra câu nói của nhà văn Nguyễn Bá Học. Và thêm một điều bỗng dưng, tôi thấy như vừa được nạp thêm năng lượng để tiếp tục cố gắng.

Quán của Thời Thanh Xuân mở cửa từ 8:30 sáng tới 9:30 tối.

Đánh giá: 

Hương vị: 4/5 — Cả trà và cà phê tại quán đều rất thơm nhưng menu của quán không quá đa dạng

Giá cả: 6/5

Không gian: 5/5

Độ thân thiện: 5/5

Địa điểm: 4/5

Quán của Thời Thanh Xuân

1e Trương Quốc Dung, Phường 8, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

In bài này
 

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Uống

Hẻm Gems: Đi nhẹ, nói khẽ thôi, The Hidden Elephant đang đọc sách

Trên bản đồ cà phê độc lạ ở Sài Gòn, có đầy rẫy những thương hiệu "quốc dân" và cả những cái tên vẫn còn lạ lẫm. Cũng có khi, ta nghĩ một quán quen bí mật là địa điểm yêu thích của riêng ta, ấy vậy mà...

in Uống

Hẻm Gems: Cafe Nhà Phạm, tần số âm trầm phát ra giữa phố thị

Trong hành trình khám phá ẩm thực của bản thân ở Sài Gòn, tôi nghiệm thấy những quán xá được truyền miệng luôn có tỷ lệ thành công cao. Những góc nhỏ bình yên, những món ngon lạ miệng và cả những cộng...

in Uống

Hẻm Gems: Cảm giác ấm áp không đổi thay ở cafe Nhà Phạm

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu không gian tại nơi chốn ưa thích đột ngột bị đổi hoàn toàn? Bạn sẽ còn yêu mến nó hay không? Đó là những câu hỏi nảy lên trong đầu chúng tôi vào buổi chiều trước khi gh...

in Uống

Hẻm Gems: Hương vị mùa thu ấm cúng tại Tokyo Moon, quán Hàn ở Phố Nhật

Sự hiện diện của quán cà phê phong cách Hàn Quốc Tokyo Moon (Mặt Trăng Tokyo) ở khu phố Nhật Bản trên đường Lê Thánh Tôn tuy khá kỳ lạ nhưng vẫn nhận được sự hưởng ứng lớn trong thời gian gần đây. Tại...

in Uống

Hẻm Gems: Khám phá Cù Rú, quán bar nhà kính có lối decor kỳ thú ở Đà Lạt

Ghi chú: Cù Rú Bar là quán bar do một nhóm bạn thân mở ra ở Sài Gòn, với mục đích tạo nên nơi nương náu cho tâm hồn nghệ sĩ, chốn giao lưu sáng tạo và thưởng thức những ly cocktail pha bằng rượu nhà l...

Paul Christiansen

in Uống

Hẻm Gems: Quán cà phê trong biệt thự Pháp cổ cho những tâm hồn tĩnh lặng

Nếu được nhân cách hóa, Vừng Ơi Mở Ra Cafe sẽ là một người bạn lớn tuổi, tinh tế và ẩn chứa nhiều điều thú vị. Tại Quận 3, TP.HCM có rất nhiều biệt thự Pháp từ lâu đã xuống cấp hoặc bị san phẳng để n...