Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu không gian tại nơi chốn ưa thích đột ngột bị đổi hoàn toàn? Bạn sẽ còn yêu mến nó hay không? Đó là những câu hỏi nảy lên trong đầu chúng tôi vào buổi chiều trước khi ghé thăm chi nhánh mới của cafe Nhà Phạm.
Qua kha khá những lần đổi địa điểm, Nhà Phạm đã tìm được cho mình một chốn dừng chân mới, nằm sâu trong một con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh.
Khi được nghe tin Nhà Phạm không còn nằm ở địa chỉ cũ là Lê Văn Duyệt, tôi không khỏi thổn thức vì đã lỡ yêu không gian tràn ngập ánh sáng, thoáng đãng và thanh bình, vô cùng lý tưởng để tránh mặt khỏi chốn đô thị vồn vã này. Tôi tự hỏi liệu những gì khiến mình và những người khác phải lòng Nhà Phạm có còn được nguyên vẹn sau lần di dời này không.
Thế nhưng ngay khi đặt chân vào không gian mới, thật mừng vì sự lo âu trước kia của mình thực sự là không cần thiết. Bởi lẽ cá tính "cũ" đặc trưng của Nhà Phạm không phụ thuộc vào địa điểm nó tọa lạc, mà được tạo nên bởi Trọng, người chủ trẻ tuổi đã định hình phong cách cho quán.
Vào thời điểm tháng 10, Trọng nhận được thông tin địa điểm ở Lê Văn Duyệt cần được lấy lại để phục vụ cho dự án khác, và từ đó anh bắt đầu hành trình đi tìm điểm dừng chân mới cho Nhà Phạm. "Mình nghĩ đó là do duyên," Trọng chia sẻ về nhà mới ở Hoàng Hoa Thám. "Một người bạn giới thiệu mình đến đây, sau khi xem xét kỹ về bố trí, không gian, sự sắp đặt ánh sáng thì mình nghĩ đây là lựa chọn phù hợp."
Nhà Phạm không lớn nhưng vừa đủ cho một buổi chiều thư giãn đối với tôi. Sàn nhà được lót gỗ tạo cảm giác vô cùng ấm cúng. Thiết kế quầy bar mở ngay cửa vào là một sự sắp đặt khôn khéo để các nhân viên tiện chào đón khách đến và tạm biệt khách đi, cũng giúp những vị khách dù ngồi ở đâu cũng có thể nghe được mùi cà phê đang xay, hay hương thơm lừng của những chiếc bánh mới nướng.
Đồ đạc sắp xếp vô cùng ngăn nắp trên quầy, và chủ yếu là những dụng cụ để pha cà phê thủ công. Một cây thông nhỏ xinh được trang trí bắt mắt, tạo điểm nhấn cho cả gian pha chế đã ngay lập tức thu hút ánh nhìn của tôi. Những chi tiết đơn giản đã thể hiện được sự tinh tế và ân cần của anh chủ người Đà Lạt.
Tôi nghĩ chỗ ngồi ở tại quầy bar là một lựa chọn không tồi cho những vị khách cần sự tập trung làm việc, hay chỉ đơn giản là muốn tìm sự độc lập, riêng biệt trong không gian.
Không gian Nhà Phạm mới có sự thu hẹp rõ rệt so với chốn cũ, vì thế mà phần ánh sáng tự nhiên len lỏi vào cũng bị giảm đi đáng kể. Tuy nhiên cũng vì vậy mà trở nên ấm cúng và thân mật hơn nhiều.
Khi để ý kĩ hơn sẽ thấy vài đồ vật quen thuộc từ địa điểm cũ như bàn bê tông, quầy bar, kệ sách, v.v. Chính những điều nhỏ nhặt này đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và liên kết tinh thần của Nhà Phạm. Cá nhân tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy sao thân thuộc quá, như thể Nhà Phạm chưa từng bị xê dịch.
"Mình nghĩ rất khó để tìm được những không gian giống nhau hoàn toàn, nên thay vì vậy, mình chọn duy trì tinh thần của Nhà Phạm qua từng địa điểm, gìn giữ mô hình quán cà phê gia đình với những món nước gần gũi cùng mức giá không quá cao," Trọng nói.
Menu của quán khá đa dạng từ cà phê đen, cà phê sữa, đến các sự lựa chọn cho người không hảo caffeine như nước ép trái cây hay trà sữa gạo rang kèm sương sáo hoặc bánh flan. Ngoài ra còn có những món ăn đơn giản nếu bạn cần lấp đầy cái bụng rỗng như mì ý, waffle nướng, hay bánh chuối, v.v.
Giá cả ở Nhà Phạm mới được "duy trì ở mức vừa túi" chỉ từ 40.000–60.000VND một món. Tôi chọn cho mình món nước có cái tên khá ngọt ngào để làm dịu cổ và thêm phần tỉnh táo sau khi đi đường xa trong thời tiết nắng nóng ẩm ương, trà sữa gạo rang kèm bánh flan, cũng là món nước rất được ưa chuộng với những bạn yêu mến Nhà Phạm.
Những người bạn đồng hành của tôi, với sự giới thiệu từ nhân viên pha chế, đã gọi cà phê chuối và cold brew dâu tằm. Vì không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của hình ảnh trên thực đơn, chúng tôi cũng quyết định mua thêm một phần bánh waffle nướng dùng kèm trái cây và kem.
Khi món ăn và nước được mang lên, ấn tượng đầu tiên của tôi là phần trang trí món khá đơn giản nhưng vẫn đẹp mắt, dụng cụ ăn uống đều được làm từ inox bảo vệ môi trường. Món trà sữa gạo rang cũng không làm chúng tôi thất vọng, với vị thơm đặc trưng từ gạo thanh dịu không ngọt gắt, đi cùng là bánh flan ngon miệng tạo nên một món giải khát lý tưởng cho buổi chiều thư giãn.
Tuy nhiên, chúng tôi lại không quá ưu ái món cà phê chuối vì vị đắng từ caffeine, nhưng phải công nhận đây vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời đối với những bạn cần F5 khẩu vị hay cần duy trì sự tỉnh táo cho một ngày làm việc dài. Bên cạnh đó, cold brew dâu tằm và bánh waffle nướng đều mang những vị ngon rất đặc trưng và đáng để thử khi lui tới Nhà Phạm.
Nếu có cơ hội quay lại, tôi chắc chắn sẽ thử món phin drip theo lời giới thiệu của Trọng: "Phin drip được pha chế từ phin cà phê, công cụ pha chế truyền thống và nguyên bản nhất của người Việt, là cội nguồn của rất nhiều thứ. Vì vậy đây là món mình yêu thích nhất tính đến hiện tại, dù đây không phải lựa chọn phổ biến nhất của quán nhưng nó thể hiện được con người mình rõ rệt nhất."
Lịch mở cửa của quán không có thay đổi so với chi nhánh cũ, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều và nghỉ vào ngày thứ Hai.
Đánh giá:
Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Cafe Nhà Phạm
93/30 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh