Hơn cả một không gian thưởng thức cà phê và tìm kiếm chút riêng tư, Gác Miên còn là chốn nhỏ an yên gợi lên trong lòng khách đến thăm nỗi hoài niệm lặng lẽ, đẹp và buồn.
Mỗi khi tìm về khu chung cư cũ này, tôi lại bước lên những bậc cầu thang quen thuộc. Chuyến đi ấy luôn dẫn tối đến một góc rất nhỏ, tưởng như đã bị bỏ quên trong tâm trí mình. Lần đầu tiên đến đây, tôi đang mải miết tìm cho mình một định nghĩa riêng biệt về Hà Nội. Tôi tự hỏi, điều gì đã định nghĩa thủ đô trong tôi: Là hương vị của món cà phê, là những hàng quán bên đường, những bức tường mang sắc vàng thân thương, hay những kỷ vật còn sót lại từ một thời bao cấp?
Gác Miên nằm ẩn mình trên tầng ba của khu chung cư cũ ở Khương Thượng, như thể không muốn để ai tìm thấy. Đường đến quán chẳng có một biển chỉ dẫn nào, cánh cửa vào căn chung cư cũng không nói cho khách biết họ đã đến nơi. Có lẽ Miên muốn chúng ta có niềm tin vào mỗi lần hẹn gặp quán. Thế nhưng, tôi sẽ mách cho độc giả một gợi ý nhỏ: lối vào Gác Miên có đặt rất nhiều chậu cây xinh xắn.
Miên kể về Hà Nội bằng ngôn từ của vô số đồ vật vừa thân quen vừa khác lạ. Đây là tấm mền được dùng làm rèm, kia là vải tái chế làm khăn trải bàn, chai thủy tinh rỗng thì trở thành lọ hoa. Mỗi ngóc ngách nơi đây dường như đều mang trong mình một câu chuyện riêng. Góc này có chiếc ghế sofa được đặt thẳng đứng và dựa vào tường, góc kia là nơi đặt giá sách và treo tranh.
Tôi chọn được chỗ ngồi nhìn ra ban công ngập tràn ánh nắng, nơi tôi nhìn thấy sàn gạch đỏ, cửa sổ sơn màu xanh lá cây và những bức tường mang dấu ấn thời gian. Khung cảnh ấy gợi nhớ về ngôi nhà cũ của ông bà tôi, nơi mẹ tôi đã lớn lên. Hòa mình vào không gian của Miên, tôi như ôm trên tay chiếc hộp thời gian và được gặp lại những mẩu ký ức mình yêu quý nhất.
Tôi gọi một cốc bạc xỉu, và quyết định không mở máy tính lên như thường làm. Thay vào đó, tôi chọn viết về những vướng bận trong lòng mình những ngày qua. Bước chân thời gian như nán lại bên cốc bạc xỉu đậm đà. Thế giới bên trong căn gác xép chỉ được ngăn với thế giới thực bên ngoài bởi khung cửa sổ xập xệ và rỉ sét, nhưng khung cảnh với tôi vốn đã đủ hoàn hảo. Có một tia nắng tươi tắn đang lấp ló qua tấm rèm voan, ngọn đèn trên đầu đang khẽ đung đưa theo nhịp quạt quay, và ngoài ban công là mấy chú mèo nằm dài tắm nắng.
Cảm giác thân quen của Miên còn đến từ những âm thanh ta có thể dễ dàng gọi tên mà không cần nhìn thấy, như tiếng kêu của chiếc quạt điện đã muốn về hưu, bản tình ca từ đâu đó nhẹ nhàng vang đến, tiếng kêu í ới của bầy mèo trên bệ cửa sổ, và cảm giác êm tai khi ai đó sang trang. Thi thoảng chuông cửa vang lên báo hiệu quán có thêm khách. Họ đến để được ở một mình và tận hưởng không gian yên tĩnh, vì thế căn chung cư vắng bóng những cuộc trò chuyện rôm rả. Có khách đến Miên để cho phép bản thân thoát khỏi bao xô bồ phố thị, hoặc như tôi, để tạm xoa dịu những ngổn ngang trong lòng.
Khi viết về một địa điểm, tôi thường tìm cơ hội trò chuyện với người chủ để được nghe câu chuyện về nơi ấy. Tuy nhiên, không hiểu sao tôi không thấy cần thiết phải làm như vậy đối với Miên. Tôi cảm thấy như người chủ đã nói những gì muốn nói qua mọi yếu tố trong không gian của quán.
Nhiều người gọi Miên là “căn gác chất chứa nỗi sầu đẹp đẽ nhất.” Tôi nghĩ điều đó có phần đúng. Nơi này vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi vừa xa cách. Miên bất biến giữa thế giới vạn biến, vẫn giữ mãi nhịp sống yên tĩnh để ta lặng nhìn vào nội tâm của mình.
Mà tôi đã tìm thấy định nghĩa về Hà Nội ở Miên chưa? Có lẽ là chưa hoàn toàn. Tôi không nghĩ mình có thể miêu tả thành phố này chỉ bằng một từ hay một yếu tố nào đó. Nhưng tầng áp mái đầy kỷ niệm này đã bổ sung vào vốn từ tôi dành để định nghĩa thủ đô, với những câu chữ lộn xộn nhưng lại hoàn hảo theo cách rất riêng.
Đánh giá:
Hương vị: 3.5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 4/5
Vị trí: 5/5
Gác Miên
Phòng 306, Cầu Thang Số 1, Ngõ 1A Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.